KVT – Trên thiên đường thứ bảy tại Nhà Hát Lớn
![]() |
Thiên đường thứ bảy tại Nhà Hát Lớn
Thiên đường thứ bảy ấy chắc chắn là đêm nhạc Beethoven tuyệt vời…chứ không phải là cái gì khác.
Năm ngoái, người Đức và Viện Goethe đã giới thiệu tới chúng ta nhạc trưởng trẻ tuổi nhất, Jonas Alber, Dàn hợp xướng Berlin Philharmonic, và Bản giao hưởng số 9 của Beethoven ở Nhà hát lớn. Đó những sự kiện tuyệt vời. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng người ta cũng có thể nhún nhảy nghe bản số 9 (chủ yếu là vì những ghế duy nhất mà chúng tôi có thể xin xỏ, mượn hay thậm chí là tranh giành được đều ở sau cái cột lớn, nên chúng tôi quyết định đứng phía sau, ở khu vực lối đi giữa các hàng ghế, và xem ra như thế còn hay hơn là ngồi ngăn ngắn trong những dãy ghế chật cứng người). Chương cuối của bản giao hưởng có nhiều đoạn bạn có thể gật gù theo.
Năm nay Viện Goethe lại giúp đưa Alber quay lại với chúng ta và đó là lí do vì sao mà tối thứ sáu vừa rồi tôi phải huỷ hết mọi cuộc hẹn hò, gặp gỡ.
Alber đã là một nghệ sĩ violin nổi danh trước khi anh trở thành một nhạc trưởng tên tuổi và khi tôi đọc thấy rằng bản Concerto Beethoven viết cho violin sẽ mở đầu chương trình, tôi đã biết rằng mình sắp sửa được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc thực sự.
Một điều khá khôi hài về Beethoven là – mặc dù khi nói về nhạc cổ điển thì ai cũng nhất trí ông là nhà soạn nhạc đỉnh cao nhưng ở thời của mình một số tác phẩm của ông không được cho là đặc biệt như thế. Bản concerto cho violin của Beethoven chỉ được trình diễn một đôi lần trong cả cuộc đời của ông và được khán giả tiếp nhận với sự lãnh đạm thờ ơ, trước khi bị bỏ xó và rơi vào quên lãng. Hai thập kỷ sau, Felix Mendelssohn đã khôi phục và phổ biến nó, giúp bản nhạc đạt được vị thế như ngày nay.
Nghệ sĩ violin Lê Hoài Nam, người khá nổi tiếng trong giới violin Hong Kong, đã đem đến cho chúng ta một bản chuyển sọan khá thú vị. Thoạt nhìn, bạn tưởng rằng chàng trai trẻ mảnh khảnh, tóc dài, nhìn đậm chất phong lưu này có thể không đủ bền bỉ để chơi hết chương đầu tiên khá dài đó – nhưng tất nhiên là anh ấy làm được…và sau đó còn tiếp tục chơi chương hai larghetto (nhạc chậm) đầy êm dịu, trước khi chuyển ngay sang một chương cuối rondo sôi nổi…Và anh ấy thực sự xứng đáng với tràng pháo tay kéo dài mà khán giả chúng tôi dành tặng…Nếu như khán giả đều có những cành hồng dài thì có lẽ trên sân khấu hoa đã xếp thành đống quanh chân anh (và quanh chân nhạc trưởng Alber – người đã chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam bằng đôi bàn tay biểu cảm vô cùng.)
Đó thực sự là một bản concerto khó và không cho phép người nghệ sĩ được phép phô diễn những đoạn tuyệt kĩ khiến bạn phải ngay lập tức trầm trồ. Vốn đã quá nổi tiếng (là nhạc phẩm cho violin được thu âm nhiều nhất và được xem là một trong những đỉnh cao của lịch sử âm nhạc), bản nhạc này đòi hỏi người nghệ sĩ mới solo phải rất dũng cảm mới có thể chơi được. Nam đã trình diễn thành công và những đoạn violin chơi solo nghe rất cảm động. Tôi đã hoàn toàn chăm chú suốt 45 phút.
Rồi sau đó tới bản giao hưởng số 7 của Beethoven!
Mặc dù bây giờ chúng ta ca tụng Ludwig Van rất nhiều, nhưng khi ông viết bản giao hưởng số 7 ông chưa phải là nhà soạn nhạc nổi bật và có nhạc phẩm được trình diễn nhiều nhất. Thực tế là lúc đó Rossini đang được chú ý nhiều hơn…nhưng bản số 7 ra đời đã đưa tên tuổi ông lên đầu danh sách những nhà soạn nhạc xuất sắc của thành Viên.
Bản giao hưởng được sáng tác để mừng chiến thắng trước quân đội của Napoleon và để ca ngợi những người lính bị thương. Trong lần ra mắt, chương thứ hai của bản giao hưởng đã thành công đến nỗi nó được trình diễn lại ngay trong phần encore dành tặng khán giả. Và từ đó nó vẫn là một trong những chương được yêu thích nhất của Beethoven và thường được trình diễn riêng.
Alber đã có một phần chuyển soạn thú vị cho bản số 7…vốn được xem là rất đột phá ở thời của nó. Một nhà phê bình CD đã nhận xét rằng sự ám ảnh của nhịp điệu trong chương cuối có thể nói là giống như của nhạc rock thế kỷ 19 với những khán giả đầu tiên của nó. Trong khi đó, Richard Wagner lại gọi đây là nhạc khiêu vũ của các vị thần trên đỉnh Olympia. Cách xử lý chương cuối một cách giản dị, tuyệt vời của Alber có thể khiến vị nhạc trưởng phá cách nhất như Thomas Beecham – người đã từng nhận xét là nó nghe như đàn bò đang nhảy múa vậy – cũng phải hài lòng.
Bản nhạc được trình diễn rất hay, và chắc chắn là xứng đáng là nhạc phẩm xuất sắc nhất của Beethoven, như bản thân nhà soạn nhạc đã từng nhận xét. Và chắc hẳn bạn sẽ thấy thực sự cảm phục tài năng chỉ duy dành nhạc của Alber nếu bạn biết rằng anh đã chỉ huy mà không cần tới bản tổng phổ.
Sau khi những nốt nhạc cuối cùng vang lên, cả dàn nhạc “lau mồ hôi” và mặc dù kiệt sức, họ lại trông sung sướng như những chú mèo vừa được ăn kem vậy.
Một đêm nhạc mùa hè quá thú vị.
Cuối tháng này, dàn nhạc sẽ chuyển sang chủ đề nhạc Ý và trình diễn nhạc của Paganini.
Cũng sẽ là một đêm nhạc không thể bỏ lỡ!
Nếu có con nhỏ, tôi chắc chắn sẽ cho chúng tham gia vào chương trình hoà nhạc ban ngày cho gia đình diễn ra hôm 12…Đó sẽ là một cơ hội tốt để giới thiệu nhạc cổ điển với các con. Có lẽ tôi phải bắt cóc một, hai đứa bé để có lý do tham dự hôm đó…nhưng nghĩ đến những phiền phức liên quan, tôi thấy có khi ra bể bơi lại là một lựa chọn hấp dẫn hơn.
Để có những ý kiến bình luận này, KVT chỉ tốn có 450.000VND…quả là một cái giá quá hời cho một trải nghiệm âm nhạc ở những vị trí tốt nhất trong Nhà hát lớn.
Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây. |