“Xuyên” của Bảo Vương – Cuộc truy tìm hy vọng giữa đại...

“Xuyên” của Bảo Vương – Cuộc truy tìm hy vọng giữa đại dương đen thẳm

Đăng vào
0

Viết bởi Út Quyên cho Hanoi Grapevine
Không sao chép, đăng tải lại nếu chưa có sự đồng thuận của các bên

Triển lãm “Xuyên” của Bảo Vương (đang diễn ra tại Manzi đến ngày 5/7) là một cuộc truy tìm của nghệ sĩ về nguồn gốc bản thân, về những góc khuất trong lịch sử gia đình không bao giờ được nói đến, là nỗ lực của anh để tái trải nghiệm quá khứ, và để kết nối bản thân với những đứt gãy trong quan hệ gia đình – với cha mẹ anh, những người mang đầy đủ ký ức khổ đau luôn khóa chặt trong lòng.

Tuy vậy, để thưởng thức triển lãm này, bạn không nhất thiết phải biết câu chuyện đằng sau nó. Vì bản thân các tác phẩm đã đủ sức mạnh về mặt thị giác để đem đến cho người xem nhiều tầng bậc cảm xúc: lúc thì dữ dội, da diết, lúc thì sâu lắng thiết tha, khi thì khủng khiếp, tuyệt vọng lúc lại mỹ lệ như một khúc tráng ca.

Xuyên XIII <Đêm 1-4>

Bước vào không gian tầng 1 của Manzi, khán giả dễ dàng bị cuốn hút bởi ba tác phẩm sơn dầu trên ván gỗ gồm có series Xuyên XIII là 4 bức tranh Đêm đánh số từ 1- 4, Xuyên XI và Xuyên VII. Chỉ với một màu sơn đen tuyền đắp lên ván gỗ bằng những nhát bay thô ráp, bạn sẽ phải ngạc nhiên về khả năng biểu cảm phong phú mà những bức tranh này có thể mang lại. Nếu ai có lần từng ngồi trên bờ sông, nhìn chằm chằm vào những con sóng lăn tăn, sẽ hiểu được cái cảm giác chỉ cần bỏ quên hết ngoại cảnh xung quanh, tập trung hoàn toàn vào mặt nước gợn sóng, bạn sẽ thấy bờ sông bỗng biến thành con thuyền bắt đầu lướt sóng di chuyển. Cũng theo cách đó, một khi bạn để ánh mắt lưu lại đủ lâu trên những bức tranh của Bảo Vương, bạn sẽ thấy những con sóng “đóng băng như một vết sẹo không chịu lành” bắt đầu chuyển động. Thậm chí nếu để bản thân chìm đắm vào đó quá lâu, ngay cả âm thanh của đại dương cũng như sống lại. Và bạn sẽ thấy bản thân bị kéo vào thế giới đó, nơi bốn bề chỉ có sóng nước mênh mông, và bạn bắt đầu cảm nhận được nỗi tuyệt vọng đó, khi phải trải qua qua bốn đêm mất phương hướng trên biển, ký ức không còn gì khác ngoài những con sóng trùng điệp biến ảo khôn lường.

Chỉ có những người đã từng lênh đênh trên đại dương trong những chuyến đi dài ngày mới hiểu được vẻ đẹp mỹ lệ, hùng tráng, đồng thời sức mạnh hủy diệt đáng sợ của nó. Vẻ đẹp và sức mạnh đó vừa khiến ta si mê muốn chìm đắm, nhưng cũng đồng thời khiến ta sợ hãi muốn thoát ra. Ba tác phẩm trên của Bảo Vương có khả năng truyền cho người xem đầy đủ và chân thực cảm giác đó mà không cần bất cứ một lời tự sự nào đi kèm.

Mặc dù vậy, nếu hiểu biết thêm về bối cảnh của tác phẩm bạn sẽ khai thác thêm được một tầng bậc cảm xúc sâu hơn. Ba tác phẩm “Xuyên” là ba góc nhìn khác nhau về đại dương. Series “Đêm” là góc nhìn cận cảnh những con sóng giữa đại dương, khi thì êm ả, lúc lại cuộn trào. Phóng tầm mắt ra xa là bức Xuyên VII, người xem sẽ thấy bốn bên là đường chân trời thẳng tắp nơi mặt biển mênh mông tiếp nối với bầu trời liền một dải. Bức Xuyên XI thể hiện góc nhìn trung cảnh và hoàn toàn khác với hai tác phẩm Xuyên trước đó về thủ pháp tạo hình. Thay vì đắp những khối sơn dày lên bề mặt ván gỗ, ở tác phẩm này, nghệ sĩ trước tiên xử lý một bề mặt phẳng bằng sơn đen trên ván gỗ, sau đó dùng bay tạo những nhát chém dứt khoát. Ở một góc độ nào đó, người xem có thể thấy những nhát bay này giống như những con sóng trùng điệp trên đại dương mênh mông. Ở một hình dung khác, chúng lại đưa đến liên tưởng về vô số những con thuyền vượt biên cùng nhau lênh đênh trên biển. Những nhát dao dứt khoát ấy cũng thể hiện cho hành động vượt biên, là một quyết định không thể vãn hồi, không có đường lui, là sự đoạn tuyệt với gia đình, với bạn bè, quê hương, với quá khứ của chính bản thân.

Xuyên XI

Hai bức tranh trưng bày ở không gian trên tầng hai của Manzi là những tác phẩm duy nhất trong trong series “Xuyên” có sự xuất hiện của hy vọng. Tác phẩm Xuyên XIV hình tròn với phần bầu trời chiếm tỉ lệ rất nhỏ ở góc trên bức tranh nhưng lại rất nổi bật bởi phần nền thiếp vàng và những đường vân nổi gợi về những đám mây. Bầu trời vàng rực rỡ ấy, theo nghệ sĩ, thể hiện cho giấc mơ của những người vượt biên, tưởng ở ngay trước mắt nhưng lại xa tít tắp, mà không biết phải trải qua bao nhiêu gian khó mới có thể tới được. Mặc dù vậy, chính bầu trời vàng trong tác phẩm này lại gây khó chịu bởi cảm giác trang trí rất rõ nét, phá vỡ sự đơn sắc, tối giản mà những tác phẩm khác ở triển lãm mang lại. Mạch cảm xúc dạt dào từ phần đại dương đen tuyền cuộn trào sóng dữ bên dưới như bị chặn đứng ở đường thẳng tắp ngăn cách với bầu trời dát vàng phẳng lặng.

Bảo Vương và tác phẩm Xuyên XIV

Bức Xuyên “Trắng”, cũng nói về hy vọng, nhưng là một thứ hy vọng của cảm xúc, chứ không phải hy vọng của lý trí. Bức tranh, như cái tên của nó, chỉ sử dụng một màu sơn trắng thuần khiết, với những thủ pháp xử lý bề mặt khác nhau: ở phần nửa trên màu được cán phẳng thành một mảng liền mạch tượng trưng cho bầu trời; phần giữa sử dụng những vệt bay lớn, gợi ra hình dung về mặt trời lúc bình minh, hay cũng có thể là vệt đất của một hòn đảo xa xôi nào đó phía chân trời; nửa dưới sử dụng thủ pháp lấy màu ra khỏi tranh tạo ra bề mặt lồi lõm gợi cảm giác về mặt biển. Nếu như màu đen tuyền tượng trưng cho biển đêm có thể khá gần gũi với thực tế, một buổi bình minh trắng đến tinh khiết lại rất phí lý. Ở bức tranh này, tất cả các cảm giác về màu sắc cùng giác quan của con người dường như đã bị bóp méo. Đó có lẽ là cách mà Bảo Vương thể hiện ngọn lửa hy vọng bùng lên trong lòng người như một thứ ánh sáng trắng chói lóa có khả năng lấn át mọi sắc màu và hình khối.

Xuyên “Trắng”

Việc sắp đặt hai bức Xuyên XIV và Xuyên “Trắng” ở căn phòng tầng hai hẳn vì đây chính là nơi Bảo Vương dự định thực hiện tác phẩm trình diễn “Nước”, vượt qua 4 đêm 5 ngày không thức ăn, nước uống, ngoại trừ nước hứng được từ những cơn mưa. Với nhiều người, tác phẩm trình diễn này chỉ là một sự hành xác. Còn với Bảo Vương, đây là một sự cần thiết giúp anh tái hiện lại cảm giác của gia đình anh và 200 con người khác đã vượt biên trên cùng một chuyến tàu năm ấy. Trong hoàn cảnh đó, “Không có hy vọng, con người không thể sống sót,” nghệ sĩ chia sẻ. Khi được đưa lên thuyền, Bảo Vương còn chưa đầy một tuổi. Trong tâm trí anh không có những ký ức của một thuyền nhân. Nhưng cơ thể anh vẫn khắc ghi những ngày tháng gian khổ tuyệt vọng đó. Tác phẩm phải dừng lại sau đêm thứ 3 vì nghệ sĩ đã kiệt sức trước cái nóng mùa hè khắc nghiệt không có lấy một giọt mưa của Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, cũng sẽ là lần cuối cùng anh thực hiện tác phẩm này, “Vì những trải nghiệm như vậy, người ta chỉ cần trải qua một lần trong đời,” Bảo Vương cho biết.

Góc phòng nơi Bảo Vương thực hiện tác phẩm trình diễn “Nước”

Nếu đứng riêng lẻ, không phải bất cứ tác phẩm nào trong triển lãm “Xuyên” cũng thỏa mãn được hết những khán giả khó tính. Nhưng xét về tổng thể việc sắp đặt chúng cạnh nhau lại là một giải pháp giúp người xem cân bằng được cảm xúc khi dạo qua toàn bộ không gian triển lãm. Nếu không có những tác phẩm lấp lánh ánh sáng của hy vọng kéo lại, nỗi tuyệt vọng của những đêm đen sâu thẳm lênh đênh giữa đại dương sẽ còn đè nặng trong lòng mỗi người rất lâu sau khi rời khỏi triển lãm này.

“Vô đề” – tác phẩm vẽ chì trên giấy cho thấy sự kỳ công, tỉ mỉ của họa sĩ, nhưng không giàu cảm xúc như những tác phẩm khác trong triển lãm
Một góc sắp đặt cho tác phẩm trình diễn “Nước”

NO COMMENTS

Leave a Reply