KVT – Triển lãm Autopsy I – Góc nhìn cá nhân của nghệ sỹ đến với công chúng
KVT đắm chìm trong những góc nhìn cá nhân tại viện Goethe
Có một triển lãm ảnh tuyệt vời đang diễn ra ở Viện Goethe Hà Nội, kéo dài đến tận cuối tháng 7 – 2013 (ngày 21).
Nó có tên Autopsy of Days, là sáng kiến của Doclab và được giám tuyển bởi nhiếp ảnh gia Jamie Maxtone – Graham. Muốn nói thêm với bạn là website của anh rất hay, đáng để bạn ghé thăm và 10 bức ảnh của anh trong series The Desiring Garden, mới bày tại Manzi, lại đang được triển lãm ở Arles, Pháp.
Thay vì làm phức tạp thêm thông tin, tôi sẽ sử dụng lại bản viết của Jamie giới thiệu về triển lãm ấn tượng này:
………Từ “autopsy” có nguồn gốc từ “autoysia” trong tiếng Hy Lạp , có nghĩa là “nhìn vào chính mình”.
15 nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam có tác phẩm trưng bày ở đây cho chúng ta thấy một cách tường tận những điều mà họ đã tự nhận thức cho riêng mình thông qua những mảng nhỏ rất riêng tư trong cuộc sống và những mối quan tâm của chính họ. Đó là những nghiên cứu bản thân, quan sát thế giới riêng tư từ bên trong. Nếu xem xét về khía cạnh khoa học thì như vậy là thiếu chính xác, tuy nhiên, qua đó lại có thể nhận thấy nhiều điều và có nhiều thứ để học hỏi.
Tháng 3 năm 2013, DocLab bắt đầu một workshop nhiếp ảnh kéo dài 3 tháng với trọng tâm là cách cá nhân tiếp cận để chụp ảnh và cách cá nhân nhìn nhận bản thân. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh gặp nhau hai lần một tuần, tập trung vào nghiên cứu, làm các bài tập thị giác và trình bày tác phẩm trên hai khía cạnh công việc của cũng như nghiên cứu. Các bài tập được thiết kế nhằm khuyến khích thành viên nhìn nhận lại quan hệ cá nhân của họ với nhiếp ảnh và nhìn thẳng vào tất cả những sự giản đơn và phức hợp của hành động đó.
Sẽ là sai lầm nếu nghĩ các tác phẩm nhiếp ảnh này là của sinh viên. Thực tế hầu hết các thành viên đều là những nghệ sỹ nghiệp dư, họ hoạt động trong các lĩnh vực khác nhưng chụp ảnh vì tình yêu và đam mê. Các tác phẩm được giới thiệu ở đây thực ra là tác phẩm nhiếp ảnh của những nghệ sỹ mới khởi nghiệp, được sáng tạo bởi nhiệt huyết và sự tỉ mỉ, bằng trí thông minh và tưởng tượng, bằng sự thấu hiểu về lịch sử xã hội cũng như nghệ thuật.
Đây là công việc của người nghệ sỹ muốn cho xã hội chứng kiến những điều mà có thể không phải lúc nào họ cũng thấy thoải mái khi quan sát. Nhưng xã hội phải theo chân nghệ sỹ và như nghệ sỹ, phải nhìn vào chính mình. Trong hành động đơn giản là nhìn vào cái mà người khác đã nhìn được giúp chúng ta nhận thức được căn bệnh và hiểu biết của chính mình.
Tôi bị ấn tượng với triển lãm và trong tháng tiếp theo, tôi sẽ làm cho nó nổi bật hơn bằng cách lựa chọn giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ chứ không chỉ gói gọn cả triển lãm trong một mẩu ý kiến ngắn ngủi.
Trong lần xem thứ hai, quả là tôi bị mê hoặc bởi series ảnh đen trắng của Nguyễn Thủy Tiên… 7 series riêng rẽ thể hiện trọn vẹn nguyên lý của giám tuyển viết trong đoạn cuối lời giới thiệu.
Tiên còn tự viết tay chú thích vào tác phẩm của mình… phải chăng đây là một tham khảo tới tác phẩm của Sophie Calle? Đôi khi, chúng làm tăng cảm xúc, thấu cảm trong người xem, nhưng cũng có khi chúng lại là trở lực để người xem đến gần hơn với tác phẩm.
Những hình ảnh trong hai series mà tôi chọn ở đây nói về vấn đề già hóa trong giới nữ ở Việt Nam và cả hai đều gây cảm giác nhói buốt trong lòng ta, có lẽ thật khó khăn để đối diện chúng…
Những dòng viết tóm tắt, nói thêm về các hình ảnh tiếp sau đây… về một nhà thơ từng nổi tiếng và vẫn còn được nhớ tới… thực sự xúc động. Tuy vậy, tôi sẽ không chép chúng ở đây.
Series tiếp theo trung thực đối diện với nỗi tủi nhục cá nhân khi tuổi già đến và làm người ta bất lực cả về thể xác lẫn tinh thần.
Một bộ ảnh rất thuyết phục dưới đây, tiêu đề Rehearsal, của Trương Quế Chi, ghi lại buổi tập kịch có những hình ảnh giàu tính thị giác của các bạn nghệ sĩ trẻ ở Nhà hát Tuổi trẻ. Tôi lựa giới thiệu một số bức thật lôi cuốn.
Tác phẩm ngay lập tức gây chú ý cho tôi trong cả hai lần đến xem triển lãm lại là một tác phẩm duy nhất không treo trên tường. Nó là một sắp đặt của Người ẩn danh, mời gọi ta ngồi xuống bên cái bàn nhỏ bừa bộn những hình vẽ với những nào sổ ghi chép, đồ đạc cá nhân lặt vặt, và xem lướt qua tập ảnh của cô. Bạn có thể sắp xếp lại mọi thứ, ghi chút bình luận, trang trí thêm hoặc đơn giản là chỉ vui thích ngắm chúng.
Tôi hi vọng cô sẽ giữ sự tập trung làm nghệ thuật theo phẩm chất như vậy. Có một chút thử phong cách Tracey Emin trong tác phẩm này.
ĐÂY THỰC SỰ LÀ MỘT TRIỂN LÃM ĐÁNG XEM và mở cửa đến tận 19:00 hàng ngày.
Dịch: Đào Mai Trang
Kiếm văn Tìm là một người hay quan sát cuộc sống nói chung và những sự kiện về văn hóa tại Hà Nội nói riêng và chia sẻ những chính kiến của mình trên Grapevine. KVT nhấn mạnh rẵng những quan sát và quan điểm cá nhân không phải là ý kiến quan trọng. Xem Hướng dẫn bình luận và hãy chia sẻ các suy nghĩ của bạn vào phần bình luận dưới đây. |