“Những ngày đợi nắng”: Ký ức hình ảnh cá nhân như một...

“Những ngày đợi nắng”: Ký ức hình ảnh cá nhân như một nguồn tài liệu nhân học

Đăng vào
0

Nguyễn Phương Thảo viết cho Hanoi Grapevine
Ảnh: Matca và do nhân vật cung cấp
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Tới thăm triển lãm “Những Ngày Đợi Nắng” tại không gian Nhiếp ảnh Matca, người xem sẽ ngỡ ngàng trước cuộc gặp gỡ với chất liệu ảnh lịch sử. Từ chân dung một nhiếp ảnh-thương gia Việt, triển lãm mở ra nhiều suy ngẫm về giá trị di sản và khảo cứu của ảnh đời thường.

Một người đàn ông đứng khoanh tay trên vách núi, đăm đăm như nhìn thẳng người đối diện; áo vét, mũ phớt và máy ảnh đặt bên bậc đá phía sau. Ở một góc khác, ông xuất hiện trong bộ trang phục truyền thống của người H’Mông, hay khoác áo trench coat tựa như thám tử tạo dáng trước phông vẽ phong cảnh hữu tình. Nhân vật này là ai, những hình ảnh này từ đâu tới, đã trải qua hành trình nào để hiện diện tại đây, lúc này, trước mắt tôi? Đối diện với những bức hình có tuổi đời gần một thế kỷ, chuỗi câu hỏi được cất lên, dẫn dắt người xem trên hành trình khám phá chân dung một nhân vật đặc biệt xuất thân từ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá; đồng thời gợi mở nhiều suy ngẫm về yếu tố thời gian và giá trị di sản của ảnh đời thường.

Ông Nguyễn Văn Chành (ngoài cùng bên phải) trước cửa tiệm Luminor Photo
với slogan tiếng Pháp _Tất cả công việc ảnh, tất cả vì hình ảnh_
Ảnh tô màu nước chụp ông Nguyễn Văn Chành mặc đồ người HMong

Triển lãm là một nỗ lực tái hiện cuộc đời ông Nguyễn Văn Chành – chủ chuỗi tiệm ảnh Luminor Photo danh tiếng với bốn chi nhánh miền Bắc thời Pháp thuộc, với hình ảnh tư liệu được tuyển chọn từ ba cuốn album gia đình từ đầu những năm 1930. Khác với cách trưng bày chuẩn mực nặng tính thông tin của một bảo tàng, thiết kế triển lãm có chủ đích đưa đến một trải nghiệm thị giác trực tiếp, trong đó những mảnh ghép ký ức xa xôi có một sự gắn kết mơ hồ.

Ông Nguyễn Văn Chành (bên trái)
tạo dáng cùng bạn trước phông nền phong cảnh hữu tình

Ở một bên tường, loạt chụp chân dung chụp tại Luminor Photo đại diện cho thực hành nhiếp ảnh thủ công tiêu biểu đầu thế kỷ 20, với cách tạo dáng chỉn chu, đánh sáng low key và phông phong cảnh vẽ tay, nhiều tấm có con dấu dập nổi đánh dấu thương hiệu Luminor Photo. Gương mặt của những nhân vật thuộc về một niên đại khác hiện lên vừa sống động, nối liền hiện tại của người được chụp với hiện tại của khán giả đương thời, vừa được bao bọc trong sự tĩnh lặng thoáng chút u buồn và bí ẩn. Đứng trước những bản in phòng tối gần như không phai nhạt suốt thế kỷ qua, được chụp vào thời kỳ mà mỗi bức ảnh là thành phẩm của cả quá trình kỳ công và đánh dấu một sự kiện lớn trong đời người, khán giả không khỏi suy nghĩ về sự tương phản với tính phổ cập và tức thì của việc chụp, xem và chia sẻ ảnh trong bối cảnh ngày nay.

Ấn tượng hơn hết là bức tường đối diện, nơi những tấm ảnh đời thường cho thấy một cách tiếp cận ngẫu hứng và tự do hơn trong nhiếp ảnh. Với điều kiện sống dư dả nhờ sự thành công của chuỗi tiệm ảnh, ông Chành có thể sử dụng chiếc máy ảnh khổ trung (medium format) để ghi lại đa dạng tình huống từ hoạt động kinh doanh, sự kiện giao lưu tụ tập, những chuyến ngao du đến cuộc sống gia đình. Vào thời điểm có một tấm chân dung khổ nhỏ cầm tay còn là điều xa xỉ với số đông, cuốn album chứa hàng trăm bản in với nhiều tấm có kích cỡ lên tới A4 còn là một minh chứng cho thấy tư duy tiến bộ của ông với chất liệu nhiếp ảnh. Tuy công cụ và thời kỳ có khác biệt, những tấm ảnh cá nhân này lại mang hơi thở đương đại quen thuộc: chiếc máy ảnh dường như gắn bó với ông Chành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, một thói quen mà ngày nay đã trở thành mặc định với chúng ta. Đặc biệt, hình ảnh từ những chuyến du ngoạn còn hé lộ những thử nghiệm của ông với các hình thức nhiếp ảnh khác nhau, qua tập ảnh chụp quần thể di tích Angkor mà vô tình cung cấp một dạng sơ khai của phóng sự ảnh, hay tấm ảnh chụp ngược sáng phác hoạ một bóng người đứng dưới vòm hang.

Ông Nguyễn Văn Chành (thứ hai từ phải sang)
đứng cùng bạn bè trong văn phòng tiệm ảnh

Qua lăng kính của người nhiếp ảnh-thương gia Việt, ta được tiếp cận với một trải nghiệm sống vào thời kỳ đất nước chuyển giao có phần khác biệt với những gì thường được ghi nhận trong lịch sử chính thống. Nếu những hình ảnh về xứ Tonkin xa lạ được nhiều người Pháp ghi lại với mục đích rõ ràng như làm bưu thiếp hoặc phục vụ mục đích nghiên cứu, thì tập nhật ký hình ảnh này ghi lại một cách vô tư đời sống thường ngày từ góc nhìn của một người bản địa. Thông qua những chi tiết về ngoại hình, phục trang, địa điểm và cách sinh hoạt của những chủ thể, những tấm ảnh vô hình trung đưa ra những câu hỏi mang tính dẫn dắt về bối cảnh văn hoá, lịch sử và thực hành nhiếp ảnh. Trong quá trình tự chất vấn về nguồn gốc những tấm ảnh hay thân thế người cầm máy, người xem hình thành một cái nhìn phản biện hơn trước hiện thực được ghi lại trong những hình ảnh tư liệu lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Chành cùng người vợ và con gái đầu lòng
(đạo diễn Bạch Diệp hồi nhỏ)

Lựa chọn cách tiếp cận mang tính gợi mở với những tư liệu hình ảnh vốn xa cách về thời gian, triển lãm “Những Ngày Đợi Nắng” là dịp để mỗi người xem ngẫm lại ký ức hình ảnh của mình và lật giở những album ảnh gia đình cũ đang phủ bụi đâu đó trong một góc tủ. Hãy thử tưởng tượng bạn đang nhìn chúng bằng con mắt của một người sinh ra một thế kỷ về sau, bạn thấy gì về thời đại mình đang sống? Không chỉ đơn thuần kể câu chuyện của một cá nhân, triển lãm còn mở ra nhiều suy ngẫm về giá trị di sản của kho lưu trữ ảnh đời thường như một nguồn tài liệu khảo cứu tiềm năng.

Triển lãm “Những Ngày Đợi Nắng” là phần mở rộng của ấn phẩm đầu tay do Matca sản xuất có tên “Makét 01: Có Một Làng Nghề Nhiếp Ảnh” về làng Lai Xá ở ngoại ô Hà Nội, một địa danh có chỗ đứng quan trọng trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 07/10/2019.

—–
Một số hình ảnh của triển lãm:

NO COMMENTS

Leave a Reply