Phát triển Di sản Thủ công truyền thống cần sự vào cuộc...

Phát triển Di sản Thủ công truyền thống cần sự vào cuộc liên ngành

Bài viết và ảnh bởi Nguyệt Cầm cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Sáng ngày 07/04, trong không gian mang đậm tính di sản Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển” do Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức, phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam đã diễn ra.

Tọa đàm là nơi các bên thảo luận về thực trạng bảo tồn, phát triển phố nghề thủ công truyền thống và đề ra các hướng giải pháp thực tiễn và sáng tạo cho quận Hoàn Kiếm. Điểm sáng của tọa đàm là sự tham gia sôi nổi, giàu thông tin của các bên liên ngành từ các đại biểu từ quận Hoàn Kiếm, các phường nghề trong quận và các huyện tại Hà Nội, giới chuyên gia từ ngành du lịch, di sản, bảo tàng, cho tới các các nghệ nhân, nhà thiết kế, kiến trúc sư, các doanh nghiệp sáng tạo trẻ – tất cả tạo nên cuộc đối thoại đa chiều và sâu sắc xoay quanh việc làm thế nào để “sáng tạo” dựa trên di sản nghề thủ công truyền thống, đưa di sản vào chuỗi giá trị hiện đại.

Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh: “Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực”. Theo đó, quận Hoàn Kiếm mong muốn được nghe những trình bày, những ý kiến đóng góp về vai trò của thiết kế và sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản; các cách thức để kết nối, liên kết giữa các bên liên quan trong quá trình sáng tạo sản phẩm cùng với các kiến giải từ lĩnh vực truyền thông và maketing đặc biệt là nguồn nhân lực cho phát triển bền vững.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu khai mạc

Phần I – “Nghề thủ công truyền thống – nguồn tài nguyễn của quận Hoàn Kiếm” do ông Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm và ông Trần Đoàn Lâm, Chủ tịch Hội đồng biên tập chuyên đề Nghiên cứu Việt Nam, NXB Thế giới, điều phối mở ra bức tranh toàn cảnh về nghề thủ công truyền thống Hà Nội và quận Hoàn Kiếm qua tham luận đóng góp của các bên.

Đại diện Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm trình bày về thực trạng 03 tuyến phố chuyên doanh đặc trưng của khu phố cổ: “Trên phố Hàng Bạc số cửa hàng kinh doanh kim hoàn giảm từ 90 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng; phố Lãn Ông, cửa hàng làm nghề thuốc truyền thông giảm từ 85 cửa hàng xuống 35 cửa hàng; phố Hàng Gai, cửa hàng kinh doanh tơ lụa giảm từ 91 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng”.

Đại diện Phòng Kinh tế, UBND quận Hoàn Kiếm trình bày tham luận về thực trạng bảo tồn, phát huy phố nghề

Bà Đỗ Diệu Linh, Giảng viên Du lịch, Đại học Đại Nam, Cộng tác viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (CCH) bổ sung góc nhìn về di sản nghề thủ công từ hoạt động du lịch với những giải pháp cụ thể và thiết thực cho vấn đề đặt ra. Theo bà, nghề thủ công hay các phố nghề đang tạo dấu ấn mờ nhạt trong mắt khách du lịch đến Hà Nội, nguyên do là sản phẩm chưa đa dạng, hiện đại, tính ứng dụng không cao, không giữ được tính địa phương; và hiện chỉ có rất hiếm chương trình du lịch đưa vào câu chuyện phố nghề, làng nghề. Giải pháp đưa ra là cần biết cách kể câu chuyện văn hóa và mang đến trải nghiệm sản phẩm; tạo ra các sản phẩm kích thước nhỏ, thuận tiện cho khách du lịch mang theo, có tính ứng dụng cao.

Bà Đỗ Diệu Linh, Giảng viên Du lịch, Đại học Đại Nam, Cộng tác viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (CCH) trình bày tham luận về du lịch và di sản

Phần thảo luận xoay quanh thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công với những ý kiến đóng góp từ ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nghệ nhân cuối cùng còn lại của dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội), nghệ nhân trẻ Nam Chi, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam và ông Bùi Công Thẳng Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín.

Theo ông Đặng Minh Tuấn, việc bảo tồn và phát huy giá trị tranh Hàng Trống dù gặp nhiều thách thức không nhỏ nhưng đang có những tín hiệu đáng mừng. Hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa đình Nam Hương, gắn với hoạt động du lịch. Hoạt động bảo tồn dòng tranh cần sự tham gia, cố vấn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và các nghệ sĩ, trường mỹ thuật cùng nguồn tài chính hỗ trợ từ doan nghiệp, quỹ văn hóa.

Ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống trình bày tham luận

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết ông chỉ là người lưu giữ trung thành các nét vẽ mà các thế hệ trước để lại, thừa hưởng di sản và làm nó đẹp hơn, màu sắc, chất liệu tốt hơn nhưng vẫn giữ được cái chất của tranh Hàng Trống. Nghệ nhân cũng bày tỏ niềm vui khi được hỗ trợ, động viên từ chính quyền địa phương và những người tâm đắc với dòng tranh truyền thống.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đóng góp ý kiến

Nghệ nhân trẻ Nam Chi chia sẻ kinh nghiệm tìm tòi, sáng tạo ra mẫu tranh mới dựa trên quy cách của tranh Hàng Trống mà anh đã học hỏi được từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Theo đó, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc về kỹ thuật màu, bố cục chính phụ, hoa văn truyền thống, anh còn nghiên cứu và “sáng tạo” các bức tranh mới dựa vào các yếu tố lịch sử của từng thời trong hoa văn, họa tiết, trang phục, dáng người, biểu cảm.

Nghệ nhân trẻ Nam Chi trình bày về việc bảo tồn, sáng tạo và phát triển giá trị tranh dân gian Việt Nam

Ông Phùng Quang Thắng, người đứng sau thành công của tour đêm Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Hoàng thành Thăng Long và tour du lịch văn học mở ra hướng đi để thủ công làng nghề có thể tiếp cận 30 triệu lượt khách đến Hà Nội mỗi năm; đồng thời bày tỏ sự trân trọng những người nghệ nhân đam mê giữ nghề tới ngày nay.

Về phía huyện Thường Tín, huyện có nhiều làng nghề bậc nhất Hà Nội, ông Bùi Công Thẳng đóng góp kinh nghiệm mà huyện Thường Tín bảo tồn và phát huy giá trị của tranh sơn mài và Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung.

Ông Bùi Công Thẳng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín trình bày tham luận

Phần II – “Sáng tạo dựa trên di sản” do bà Trương Uyên Ly – Nhà báo, Giám đốc Hanoi Grapevine điều phối đã thổi một luồng gió mới vào vấn đề di sản. Với sự tham gia của các nhà thiết kế, doanh nghiệp sáng tạo trẻ sử dụng chất liệu truyền thống, các thảo luận đặt ra vấn đề đầu ra sản phẩm, truyền thông, marketing hiệu quả các sản phẩm sáng tạo trên di sản. Hai nhóm “Sáng tạo từ di sản – Làm việc với cộng đồng di sản” gồm có Hội quán Di sản và Họa sắc Việt và nhóm “Đầu ra cho sáng tạo di sản” – truyền thông, marketing và bán hàng gồm có Hanoia, Gốm Chi và Tired City đã có phần trình bày và thảo luận cởi mở.

Nhà báo Trương Uyên Ly điều phối phần II tọa đàm

Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, đại diện Hội quán Di sản với phần trình bày “Có ngẫm chăng một mai mai một” đưa ra chủ trương bảo tồn di sản thông qua vật phẩm đương đại khi lồng ghép hình tượng rồng, tranh ngũ hổ vào các sản phẩm thương mại như hộp bánh đậu xanh, bộ lịch. Sản phẩm đã chinh phục các thị trường khó tính nhất, khi truyền thông chú trọng yếu tố lồng ghép bản sắc văn hóa dân tộc. Khi Hội quán di sản đưa sản phẩm đến với khách hàng, khách hàng sẽ chủ động tìm tới nghệ nhân.

Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, đại diện Hội quán Di sản trình bày tại tọa đàm

Chị Vũ Khánh Huyền từ nhóm Họa sắc Việt trình bày ý tưởng cung cấp kho tư liệu nhiều màu sắc về các họa tiết Việt trong bối cảnh chưa có dữ liệu hay sách vở về phong cách thiết kế Việt Nam. Sản phẩm của Họa sắc Việt đơn giản hóa và ứng dụng họa tiết tranh Hàng Trống lên các thiết kế bao bì để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.

Chị Vũ Khánh Huyền từ nhóm Họa sắc Việt trình bày tại tọa đàm

Tại phần thảo luận, TS. Lê Thị Minh Lý đặt ra câu hỏi “Các bạn trẻ giờ rất sáng tạo, nhưng phải sáng tạo từ đâu?”. Bên cạnh đó, nhà báo Trương Uyên Ly đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để chia sẻ lợi ích hài hoà giữa các bên tham gia khai thác giá trị di sản và tôn trọng tối đa tri thức của người nghệ nhân?”. Anh Nguyễn Việt Nam, Nhà sáng lập và điều hành Tired City đưa ra ý kiến nên coi toàn bộ quá trình từ nghiên cứu sản phẩm, sản xuất cho đến bán hàng là một chuỗi giá trị, các bên sẽ cùng ngồi xuống thảo luận xem ai đóng góp điều gì trong chuỗi giá trị đó: chẳng hạn, nghệ nhân sẽ có vai trò cố vấn, các bên truyền thông marketing sẽ giúp “bán” tài nguyên di sản.

Anh Đinh Công Tài, Giám đốc Sales và marketing từ Hanoia chia sẻ về các sản phẩm sáng tạo từ di sản phù hợp với hơi thở nghệ thuật của quốc tế bằng cách tiết chế tinh giản phom dáng truyền thống, dùng màu pastel phù hợp với nội thất đương đại để đưa sơn mài vào đời sống. Về mảng marketing, truyền thông cho sản phẩm, Hanoia mong muốn đạt được 03 mục tiêu chiến lược: (1) tạo nhận biết về thương hiệu qua đa kênh, (2) đẩy mạnh giá trị thương hiệu qua việc kết hợp với các KOL, nhà thiết kế và (3) tạo sự liên kết liền mạch giữa khách hàng và thương hiệu.

Anh Đinh Công Tài, Giám đốc Sales và marketing từ Hanoia trình bày tại tọa đàm

Chị Lý Thị Hoài Thu, đại diện Gốm Chi, chia sẻ hành trình tôn trọng, gìn giữ hoa văn và tôn vinh sự dung dị đời thường, hướng tới những thứ mộc mạc nhưng tinh tế để kết nối di sản gốm đến ngày nay. Gốm Chi truyền thông về sản phẩm bằng chính trải nghiệm thực tế của khách hàng, để khách hàng có sự gắn bó gần gũi với nghề thủ công.

Chị Lý Thị Hoài Thu, đại diện Gốm Chi trình bày tại tọa đàm

Anh Nguyễn Việt Nam, Nhà sáng lập và điều hành Tired City, nhấn mạnh chiến lược đặt khách hàng làm trung tâm trong việc phát triển và giữ gìn sản phẩm thủ công truyền thống. Theo anh, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống gói gọn trong hai “câu chuyện” – “câu chuyện” của người khách du lịch muốn tìm hiểu và tiêu thụ sản phẩm văn hóa và “câu chuyện” của người nghệ nhân muốn sáng tạo, gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Điều tất yếu là phải tìm điểm giao cho hai câu chuyện ấy theo hai hướng cho khách hàng cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các sản phẩm của người nghệ nhân và “làm mới” câu chuyện của người nghệ nhân phục vụ nhu cầu của người khách hàng.

Anh Nguyễn Việt Nam, Nhà sáng lập và điều hành Tired City trình bày tại tọa đàm

Phần III “Đề xuất giải pháp sáng tạo” do TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, điều phối đã đón nhận quan điểm và giải pháp từ nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa, di sản, bảo tàng.

Ông Trần Đoàn Lâm cho rằng việc các bạn trẻ tìm hiểu thị trường, áp dụng phương pháp truyền thông của thế giới vào di sản – đó chính là sáng tạo, nhưng để sáng tạo dựa trên di sản thì phải nắm vững về di sản. Để phát triển đúng hướng thì điều quan trọng là phải đi cùng nhau, mỗi người một khâu liên kết với nhau.

Ông Trần Đoàn Lâm, Chủ tịch Hội đồng biên tập chuyên đề Nghiên cứu Việt Nam, NXB Thế giới đóng góp ý kiến

ThS Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá, Hội Di sản văn hoá Việt Nam đề xuất hướng đi cho quận Hoàn Kiếm qua câu chuyện trưng bày về nghệ thuật hát bội bằng tò he và những nỗ lực, tâm huyết để dùng di sản kể chuyện di sản. Từ sản phẩm tò he của nghệ nhân Đặng Văn Hậu, anh đã phát triển bộ quà tặng từ nghệ thuật tò he với bộ tượng Tố nữ. Bên cạnh đó, anh cũng phát triển bộ quà tặng Vị quà phố cổ với phong cách thiết kế vừa hiện đại vừa truyền thống gồm nhiều loại quà khác nhau để thực hiện đề án phát huy di sản ẩm thực.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu tại buổi tọa đàm cho biết tò he rất quý nhưng đã gặp nhiều khó khăn khi nghề tưởng chừng mai một. Để sản phẩm giữ được lâu hơn cho mục đích trưng bày, anh cần tìm nguyên liệu tốt hơn để tăng chất lượng sản phẩm với sự giúp đỡ từ Hội Mỹ thuật TP.HCM.

ThS Nguyễn Đức Tăng, Bộ Di sản văn hóa Việt Nam và Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ tại tọa đàm

Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều, Nguyên Viện trưởng Viện Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam nhấn mạnh việc quan trọng và cấp thiết là xây dựng bảo tàng nghề thủ công. Theo ông, giá trị thủ công mỹ nghệ Việt Nam được quốc tế đánh giá cao nhưng chính chúng ta lại chưa coi trọng đầu tư. Làng nghề đang biến mất, công cụ, sản phẩm đều đang biến mất, nếu chậm thì ta sẽ không bao giờ có lại được. Hơn nữa, các nghệ nhân lão thành đều đã qua đời hoặc rất già yếu, không truyền được bí quyết cho thế hệ sau; các sản phẩm lại đang bị phân tán trong nhân dân hay đem ra nước ngoài sưu tầm nên để tập hợp lại là rất khó. Do đó, trong thời gian chưa có bảo tàng quốc gia, việc xây dựng bảo tàng cá nhân hay bảo tàng ảo cần được khuyến khích; quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý Phố cổ cần tích cực đưa chuyên đề di sản vào không gian di tích, không gian văn hóa trên địa bàn.

Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều trình bày tại tọa đàm

Nhiếp ảnh gia Lê Bích, người “nhận diện di sản bằng nhiếp ảnh” theo lời TS. Lê Thị Minh Lý, chia sẻ về câu chuyện lưu giữ những khoảng khắc đẹp của di sản mà anh đã có dịp tiếp xúc như ca trù, biểu diễn hầu đồng ở phố đi bộ, biểu diễn hàng tháng của Đông Kinh Cổ Nhạc, biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam, các lễ hội đình Kim Ngân, đình Kim Liên. Theo anh, di sản vốn đã đan xen trong đời sống phố cổ, điều quan trọng là cần biết ai nắm giữ nó và làm sao để tiếp cận được họ. Nhiếp ảnh gia Lê Bích đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể để gìn giữ di sản, chẳng hạn việc tổ chức các tour trải nghiệm di sản, như tour ẩm thực, tour đi thăm nhà hoạ sỹ, tour phố nghề – làng nghề v.vv

Nhiếp ảnh gia Lê Bích trình bày tại tọa đàm

Anh Ngô Quý Đức, một người trẻ đã có những chuyến đi tiếp cận nghệ nhân trên khắp cả nước, có đóng góp vào sáng kiến phố đi bộ Hà Nội, đề xuất tạo ra sân chơi cho các nghệ nhân nghề thủ công trình diễn, tái hiện sản phẩm cho du khách đến hồ Hoàn Kiếm để giúp nghề thủ công tiếp cận được với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. TS. KTS Tô Thị Toàn, Nguyên Trường Ban quản lý Phố cổ, người từng đau đáu với phố cổ, bày tỏ niềm phấn khởi và niềm tin khi trên cơ sở giá trị truyền thống, các bạn trẻ đã kế thừa, bảo vệ và phát huy di sản sáng tạo phù hợp với thời đại mới.

Về ý tưởng phát triển bảo tàng thủ công mỹ nghệ, ông Trần Đoàn Lâm cũng chia sẻ ý tưởng làm bảo tàng tĩnh và động như một bảo tàng sống – vừa trưng bày sản phẩm vừa là không gian sáng tạo để nghệ nhân truyền nghề và thể hiện các giá trị. Theo ông, di sản văn hóa phi vật thể tồn tại bên trong con người, và trong dòng chảy ấy, nghệ thuật vẫn sống. Ông Nguyễn Đức Bình, đại diện Đình Làng Việt, đề xuất ý tưởng mở rộng giá trị di sản, đồng tình với việc phải có bảo tàng vì đây là sản phẩm du lịch và cũng là cơ sở dữ liệu về các chi tiết phục vụ khách hàng, nghệ nhân, nhà nghiên cứu.

Ông Nguyễn Đức Bình, đại diện Đình Làng Việt đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Kết luận tọa đàm, TS. Lê Thị Minh Lý nhận định buổi tọa đàm đã thành công ngoài mong đợi, mang tinh thần và sắc thái vô cùng mới mẻ về di sản. Bà tóm gọn lại nội dung tọa đàm trong 06 điểm chính: (1) Di sản nghề thủ công truyền thống là loại hình di sản phi vật thể đặc biệt và quận Hoàn Kiếm cần lưu lại cơ sở dữ liệu và có chiến lược quản lý, chia sẻ để khai thác giá trị đó và tạo nên những giá trị mới; (2) Quận Hoàn Kiếm đã kết nối được những người trẻ, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, ban quản lý, chính sách vào diễn đàn một cách liên ngành để cùng suy nghĩ và bàn luận về vấn đề chung – sáng tạo dựa trên di sản; (3) Về du lịch, quận Hoàn Kiếm là nơi hội tụ di sản vật thể và phi vật thể, có không gian cho ngành thủ công truyền thống, do vậy có thể xây dựng các tour tuyến kết nối; (4) Cần có cơ chế chính sách bảo tồn khẩn cấp, có quỹ di sản để tạo một “cú hích” thúc đẩy sáng tạo trẻ cùng bảo tồn di sản; (5) Cần đẩy mạnh giáo dục di sản để người ta thấy được cái hay, cái đẹp, hiểu rằng đó là điều cần được tôn vinh; (6) Để buổi tọa đàm có giá trị, những sáng kiến cụ thể cần đi vào thực tiễn, và quận Hoàn Kiếm đang rất cần những đóng góp về sản phẩm, thiết kế, quá tặng, dự án quảng bá về di sản./

TS. Lê Thị Minh Lý kết luận các kết quả của tọa đàm

NO COMMENTS

Leave a Reply