Chúng ta ăn rừng

Chúng ta ăn rừng

Đăng vào
0

10:00 – 19:00, thứ Ba – thứ Bảy, 25/05 – 27/07/2024
Galerie Quynh
118 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, TP HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

“Khu rừng tự ăn chính mình và sống mãi.” – Barbara Kingsolver, The Poisonwood Bible

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ăn rừng?

Có nghĩa lý gì khi rừng bị tiêu phí, và còn lại gì trong dư chấn của hiện thực phũ phàng về suy thoái môi trường và mất cân bằng sinh thái của ta?

Triển lãm cá nhân của Nadège David, Chúng Ta Ăn Rừng, mượn nhan đề từ quyển sách Nous avons mangé la forêt (Chúng tôi ăn rừng) xuất bản năm 1957 của nhà dân tộc học quá cố Georges Condominas, viết về thực hành sản xuất nông nghiệp bản địa của cộng đồng người M’Nông, Việt Nam. Loạt tác phẩm mới của Nadège diễn ra ở thời hiện tại – Anthropocene* (tạm dịch: thế Nhân sinh), đẩy chúng ta vào những khu rừng rậm rạp thẫm màu, vén mở những thần thoại và cổ tích trong một thế giới cư trú các loài động thực vật rộn ràng sức sống và năng lượng.

Lấy cảm hứng từ nhà tự nhiên học và triết gia Alexander Von Humboldt (1769–1859), người đã nêu bật lên các nghiên cứu khoa học lẫn mối liên kết tình cảm với thiên nhiên, Nadège nâng thiên nhiên lên khỏi vai trò phông nền cho sinh hoạt của con người, biến chúng thành nhân vật trung tâm giữa nhiều tự sự phức tạp diễn ra trong huyễn cảnh của nghệ sĩ.

Trong loạt tác phẩm mới, khám phá của Nadège vượt ra khỏi những ranh giới cũ, đào sâu vào tầm quan trọng của thực vật và các dạng sống khác với sự chú tâm cao độ – đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý trong thực hành của cô. Đối với những bộ tranh trước đó, nghệ sĩ khai thác trải nghiệm giác quan của cơ thể con người, tái diễn dịch xác thịt thông qua lăng kính nhận thức thay vì chỉ dựa vào hiểu biết khoa học.

Một sắp đặt nhánh cây mọc ra từ thinh không ở lối vào phòng triển lãm, mở cánh cổng đến khu rừng huyền bí nơi lớp lớp mảng xanh đung đưa tự tại, tựa như một tán rừng kẹo bông. Chính tại địa hạt đầy mê hoặc này, Nadège trả lại tự do cho thiên nhiên trong thế giới cô mong muốn tạo ra. Trọng tâm quá trình thực hành của nghệ sĩ là khảo sát cái vi mô để nắm bắt cái vĩ mô. Cuộc hành trình đầy biến đổi này đã tái định hình quang cảnh rừng, hé lộ bóng dáng những sinh vật ẩn hiện, có chỗ óng ánh như vết dầu loang. Những sắc xanh ngả đậm, nhuốm một màu rêu nhầy nhụa, hình ảnh kỳ quái của các loài linh trưởng dị dạng, có lẽ là cư dân từ một tương lai xa, lảng tránh những quy ước về cấu trúc giải phẫu thông thường nhưng vẫn có vẻ hoàn toàn bình thường một cách lạ kỳ.

Trong Cái Huyễn tưởng Dai dẳng của Chất, hình dạng méo mó của một sinh vật đầy thương tích ngự trị với tấm lưng vặn xoắn rợn người; đầu cá lắc lư trên cành cây như vào thế sẵn sàng phóng lên hoặc thăng thiên giữa Về Nhu Cầu Chứa đựng; và một con lợn được tán rừng nhấc bổng và như được bao bọc trong Ta sẽ nhai đầu ngươi và đầu ngươi.

Giữa hoạt cảnh siêu thực, dư âm của những sự kiện hiếu kỳ ngân vang trong một mô hình thu nhỏ của thời hậu Nhân sinh, chứa đựng ảnh hưởng của các hoạt động sinh học, vật lý, kinh tế và chính trị ở thế giới hiện tại của chúng ta.

* Vào giữa cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học, đáng kể đến là Eugene Stoermer (1934–2012) và Paul J. Crutzen (1933–2021), đề xuất bổ sung ‘Anthropocene’ – một giai đoạn địa chất gần đây nhất, bắt đầu từ lúc hoạt động của con người gây ảnh hưởng lên hệ sinh thái Trái Đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn đang tranh cãi về sự tồn tại và vị trí của Anthropocene trong niên biểu địa chất, phần lớn cho rằng nó là một thế địa chất tiếp theo sau thế Holocen, thuộc kỷ Đệ tứ, đại Tân sinh.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply