Triển lãm: Mùa nước nổi

09 – 18/12/2021
Không gian trưng bày Art Space
42 Yết Kiêu, Hà Nội
Thông tin từ Tạp chí Mỹ thuật:
Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Đồng Tháp, học hệ sơ trung 7 năm khóa 1963-1970, học Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1971-1976, là người có uy tín chuyên nghề với vai trò thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật Hội họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong nhiều năm. Ông là 1 trong 10 họa sĩ thời Đổi mới của Mỹ thuật Sài Gòn, vẽ trừu tượng từ rất sớm và đã khẳng định con đường đi vững chắc trong sự nghiêp với ngôn ngữ tạo hình này.
Ca Lê Thắng rất được yêu mến với câu nói: “Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới” và quả thực, các bức tranh của anh đều lấy điều ấy như một sự “định vị” cho tâm thế sáng tác của mình.
Với khoảng 50 bức tranh mang chủ đề “Mùa nước nổi”, trên các chất liệu acrylic, tổng hợp, nhiều kích cỡ, sáng tác trong 10 năm trở lại đây… Ca Lê Thắng đã trình bày với bạn yêu nghệ thuật “một bữa tiệc hình ảnh đặc sắc” rất đáng lưu tâm.
“Mùa nước nổi” là “đặc sản” của Đồng Tháp, quê hương Ca Lê Thắng. Chắc chắn hơn ai hết, anh hiểu rõ cảnh vật, con người, không gian, thời gian đã tạo nên một “bản sắc mang tên Mùa nước nổi” quê mình. Những cánh đồng mênh mông nước trắng, những ốc đảo chơ vơ trên sông, những con thuyền chở người mải mướt mưu sinh, những bông điên điển vàng, bông súng tím, đàn cá linh xao xác bơi, những khóm sậy phất phơ, xao xác trong gió…tất cả đã biến hình, chỉ còn lại những mơ hồ, cảm giác về hình thể sự vật. Người xem có thể cảm thấy, tưởng tượng thấy rất rõ ràng trong tâm thức dù nó không thể hiện hình tượng cụ thể. Người xem “tự lần theo” những mảng hình đan xen, những sắc độ của màu, vệt đi của bút, các vết xược ma-trê để tự cảm một bức tranh với những hình tượng sự vật cụ thể trong tâm thức. Điều này tạo nên sức hấp dẫn khi người xem khám phá cảm giác, cảm xúc cá nhân.

Ca Lê Thắng sử dụng các gam màu có sự cọ xát nhiều sắc độ, nóng lạnh đan xen, trung tính cũng nhiều. Nhưng những bức tranh tạo được ấn tượng thị giác tốt vẫn là những bức có gam màu mạnh, rõ rệt. Cá nhân Tạp chí vẫn đặc biệt thích thú những bức có độ tương phản mạnh. Bởi sự tương phản mạnh sẽ giúp cho các mảng màu, các vệt đi bút, các chi tiết trở nên bắt mắt về thị giác, gây cảm xúc tốt cho người xem; sau đó mới đi vào chi tiết cụ thể…

