Vũ Nhật Tân – Một đêm của âm thanh điện tử và Rock hạng nặng
Tối thứ Bảy 27.07 vừa qua, giới yêu nhạc thể nghiệm và Rock hạng nặng ở Hanoi được một đêm đã tai với bốn nhóm nhạc/nghệ sĩ đến từ Anh, Việt Nam và Nhật Bản.
Josh Kopecek mở đầu với những mẩu nhạc ngắn pha trộn giữa những đường nét ViệtNam với âm thanh điện tử do anh tự sản xuất trực tiếp trên sân khấu. Đeo một chiếc mặt nạ, anh giống như một người trộn nhạc (djing) nhưng thực tế là đang pha và xào nấu nhiều nguồn âm thanh hỗn hợp với chút nền tiết tấu (beat) chạy thoáng qua.

Josh chơi khá hay, đúng như phần giới thiệu, rằng “GENTLE OHM hoàn toàn có thể là dự án ‘điện tử’ và công phu nhất của một người nghệ sỹ đã từng sáng tác nhạc cổ điển đương đại hoặc trình tấu ngẫu hứng với các bảng vi mạch điện tử tự chế. Đây là một bức màn âm thanh lớn đầy bí hiểm, đan xen vào nhau những sample từ những thời kỳ đã đi qua của âm nhạc truyền thống Việt Nam, được nhúng vào một bể màu của nhạc industrial, và rồi tất cả được xử lý và lắp ghép tại chỗ (giữa những beat nhạc có phần ‘điên loạn’ ảnh hưởng bởi nhạc dub), phản ánh trực tiếp những dòng suy nghĩ và ý tưởng thường trực tuôn chảy qua người nghệ sỹ. Kết quả: một tấm lều bạt khổ cực đại căng tràn âm thanh và lẩn khuất những đốm sáng”, thế nhưng, anh lại chơi quá ngắn đến mức người nghe còn chưa kịp ổn định vị trí để định hình xem mình đang được nghe loại..nhạc gì.
Thật là tiếc, bởi vì giá như Josh chơi nhiều hơn, hoặc theo ý cá nhân tôi, thì Josh có thể chơi luôn cả phần thời gian của nhóm rock tiếp sau đó, thì có lẽ chương trình sẽ hay và hoàn thiện hơn. Augustory đã không gây được ấn tượng gì cho người viết ngoài sự nhiệt tình của họ. Dù vậy, cũng cần nhắc đến, rằng đây mới chỉ là lần xuất hiện trên sân khấu thứ hai của nhóm Rock trẻ này.

Phần chính của chương trình, Tatsuya Yoshida và KK Null, quả thực là ấn tượng!
Ấn tượng nhất, vì bởi cũng là người trong nghề, tôi hiểu họ cũng sử dụng cùng một loại máy tính kết nối với những thiết bị điện tử tương đối phổ biến, dễ mua và không đắt tiền, cũng không phải là công nghệ cao, để tạo ra những dòng âm nhạc/âm thanh từ thể nghiệm cho tới rock hạng nặng, và chỉ bởi hai người đã đủ để phủ nhạc đầy ắp sân khấu và tràn ngập khán phòng.
Tatsuya Yoshida trình diễn RUINS “một thứ progressive rock điên loạn và quái đản, các nhịp bất thường, thay đổi giai điệu bất chợt và chìm trong những tầng âm thanh đặc quánh. Thứ âm thanh tổng thể của RUINS là một sự hỗn loạn được sắp đặt công phu, ầm ĩ nhưng cũng đầy giai điệu, tưởng như khó tiếp thu nhưng rất dễ nghe, nổi loạn nhưng dường như vẫn tuân theo những nội quy kỳ lạ nhất định vạch ra và tuân thủ bởi Tatsuya”_đó là những gì bạn đọc trên website và cũng đúng là những gì anh đã trình diễn, gập ghềnh, khúc khuỷu và chuyển động liên tục, để rồi khán giả dù “có muốn nhún nhảy thì cũng không biết nhảy vào đâu được”.
[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=-n8_0oT_qwY[/youtube]
“KK Null (tên thật là Kazuyuki Kishino) là một trong những cái tên hàng đầu của âm nhạc tiếng ồn (noise music) Nhật Bản, cũng như của phong trào âm nhạc thử nghiệm toàn cầu nói chung”. Tôi biết KK Null rất nổi tiếng không chỉ ở Nhật Bản mà trên khắp thế giới nhạc thể nghiệm và âm nhạc tiếng ồn. Nhưng phần trình diễn âm nhạc Tiếng ồn lần này của anh lại.. êm dịu, ít ra là êm dịu hơn nhiều nếu so với những ngày tôi trình diễn chung trong một festival âm nhạc Thể nghiệm với anh tại thành phố Perth miền cực tây Australia năm 2003.

Nhưng phần anh và Tatsuya Yoshida chơi rock ngay sau đó thì lại nặng, rất nặng và rất hay! KK Null sử dụng trên sân khấu một máy tính MacBook Air kết nối với 2 bộ hiệu ứng âm thanh KaossPad, một bộ hiệu ứng guitar, một micro tự chế và một bàn trộn nhạc mixer Alesis, tất cả đều không đắt tiền, dễ mua và cũng dễ sử dụng. Vậy mà anh và Tatsuya đã làm nên những cơn bão âm nhạc và âm thanh tràn ngập, từ êm dịu đến gập ghềnh, từ những âm cao chót vót đến phần trầm cực nặng.., tất cả đã khiến hầu hết khán giả còn ở lại khán phòng phải lắc lư, nhiều người bắt đầu quay cuồng và chìm vào những dòng âm thanh đa tầng nhiều lớp..
“Vấn đề không phải là thiết bị hay công nghệ, mà là ở sự sáng tạo và tài năng của chính những người nghệ sĩ, đã quyết định sự thành công âm nhạc của họ”, một khán giả lẫn trong đám đông hét vào tai tôi như vậy.
Vâng, vấn đề là ở tài năng và sự sáng tạo!
Cảm ơn The Onion Cellar và Hanoi Rock City đã tổ chức thành công chương trình thú vị này.
[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=2d66Lj9TAXw[/youtube]
Ảnh và video: Mathias Rossignol (The Onion Cellar)
Vũ Nhật Tân là một trong những nghệ sỹ hàng đầu của dòng nhạc điện tử và thể nghiệm tiếng động tại Việt Nam. Anh cũng là một nhà bình luận có chiều sâu về âm nhạc đương đại và là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam |