Triển lãm “Ngày qua ngày – Phim số 2”
Khai mạc: 18:00, thứ bảy 08/10/2016
Triển lãm: 09:00 – 18:00, 09 – 23/10/2016
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
Thông tin từ Nhà sàn Collective:
Mời các bạn đến với triển lãm “Ngày qua ngày – Phim số 2” của hai nghệ sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai và Trần Minh Đức.
“Ngày qua Ngày” – Nguyễn Thị Thanh Mai
“Ngày qua Ngày” khám phá trải nghiệm về vấn đề phi căn tính và không nguồn cội của những người sinh ra hoặc có nguồn gốc từ Việt Nam hiện đang sinh sống trên lãnh thổ Campuchia. Trong quá trình khảo sát khu vực biên giới năm 2014, Nguyễn Thị Thanh Mai đã lắng nghe và ghi lại ký ức thầm kín về những mảnh đời bất an và vô định của họ. Các câu chuyện dấy lên những câu hỏi chung về quyền công dân và vấn đề di dân.
“Ngày qua Ngày” là kết quả quá trình nghiên cứu và sáng tác của Thanh Mai tại Chương trình nghệ sĩ lưu trú Pisaot, Sa Sa Art Projects (Phnom Penh, Campuchia, 2014), được hỗ trợ bởi Quỹ Pollock-Krasner Foundation, Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hoá Đan Mạch (CDEF) và SA SA BASSAC Gallery.
“Phim số 2” – Tạ Minh Đức
“Phim số 2” là tập thứ hai trong chuỗi 5 bộ phim ngắn thể nghiệm của nghệ sĩ. Nếu như ở tập đầu tiên, Tạ Minh Đức khắc họa cuộc sống của tất cả các nhân vật trong một gia đình Hà Nội đặc trưng, tập tiếp theo này sẽ xoáy sâu vào tâm lý nhân vật cậu con trai. Bộ phim diễn ra trong khung cảnh tù túng, chật hẹp của căn nhà mấy thế hệ cùng chung sống, với những ngóc ngách chứa đựng những ám ảnh hay ức chế tâm lý. Ở đó, câu chuyện tầm thường hay vặt vãnh nhất cũng phóng chiếu lên bối cảnh đô thị miền Bắc Việt Nam – một xã hội đang dịch chuyển và xung đột giữa guồng xoáy hiện đại – tư bản hóa.
THÔNG TIN NGHỆ SỸ
Nguyễn Thị Thanh Mai
Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1983 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Huế năm 2006 và hoàn thành chương trình Thạc sĩ, chuyên ngành Nghệ thuật Thị giác tại Đại Học Mahasarakham, Thái Lan năm 2012. Thanh Mai thử nghiệm và sáng tác trên nhiều chất liệu, bao gồm cả nhiếp ảnh và video. Các tác phẩm ở thời kì đầu của cô tập trung khám phá những vấn đề về trải nghiệm và quyền của phụ nữ trong bối cảnh xã hội châu Á. Gần đây, thực hành của Mai mở rộng ra các vấn đề liên quan đến căn tính cá nhân và tập thể, liên quan đến quyền và trải nghiệm của di dân. Cô khám phá các quan hệ phức tạp giữa cá nhân và xã hội, cũng như quan niệm của con người về những miền giả tưởng trong sự tồn tại của chính mình.
Năm 2014, Thanh Mai đã nhận được giải thưởng từ Quỹ Pollock-Krasner. Cô đã thực hiện các triển lãm cá nhân Một Thế giới Khác (Künstlerhaus Bethanien, Đức, 2016); Những vết sẹo (Gallery PM, Croatia, 2016) và Ngày Qua Ngày (Sao La, TP. HCM và Sa Sa Bassac, Phnom Penh, Campuchia, 2015).
Tạ Minh Đức
Sinh năm 1991, Tạ Minh Đức tốt nghiệp trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội năm 2014. Các tác phẩm do anh biên kịch và đạo diễn chất vấn sự tồn tại và các mối quan hệ trong cuộc sống, sự cô lập của con người, bạo lực và sự kiểm soát tiềm ẩn.
Một số tác phẩm và hoạt động nghệ thuật tiêu biểu gần đây của Minh Đức bao gồm: Chọn chuyển (Sàn Art, TP. HCM, 2015), Mini DOCFEST (Hà Nội DOCLAB, Viện Goethe, Hà Nội, 2014), Nhỏ và Mịn (Nhà Sàn Studio, Hà Nội, 2014), Autopsy of the Day (Viện Goethe, Hà Nội, 2013). Ngoài ra, anh còn cộng tác với nghệ sỹ Nguyễn Trần Nam trong dự án gallery di động Escape Mobile Gallery thuộc chương trình Những Chân Trời Có Người Bay 2 (Quỹ Văn hoá Nhật Bản, Hà Nội, 2012).
Đối tác truyền thông: Hanoi Grapevine
Không phải mô hình gallery, bảo tàng, viện văn hoá quốc tế, nơi triển lãm những tác phẩm hoàn thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng… giống như những gì Nhà Sàn Studio đã từng làm, Nhà Sàn COLLECTIVE là 1 xưởng làm việc, các nghệ sĩ tới đây làm việc được trao đổi, thẩm vấn, tư vấn và có các cơ hội giao lưu với nghệ sĩ, giám tuyển quốc tế… Đây là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật. Các tác phẩm có thể hoàn thiện hoặc không hoàn thiện, nhưng quá trình làm việc với mục đích nâng cao chất lượng nghệ thuật cho nghệ sĩ địa phương là điều Nhà Sàn COLLECTIVE hướng tới.
Nếu bạn quan tâm tới nghệ thuật thử nghiệm và muốn gặp để giao lưu, trao đổi với nghệ sĩ, mời bạn ghé thăm
![]() | Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam 27 Quang Trung Hoàn Kiếm, Hà Nội Tel: 3944 7419 www.jpf.org.vn |