Mở Xưởng: Tra My Nguyen & Lâm Na tại Vietnam Art Collection (VAC)
Khai mạc: 17:00 – 19:00, thứ Sáu 13/06/2025
Trưng bày: 10:00 – 18:00, 14/06 – 06/07/2025 (Lưu ý: VAC đóng cửa ngày Thứ Hai, 16/06/2025)
VAC Hanoi
6/44/11 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội
Thông tin từ ban tổ chức:
Vietnam Art Collection (VAC) trân trọng giới thiệu Mở Xưởng của hai nghệ sĩ lưu trú Hè 2025: Tra My Nguyen và Lâm Na, mang đến cái nhìn đầu tiên về các dự án đang triển khai, cũng như các thực hành mới được phát triển trong thời gian lưu trú của hai nghệ sĩ tại VAC Hanoi.
Tra My Nguyen: “SHE WHO MOVES”
Là nghệ sĩ đa ngành hiện sống và làm việc tại Berlin, Đức, Tra My Nguyen thực hành với điêu khắc, hình ảnh động, sắp đặt và dệt may, tái định vị văn hóa vật chất qua lăng kính của người Việt xa xứ. Thực hành của cô tập trung vào sự giao thoa giữa cơ thể với các cấu trúc quyền lực, ký ức, và lịch sử của sự kiên cường và chuyển hóa. Thông qua các câu chuyện giả tưởng, tác phẩm của cô khám phá sự hiện thân, cảm giác xa lạ, và những phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trong thời gian lưu trú tại Vietnam Art Collection (VAC), nghệ sĩ giới thiệu những thước phim đầu tiên từ dự án phim ngắn mới được thực hiện tại Hà Nội và các vùng lân cận. Tác phẩm này được phát triển từ nghiên cứu của cô về sự đan xen giữa ký ức cá nhân và tập thể trong cộng đồng người Việt di cư. Được quay tại các địa điểm nông thôn và thành thị, bộ phim theo chân hành trình rời rạc, cùng biểu tượng của người phụ nữ trẻ đang di chuyển – cả về thể chất lẫn cảm xúc – qua những khoảnh khắc đứt gãy, mơ hồ và chuyển hóa nội tâm.
Lấy cảm hứng từ văn hóa xe máy Việt Nam, khái niệm nữ tính và môi trường sinh thái, cô nhìn nhận chuyển động như một hình thức ‘trở thành’. Trung tâm của bộ phim là hình ảnh bộ trang phục làm bằng silicone, được sử dụng như một công cụ cảm xúc chủ đạo. Bộ phim xóa nhòa ranh giới thời gian, mời gọi người xem bước vào không gian của sự mơ hồ tinh tế và suy ngẫm nhập thể.
Bên cạnh phim, cô còn giới thiệu loạt tác phẩm may dệt mới nhất, tiếp tục mở rộng thực hành về chất liệu, đồng thời vang vọng chủ đề của phim qua hình khối và kết cấu.
Thông qua không gian Mở Xưởng này, cô mời gọi khán giả suy ngẫm về cách cơ thể, hình ảnh và vật chất lưu giữ dấu vết, và cách sự chuyển hóa có thể xuất hiện không phải qua những khoảnh khắc kịch tính, mà ở những ngưỡng cửa lặng lẽ của đứt gãy, cảm xúc và sức bền.
Buổi Trò Chuyện Nghệ Sĩ cùng Tra My Nguyen sẽ diễn ra vào Chủ Nhật, ngày 15/6, từ 16:00 đến 18:00 tại VAC Hanoi.
Lâm Na: “Mấy mươi năm rồi mới gặp lại nhau”
Lâm Na thực hành tại giao điểm giữa các vật thể tìm thấy và đất nung, kết hợp các yếu tố mang ý nghĩa văn hóa Việt Nam để khảo sát sự chuyển hóa vật chất và mối quan hệ về thời gian. Cô gọi thực hành của mình là “va chạm mềm – không đàn hồi”, bắt nguồn từ việc khám phá đất như một “ổ cứng tiền sử” – nhân chứng thầm lặng cho sự chuyển động và biến đổi của vật chất qua thời gian.
Trong thời gian lưu trú, cô phát triển một chuỗi tác phẩm mới với các vật thể liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh – một nền văn minh cổ đại ở miền Nam Việt Nam, có niên đại được các học giả xác định trong khoảng từ 1000 TCN đến 200 SCN, tồn tại song song với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc. Bằng cách kết hợp các hiện vật được tìm thấy trong các hang động nguyên thủy ở Nghệ An, các tác phẩm đất nung của nghệ sĩ tạo nên đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và đổi mới. Quy trình nung và lắp ghép tỉ mỉ giúp các vật thể tìm thấy vẫn giữ được tính nguyên vẹn khi tham gia vào những cuộc đối thoại vật chất mới.
Song song với thực hành điêu khắc, cô khởi xướng dự án vẽ bằng cà phê trên giấy Dó – một chuỗi tác phẩm bắt đầu cùng thời điểm cô mở quán cà phê như một phần của không gian xưởng. Mỗi bức vẽ, sử dụng chất liệu cà phê và đôi khi là mực, khám phá mối quan hệ giữa ngôn ngữ và nghệ thuật thông qua sự kết hợp giữa chữ cái, thơ, hoặc những dòng chữ lặp lại với chân dung và hình tượng dựa trên những người thân trong cuộc sống của cô. Đến nay, cô đã hoàn thành gần 365 bức vẽ, với mục tiêu đạt 1.000 tác phẩm, sẽ được sắp đặt cùng một thân cây hóa thạch. Không gian Mở Xưởng sẽ trình chiếu một video lưu trữ ghi lại các bức vẽ đã hoàn thành, mang đến cái nhìn về thực hành hàng ngày và ngôn ngữ thị giác đang phát triển của cô.
Lâm Na hiện đang tham gia chương trình lưu trú của Mạng lưới Nghệ sĩ Lưu trú Việt Nam (AiRViNe) #3 và sẽ tổ chức một sự kiện cộng đồng do AiRViNe thực hiện trong thời gian lưu trú.
Vui lòng theo dõi các kênh mạng xã hội của chúng tôi để cập nhật thông tin mới nhất về cả hai sự kiện.
Về nghệ sĩ
Tra My Nguyen (sinh năm 1992, Hà Nội) là nghệ sĩ hiện sống và làm việc tại Berlin, từng triển lãm tại Bundeskunsthalle Bonn (Đức), Bienalsur (Argentina), VCCA Vincom Center for Contemporary Art (Việt Nam), State of Fashion Biennale (Hà Lan), cùng các triển lãm cá nhân và nhóm tại Grotto (Berlin), Human Resources (Los Angeles)… Năm 2020, cô nhận giải Fashion Position Jury Prize và hiện là thành viên chương trình BPA// Berlin.
Lâm Na (sinh năm 1987, Vinh) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế (2011) và nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật Thị giác tại Đại học Mahasarakham (Thái Lan) (2014). Triển lãm cá nhân của cô “Have Been – Eternally” (2023) tại Hanoi Studio Gallery đã nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Cô từng tham gia các triển lãm tại ASEAN Contemporary Art Exhibition (Bangkok), ASEAN Art Festival (Hua Hin), Seoul Art Festival (Seoul).
Về Chương Trình Lưu Trú VAC Hanoi
Được tài trợ toàn phần bởi Vietnam Art Collection, chương trình lưu trú VAC Hanoi là một phần của dự án LAUNCH, nền tảng hỗ trợ các nghệ sĩ và nhà thực hành văn hóa đang làm việc tại hoặc đến từ Việt Nam. Khởi động từ tháng 4/2024, chương trình khuyến khích nghệ sĩ khám phá chất liệu, phương pháp và tư duy mới, mở rộng hoặc thử thách thực hành hiện có, đồng thời thúc đẩy giao thoa liên ngành và hợp tác sáng tạo. Thông qua hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, chương trình cung cấp cho nghệ sĩ nhiều nguồn lực, mở rộng mạng lưới chuyên môn và tăng cường sự hiện diện trên các nền tảng khu vực.
Về VAC
VAC là tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Nội và New York. Tại VAC, chúng tôi xem bộ sưu tập như một mạng lưới cộng đồng, và xây dựng bộ sưu tập là quá trình hợp tác, gắn kết với cộng đồng, đóng góp vào một hệ sinh thái lành mạnh nơi nghệ sĩ, giám tuyển, nhà văn và người sáng tạo có thể phát triển. Sáng kiến của chúng tôi tập trung vào hai chương trình chính: ARTIFACT – dự án lưu trữ nghiên cứu nhằm khuếch đại tiếng nói của nghệ sĩ và cộng đồng sáng tạo trong và từ Việt Nam, và LAUNCH – chương trình hỗ trợ cộng đồng nghệ thuật Việt Nam. VAC cũng quản lý bộ sưu tập nghệ thuật Việt Nam, từ các bậc thầy thời Đông Dương đến các nghệ sĩ đương đại. Chúng tôi làm việc cùng hội đồng cố vấn và mạng lưới bảo trợ để kết nối, hợp tác lâu dài vượt qua biên giới.