Truyền thống và hiện đại giao thoa trong “Quẫn” bởi LucTeam

Truyền thống và hiện đại giao thoa trong “Quẫn” bởi LucTeam

Đăng vào
0

Viết bởi Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine
Vui lòng không sao chép, đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận của tác giả và Hanoi Grapevine.

Đạo diễn Trần Lực giới thiệu về buổi diễn

Ngày 29/11/2018, đoàn kịch LucTeam sáng lập bởi đạo diễn Trần Lực đón “sinh nhật” Một tuổi với vở hài kịch Quẫn ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace.

Quẫn vốn là vở hài kịch kinh điển gắn liền với tên tuổi của nhà viết kịch Lộng Chương và đạo diễn Trần Hoạt. Tác phẩm xoay quanh việc tranh chấp, giấu diếm và tẩu tán tài sản của một gia đình tư sản lâu đời trước làn sóng công tư hợp doanh. Suốt một thập kỉ từ năm 1960 tới năm 1970, Quẫn đã có tới 2.000 buổi công diễn. Sau thời kì hoàng kim đó, kiệt tác hài kịch này dần đi vào quên lãng.

Từ đầu năm 2018, LucTeam đã nhiều lần thành công đưa Quẫn trở lại sân khấu. Qua bàn tay biên tập Đỗ Trí Hùng và đạo điễn Trần Lực, vở kịch trở thành mối giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Nét giao thoa ấy trước tiên thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật ước lệ – biểu hiện. Trên sân khấu không hề có dựng cảnh và chỉ có một vài đạo cụ. Qua hành động của diễn viên, mỗi khán giả sẽ tự hình dung ra bối cảnh. Đây là ngôn ngữ nghệ thuật kịch mới được lấy cảm hứng từ Chèo – một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam.

Trên sân khấu chỉ có duy nhất một đạo cụ
Ông Đại Cát và chiếc hòm cất giấu gia tài

Vẫn đi theo cốt truyện về một thời đại đã qua, LucTeam xây dựng lại con người trong Quẫn với những nét rất hiện đại. Khán giả không khỏi bật cười mỗi khi nhân vật nào đó thốt lên một câu tiếng Anh, ông Đại Cát nghêu ngao theo điệu bài Pen Pineapple Apple Pen trong một cơn mơ hoang dại, hay bà Đại Cát nhại lại lời người nổi tiếng trong giới showbiz ngày nay. Các nhân vật cũng được thủ vai bởi những diễn viên trẻ là học trò của đạo diễn Trần Lực tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

Bên cạnh đó, vở diễn lần này mang cái nhìn khoan dung hơn đối với tầng lớp tư sản cũ. Để có gia tài khổng lồ họ cũng phải bỏ rất nhiều vốn và công sức từ nhiều đời. Làn sóng công tư hợp doanh tràn đến khiến họ có nguy cơ gần như mất trắng. Trong hoàn cảnh đó, việc nổi điên hóa “quẫn” thật đáng được thông cảm.

Giao lưu cùng khán giả sau buổi diễn, đạo diễn Trần Lực chia sẻ rằng lý do sân khấu kịch tại Việt Nam đang trong giai đoạn “chết lâm sàng” là bởi hầu hết các vở kịch đều được thể hiện bằng hiện thực tâm lý. Với việc sử dụng ngôn ngữ ước lệ – biểu hiện, đạo diễn Trần Lực hy vọng có thể bày ra một “món mới” và kéo gần khoảng cách giữa khán giả và sân khấu.

NO COMMENTS

Leave a Reply