Chương trình “Bản giao hưởng Mùa Hạ”: Cơn mưa mát lành

Chương trình “Bản giao hưởng Mùa Hạ”: Cơn mưa mát lành

Đăng vào
0
Hình ảnh từ vở ballet đương đại “Khoảnh khắc”, phần II của buổi hòa nhạc. © Hanoi Grapevine

Viết bởi Tufng cho Hanoi Grapevine
Ảnh và video: Hanoi Grapevine

Trong hai ngày 5 và 6/6/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra buổi biểu diễn nhạc cổ điển và múa đương đại “Bản giao hưởng Mùa Hạ”. Cuộc gặp gỡ nghệ thuật thú vị giữa vị nhạc trưởng Nhật Bản Kotaro Kimura với dàn nhạc giao hưởng thuộc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã mang cho người đến xem một buổi tối “mưa” mát lành giữa cái nóng oi ả những ngày đầu tháng 6.

Cuộc tìm kiếm của nhạc trưởng

Mở màn với đoạn Overture bản “Những người thuộc hạ của Promatheus” của L.Beethoven, Kotaro Kimura đã nhanh chóng cho mọi người thấy một cá tính âm nhạc trẻ và độc đáo từ xứ sở mặt trời mọc. Sau màn chào hỏi với khán giả, vị nhạc công sinh năm 1981 nhanh chóng rời bỏ thế giới xung quanh để bắt đầu bản giao hưởng anh chỉ đạo như cho riêng mình. Nhẹ nhàng vung cây đũa, anh đung đưa theo tiếng kéo vĩ cầm: những nốt thanh, nhẹ, mát mẻ và chậm rãi của khúc giao mùa xuân-hè. Tiếng hòa quyện của khoảng một chục loại nhạc cụ khác nhau của dàn nhạc giao hưởng thuộc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam không dồn dập, đè nén như những bản giao hưởng hàn lâm thường thấy, mà lơ lửng, bay lên rồi tan vào khán phòng gần 400 người như một tiếng ngâm nga khe khẽ của vị nhạc trưởng.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó về buổi hòa nhạc với Hanoi Grapevine, Kimura tự nhận mình khi đứng sân khấu giống “một nhà phẫu thuật”. Hanoi Grapevine vẫn không thực sự hiểu ẩn ý của anh, cho tới lúc thực nhìn anh chỉ huy: khán giả như cảm nhận được sự phấn khích, ngạc nhiên và niềm thích thú vô tận của vị nhạc trưởng với chính bản giao hưởng mà anh đã tập luyện và trình diễn nhiều lần. Có lúc anh trầm ngâm, suy tư, lúc lại nhẹ nhàng đung đưa, mơ màng phác những nét nhẩn nha bằng cây đũa vào không khí, có lúc lại oằn người, giậm chân, siết chặt bàn tay và quăng những thăng hoa âm nhạc vô hình về phía dàn nhạc. Có lẽ đó chính là tính “khoảnh khắc” của âm nhạc anh đã đề cập, giống như một vị bác sỹ, một nhà giải phẫu, dù có trải qua bao nhiêu lần thực hành cũng không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên trước sự kỳ diệu của cơ thể một con người. Anh hành xử như thể mình không ngừng hài lòng với bản nhạc mình đang chơi, mà vẫn mãi tìm kiếm những âm thanh thật đúng với lòng mình – ngay ở thời điểm ấy.

Nhạc trưởng Kotaro Kimura cùng dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Việt Nam và Nhật Bản. © Hanoi Grapevine

Nếu chưa đủ thỏa mãn với khúc giao mùa, bản Fantasy cung Đô thứ Op.80 sau đó cùng sự tham gia của nghệ sỹ piano Mika Kawasaki, cùng với sự kết hợp của NSƯT Thăng Long, NSƯT Vành Khuyên trong phần 4 bản giao hưởng số 9 cung Rê của L.Beethoven đã thực sự mê hoặc người nghe, dẫn dắt họ vào cuộc tìm kiếm của tất cả các cung bậc trong một mùa hạ. Với cùng một phong cách biểu diễn, Kimura đặt sang một bên sự hiện diện của khán giả, để đắm mình trong những nguồn năng lượng mãnh liệt nhất với đầy đủ những nốt trầm, bổng, dồn dập bởi tiếng bass của nghệ sỹ Ryohei Morita và hùng tráng bởi dàn hợp xướng “khủng” gồm hơn 150 giọng ca đến từ Việt Nam và cả Nhật Bản. Điểm nhấn của buổi diễn không chỉ là những khúc dồn nhạc, mà là cả những khoảng lặng khiến người xem nín thở giữa những đoạn chuyển. Sự trong trẻo, mát mẻ của từng cú kéo violon hay giai điệu lả lướt trên cây dương cầm làm cho từng giây tĩnh lặng chờ đợi nhạc lên trở nên xứng đáng.

Trích đoạn phần biểu diễn bản Fantasy cung Đô thứ Op.80 của Beethoven của nghệ sĩ piano Mika Kawasaki cùng dàn nhạc tại sự kiện:

Với sự kỳ diệu của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cùng dàn nhạc công, hợp xướng đến từ Nhật Bản như vậy, tuy buổi biểu diễn đã bước sang ngày thứ hai nhưng khán phòng vẫn chật chỗ với gần 400 người dự thính, và thật khó để trông thấy ai bỏ ghế giữa chừng!

“Khoảnh khắc” từ âm nhạc đến vũ đạo

Nếu được chọn một chủ đề khác để thay thế cho cái tên “Bản giao hưởng mùa Hạ” của buổi diễn, có lẽ Hanoi Grapevine sẽ chọn cái tên “Khoảnh khắc của âm nhạc và vũ đạo”: “khoảnh khắc” từ cách chỉ huy dàn giao hưởng và hợp xướng vô cùng ngẫu hứng và bất ngờ của nhạc trưởng Kotaro Kimura, đến cả “Khoảnh khắc” của vở múa đương đại cùng tên – dàn dựng bởi hai biên đạo múa tài năng Nguyễn Ngọc Anh và Tạ Thùy Chi trong phần hai. Trái ngược với bầu không khí hạ mùa êm ả, mát mẻ của phần một, vở múa đưa đến một làn gió khác, làm gợi lên những suy tư trăn trở trong mỗi cá nhân đi tìm mình giữa xã hội, về nỗ lực sinh tồn và sự vận động không ngừng nghỉ của cuộc sống.

Một “Khoảnh khắc” của vở múa. Ảnh: Cao Xuân Tùng

Xuyên suốt vở múa, người xem được chứng kiến thủ pháp của người biên đạo: dùng số đông để thể hiện sự khác biệt cá nhân, dùng sự đồng điệu (hay đúng hơn là hành vi sao chép một cách vô thức về tư duy và hành động trong một tập thể) để tôn lên sự lệch nhịp của thiểu số, đồng thời nhắc nhở người xem về sức mạnh khó cưỡng của “đám đông”. Một buổi trình diễn với sự tương phản nhân văn mạnh, sự va chạm gay gắt giữa cá thể và xã hội, giữa mong muốn nguyện vọng của cá nhân với kỳ vọng tập thể. Buổi biểu diễn như một tấm gương để người xem đối chiếu mình trong đó, từ những trải nghiệm thực tế của mỗi người.

Nghệ thuật tương phản đối lập trong vở múa đương đại “Khoảnh khắc” không chỉ đến từ vũ đạo, bài trí sân khấu, mà còn đến từ sự dàn dựng phục trang, kiêm nhiệm bởi biên đạo Nguyễn Ngọc Anh. Khi những con người trong trang phục bằng nilon và nhựa đa màu sắc, với những chiếc cánh thêu thùa hay bộ đầm to quá khổ – xa hoa nhưng phù phiếm – lướt ngang qua những vũ công với cơ thể trần, người xem phải bất giác trăn trở, rồi tự vấn bản thân về sự đầy, vơi.

Kết thúc chương trình, khán giả ra về trong cái gió mát lành của đêm hè khi đã qua 22 giờ, trái ngược với bầu không khí khá oi nồng trước khi diễn ra buổi biểu diễn. Sự mát mẻ ấy, có hay chăng, cũng đến từ cả “Bản giao hưởng mùa Hạ” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Tufng

Đoạn kết vở ballet đương đại “Khoảnh khắc” tại buổi hòa nhạc:

Một vài hình ảnh Hanoi Grapevine ghi nhận tại sự kiện:

NO COMMENTS

Leave a Reply