”Những chân trời có người bay 3″ – Chuỗi hội thảo Trao đổi Tri thức
Đối thoại giữa giáo sư Oscar Salemink và nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh:
14:00 – 16:30, thứ bảy 17/12/2016,
Tầng 5, Hanoi Creative City
1 Lương Yên, Hà Nội
–
Đối thoại giữa giáo sư Kirsten W.Endres và nghệ sĩ Lêna Bùi:
14:00 – 16:30, chủ nhật 18/12/2016
Mam-Art projects của Cúc Gallery, tầng 5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội
Thông tin từ Nhà sàn Collective:
Dự án “Những chân trời có người bay 3” thân mời các bạn tới dự hai buổi hội thảo khép lại chương trình TRAO ĐỔI TRI THỨC lần lượt diễn ra vào cuối tuần này, thứ bảy 17/12 – trò chuyện giữa giáo sư Oscar Salemink và nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh và chủ nhật 18/12 – trò chuyện giữa giáo sư Kirsten W. Endres và nghệ sĩ Lêna Bùi.
1. Đối thoại giữa giáo sư Oscar Salemink và nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh
Buổi thảo luận sẽ được trình bày song ngữ Việt-Anh
Người điều phối: Trương Quế Chi
Vào cửa tự do
Tây Nguyên: Văn hóa sống hay Di sản? – GS Oscar Salemink
Vùng đất Tây Nguyên có mối liên hệ chính thức với Việt Nam (An Nam) ở Đông dương từ năm 1904; vào khoảng năm 1938, những cuộc nổi loạn cuối cùng của dân bản địa bị đàn áp. Giai đoạn 1945 – 1979 là thời kỳ căng thẳng cao độ với những cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và chống Kampuchea dân chủ (Khmer Đỏ).
Sau Đổi Mới, vùng đất này nhanh chóng và không thể tránh khỏi bị sát nhập – về mặt quân sự, chính trị, kinh tế, dân cư và văn hóa – vào chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Trong quá trình đó, các cánh rừng bị biến thành những đồn điền cà phê, cao su và chè do hàng triệu di dân từ đồng bằng đến cai quản và canh tác. Quá trình thay đổi này tác động mạnh mẽ đến nhận thức về nếp sống văn hoá và môi trường của người dân cao nguyên vốn đã bỏ bê nhiều phương thức sống và thực hành tín ngưỡng truyền thống của mình. Từ đó, tồn tại một sự hoài niệm về một thế giới đã biến mất trong những học giả người Kinh vốn luôn mong mỏi bảo tồn những gì đã không còn là “di sản văn hóa phi vật thể” (ví dụ như Không gian Văn hóa Cồng Chiêng). Nghịch lý này sẽ được đề cập trong thuyết trình của Oscar Salemink.
Dự án “Chuyến đi cuối cùng” – Nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh
“Chuyến đi cuối cùng” là kết quả của quá trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ thời thuộc đại tới những đổi thay ngày nay trên mảnh đất cao nguyên của nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh. Bắt đầu từ mối quan tâm đặc biệt trong những ngày thực địa đối với loài voi, vốn là hình ảnh linh thiêng biểu trưng cho sức mạnh trong nền văn hóa các tộc người, nghệ sĩ khám phá quá trình loài vật này bị thuần dưỡng, kiểm soát và khai thác trong tương quan với miền đất và con người nơi đây.
Oscar Salemink là Giáo sư Nhân học Châu Á của trường Đại học Copenhagen và Giáo sư Danh dự của Viện Tôn giáo, Chính trị và Xã hội thuộc trường Đại học Cơ Đốc Australia (Melbourne). Nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Amsterdam dựa trên đề tài nghiên cứu về Tây Nguyên, Việt Nam, ông bắt đầu làm việc tại Đại học VU ở Amsterdam từ năm 2001 đến 2011 và trở thành Giáo sư Nhân học Xã hội năm 2005. Từ năm 1996 đến 2001, ông phụ trách hồ sơ cho Quỹ Ford tại Thái Lan và Việt Nam. Hiện nay, ông chủ nhiệm dự án Châu Âu Toàn cầu: Cấu thành Châu Âu từ bên ngoài qua hiện vật (đây là dự án nghiên cứu ở Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil do Hội đồng Nghiên cứu Tự do Đan Mạch tài trợ trong thời gian từ 2015 đến 2018) và dự án Di sản tín ngưỡng: Di sản hoá tín ngưỡng và thiêng hoá di sản ở Châu Âu đương đại (dự án nghiên cứu cùng với cộng sự ở Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh).
Một số ấn bản dài bao gồm: Colonial Subjects (1999); Vietnam’s Cultural Diversity (2001); The Ethnography of Vietnam’s Central Highlanders (2003); The Development of Religion, the Religion of Development (2004); A World of Insecurity: Anthropological perspectives on human security (2010); the Routledge Handbook on Religions in Asia (2014); Scholarship and Engagement in Mainland Southeast Asia (2015); và cho các tập san chuyên đề về History and Anthropology (1994), Focaal – European Journal of Anthropology (2006 and 2016) và Journal of Southeast Asian Studies (2007).
Sinh năm 1985, Nguyễn Phương Linh là một nghệ sĩ Hà Nội được biết đến với các thực hành video, điêu khắc và sắp đặt. Lựa chọn chất liệu như muối, bụi hoặc cao su, các nghiên cứu của Phương Linh quan tâm đến những biến đổi cảnh quan địa chính trị, tác động của con người tới thiên nhiên và các quan điểm lịch sử chồng chéo của Việt Nam hiện đại.
Là người đồng sáng lập và đồng điều hành Nhà Sàn Collective, Phương Linh được coi là một tài năng trẻ trong cộng đồng thực hành nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cô đã triển lãm và tham gia nhiều dự án nghệ thuật quốc tế tại các châu lục Á, Âu và Mỹ. 2016 là một năm đột phá của cô với các tác phẩm mới nhất được trưng bày tại Kuandu Biennale, Singapore Biennale và Shanghai Biennale.
2. Đối thoại giữa giáo sư Kirsten W.Endres và nghệ sĩ Lêna Bùi
Buổi thảo luận sẽ được trình bày song ngữ Việt-Anh
Người điều phối: Bill Nguyễn
Vào cửa tự do
Mặc vào, Cởi ra – GS Kirsten W.Endres
Suốt chiều dài lịch sử, ở khắp nơi trên trái đất, trang phục đóng vai trò đặc biệt trong kiến tạo xã hội của giới. Không những là tín hiệu quan trọng để nhận biết vị trí xã hội cũng như những khác biệt giữa nông thôn và thành thị, trang phục còn là chỉ dấu để xác định chỗ đứng trong xã hội cũng như phương thức dịch chuyển ranh giới của những khác biệt đó. Trong bài nói chuyện này, tôi muốn khám phá vai trò của trang phục nữ trong chợ Việt Nam từ khía cạnh nhân học. Đặc biệt là cách phục trang của những phụ nữ bán hàng rong trên ba địa bàn: trên những đường phố nhộn nhịp ở Hà Nội, ở một ngôi làng ven đô ở châu thổ sông Hồng và trong một khu chợ vùng biên giáp Trung Quốc. Từ những ví dụ điền dã dân tộc học này, theo tôi, những người bán rong trên phố và phụ nữ bán hàng ở chợ không hoàn toàn quyết định trang phục của mình dựa trên yếu tố thẩm mỹ và tính hữu dụng. Hơn thế, lựa chọn của họ là phương tiện quyền lực, qua đó, căn tính về giới và giai tầng được thể hiện và thương thảo đầy tính chiến lược và sáng tạo.
Dự án “Vô biên” – nghệ sĩ Lêna Bùi
Vô biên lấy cảm hứng từ “đồ bộ”, một loại trang phục thường ngày của phụ nữ Việt Nam, với khả năng chuyển hoá từ không gian riêng tư tới công cộng, từ trong nhà ra ngoài đường. Sử dụng các tính chất, hình dạng đặc thù của phục trang này như một lợi thế, Lêna Bùi khảo sát không gian, giai tầng và tính uyển chuyển trong việc sử dụng không gian của con người qua dự án này.
Kirsten W. Endres là Trưởng nhóm Nghiên cứu “Thương nhân, Thị trường và Nhà nước ở Việt Nam” tại Viện Nhân học Xã hội Max Planck, Halle/Saale, CHLB Đức. Bà tiến hành nghiên cứu ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1996, tập trung vào quá trình chuyển biến văn hoá xã hội nảy sinh từ mối tương tác năng động giữa giữa nhà nước, xã hội và thị trường. Công trình nghiên cứu: Performing the Divine. Mediums, Markets and Modernity in Urban Vietnam (NIAS Press, 2011) và ấn phẩm đồng biên soạn với Andrea Lauser: Engaging the Spirit World. Popular Beliefs and Practices in Modern Southeast Asia (Berghahn Books, 2011).
Sinh năm 1985 tại Đà Nẵng, Lêna Bùi sinh sống và làm việc tại TP. HCM. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành Đông phương học từ Đại học Wesleyan (Mỹ), cô còn tham gia các khoá đào tạo về in khắc gỗ và vẽ mực. Dấn thân vào nghệ thuật, Lêna mở rộng chất liệu thực hành của mình với video và sắp đặt. Một số tác phẩm của cô như những mẩu chuyện hóm hỉnh; số khác lại là những tìm tòi nghiêm túc về các định kiến xã hội gắn liền với giới tính, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, những ám ảnh mơ hồ chi phối hành động và suy nghĩ của con người như niềm tin, cái chết và giấc mơ.
Tác phẩm của Lêna đã được trưng bày tại triển lãm Những màn vũ đạo bị gián đoạn (Bảo tàng Carré d’Art, Nimes, Pháp, 2014), Những thể lạ (Bảo tàng Wellcome Collection, London, Anh Quốc, 2013), Nghiến chặt (Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, 2012), Để Momo ăn bánh (Bảo tàng Mino Washi, Nhật Bản, 2011)… Sau khi tham gia chương trình “Nghệ thuật trong Sức khỏe Toàn cầu” do Wellcome Trust khởi xướng năm 2012, Lêna tiếp tục phát triển một số dự án với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam và Nepal.
Dự án Những chân trời có người bay 3 mở rộng biên độ nghệ thuật tới các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Chuỗi hội thảo Trao đổi Tri thức được tổ chức với mục đích nhằm tăng cường nhận thức về một Việt Nam đương đại, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa những lĩnh vực và cộng đồng khác nhau.
Mỗi buổi thảo luận sẽ đề cập tới các chủ đề gắn với từng dự án nghệ thuật của Những chân trời có người bay 3 với sự trình bày của các nghệ sĩ và những diễn giả là học giả, nhà nghiên cứu các ngành lịch sử, khảo cổ, xã hội học,vv… Chương trình Trao đổi Tri thức diễn ra từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2016 tại các địa điểm khác nhau ở Hà Nội.
Để biết thêm chi tiết về dự án “Những chân trời có người bay 3”:
http://swfp3.org/
https://www.facebook.com/SkylinesWithFlyingPeople3
Các bài viết liên quan:
Triển lãm số 3 thuộc dự án nghệ thuật “Những chân trời có người bay 3”
Triển lãm số 4 thuộc dự án nghệ thuật “Những chân trời có người bay 3”
Hội thảo “Phong trào Ô vàng – Thẩm mỹ hoá phản kháng” trong chuỗi hội thảo “Những chân trời có người bay 3”
Hội thảo Trao đổi tri thức – “Những chân trời có người bay 3”: Đối thoại giữa Sử gia Liam Kelley và Nhóm Phụ Lục
Đối tác truyền thông: Hanoi Grapevine
Không phải mô hình gallery, bảo tàng, viện văn hoá quốc tế, nơi triển lãm những tác phẩm hoàn thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng… giống như những gì Nhà Sàn Studio đã từng làm, Nhà Sàn COLLECTIVE là 1 xưởng làm việc, các nghệ sĩ tới đây làm việc được trao đổi, thẩm vấn, tư vấn và có các cơ hội giao lưu với nghệ sĩ, giám tuyển quốc tế… Đây là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật. Các tác phẩm có thể hoàn thiện hoặc không hoàn thiện, nhưng quá trình làm việc với mục đích nâng cao chất lượng nghệ thuật cho nghệ sĩ địa phương là điều Nhà Sàn COLLECTIVE hướng tới.
Nếu bạn quan tâm tới nghệ thuật thử nghiệm và muốn gặp để giao lưu, trao đổi với nghệ sĩ, mời bạn ghé thăm
![]() | Nhà sàn Collective Tầng 15, Hanoi Creative City, 01 Lương Yên, Hà Nội Website: http://nhasan.org/ Email: [email protected] |