Lời của Tre – Vở diễn ấn tượng đáng xem

Lời của Tre – Vở diễn ấn tượng đáng xem

Đăng vào
0

Viết bởi Tufng cho Hanoi Grapevine


Vở diễn “Lời của tre” là thành quả 6 năm nghiên cứu, tìm hiểu ý tưởng, 4 năm chế tạo nhạc cụ của 8 nghệ sỹ theo dòng âm nhạc thể nghiệm dưới sự bảo trợ của đạo diễn âm thanh nghệ thuật tài năng Nguyễn Nhất Lý. Một sự pha trộn hấp dẫn giữa âm thanh và trình diễn, nhạc cụ và ca xẩm đã đúc kết thành show diễn về tre độc nhất vô nhị chưa từng có tại Việt Nam.

Giá trị của một thanh âm

Buổi biểu diễn nghệ thuật khởi động bằng một bữa tối giản dị và nhẹ nhàng tại chính không gian tầng 1 của Phù Sa Lab. Món ăn được phục vụ gồm bún chả cá dọc mùng hay cơm gà cà ri như trong một phòng ăn chung tạo nên một không khí ấm cúng giàu chất Việt Nam giữa những người tới xem.

Sau bữa tối, vở diễn 45 phút được bắt đầu trên tầng 2, trong một căn phòng tối mịt: khán giả ngồi cạnh cũng khó mà có thể nhìn thấy mặt nhau. Không gian khép kín rộng chừng 40 mét vuông với 50 chỗ ngồi như chìm nghỉm trong sự vô thanh đến nặng nề. Khán giả chờ đợi, chờ đợi. Rồi lại chờ đợi, đến mòn mỏi. Mới đầu show mà các nghệ sỹ đã muốn nhắn nhủ điều gì đây! Tính vô thủy vô chung của sự hiện hữu, hay cái màu đen đặc quánh thuở sơ khai trước khi sự sống ra đời? Giữa lúc bối rối đấy, thì bỗng, một thanh âm vang lên. Thanh âm đó hình như được hứng từ một giọt nước, tung tẩy từ đầu này sang đầu nọ của căn phòng; thanh thoát, nhẹ tênh và trong vắt. Lời của tre!

Và đúng là những cây tre xuất hiện thật. Chúng có hình, có thù, có mắt, có thân, có ngúng nguẩy nhìn nhau, có dửng dưng đùa giỡn. Và khi chúng nghịch bỡn xong, thì những hình thù nấp sau cây tre hiện ra, tiếp tục tung tẩy trước mặt khán giả. Người ta thoạt đầu cười vì những cái thân xác lớn đùng, ngờ nghệch vẫn chơi trò tung hứng mấy viên bi như lũ trẻ con, rồi bỗng chợt ồ lên thích thú khi nhận ra tiếng bẩy tre tưởng như tưng tửng nhưng lại đồng điệu, nhịp nhàng một cách ngẫu hứng tạo thành một giai điệu hồn nhiên như một bài vè trẻ con. Cái sự trong trẻo đấy, liệu chỉ đơn thuần là tâm hồn vô tư của một lũ trẻ nghịch ngợm, hay còn xa hơn nữa dạy chúng ta rằng, trong sự tĩnh lặng tuyệt đối thì mọi thanh âm đều có giá trị, và mọi sự sống được nuôi dưỡng trong thanh âm ngàn đời đó đều ngây ngô mãi trong trạng thái mà chúng được sinh ra?

Những suy tư về con người và thiên nhiên

Tiến xa hơn khỏi trạng thái nguyên thủy đó, những cây tre đẩy người xem vào sự va chạm giữa sự khởi sinh vô ngã với xã hội vật chất di động. Những nghệ sỹ trình diễn, vẫn trong hình hài những đứa trẻ to xác, từ trong bộ trang phục dân tộc, tranh nhau hứng nước, hay chao đảo ném vào nhau những thân tre, điên cuồng vỗ bình trống chum, tới sự xuất hiện của sư thầy mặc áo cà sa và phật bà quan âm giáng trần, khiến khán giả dường như không theo kịp nổi những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Tiến độ nhả nhịp nhanh, chậm của những nhạc cụ được làm bằng tre, rồi bất ngờ dồn ép, nén nặng trong tiếng kèn saxophone, dưới sự sắp đặt và chọn lựa ánh sáng trình chiếu giàu màu sắc tâm linh, đẩy người xem thoát khỏi trạng thái thường nhật mà suy tư hơn về những điều triết lý, về sự xung đột, về tính nguyên sơ, về tôn giáo. Những câu hỏi như muốn tìm đến nương nhờ ở thân tre và thanh âm của nó.

Điểm nhấn để đẩy người xem tới sự chất vấn bản thân đến tột cùng là giọng ca cao vút, trong vắt và thần thoại của ca sỹ Mai Khôi trong “Bài nước” và “Bài ca trù”, cùng màn chơi saxophone đến nghẹt thở của nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc. Và tất nhiên, pha solo “trống chum” – phối hợp ngẫu hứng giữa chiếc chum nước nhà quê với bộ khuếch âm – không thể dùng từ gì khác ngoài “điên cuồng” của nghệ sỹ Nguyễn Quang Sự không chỉ mang đến sự thăng hoa trong tiết tấu và cung bậc âm thanh, mà còn thể hiện rõ rệt giá trị mà Phù Sa Lab và nghệ sỹ Nguyễn Nhất Lý theo đuổi: thể nghiệm nhạc cụ mới chế tạo từ những vật liệu gần gũi Việt Nam nhất, và kiểm chứng tác động của nó tới khán giả.

Quan trọng là CƯỜI

Đưa khán giả tới những tầng triết lý sâu xa khác nhau, nhưng lời cuối tre muốn nhắn nhủ lại là, phải CƯỜI! Màn hát “Xẩm ngược đời” như một lời ngao ngán cho số phận cá thể bất lực, biết làm gì ngoài cười chua chát trước tấn trò đời của xã hội như một lời kết thúc cho những thông điệp các nghệ sỹ đã truyền tải trước đó. Và sau tiếng thở dài đó, người ta lại thấy những đứa trẻ to xác, lúc đầu ngây ngô, lúc giữa nhăn nhó, toe toét đi vào sân khấu lúc cuối cùng. Phận người đi qua hành trình của một kiếp sống để rồi bến cuối lại chính là điểm xuất phát lúc đầu: lũ trẻ đó lại vui vẻ, lại đùa giỡn thanh âm với những thân tre độc đáo chúng đã nghịch ban đầu. Có khác chăng ở chỗ, niềm vui ở đây không còn là một thứ niềm vui vô minh, mà là một niềm vui mà chúng lựa chọn giữa vô vàn những cung bậc cảm xúc đã va vấp trong quá trình lớn khôn, để mà cảm nhận. Có thể chọn vui, sao mà phải chọn buồn, đau, hờn, tủi?

Để kết lại, “Lời của tre” như một “bản hùng ca hay lời ai oán”: ngợi ca cho kiếp sống lý tưởng, dũng cảm thoát ra khỏi cái luẩn quẩn của kiếp sống trần tục, hay trách móc cho sự sân, si, mê muội của chúng sinh. Và lời của tre đó, là lời để nói với nhau, hay lời để nói với con người?

Hãy đến và tự tìm câu trả lời cho chính mình, với buổi biểu diễn “Lời của tre” tiếp theo tại Phù Sa Lab, với sự tham gia của 8 nghệ sỹ cùng 15 loại nhạc cụ tự chế tạo khác nhau, lịch diễn tháng 7 bắt đầu ngày 12, và còn kéo dài đến hết tháng 9. Một show diễn về tre, với những triết lý nhân văn độc nhất vô nhị tại Việt Nam, và ít nhất phải xem cho biết một lần, đó chính là lời nhắn của Hanoi Grapevine!

NO COMMENTS

Leave a Reply