Famlab Residency: Tìm kiếm người tham gia

Famlab Residency: Tìm kiếm người tham gia

Đăng vào
0
Lai Lầu, nghệ nhân âm nhạc Chăm (làng Bỉnh Nghĩa, Ninh Thuận). Ảnh: Lê Xuân Phong

Famlab Residency: Tìm kiếm người tham gia
Lưu trú âm nhạc tại Phù Sa Lab (Hà Nội): 13 – 23/01/2019
Thời hạn đăng ký tham gia: trước 23:59, thứ hai 31/12/2018

Thông tin từ nhà tổ chức:

Hội đồng Anh tại Việt Nam và LUNE Production giới thiệu

Lưu trú âm nhạc tại Phù Sa Lab (Hà Nội): 13-23 tháng Một 2019

Thành phần tham gia: Tám nghệ sĩ âm nhạc đang sinh sống tại Việt Nam

Hội đồng Anh đang tìm kiếm tám nghệ sĩ thực hành âm nhạc để tham gia chương trình lưu trú FAMLAB diễn ra trong 10 ngày tại Phù Sa Lab Hà Nội, từ 13-23 tháng Một 2019.

Thuộc hợp phần FAMLAB của Dự án Di sản Kết nối (do Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai) và thực hiện với sự phối hợp cùng Lune Production và Phù Sa Lab, chương trình lưu trú FAMLAB hướng đến các trao đổi và chia sẻ chuyên sâu về âm nhạc với các chuyên gia, các phiên thực hành trong studio của Phù Sa dành để người tham gia cộng tác và phát triển các ý tưởng cùng nhau, với sự góp mặt của các cố vấn chương trình và chuyên gia âm nhạc.

Người tham gia có thể sử dụng hệ thống studio và các trang thiết bị hiện đại của Phù Sa Lab, cũng như các nhạc cụ truyền thống (như cồng chiêng, ting ning, trống ginang và paranung, đàn môi, sáo và những thể loại khác) và một số nhạc cụ do chính nghệ nhân của Phù Sa chế tác.

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN

Hướng đến các nỗ lực chia sẻ và phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam, chương trình lưu trú hướng đến người thực hành âm nhạc thuộc không phân biệt thể loại và quốc tịch.Tiêu chí lựa chọn người tham gia bao gồm:

– Kiến thức nền tảng về các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam (ví dụ âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, và âm nhạc nghi lễ Chăm).
– Có mối quan tâm khám phá và kết hợp các thực hành đương đại vơi các giá trị truyền thống.
– Có quan tâm đến việc tìm hiểu sâu thêm và đóng góp cho nền âm nhạc bản địa.

CÁCH THỨC ỨNG TUYỂN

Để ứng tuyển, vui lòng gửi hồ sơ về hòm thư điện tử [email protected] trước 23h59, ngày 31 tháng Mười Hai 2018. Thông báo chính thức sẽ gửi đến ứng viên được chọn vào ngày 4 tháng Một 2019.

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

– Một thư ngắn (tối đa một mặt giấy A4, tiếng Việt hoặc tiếng Anh) giới thiệu về bản thân bạn và giải thích lý do bạn muốn tham gia vào chương trình này.
– Lý lịch chi tiết về nền tảng và quá trình thực hành âm nhạc.
– Ít nhất hai đường dẫn (link) các tác phẩm bạn đã thực hiện (bản nhạc ghi âm, phim, v..v…)

CÁC THÔNG TIN KHÁC

– Người tham dự cần tham gia tất cả các workshop do chuyên gia của Phù Sa Lab thực hiện, cũng như một buổi giới thiệu trước chương trình lưu trú, và một buổi tổng kết ở cuối chương trình.
– Lịch trình chi tiết sẽ được gửi đến người tham dự trước ngày 8 tháng Một 2019.
– Vé máy bay khứ hồi đến Hà Nội, cũng như hỗ trợ ăn ở tại Hà Nội trong suốt quá trình lưu trú sẽ do Hội đồng Anh sắp xếp và chi trả cho tối đa ba người tham dự không sống ở Hà Nội. Bữa trưa sẽ được cung cấp cho tất cả những người tham gia.

Đối với các nhạc cụ và thiết bị, chúng tôi yêu cầu người tham dự tuân thủ các quy sử dụng sẽ được thông báo trước khi chương trình lưu trú diễn ra.

Chương trình lưu trú sẽ hoàn tất với một buổi biểu diễn (FAMLAB Open Session) vào tối ngày 23 tháng 1 (diễn ra tại Phù Sa) để người tham gia có thể giới thiệu và chia sẻ về các công việc đã được thực hiện trong chương trình.

GIỚI THIỆU

CHUYÊN GIA ÂM NHẠC PHÙ SA LAB

NGUYỄN ĐỨC MINH: Theo học âm nhạc dân tộc tại Học viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, Nguyễn Đức Minh được xem là một trong những nghệ sĩ đàn môi xuất sắc nhất Việt Nam. Là học trò của GS Trần Quang Hải, con trai nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê, anh sớm có kiến thức chuyên sâu và nắm vững các nhạc cụ bộ hơi khu vực Tây Bắc và các vùng miền khác sau này. Là sáng lập viên và cùng với nhóm nghệ nhân Đàn Đó, Minh ‘đàn môi’ đi đầu trong việc tạo ra nhiều nhạc cụ bản địa đương đại như ‘đàn đó’, ‘trống chum’. Anh cũng là tác giả ‘Chém Gió’ và ‘Lời Của Tre’, những vở diễn thể nghiệm táo bạo pha trộn tinh tế nhiều loại hình nghệ thuật và dòng âm nhạc, được thai nghén, ra đời và biểu diễn tại Phù Sa Lab. Nguyễn Đức Minh tham gia Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony với vai trò nhạc sĩ sáng tác, dàn dựng và chỉ huy diễn xướng, đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn trong nhiều tiết mục.

QUYỀN THIỆN ĐẮC: Xuất thân từ gia đình âm nhạc với nền tảng jazz mạnh mẽ, Quyền Thiện Đắc tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam chuyên ngành saxophone, sau đó giành học bổng từ trường Berklee, Boston, và lấy tiếp bằng Thạc sĩ tại Học viện âm nhạc Malmo, Thụy Điển. Anh được xem là một trong những nghệ sĩ saxophone và jazz hàng đầu Việt Nam, và nổi tiếng trong giới như một người tiên phong với nhiều tác phẩm thể nghiệm. Sự nghiệp âm nhạc của anh có bước ngoặt lớn khi anh bắt đầu tập trung pha trộn và biến tấu đương đại với âm nhạc bản địa, cùng làm việc tại Lune Production và thể nghiệm với các nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý và Nguyễn Đức Minh, tạo nên các chương trình đầy ngẫu hứng pha trộn như “Chém Gió”, nơi chất jazz và chất bản địa gặp gỡ đầy cảm xúc. Ở Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony, Quyền Thiện Đắc vừa dàn dựng tác phẩm, chỉ huy diễn xướng, vừa là nghệ sĩ biểu diễn trong nhiều tiết mục.

NHÓM ĐÀN ĐÓ: Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Quang Sự
Bộ 3 với 12 năm gắn bó này đã “chinh chiến” trên nhiều sân khấu từ Việt Nam đến quốc tế. Hơn sáu năm kinh nghiệm làm việc với tre và các chất liệu bản địa khác, những “nghệ nhân mới” này mang đến nhiều kiến thức vô giá trong nghiên cứu chất liệu, chế tác nhạc cụ, và tiếp cận âm nhạc bản địa từ một góc độ đương đại rất khác biệt. Biểu diễn từ Làng Tôi, đến Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony, và đặc biệt là Chém Gió và Lời của Tre – những vở diễn mà cả 3 đóng vai trò quan trọng từ nghệ sĩ đa nhạc cụ, nghệ nhân, đến tư cách đồng tác giả, nhóm Đàn Đó thấu hiểu và nắm bắt một tập hợp đa dạng nhạc cụ bản địa từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam (Tây Bắc, Tây Nguyên hay các vùng dân cư của người Chăm dọc theo bờ biển Nam Trung Bộ), cũng như các nhạc cụ đặc trưng do nhóm chính tay chế tác: ‘đàn đó’ (nhạc cụ bộ gõ thân tre với tên gọi cảm hứng từ chiếc đó bắt cá), ‘trống chum’ và nhiều nhạc cụ khác.

Theo dõi cập nhật tại trang sự kiện

NO COMMENTS

Leave a Reply