Chuỗi hội thảo Trao đổi Tri thức – Trao đổi giữa Trần Quang Đức và Nguyễn Ban Ga
16:00 – 18:30, chủ nhật 28/08/2016
Nhà Sàn Collective
Thông tin từ Nhà sàn Collective:
Dự án “Những chân trời có người bay 3” mở rộng biên độ nghệ thuật tới các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Chuỗi hội thảo Trao đổi Tri thức được tổ chức với mục đích nhằm tăng cường nhận thức về một Việt Nam đương đại, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa những lĩnh vực và cộng đồng khác nhau.
Mỗi buổi thảo luận sẽ đề cập tới các chủ đề gắn với từng dự án nghệ thuật của “Những chân trời có người bay 3” với sự trình bày của các nghệ sĩ và những diễn giả là học giả, nhà nghiên cứu các ngành lịch sử, khảo cổ, xã hội học, vv… Chương trình Trao đổi Tri thức diễn ra từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2016 tại các địa điểm khác nhau ở Hà Nội.
Buổi thảo luận thứ 3 sẽ giới thiệu trình bày và trao đổi của nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Quang Đức và Nguyễn Ban Ga, nghệ sĩ tham gia dự án “Những chân trời có người bay 3”.
* Nghệ sĩ Nguyễn Ban Ga – Dự án “Hình dung lãnh thổ”
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Ban Ga giới thiệu dự án anh bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay. Đi thực địa đến nhiều vùng miền như Quảng yên, khu vực biên giới phía Bắc và đảo Lý Sơn, Ban Ga lần theo những vết tích của các hiện vật cũng như địa điểm được hiểu gắn với ‘lịch sử giữ vững chủ quyền’. Dự án là hành trình tìm hiểu về khái niệm ‘chủ quyền’, cũng như các khía cạnh dường như có vai trò trong việc định hình thái độ chính trị, tư tưởng và tâm thức người Việt.
* Nhà nghiên cứu Hán – Nôm Trần Quang Đức – “Sự thay đổi nhận thức của người Việt đối với văn hóa Trung Hoa”
Đầu thế kỷ XX có thể coi là giai đoạn bản lề, chuyển đổi nền chính trị, tư tưởng Việt Nam từ phong kiến quân chủ sang phong kiến thực dân. Và sau đó là một chuỗi những sự chuyển biến phức tạp khác, mà kết quả của nó đã tạo nên những khác biệt lớn về tư tưởng, nhận thức của những người Việt Nam hiện đại so với cha ông họ trong quá khứ. Một trong số đó là vấn đề văn hóa Trung Hoa.
Trước đây, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chủ động hấp thu văn hóa Trung Hoa, đồng thời coi đó là văn minh thượng tầng, bác học; từ đó kiến tạo nên những phương diện văn hóa vừa có nét chung, vừa có nét riêng so với triều đình phương Bắc. Thậm chí, chính thể các triều đại phong kiến Việt Nam từng coi bản thân họ chính là Hoa Hạ, là Hán. Trong khi, coi người Trung Quốc thời Nguyên Mông, Mãn Thanh là man di. Trái với nhãn quan phong kiến, xuất phát từ những phức cảm được tạo nên sau một chuỗi những sự thay đổi về thể chế chính trị, văn hóa, cùng những ác cảm đối với sự bành trướng của nhà nước cộng sản Trung Quốc, người Việt Nam hiện đại đã có những cái nhìn rất khác so với ông cha họ trước đây, đặc biệt ở vấn đề văn hóa. Từ đó hình thành nên một nỗi ám ảnh phức tạp, mang tên ám ảnh Trung Hoa.
Nguyễn Ban Ga, sinh năm 1979, là nghệ sĩ thị giác hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Theo học trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2004, Banga là thành viên đồng sáng lập Hanoi Link – nhóm nghệ sĩ trẻ thực hành video art tích cực ở Hà Nội trong thập niên đầu thế kỷ XXI, đồng thời, anh cũng là thành viên của Nhà Sàn Collective. Bên cạnh đó, anh còn tham gia giảng dạy các khoá học làm phim tại Hà Nội DOCLAB – trung tâm nghiên cứu phim tài liệu và phim thử nghiệm độc lập đặt tại Viện Goethe Hà Nội. Không chỉ giới hạn trong video art, Ban Ga còn thực hành hội hoạ và trình diễn để thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội đương đại. Các tác phẩm gần đây của anh là quá trình truy vấn về những ảnh hưởng văn hoá cũng như những lý tưởng chính trị áp lên Việt Nam, ngẫu nhiên hay hữu ý.
Trần Quang Đức, sinh năm 1985, là một nhà nghiên cứu Hán Nôm độc lập. Anh theo học tại Đại học Quốc gia, sau đó tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2009. Anh từng làm việc tại công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam và Viện nghiên cứu Văn học. Hiện nay, anh hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu với các mảng đề tài về lịch sử, văn hóa Việt Nam cổ trung đại. Anh là tác giả cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, công trình nghiên cứu đầu tay được giải thưởng Sách hay 2014 ở hạng mục “Phát hiện mới”. Anh đã chuyển dịch và cho ra mắt phần “Bản ký” thuộc bộ “Sử ký” của Tư Mã Thiên vào cuối năm 2014.
Để biết thêm chi tiết về dự án “Những chân trời có người bay 3”, vui lòng xem tại trang Facebook.
Buổi thảo luận sẽ được trình bày bằng Tiếng Việt. Xin quý khán giả có nhu cầu đăng ký trước với ban tổ chức để có hỗ trợ Tiếng Anh.
Người điều phối: Lê Thuận Uyên
Đối tác truyền thông: Hanoi Grapevine
Các bài viết liên quan:
Hội thảo Trao đổi tri thức – “Những chân trời có người bay 3”: Đối thoại giữa Sử gia Liam Kelley và Nhóm Phụ Lục
Hội thảo “Phong trào Ô vàng – Thẩm mỹ hoá phản kháng” trong chuỗi hội thảo “Những chân trời có người bay 3”
Không phải mô hình gallery, bảo tàng, viện văn hoá quốc tế, nơi triển lãm những tác phẩm hoàn thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng… giống như những gì Nhà Sàn Studio đã từng làm, Nhà Sàn COLLECTIVE là 1 xưởng làm việc, các nghệ sĩ tới đây làm việc được trao đổi, thẩm vấn, tư vấn và có các cơ hội giao lưu với nghệ sĩ, giám tuyển quốc tế… Đây là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật. Các tác phẩm có thể hoàn thiện hoặc không hoàn thiện, nhưng quá trình làm việc với mục đích nâng cao chất lượng nghệ thuật cho nghệ sĩ địa phương là điều Nhà Sàn COLLECTIVE hướng tới.
Nếu bạn quan tâm tới nghệ thuật thử nghiệm và muốn gặp để giao lưu, trao đổi với nghệ sĩ, mời bạn ghé thăm
![]() | Nhà sàn Collective Tầng 15, Hanoi Creative City, 01 Lương Yên, Hà Nội Website: http://nhasan.org/ Email: [email protected] |