”Nữ ca sĩ hói đầu” – LucTeam tiên phong với kịch phi...

”Nữ ca sĩ hói đầu” – LucTeam tiên phong với kịch phi lý

Đăng vào
0

Viết và ảnh bởi Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine
Vui lòng không sao chép, đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận của tác giả và Hanoi Grapevine.

Một cảnh trong vở diễn

Dù chỉ mới thành lập từ cuối năm 2017, đoàn kịch LucTeam dẫn dắt bởi đạo diễn Trần Lực đã thực hiện một bước đi đầy táo bạo. Thông qua vở kịch “Nữ ca sĩ hói đầu”, LucTeam lần đầu tiên trình diễn thể loại kịch phi lý trước khán giả Việt tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace, Hà Nội.

Nguyên tác của vở “Nữ ca sĩ hói đầu” được viết bởi nhà viết bởi nhà soạn kịch người Pháp Eugene Ionesco và công diễn lần đầu vào năm 1950 tại Paris. Khán giả đón nhận vô cùng nồng nhiệt, từ đó mở đầu cho một trào lưu kịch phi lý, hay còn gọi là “hài kịch – nghịch dị” của phương Tây hiện đại.

Đặc điểm nổi bật của thể loại kịch này là tính chất “phản kịch” theo nghĩa truyền thống, tức phi cốt truyện, phi xung đột và phi tính cách. Các nhân vật trên sân khấu thực hiện một chuỗi các hành động và lời nói vừa khó hiểu vừa chẳng liên quan tới nhau. Tất nhiên những điều phi lý ấy không hề vô nghĩa và đều mang ý nghĩa sâu xa nào đó, thế nhưng chúng có cách thể hiện khác hoàn toàn với những gì mà khán giả Việt Nam vẫn thường thấy trên các sân khấu kịch hiện nay. Các đạo diễn sân khấu tại Việt Nam cũng vì e ngại không được khán giả đón nhận mà dù các tác phẩm văn học kịch phi lý đã được dịch sang tiếng Việt từ lâu nhưng vẫn chưa ai dàn dựng.

Trái lại, đoàn kịch LucTeam nhận thấy thể loại kịch phi lý rất phù hợp để dàn dựng trên sân khấu Ước lệ – Biểu hiện. Đây là phương thức trình diễn tối giản về thiết kế bối cảnh được lấy cảm hứng từ những loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo. Đều chỉ tả ý chứ không tả thực, phiên bản “Nữ ca sĩ hói đầu” lần này là sự kết hợp của hai ngôn ngữ nghệ thuật trên. Mọi cảnh trí đều tối giản và mang nghĩa tượng trưng, càng làm tăng tính phi lý của toàn bộ tác phẩm.

Nói riêng về phiên bản “Nữ ca sĩ hói đầu” lần này, đạo diễn Trần Lực cũng như toàn bộ ekip đã “Việt hóa” tác phẩm ấy bằng những cách đầy tinh tế. Vẫn giữ nguyên những tình tiết và tên nhân vật Tây, LucTeam thêm vào những chi tiết rất “ta” như tiếng đàn bầu ở phần hiệu ứng âm thanh bởi nghệ sĩ Lương Huệ Trinh, hay ghế đẩu nhựa, tủ gỗ thiết kế giống như ban thờ,… bởi họa sĩ George Burchett. Điều này tạo cho khán giả cảm giác gần gũi và từ đó dễ dàng tiếp nhận tác phẩm hơn.

Cùng đóng góp một phần không nhỏ chính là các diễn viên. Với đặc trưng sử dụng thủ pháp sân khấu Ước lệ – Biểu hiện, tả ý chứ không tả thực, các diễn viên đoàn kịch LucTeam luôn được thách thức trí sáng tạo. Họ luôn phải tự chủ động nghiên cứu thật kỹ lưỡng kịch bản để có thể xây dựng nhân vật theo cách của riêng mình. Chính vì vậy sau mỗi lần biểu diễn, các diễn viên của đoàn kịch LucTeam lại càng thêm bản lĩnh và xử lý không gian sân khấu tốt hơn.

LucTeam đã thoả thuận thành công với gia đình cố tác gia Eugene Ionesco để có bản quyền sản xuất và diễn vở kịch “Nữ ca sĩ hói đầu” tại Việt Nam trong vòng một năm. Buổi diễn đầu tiên diễn ra vào ngày 12/1/2019 tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace.

Với tất cả sự chuẩn bị vô cùng công phu nói trên, không chỉ đạo diễn Trần Lực hay toàn bộ ekip LucTeam mà khán giả cũng hoàn toàn có thể tin tưởng và đón nhận kịch phi lý như một “món ăn” tinh thần mới.

Một số hình ảnh từ buổi diễn:

Bà Smith
Ông Smith
Ông bà Martin
Cô hầu Mary

 

Nhân vật đội trưởng đội cứu hỏa (ở giữa)
Cảnh cao trào, các nhân vật rơi vào trạng thái loạn ngôn, tính phi lý được đẩy lên tột độ

NO COMMENTS

Leave a Reply