Hanoi Ink – Ta là anh em, ta là ma
![]() | ![]() |
Hanoi Ink suy ngẫm về đêm biểu diễn của ban nhạc TP HCM Giao Chỉ ngày 11/03 vừa qua cùng Gibbon Suburbia tại Hanoi Rock City.
Ba giờ sáng ngày 13/12/2009, chúng tôi ngồi trên vỉa hè một con phố tại TP HCM với nhóm rock P.K.14 chơi post-punk đến từ Bắc Kinh. Sau màn trình diễn ra mắt tại Mỹ, nhóm đã tới Sài Gòn và chơi một chương trình tuyệt vời trong sự kiện âm nhạc đầu tiên của CAMA Hà Nội ở phía Nam tại Cage Bar (địa điểm này rất tiếc hiện đã đóng cửa). Đi cùng P.K.14 còn có quản lý của D.22, câu lạc bộ trung tâm trong giới âm nhạc ngầm Bắc Kinh, gồm punk rock và nhạc thử nghiệm vốn hoạt động rất mạnh tại đây. Đó là chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của nhóm và họ cực kỳ tò mò muốn tìm hiểu về nền âm nhạc đương đại của đất nước láng giềng.
Đó quả là một câu hỏi khó trả lời! Bối cảnh nhạc Rock tại Việt Nam đã có khá nhiều tiến triển trong một thập kỷ vừa qua, nhưng hầu hết các ban nhạc vẫn đi theo các loại metal, nu-metal và một số loại alternative rock. Có lẽ sự ảnh hưởng lớn nhất tới nhạc rock tại Hà Nội trong vài năm qua đến từ ban nhạc Linkin Park của Mỹ: hiệu suất gần như chương trình biểu diễn nào cũng có ít nhất một bản rap-metal, và thậm chí cách đây mấy năm ban nhạc rock nổi tiếng nhất Việt nam, Bức Tường, đã mở một quán bar tên là Linkin Pub. (Vì lý do này, quảng bá âm nhạc hiện đang lập kế hoạch để đưa Linkin Park đến với người hâm mộ Việt Nam vào cuối năm nay). Tình hình ở đây khác rất xa so với nhạc thử nghiệm và punk rock tại Bắc Kinh mà chúng ta vừa nói ở trên.
Và mỉa mai thay, ban nhạc đáng ra họ phải gặp mặt, ban Giao Chỉ của TP HCM, lại trong cùng thời gian đó đang biểu diễn chương trình ra mắt ở Hà Nội, tại Nhà Sàn Studio! Khi trở về Hà Nội, chúng tôi đã được “tường thuật” lại một sự kiện cực kỳ khác biệt, cực kỳ thú vị. Một ban nhạc thế hệ 8X với một thẩm mỹ punk, họ đốt cháy sân khấu (theo đúng nghĩa đen) với các bản punk, metal và industrial sôi động! Tôi tiếc “đứt ruột” vì bỏ lỡ sự kiện đó, dù là với lý do chính đáng.
Mười lăm tháng sau, Giao Chỉ mới có dịp trở lại thủ đô nhờ lời mời từ Hanoi Rock City và sự thuyết phục của Edd và Dom trong ban nhạc Gibbon Suburbia, những người đã may mắn hơn tôi, có mặt trong show diễn của họ tại Hà Nội năm 2009 và đã chính thức trở thành “fan hâm mộ” Giao Chỉ từ đó. Khoảng 23h15, Gibbon Suburbia kết thúc phần biểu diễn (lần trình diễn thứ hai của ban sau đêm khai mạc Hanoi Rock City hồi tháng 12 năm ngoái). Nhiều bạn bè của Gibbon đứng lẫn trong đám đông khán giả hiểu rằng đây rất có thể là lần cuối cùng Edd biểu diễn trước khi bay sang Nhật nhận công việc mới, rất nhiều cảm xúc đã được dành cho ca khúc cuối cùng, Grinder, bản nhạc luôn khiến cho khán giả “phát cuồng” mỗi lần cất lên. Một vài phút sắp xếp lại sân khấu và kia là Giao Chỉ!
Họ đã có một vài thay đổi kể từ lần cuối cùng biểu diễn tại Hà Nội, bảy thành viên giờ chỉ còn năm, họ chỉ còn một tay ghi-ta duy nhất so với con số ba trước đây, và xuất hiện thêm một cây bass mới. Phong cách ăn mặc của nhóm cũng đã thay đổi, không còn dàn “tổ chức y phục đen” như trước đây, vocal chính Phạm Trần Việt Nam dường như đã chọn cho mình phong cách Joy Division với ngực trần, áo khoác lính gắn mề đay trong khi keyboard Nguyễn Xuân Nguyên ăn mặc theo xu hướng làn sóng mới với áo sơ-mi cài kín khuy. Tay bass Nguyễn Bá Mẫn, cũng phải mất khá lâu tôi mới quyết định đi đến kết luận là có lẽ anh này gợi cho tôi nghĩ đến Prince, mà cũng có thể là một tay bass chơi cho một ban art rock(!) Cây ghi-ta Mai Thanh Nam là người duy nhất còn nguyên phong cách metal với bộ trang phục đen tuyền và cái nhìn bình thản lộ dưới chiếc mũ rộng vành, còn tay trống Trương Công Tùng mới chơi một vài bài đã liền cởi bỏ áo sơ mi, chỉ còn độc một chiếc quần soóc màu đen trông như một nghệ sĩ kịch câm.
Giao Chỉ mở màn bằng ca khúc “Ra Đây” và chỉ sau một vài nhịp, cả ban nhạc đã cùng nhún nhảy.
Vocal Nam và keyboard Nguyên dường như đang xung trận và xoay tròn như con quay khi bài hát ngày càng lên cao trào.
Năm thành viên tạo nên dàn hợp âm rất tốt và mỗi cá nhân cũng chơi rất tuyệt.
Trước buổi biểu diễn, tôi đã cố thử định hình thể loại nhạc mà họ chơi khi nghe các ca khúc của họ trên mạng. Đây cũng là một vấn đề gây khá nhiều tranh cãi trên các diễn đàn nhạc rock. Ban nhạc thì tự khẳng định họ chịu ảnh hưởng của Rammstein và Marilyn Manson, còn trên trang Facebook của ban lại ghi “thể loại: Punk, Gangs Metal”. Những thắc mắc “punk hay metal” đã khiến tôi tốn khá nhiều thời gian suy nghĩ, tuy nhiên khi xem biểu diễn trực tiếp, tôi đã gần như tìm được câu trả lời, chất metal rõ ràng là ít hơn tôi chờ đợi, đặc biệt thể hiện trong vocal của ban. Chắc chắn ban nhạc không có phần solo ghi-ta nào theo kiểu metal, chỉ có một đoạn nhạc đệm rất mạnh, một chút như glam rock, early punk, kiểu Bleach của Nirvana rồi industrial, cùng với Nguyên chơi keyboard khá đa phong cách trong khi Nam vocal hát rất nồng nàn và van lơn.

Ca khúc tiếp theo có tên “Ta Là Ma”. Đây là ca khúc mà tôi thích nhất trong toàn bộ chương trình biểu diễn, rất hay và mạnh mẽ với lối vocal đối đáp. Ý nghĩa của bài hát cơ bản là để cảnh báo những kẻ ăn chơi, và nói cho chúng biết rằng số lượng chúng đang ngày càng tăng lên:
Nam: “Ngươi ăn chơi sao lại bị bắt vô đây?”
Ban (giọng cao, đóng vai những kẻ ăn chơi): “Cứu tôi với, cứu cứu cứu cứu tôi với!”
Nam: “Ngươi không nghe, không tin lời họ nói hay sao?”
Và đoạn điệp khúc tiếp tục: “Ta là ma chuyên đi bắt kẻ ăn chơi…”
Giao Chỉ được thành lập bởi nhóm trưởng Nam cùng một nhóm các sinh viên thế hệ 8X của Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM, tên ban được đặt tên theo tên cũ của Việt Nam thời Hùng Vương. Khi được hỏi về thông điệp muốn truyền tải trong âm nhạc của mình, ban cho biết họ không tham vọng mang đến những thông điệp xã hội quá lớn lao, mà chỉ muốn khẳng định tình anh em bằng hữu, đồng thời gắn kết khoảng cách giữa các miền đất nước (các thành viên của ban nhạc đến từ khắp Bắc, Trung, Nam). Tuy nhiên, theo tôi, đây đã là một thông điệp rất có ý nghĩa. Một số cuộc phỏng vấn trước đây cũng đã ghi nhận ý tưởng của ban là “san bằng” khoảng cách, và đó cũng chính là tên ca khúc tiếp theo của chương trình biểu diễn.
Theo tôi đây là bài hát nổi bật nhất đêm diễn, câu mở hoàn toàn punk rock và hoàn toàn phù hợp với động tác hành quân tại chỗ của vocal chính và các thành viên khác trong ban nhạc. Họ đi đến trước sân khấu cho điệp khúc, chân giang rộng và head bang đồng bộ.
Chen vào giữa tiếng nhạc ầm ĩ, một người bạn quay sang hét vào tai tôi “Chưa bao giờ nghĩ ở Việt Nam tồn tại punk!”
Tôi ngờ rằng nhiều người trong đám đông khán giả cũng chung suy nghĩ đó.
Tiếp theo, ban nhạc chơi một bản chậm hơn, mà có lẽ là một quyết định khôn ngoan. Họ trao đổi nhạc cụ (Thanh Nam chuyển cây ghi-ta của mình cho vocal Việt Nam và đóng vai keyboard, trong khi Nguyên hát cùng với Nam). Bài hát mang phong cách indie rock. Tôi thực sự thích thú sự tương trợ lẫn nhau giữa Nam và Nguyên mà theo một cách nào đó, tôi nghĩ Nguyên giống như thủ lĩnh thứ hai của ban nhạc, tuy nhiên đối với tôi bài hát này hơi thiếu năng lượng so với các bài hát khác. Tôi thích hơn khi các thành viên ban nhạc trở lại với vị trí thường xuyên của họ.
Ban tiếp tục biểu diễn với cường độ mạnh như thế cho đến hết chương trình, kết thúc bằng “Chạy mau” và (có lẽ là) “Không Anh Em”. Cả hai ca khúc đều nói về tình anh em, phản ánh kinh nghiệm của chính các thành viên trong nhóm: “Mặc dù là sinh viên, chúng tôi vẫn chịu ảnh hưởng của thế giới găng-xtơ”.
“Chạy Mau” bắt đầu bằng keyboard và trống, có vẻ như đây là sự khởi đầu cho ca khúc đậm chất metal nhất trong chương trình. Giọng miền Nam của vocal thể hiện rất rõ trong bài hát này. Vocal Nam giải thích phong cách của họ là do tự nhiên, không qua đào tạo chính thống (thông thường, các ca sỹ Việt Nam luôn được đào tạo để hát theo giọng Bắc). Đến cuối bài hát, chất punk lại “đẩy lùi” metal, và kết thúc bằng đoạn điệp khúc láy đi láy lại hai từ của tên bài hát: “chạy chạy chạy mau, chạy chạy, chạy chạy chạy mau, mau mau, mau, mau, mau mau…”
Tới lúc ban biểu diễn bài cuối cùng, vocal Nam đã hòa cùng đám đông khán giả cuồng nhiệt phía dưới, rõ ràng đó là một nhóm các nghệ sỹ trẻ Việt Nam đang say mê hết mình.
Trong một phút, anh xuống khỏi sân khấu cùng nhảy với họ, rồi quay trở lại đứng trên một cái ghế không rõ đã lấy được từ chỗ nào, rồi lại nhảy xuống, nửa biến mất vào giữa đám đông.
Có vẻ như ban đã không chuẩn bị tinh thần trước cho yêu cầu quyết liệt từ phía khán giả: “nữa đi” nên cuối cùng, họ quay lại ca khúc đầu tiên “Ra đây” cho bản encore. Thường thì tôi không tin tưởng lắm vào việc lặp lại một bài hát hai lần, nhưng hôm đó thì có vẻ hiệu quả. Đám đông nhận thấy sự quen thuộc và có khá nhiều người hát theo (hét theo thì đúng hơn!). Và dường như thế vẫn chưa đủ, đám đông vẫn cố gắng nán lại ra sức đòi hỏi thêm một bản encore thứ hai(!)
Cuối cùng thì chương trình cũng kết thúc theo đúng cách của những chương trình biểu diễn lớn, khi mà đã quá nửa đêm, khán giả vẫn tiếp tục la hét muốn nghe thêm, còn vocal chính trong tình trạng kiệt sức hoàn toàn, tìm chỗ trú ẩn sau đám loa ngổn ngang xếp bên cạnh sân khấu…
Đây là một đoạn video biểu diễn của Giao Chỉ, do Alex Leonard quay.
Giao Chi from Alex Leonard on Vimeo.
Hanoi Ink vẫn chưa thể từ bỏ công việc hàng ngày của mình nhưng đồng thời cũng là một thành viên tích cực trong nền âm nhạc tại Hà Nội. Ngoài ra, Hanoi Ink cũng rất đam mê văn học Việt Nam và những cuốn sách cũ. Bạn có thể đọc thêm blog của anh tại http://hanoiink.wordpress.com/. |