Home Sự kiện Mĩ thuật KVT – Các sắc màu tại L’espace

KVT – Các sắc màu tại L’espace

Đăng vào
0

L’ESPACE LẤP LÁNH “ĐÁ QUÝ”

Hôm nay L’Espace trông đẹp đến kỳ lạ và sẽ còn đẹp như thế thêm một tháng nữa với 47 hoá thạch sống của Vương Văn Thạo lộng lẫy như những viên ngọc quý trên các bệ đỡ. Đó là những khối acrylic lớn với các vết nứt, gãy trên bề mặt và được chiếu sáng từ bên dưới trông như những khối đá quý vậy: nào là sapphire vàng óng, hổ phách đậm, và cả heliodor màu mật ong thẫm nữa.

Nhìn vào những khối acrylic đó bạn sẽ thấy những chiếc cổng làng được gìn giữ hoàn hảo – đó là những chiếc cổng truyền thống với mái vòm cong và có trang trí hoạ tiết dùng để đánh dấu lối vào những ngôi làng ở vùng đồng bằng Việt Nam. Ban đầu có thể bạn sẽ cho rằng chúng là những mô hình giống hệt nhau nhưng rồi bạn sẽ bất ngờ nhận ra rằng các tác phẩm hoàn toàn khác nhau và là những bản sao có kích thước tỉ lệ với những chiếc cổng thật.

Thạo đã dành bốn năm để tìm kiếm và làm các mô hình của những chiếc cổng làng đang dần bị sự đô thị hoá không ngừng của Hà Nội nuốt chửng. Khi một mô hình được dựng và sơn xong, nó sẽ được bọc trong một khối nhựa lỏng có lẫn tạp chất để tạo ra những vết rạn nứt khi đông đặc.

Thạo bắt đầu hành trình sáng tạo hoá thạch của mình từ năm 2005 khi anh thấy những ngôi nhà cổ ở khu phố cổ Hà Nội đang dần bị mất đi hoặc thay đổi với một tốc độ đáng báo động. Đầu tiên anh muốn đưa ra một tuyên ngôn và gìn giữ một ngôi nhà cụ thể nguyên cỡ trong một khối băng đá. Nhưng khi thấy điều đó khó có thể thực hiện được, anh quyết định bảo tồn mô hình một ngôi nhà từ mỗi khu phố trong hợp chất acrylic. Sau rất nhiều lần thử và sai và với sự động viên của nhiều đồng nghiệp, anh đã hoàn thành các mô hình và bọc chúng trong nhựa. Với mỗi khu phố, anh cho hoá thạch một trong những cây cột trên đó có gắn loa phát thanh và gắn biển tên phố. 64 mẫu hoá thạch được trưng bày tại L’Espace trong năm 2007 đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khán giả.

Các tác phẩm này được chú ý tới mức Thạo sau đó đã được đề cử là một trong 10 hoạ sỹ xuất sắc nhất khu vực Châu Á/Thái Bình Dương cho một nhóm tác phẩm cụ thể. Anh và các mẫu hoá thạch của mình đã tới Singapore, được trưng bày tại đó và nhận được thêm nhiều sự hoan nghênh. Và Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) đã quyết định mua toàn bộ nhóm tác phẩm này cho bộ sưu tập đồ sộ gồm các tác phẩm nghệ thuật đương đại xuất sắc nhất Đông Nam Á của mình.

Năm 2010, SAM đã dành một phòng riêng để trưng bày bộ sưu tập hoá thạch này trong một vài tháng và khi tôi được xem chúng toả sáng ở đó, nhiều khách tới bảo tàng có nói rằng đó là triển lãm phổ biến nhất nơi đây.

Thạo đã không hề “ngủ quên” trên thành công của mình và ngoài sê-ri Cổng làng, anh còn hoá thạch từng nhịp cầu Long Biên, và mãi gìn giữ một vài ngôi đền, ngôi chùa trong những khối hổ phách. Bên cạnh những chiếc cổng làng, cũng ở L’Espace Thạo còn có một triển lãm phụ gồm một hàng các mũi cuốc hoá thạch rất ấn tượng. Đó vốn là biểu tượng cho cuộc sống nông nghiệp cũ đang dần bị che lấp đi dưới những lớp bê tông ngổn ngang của thành thị.

 

Khối hoá thạch của một ngôi đền nhỏ giữa hồ Hoàn Kiếm rất được chú ý.


Tôi cứ gọi chúng là hoá thạch trong khi đúng ra phải gọi là những hoá thạch sống! Các hoá thạch của Thạo chính là những di tích của Hà Nội hiện tại đang có nguy cơ mất đi và hầu hết hiện vẫn còn mặc dù (như trường hợp của những chiếc cổng) đang bị lấn át bởi xi măng, sắt thép và một nền thương nghiệp đang phát triển …và trong một số trường hợp khác thì có nguy cơ bị phá bỏ vì ô tô không thể đi qua được.

Thạo là một hoạ sỹ, một nhà khảo cổ, một nhà sử học, một người lưu trữ, và đồng thời là một nhà hoạt động xã hội…Một sự kết hợp rất hiệu quả.

Nếu nói triển lãm này đẹp thì chính là đang hạ thấp đi giá trị thực của nó. Nó là một kỳ công quý báu có thể làm sững sờ tất cả những ai quan tâm tới cái đẹp trong nghệ thuật; tới những di sản thành phố đang dần biến mất; tới những điều mà các họa sỹ thực sự giỏi có thể tạo ra.


Dường như để đảm bảo những chiếc loa phát thanh khu phố không những không bị “tuyệt chủng” mà thậm chí còn xuất hiện mới mẻ, Uỷ ban nhân dân nơi tôi sống đã quyết định treo một số loa mới lên những chiếc cột trong phố. Hãy thử tưởng tượng niềm vui của chúng tôi khi bị đánh thức lúc 6 giờ sáng ngày thứ 7 bởi những bài hát nhạc thời chiến oang oang khắp ngõ. Một người bạn của tôi nằm cách cửa sổ hai mét đang để mở đã háo hức lăn khỏi giường. Cô ấy vội chạy ra ban công và thấy bên hàng xóm mọi người đang ca hát, nhảy múa, và ngạc nhiên lắng nghe những thông báo về bầu cử được phát xen giữa những bài hát phổ biến.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply