HN & TP HCM – Hòa nhạc Toyota 2016

HN & TP HCM – Hòa nhạc Toyota 2016

Đăng vào
0

toyota concert tour 2016

Hà Nội: 20:00, 05 và 06/08/2016
Nhà hát lớn Hà Nội

TP HCM: 20:00, 10 và 11/08/2016
Nhà hát lớn TP HCM

Thông tin từ Công ty ô tô Toyota Việt Nam:

Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) và Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam (DNGHVN) trân trọng thông báo tổ chức chương trình “Hòa nhạc Toyota 2016” (Toyota Concert 2016). Chương trình sẽ được thực hiện tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 4 đêm diễn, hứa hẹn sẽ mang tới cho khán thính giả yêu nhạc những phút giây thăng hoa, đắm chìm trong những giai điệu cổ điển trữ tình Nga thế kỷ 19 giàu cảm xúc.

Trong năm thứ 19 thực hiện, Chương trình Hòa nhạc Toyota 2016 được biểu diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của vị nhạc trưởng người Nhật tài ba Honna Tetsuji và đặc biệt là sự tham gia lần đầu tiên của nghệ sĩ piano tài năng Vũ Ngọc Linh – người từng gặt hái được nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi âm nhạc tại Mỹ như: giải Nhất cuộc thi độc tấu Piano với dàn nhạc tại Mỹ (2004), giải Nhì cuộc thi của Hiệp hội giáo viên âm nhạc của New Jersey và Mỹ (2005)…

Theo đó, Chương trình sẽ đưa người nghe ngược dòng thời gian về thế kỷ 19 của những giai điệu cổ điển trữ tình, đến với miền cổ tích nước Nga – vùng đất sinh ra những con người ưu tú của nền âm nhạc cổ điển thế giới nói chung và lịch sử âm nhạc nước Nga nói riêng. Đó là một Glinka với đột phá tiên phong, được tụng xưng là cha đẻ của nền âm nhạc kinh điển Nga, một Rachmaninov thiên tài hay một Tchaikovsky với chất nhạc mạnh mẽ giàu xúc cảm.

Các tiết mục biểu diễn tại chương trình được lựa chọn từ các tác phẩm âm nhạc kinh điển đã chiếm trọn trái tim biết bao người yêu nhạc Nga nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, bao gồm: Khúc mở màn vở opera “Ruslan và Ludmila” (M. Glinka), Concerto Số 2 cho Piano giọng Đô thứ, Op. 18 (S. Rachmaninov) và Bản giao hưởng số 5 giọng Mi thứ, Op. 64 (P.I. Tchaikovsky) sẽ mang lại những cung bậc cảm xúc khó quên cho khán thính giả yêu nhạc cả nước.

Là một hoạt động đóng góp xã hội ý nghĩa được tổ chức thường niên trong suốt 18 năm qua, Chương trình Hòa nhạc Toyota đã hỗ trợ tích cực cho DNGHVN nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn với các chuyến lưu diễn đến các thành phố lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chương trình còn tạo điều kiện cho các tài năng trẻ nước nhà có cơ hội cơ hội tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc, như violin Đỗ Phương Nhi, Bùi Công Duy, ca sĩ Tùng Dương, Trịnh Thanh Bình…. Đến nay, với 58 đêm hòa nhạc ấn tượng và giàu cảm xúc cùng 34.500 khán thính giả, chương trình đã trở thành một sự kiện âm nhạc luôn được chào đón nồng nhiệt và đánh giá cao, góp phần tích cực phổ biến nền âm nhạc bác học này tới đông đảo người yêu nhạc Việt Nam.

Sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam, với phương châm trở thành một công dân tốt trong cộng đồng, TMV đã thực hiện nhiều hoạt động đóng góp xã hội thiết thực và lâu dài, đóng góp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và cho sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam với tổng số tiền đóng góp cho các hoạt động lên trên 22 triệu đô la Mỹ. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, TMV đã trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại Việt Nam và đạt được những thành tựu đáng kể: hơn 375,000 khách hàng đã tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của Toyota; trên 6,6 triệu lượt khách hàng vào làm dịch vụ; xuất khẩu phụ tùng ô tô sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch xuất khẩu cộng dồn lên trên 350 triệu đô la Mỹ; liên tục gia tăng năng lực sản xuất với tổng tiền đầu tư lên tới 160 triệu đô la Mỹ (không tính đầu tư ban đầu), đóng góp trên 5 tỷ đô la Mỹ vào Ngân sách nhà nước, cung cấp việc làm ổn định cho xấp xỉ 33,000 nhân viên làm việc tại TMV, 44 Đại lý/Chi nhánh Đại lý/Trạm dịch vụ ủy quyền và 20 nhà cung cấp. Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển và xây dựng kinh tế xã hội cùng những thành tích đạt được, TMV đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì nhân dịp Công ty tròn 20 tuổi.

Chương trình

M. Glinka: Khúc mở màn vở opera “Ruslan và Ludmila”
S. Rachmaninov: Concerto Số 2 cho Piano giọng Đô thứ, Op. 18
P.I. Tchaikovsky: Bản giao hưởng số 5 giọng Mi thứ, Op. 64

Tham khảo khúc mở màn vở opera “Ruslan và Ludmila” của M. Glinka dưới sự trình diễn của dàn nhạc giao hưởng nhà hát Mariinsky dưới đây:

Chi tiết chương trình

Mikhail Ivanovich Glinka – Khúc mở màn Opera “Ruslan and Ludmila”

Mikhail Ivanovich Glinka (1804–1857)
Mikhail Ivanovich Glinka là nhà soạn nhạc người Nga đầu tiên được công nhận rộng rãi trong nước, và thường được coi là người sáng lập nền âm nhạc cổ điển Nga. Tác phẩm của Glinka có ảnh hưởng rất lớn tới các thế hệ soạn nhạc Nga sau đó, đặc biệt là các thành viên của nhóm The Five, những người đã làm theo sự dẫn dắt của Glinka và tạo ra một phong cách đặc biệt cho âm nhạc Nga.

Glinka là người mở đầu một xu hướng mới trong sự phát triển của âm nhạc ở Nga. Văn hóa âm nhạc Nga đến từ châu Âu, và đặc biệt âm nhạc Nga xuất hiện lần đầu tiên trong những vở opera của Mikhail dựa trên văn hóa âm nhạc châu Âu. Người đầu tiên chú ý tới xu hướng âm nhạc mới này là Alexander Serov. Sau đó Glinka đã nhận được sự ủng hộ từ một người bạn của ông, Vladimir Stasov, người đã trở thành nhà lý luận của xu hướng âm nhạc này. Xu hướng này đã được phát triển bởi những nhà soạn nhạc còn lại trong nhóm các nhà soạn nhạc mang tên The Five.

Khúc mở màn vở opera “Ruslan và Ludmila”
“Ruslan và Ludmila” là vở opera gồm 5 màn được Mikhail Glinka sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1837 đến năm1842. Tác phẩm dựa trên bài thơ cùng tên viết năm1820 của nhà thơ Aleksandr Pushkin. Lời nhạc kịch bằng tiếng Nga được viết bởi các tác giả Valerian Shirkov, Nestor Kukolnik, N.A.Markevich và một số người khác. Cái chết đột ngột trong cuộc đấu tay đôi nổi tiếng đã khiến Pushkin không kịp viết lời nhạc kịch theo như dự kiến. Buổi ra mắt tác phẩm diễn ra tại St Petersburg vào ngày 27 tháng 11 năm1842 tại Nhà hát Bolshoy. Bốn năm sau đó, năm 1846, vở opera đã được trình diễn lần đầu tiên ở Moscow tại Nhà hát Bolshoy.

Sergei Rachmaninov – Concerto Số 2 cho Piano giọng Đô thứ, Op. 18

Sergei Rachmaninov (1873 – 1943)
Sergei Vasilievich Rachmaninov là một nhà soạn nhạc có nhiều thành công lớn. Rachmaninov nổi danh là một trong những nghệ sỹ piano tài hoa nhất thời đại ông và được mọi người biết đến như một trong những đại diện lớn nhất của Chủ nghĩa Lãng mạn trong làng âm nhạc cổ điển Nga. Những ảnh hưởng đầu tiên của Tchaikovsky, Rimsky-Korsakov và những nhà soạn nhạc khác đã tạo cho ông lối viết hoàn toàn khác biệt, trong đó biểu lộ giọng thơ trữ tình rõ rệt, sự phóng khoáng đến ấn tượng, sự khéo léo trong kết cấu và âm sắc phong phú. Giai điệu piano tập trung làm nổi bật trong các tác phẩm của Rachmaninov. Ông coi việc biểu diễn là cần thiết để khám phá tất cả các khả năng biểu cảm của cây dương cầm. Ngay cả trong các tác phẩm đầu tay của ông cũng đã bộc lộ sự hiểu biết sâu sắc trong việc viết nhạc cho piano và năng khiếu nổi bật về sáng tác giai điệu.

Concerto Số 2 cho Piano giọng Đô thứ, Op. 18
Bản Concerto Số 2 giọng Đô thứ, Op. 18 ra đời vào cuối mùa hè năm 1900, ngay sau khi Rachmaninov bắt đầu tìm lại được niềm tin của mình vào cuộc sống. Theo lời Rachmaninov, chương II và chương III được viết một cách dễ dàng và nhanh chóng nhưng ông lại gặp rất nhiều khó khăn với chương I. Bản nháp chưa hoàn thành của tác phẩm được trình diễn lần đầu tại Moscow vào ngày 02 tháng 12 năm 1900 trong sự lo lắng của tác giả sau 8 năm dài không làm việc với bất kỳ một dàn nhạc nào. May mắn thay, đêm diễn thành công, điều này càng nâng cao tinh thần cho Rachmaninov. Vào ngày 27 tháng 10 cũng năm đó, bản Concerto Số 2 viết cho piano và dàn nhạc, chính thức được ra mắt với sự biểu diễn của chính tác giả và nhạc trưởng Alexander Soloti.

Bản concerto Số 2 gồm 3 chương : Moderato – Adagio sostenuto – Allegro scherzando. Ngay lập tức tác phẩm đã đạt được thành công rực rỡ không ngờ tại Nga và nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Và đó chính là sự khởi đầu tốt đẹp của một trong những bản concerto hay nhất và được yêu thích nhất của thế kỷ 20.

Pyotr Ilyich Tchaikovsky – Bản giao hưởng số 5 giọng Mi thứ, Op. 64

Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840 – 1893)
Pyotr Ilyich Tchaikovsky là nhà soạn nhạc người Nga tiêu biểu cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Cuộc đời của Tchaikovsky đầy những biến cố bất thường. Ban đầu ông theo học trường luật, sau đó, năm 23 tuổi, ông theo học nhạc tại Nhạc viện, rồi trở thành một giảng viên dạy hòa thanh và cuối cùng ông quyết định dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp sáng tác. Vật lộn trong cuộc sống tình cảm và những quy tắc đạo đức hà khắc của xã hội đương thời nhưng Tchaikovsky không ngừng làm việc và để lại cho nhân loại những kiệt tác âm nhạc bất hủ.

Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm: các vở ba-lê “Hồ thiên nga”, “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Chiếc kẹp hạt dẻ”, Bản Overture 1812, Bản Concerto số 1 viết cho piano, Ba bản giao hưởng cuối và vở nhạc kịch “Eugene Onegin”. Tác phẩm của ông thể hiện những cảm xúc dồn nén, đôi khi là sự duyên dáng, cuốn hút mãnh liệt, thường biểu lộ rõ ràng. Cảm xúc đó ngày càng trở nên dữ dội trong những năm về sau và được thể hiện đầy đủ nhất trong Bản giao hưởng Số 6 của Tchaikovsky, một trong những tác phẩm giao hưởng lừng danh của thời đại đó.

Bản giao hưởng số 5 giọng Mi thứ, Op. 64

Mặc dù Bản giao hưởng số 5 không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông như vở Ballet “Hồ Thiên Nga”, giao hưởng số 6 “Pathétique”, “The Nutcracker”, Overture 1812… nhưng đây lại là bản giao hưởng nổi tiếng nhất trong Thế chiến thứ 2 với tinh thần quyết chiến quyết thắng.

Giao hưởng Số 5 giọng Mi thứ, Op. 64 của Tchaikovsky được sáng tác từ tháng 5 tới tháng 8 năm 1888 và đã công diễn tại St.Petersburg ngày 6/11/1888 do chính tác giả chỉ huy. Trong thời gian đầu viết tác phẩm này, Tchaikovsky phải chịu áp lực nặng nề và rơi vào tình trạng “hết ý tưởng sáng tác”. Sau đó ông rời đến vùng quê để được thư giãn, sống trong thanh bình, yên tĩnh và tận hưởng sự thư thái từ khu vườn của ông. Bản giao hưởng này phản ánh những xung đột đến dữ dội trong cảm xúc mà Tchaikovsky đã trải qua trong suốt quãng thời gian sáng tác nó.

Bản giao hưởng gồm 4 chương. Chương I và chương II với không khí ảm đạm, u buồn. Có lẽ, hai chương đầu của bản giao hưởng này chung chủ đề “định mệnh” với Giao hưởng số 4 (Định Mệnh) của ông. Dần dần trong giai điệu valse duyên dáng, thanh lịch của chương III và với tinh thần quyết thắng, quyết vượt qua số phận của chương IV làm cho bản nhạc hào hùng và tràn đầy sự phấn khích.

Nghệ sĩ độc tấu piano Vũ Ngọc Linh

Vũ Ngọc Linh sinh năm 1982, anh học piano từ lúc 6 tuổi sau đó theo học trường năng khiếu âm nhạc Matxcova. Về nước, anh tiếp tục học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của GS.TS.NGND Trần Thu Hà.

Năm 2001, Vũ Ngọc Linh được trao học bổng toàn phần của Mỹ. Tại đây anh được học tập dưới sự hướng dẫn của các Giáo sư Mark Zeltser và Veda Zuponcic. Trong thời gian này, anh đã gặt hái được một số giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc tại Mỹ, vv. Năm 2004, anh được giải Nhất cuộc thi độc tấu Piano với dàn nhạc tại Mỹ. Năm 2005, Vũ Ngọc Linh được trao giải Nhì cuộc thi của Hiệp hội giáo viên âm nhạc của New Jersey và Mỹ. Năm 2009, anh học sau đại học tại Australia. Vũ Ngọc Linh đã biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc tại một số quốc gia và đã biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng của Mỹ, Nga, Việt Nam, vv…

Ngoài ra, Vũ Ngọc Linh còn là nghệ sỹ khách mời của một số Festival âm nhạc ở Mỹ, Australia, Nga, các chương trình hòa nhạc của UNICEF và “Steinway & Sons”, vv… Hiện tại, Vũ Ngọc Linh là giảng viên khoa Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

– Giá vé:
Hạng S: VND 700.000/vé
Hạng A: VND 500.000/vé
Hạng B: VND 300.000/vé
Dành cho Sinh viên: VND 100.000/ vé

– Địa điểm bán vé:
Nhà hát Lớn Hà Nội – Số 1 Tràng Tiền, Hà Nội (Liên hệ: 0913 489 858 / 0983 067 996)
Nhà hát TP. Hồ Chí Minh – Số 7 Công trường Lam Sơn, Q.1, TP. Hồ Chí Minh (08 6270 4450/ 098 987 4517)

Nhà hát lớn Hà Nội
Số 1 Tràng Tiền, Hà Nội
Nhà hát lớn TP HCM
Số 7 Công Trường Lam Sơn, Quận 1, TP HCM

Similar Articles

NO COMMENTS

Leave a Reply