Hanoi Creative City và Zone 9: Câu chuyện tồn tại và sáng...

Hanoi Creative City và Zone 9: Câu chuyện tồn tại và sáng tạo

Đăng vào
0

Hanoi-Creative-City-0

Trong khi Zone 9, địa điểm “nóng” nhất thưở nào tại Hà Nội, dần quay trở về xuất phát điểm là một khu nhà máy cũ bỏ hoang thì các cư dân thủ đô bắt đầu ùn ùn đổ về một địa điểm mới cách đó chỉ vài con phố. Địa điểm đó, nằm ngay cạnh bến xe Lương Yên, mang cái tên thật kêu – Hanoi Creative City, nghĩa là Thành phố Sáng tạo Hà Nội.

Chân dung Thành phố Sáng tạo

Hanoi-Creative-City-1

Hình ảnh tòa nhà 22 tầng nổi bật từ xa với bức vẽ tranh tường hình rồng và những chiếc lông vũ khổ lớn của nghệ sỹ graffiti người Đức Julian Vogel, được viện Goethe mời tới Hà Nội vào tháng 4 để tham dự Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2015.

Đi tới gần, tấm biển tên tòa nhà xuất hiện với dòng chữ “Kim khí Thăng Long” và chiếc cầu thang đỏ chót cực kỳ bắt mắt dẫn từ tầng 1 tới tầng 6. Phía trước tòa nhà là một khoảng sân tương đối rộng được trang hoàng bởi những chiếc công-te-nơ phủ kín các hình vẽ graffiti, dùng làm nơi tổ chức hòa nhạc hoặc chơi các môn thể thao đường phố; và ở góc sân xuất hiện thương hiệu Cafe Cộng nổi tiếng đối diện ngay một quán bar mang tên “Bia Khu 9”, cái tên chắc hẳn khiến nhiều người cảm thấy xốn xang.

Hanoi-Creative-City-2

Hanoi-Creative-City-3

Ấn tượng đầu tiên về Hanoi Creative City của người viết là cả khu trông giống một trung tâm giải trí sành điệu. Người ta đến đây để mua sắm tại những cửa hàng thời trang phong cách Boo và nhiều cửa hàng quần áo khác. Ngoài ra tòa nhà còn có các cửa hàng đồ thủ công, trang trí, các quán cà phê, nhà hàng, và đặc biệt là khu giải trí mang tên Dóo chiếm trọn 2 tầng, mang tới một loạt các hoạt động vui chơi và thể thao như leo núi, golf trong nhà, đập phá xả stress và sân chơi trẻ em, v.v… Phòng tập gym Swequity với các trang thiết bị hiện đại chiếm toàn bộ tầng 10 trong khi cặp song sinh nổi tiếng Thúy Hằng – Thúy Hạnh dùng tầng 13 làm trung tâm đào tạo người mẫu.

One of Bò Sữa's stylish fashion stores set inside a container in the courtyard
Một cửa hàng thời trang của Boo trong một chiếc công-te-nơ ở khoảng sân phía trước
Boo Cafe on the ground floor of the building
Một góc Boo Cafe tại tầng trệt của tòa nhà
Swequity Gym
Phòng tập Gym Swequity ở tầng 10
A corner of Doo's 2-floor entertainment area
Một góc của khu giải trí Dóo đầy màu sắc

Phần sáng tạo nhất của Thành phố Sáng tạo hiện tại chỉ có Nhà Sàn Collective ngụ tại tầng 15. Tuy nhiên, theo kế hoạch sẽ có thêm tầng 5 được sử dụng làm trung tâm nghệ thuật do nghệ sỹ Trịnh Minh Tiến và nhóm Tết Art quản lý trong khi tầng cao nhất hiện được đăng ký bởi nhạc sỹ Quốc Trung và nhóm Lễ hội Âm nhạc Gió mùa. Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) cũng mới chuyển văn phòng về đây để ủng hộ dự án.

Theo “tổng đạo diễn”, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, dự án Hanoi Creative City vẫn còn đang xây dựng, và hiện mới chạy được 50% công suất nên mọi đánh giá vào lúc này đều là thiếu khách quan.

Exhibition “Trace The Mountain” by Japanese artist Taihei Kimura at Nhà Sàn Collective
Triển lãm “Theo dấu núi” của nghệ sỹ Nhật Bản Taihei Kimura tại Nhà Sàn Collective
Ongoing construction and empty rooms that visitors see often in the current Hanoi Creative City
Cảnh ngổn ngang xây dựng là hình ảnh thường thấy tại Hanoi Creative City hiện nay

Mối tương quan với Zone 9

Là địa điểm tiên phong trong lĩnh vực tổ hợp sáng tạo ở Việt Nam, Zone 9 luôn được đem ra để so sánh mỗi khi có thêm bất kỳ tổ hợp nào mới ra đời. Mãi tới giữa năm 2013, khi Zone 9 đi vào hoạt động, nhiều cư dân thủ đô mới lần đầu nghe tới cụm từ “quận nghệ thuật” (mặc dù việc Zone 9 có đúng là “quận nghệ thuật” hay không thì vẫn còn nhiều tranh cãi). Dẫu sao thì hi vọng đã được đặt vào Zone 9 nhiều tới nỗi khi khu này bị đóng cửa bất ngờ (*) nhiều người đã không cầm nổi thất vọng. Nhờ có Zone 9, các chủ doanh nghiệp đã nhận ra tiềm năng của việc kinh doanh tập thể, từ đó họ bắt đầu cùng nhau lập nên các tổ hợp khác như số 24 Lý Quốc Sư, Zone X98 và The Yard ở Hà Nội hay Nhà Ga 3A ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chưa có một tổ hợp nào so được với Zone 9 về cả số và chất.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, một thời là thành viên chủ chốt của ban quản lý Zone 9 cũ, đã nhanh chóng bắt tay thực hiện dự án Hanoi Creative City ngay sau khi Zone 9 sụp đổ trong khi các thành viên khác tách ra làm các dự án riêng. Anh tìm thấy tòa nhà Kim Khí Thăng Long xây dang dở và ký thỏa thuận thuê thời hạn 10 năm với chủ công trình để giúp hoàn thiện mặt bằng. Thực chất đây là một tòa tháp đôi với 2 tòa nhà, một bên 20, một bên 22 tầng, và anh cũng cho biết cả khu có thể có 40-50 chỗ trống để cho thuê (ngoài những phần đã hoàn thiện để làm nhà ở), do đó Hanoi Creative City hiện đang là địa điểm tiềm năng nhất nhờ quy mô cũng như khả năng tổ chức các sự kiện công cộng lớn ngoài trời như Zone 9 trước đây.

The young Vietnamese band Ngọt playing at Hanoi Creative City in the evening of Creative Day
Nhóm indie rock, Ngọt, chơi tại Hanoi Creative City buổi tối Ngày hội Thành phố Sáng tạo

Khác biệt với Zone 9

Trong khi Zone 9 được lập nên hoàn toàn tự phát bởi các nghệ sỹ và kiến trúc sư thì nhóm quản lý của Hanoi Creative City lại gồm nhiều doanh nhân. Theo anh Đoàn Kỳ Thanh, dự án phải tự tồn tại được thì mới hỗ trợ thêm được cho cộng đồng sáng tạo. “Nếu có tiền thì tôi sẽ đưa tất cả các nhóm nghệ thuật vào”, anh Thanh nhấn mạnh, “Đây là dự án xã hội. Mong muốn của tôi là làm cho cộng đồng”. Mặc dù có nhận xét cho rằng hình thức “từ trên xuống” này khiến cho tổ hợp khó đạt được sự sáng tạo như hình thức “từ dưới lên” của Zone 9 trước đây nhưng rõ ràng đứng trên khía cạnh bền vững, đây là một hướng đi khôn ngoan và đã được minh chứng thành công ở nhiều quốc gia.

Và mặc dù tòa nhà, vốn được xây dựng với mục đích dân sự và thương mại, sẽ phần nào cản trở sự sáng tạo trong sắp đặt của các nghệ sỹ thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy và bảo hiểm rủi ro đạt tiêu chuẩn. Nhờ đó, khả năng xảy ra một vụ cháy chết người như tai nạn dẫn tới việc đóng cửa Zone 9 trước đây là điều ít có thể xảy ra.

Tuy nhiên khác biệt lớn nhất mà ai cũng nhận thấy đó là sự thiếu hụt rõ rệt các đơn vị sáng tạo tại Hanoi Creative City hiện tại. Zone 9 đã may mắn quy tụ được nhiều nhóm sáng tạo xuất sắc, mà trong số đó chỉ có Nhà Sàn Collective đến với Hanoi Creative City trong khi các đơn vị còn lại đã ổn định ở những địa điểm khác trong thành phố (**). “Tôi rất muốn kéo họ về”, Đoàn Kỳ Thanh cho biết, tuy nhiên anh cũng biết rằng điều đó là không thể ở thời điểm hiện tại.

Hướng tới tương lai

Hanoi Creative City mở cửa vào ngày 05/09/2015 với một loạt những hoạt động công cộng như hội chợ đồ cũ, biểu diễn khiêu vũ, trình diễn thể thao và hòa nhạc ngoài trời cũng như việc khai trương các cửa hàng, cafe, nhà hàng. Buổi khai trương không chính thức có tên gọi Ngày hội Thành phố Sáng tạo đã thu hút rất nhiều người tham dự cũng như sự quan tâm của báo giới. Trong khi phần lớn các bài báo có phần hơi quá tích cực thì cộng đồng sáng tạo lại thể hiện không ít quan ngại, thậm chí có những cá nhân công khai mô tả Hanoi Creative City như một trung tâm ăn chơi giải trí đơn thuần.

Ngoài ra, bất chấp công cuộc xây dựng vẫn diễn ra không ngừng và hợp đồng ký kết 10 năm, không có sự chắc chắn nào rằng cả khu sẽ tồn tại được lâu đến thế. Zone 9 trước đây đã từng được lên kế hoạch 3 năm nhưng đã phải đóng cửa chỉ sau 6 tháng. “Mình phải có lòng tin để làm việc thôi”, Đoàn Kỳ Thanh trả lời khi được hỏi liệu trường hợp Zone 9 có khả năng tái diễn. Đầu tư vào các dự án sáng tạo ở Việt Nam đôi khi giống như đánh bạc: “Nếu may thì không bị dẹp, nếu không may thì bị dẹp”, một nghệ sỹ kiêm nhà tổ chức sự kiện đã chỉ ra đầy mỉa mai. Vì thế, việc để cho các nhóm nghệ thuật nằm rải rác ở khắp thành phố thay vì co cụm vào một địa điểm có khi cũng là một điều hợp lý?

Rõ ràng, nguy cơ nhãn tiền cũng như những phản hồi trái chiều hiện tại khiến cho việc dõi theo bước tiến của Hanoi Creative City trong những tháng tới (và nếu may mắn hơn người họ hàng Zone 9 thì thậm chí là trong những năm tới) trở nên thú vị. Tuy nhiên, có hai điều chúng ta có thể khẳng định ngay từ bây giờ sau sự ra đời của Hanoi Creative City: sáng tạo không nên tách rời khỏi yếu tố kinh doanh mà nên kết hợp để làm nên “nền kinh tế sáng tạo”; và việc Zone 9 đóng cửa không hề là dấu chấm hết, nó thực sự chỉ là sự khởi đầu.

Bài viết của PHM. Ảnh của Tùng Cao.

—–

(*) The Economist giải thích về sự sụp đổ của Zone 9 (tiếng Anh): http://www.economist.com/blogs/banyan/2014/01/urban-development-vietnam
(**) Địa điểm hiện tại của một số đơn vị sáng tạo trước đây tại Zone 9: Tadioto hiện ngụ tại số 24B Tông Đản, một con phố trung tâm gần Nhà hát lớn; Work Room Four nằm trên tầng 24 tòa nhà Packexim, phố An Dương Vương, ngay cạnh cầu Nhật Tân; Đom Đóm hiện vẫn đang tìm kiếm một địa điểm mới; Nhà Sàn Collective hiện có thêm một địa điểm tại 24 Lý Quốc Sư bên cạnh Laca Café và Art Vietnam Gallery nhưng sắp tới sẽ đóng cửa và nhóm chỉ còn tập trung vào địa điểm ở Hanoi Creative City.

NO COMMENTS

Leave a Reply