Home Ý Kiến Chuyển động ánh sáng trong “Giao diện” của Oanh Phi Phi

Chuyển động ánh sáng trong “Giao diện” của Oanh Phi Phi

Đăng vào
0

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine và từ website nghệ sỹ (ảnh cuối cùng)
Không sao chép đăng tải lại nếu chưa có sự đồng thuận của các bên

Khát khao mang sơn mài – loại hình nghệ thuật quốc gia của Việt Nam – ra khỏi đường biên của “đồ thủ công mỹ nghệ” đơn thuần, Oanh Phi Phi dồn sức cho “Giao diện” trong cuộc chơi với ánh sáng, chuyển động. “Giao diện” khiến người ta vừa trầm trồ bởi vẻ đẹp tráng lệ, lại vừa thích thú trước cách thể hiện mới lạ, tự do…

Triển lãm cá nhân mang tên “Giao diện” của nghệ sĩ Oanh Phi Phi được trưng bày từ đầu tháng 5/2019 tại Sài Gòn, với hai tác phẩm Specula (Nội soi) và Palimpsest (Thạch thư). Specula được tạo nên bởi 24 bức tranh ghép theo cách làm truyền thống (dùng sơn ta bồi lên những lớp vật liệu uốn cong, mài nhẵn đi và lặp lại các bước cho tới khi tác phẩm đủ dày và bóng loáng), nối liền thành một đường hầm mái vòm tráng lệ. Palimpsest lại là cuộc chơi khác với vật liệu hiện đại, khi dùng các tiêu bản sơn mài nhỏ đặt lên thấu kính, phóng đại trên màn hình máy chiếu.

Phác thảo dẫn đến Specula

Mất đến hai năm (2007-2009) để thực hiện và tôn tạo (2019), Specula là một trong những tác phẩm tâm huyết nhất của Oanh Phi Phi bởi cả tầm cỡ và mức độ thử nghiệm với thời gian và chất liệu. Nghệ sĩ gọi tác phẩm này là “tác phẩm sắp đặt nghệ thuật mang tính ảnh”. Đường hầm đủ lớn để người xem lọt thỏm giữa tầng lớp những họa tiết được ánh sáng làm cho kì ảo. Di chuyển một bước, sự biến thiên của ánh sáng và góc độ lại mang đến một cái nhìn mới mẻ cho người xem. Lúc này, chính người xem đang làm nhiệm vụ của một “thiết bị nội soi”, bước vào và thả tự do cho tâm trí mình. Đây có thể là thiên hà lấp lánh với hàng triệu hạt bụi li ti, kia có thể là những họa tiết của mái vòm nhà thờ công giáo, hay là góc nhìn của một đứa trẻ qua kính vạn hoa… Sự sáng tạo ấy góp phần làm nên giá trị tác phẩm.

Tiếp nối giá trị của các tác phẩm trước, Palimpsest phơi chiếu các tấm da sơn mài (sơn ta vẽ trên tấm phim trong) qua thấu kính lên một màn hình lớn. Sự phóng đại này khiến những chi tiết nhỏ xíu được hiển lộ, như thể ta ghé mắt nhìn vào kính hiển vi. Một mẩu sơn mài con con nằm trong lòng bàn tay, trong nháy mắt hàng triệu chi tiết tỉ mỉ được khuếch đại. Dự án này vì thế chạm tới một vài chủ đề như việc điều khiển độ sáng, sự thay đổi liên tục về kích cỡ và điểm nhìn, sự lệ thuộc vào máy móc để nhìn vạn vật… – tất cả đều phản ánh cách chúng ta tương tác với hiện thực trong từng phút giây hiện tại.

Không dừng lại ở việc dùng sơn mài để tạo thành tranh, ảnh hay đồ thủ công mỹ nghệ, Oanh Phi Phi muốn đặt thứ vật liệu kì diệu này dưới ánh sáng đèn chiếu, phim trong, kính… để khám phá những hình khối mới mẻ, cởi bỏ những bó buộc cũ kĩ về sơn mài trước nay. Mười lăm năm gắn bó với sơn mài của Oanh Phi Phi đã đem đến cho sơn mài đương đại một cơ hội thoát khỏi quan điểm cũ kĩ về loại hình nghệ thuật quốc gia rất giàu tiềm năng mà chưa được khai thác, đầu tư đúng mức này.

“Giao diện” hiện đang được triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, TP. HCM. Triển lãm mở cửa từ 10/5-21/7/2019.

Một góc trong đường hầm Specula hoàn thiện
Người xem lọt thỏm giữa cuộc chơi của sơn mài và ánh sáng
Palimpsest hay là cuộc khám phá mới mẻ của sơn mài và thiết bị hiện đại (ảnh tác giả cung cấp)

 

NO COMMENTS

Leave a Reply