”Tỏa 3″ từ góc nhìn giám tuyển: Sẽ đa dạng và gợi...

”Tỏa 3″ từ góc nhìn giám tuyển: Sẽ đa dạng và gợi ra nhiều câu hỏi

Đăng vào
0

Viết bởi Uyên Ly và ảnh cung cấp bởi VCCA cho Hanoi Grapevine và VCCA
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Từ 20 tháng 12 năm 2019 đến 23 tháng 2 năm 2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom – VCCA sẽ mở cửa đón khán giả đến với triển lãm nghệ thuật đương đại được trông đợi nhất trong năm – TỎA 3. TỎA 3 giới thiệu tới công chúng hơn 50 tác phẩm phong phú của các nghệ sỹ trong nước và quốc tế đang sinh sống tại Việt Nam. Nghệ sỹ lớn tuổi nhất sinh năm 1979, còn lại đều khá trẻ, sinh từ năm 1986 trở về sau này.

Trước triển lãm gần kề, giám tuyển Mizuki Endo bày tỏ quan điểm về nghệ thuật: “Tác phẩm nghệ thuật luôn luôn thay đổi, và nhiệm vụ của nó không phải là để cho tất cả mọi người có thể hiểu được. Chúng ta đang sống trong toàn cầu hóa, vì thế mỗi tác phẩm cần soi xét không chỉ góc nhìn địa phương, mà còn cần có tính quốc tế. Nghệ thuật, bởi vậy, cần có sự đa dạng.”

Đa dạng

Hai vị giám tuyển, Mizuki Endo từ VCCA và giám tuyển độc lập Đỗ Tường Linh đã thống nhất với nhau về tiêu chí đa dạng và quốc tế hóa khi cùng chọn các nghệ sỹ tham gia triển lãm. Do đó các nghệ sỹ tham gia TỎA 3 không chỉ mang quốc tịch Việt Nam. “Sự đa dạng về xuất xứ có thể đem đến cái nhìn nửa từ bên trong, nửa từ bên ngoài, và như thế sẽ có thêm các góc nhìn và hiểu biết khác nhau về nghệ thuật Việt Nam”, giám tuyển Mizuki Endo giải thích về lý do lựa chọn các nghệ sỹ nước ngoài.

Tất cả nghệ sỹ có một điểm chung là đều đang hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, sử dụng nhiều phương tiện biểu đạt khác nhau. Cặp đôi nghệ sỹ đa phương tiện Andrea Orejarena (người Colombia) và Caleb Stein (người Anh) gặp gỡ nhau ở Mỹ, rồi cùng chuyển sang Việt Nam thực hiện dự án tìm hiểu về ký ức chiến tranh với các cựu chiến binh và con cháu họ. Nghệ sỹ video art Tristan Jalleh là người Úc gốc Malaysia và Trung Quốc. Các nghệ sỹ Việt Nam có đại diện cả ba miền bắc trung nam, gồm Quỳnh Lâm, Phan Anh, Nguyễn Văn Đủ từ thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Phương và Lương Văn Trịnh từ Hà Nội, Nguyễn Văn Duy từ Huế. (Dù vậy số lượng nghệ sỹ nữ vẫn hơi ít, chỉ hai người.)

Cũng với tiêu chí đa dạng, sẽ có các tác phẩm nhiều kích cỡ lớn nhỏ ở các thể loại hội họa, điêu khắc, sắp đặt, video art, sử dụng nhiều chất liệu phong phú như đất sét, đồ họa máy tính, ảnh chụp, video, gỗ. Đáng chú ý có Quỳnh Lâm dùng hoa tươi làm chất liệu vẽ trực tiếp lên tường.

Đặt ra câu hỏi hơn là tìm câu trả lời

Giám tuyển Mizuki cho biết so với triển lãm TỎA 1 và 2 trước đây, TỎA 3 sẽ có nhiều tác phẩm sắp đặt hơn và sẽ khác lạ hơn. Các tác phẩm thể hiện tinh thần của nghệ thuật đương đại, mang tính thể nghiệm, khác thường, đặt ra các câu hỏi nhiều hơn là đưa ra câu trả lời:
“Tôi rất hào hứng về triển lãm, đồng thời cũng có chút lo lắng về phản ứng của khán giả. Vì thế tôi muốn nhấn mạnh rằng sẽ không có một cách cảm thụ duy nhất đúng về một tác phẩm. Những tác phẩm ở triển lãm sẽ đưa ra nhiều câu hỏi. Trong thời đại thông tin quá nhiều này, tôi cho rằng chúng ta cần nêu lên cách đặt và chia sẻ các câu hỏi. Các khán giả cũng có thể tự tìm cách đặt ra các câu hỏi cho mình. Tôi cho rằng việc chia sẻ các câu hỏi với nhau giúp chúng ta có được những hiểu biết chung về tương lai.”

Không gian mới, khán giả mới cho nghệ thuật ý niệm

Giám tuyển Đỗ Tường Linh cho biết TỎA 3 là một cơ hội để các nghệ sỹ triển lãm các tác phẩm ý niệm ở không gian lớn hơn, và được tiếp cận với một nhóm công chúng rộng rãi hơn: “Với các nghệ sỹ mà trước đây chỉ có thể làm các tác phẩm thử nghiệm kích thước nhỏ và vừa phải ở các không gian do nghệ sĩ điều hành, thì ở triển lãm này, đây là lần đầu các nghệ sỹ phải xử lý một không gian lớn. Và thường các triển lãm concept hay ý niệm chỉ thu hút khán giả là người trong ngành, còn công chúng phổ thông ít tiếp cận được. Ở triển lãm này, ngoài thử thách về không gian, còn có thử thách về việc mang ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại thế giới tiếp cận với khán giả địa phương.”.
Tường Linh nói triển lãm này đưa ra một cách nhìn cởi mở hơn về nghệ thuật đương đại: “Thường thì từ trước đến nay nghệ thuật đương đại ở Việt Nam được cho là phải sử dụng phương tiện mới (new media), nhưng trong triển lãm này vẫn có các phương tiện truyền thống như hội họa, điêu khắc. Và những nghệ sỹ thực hành những hình thức nghệ thuật có thể được cho là truyền thống không có nghĩa là họ không làm nghệ thuật đương đại.”

Cũng giống như Mizuki, giám tuyển Đỗ Tường Linh mong giúp khán giả mở ra một cách đọc tác phẩm từ góc nhìn của cô, và nhấn mạnh rằng đó không phải là cách đọc duy nhất về tác phẩm.

Giám tuyển “thiết kế không gian” và giám tuyển “viết chữ”

Trong lần hợp tác về giám tuyển lần này, cả Mizuki Endo và Đỗ Tường Linh đều có vai trò quan trọng hỗ trợ cho nhau. Đỗ Tường Linh đã giới thiệu những nghệ sỹ mới đến với triển lãm. Và trong khi Mizuki đảm trách việc thiết kế không gian triển lãm sao cho phù hợp nhất với ý đồ của nghệ sỹ, thì Đỗ Tường Linh viết những bản giới thiệu hết sức đầy đủ và cặn kẽ về tác phẩm và tác giả, về văn hóa lịch sử Việt Nam. Về phía Đỗ Tường Linh học được ở Mizuki về cách thiết kế không gian triển lãm, rất hữu ích đối với nền tảng công việc của cô vốn chỉ tiếp xúc nhiều với chữ viết qua nghiên cứu và viết về lịch sử nghệ thuật.

Cả hai giám tuyển cho biết triển lãm TỎA 3 sẽ có những hoạt động tương tác dành cho khán giả. Bên cạnh các buổi trò chuyện với nghệ sỹ và giám tuyển diễn ra vào các ngày 21/12/2019, 4/1 và 15/2/2020, sẽ có một cuốn sổ ghi chép được đặt tại triển lãm, để khán giả có thể ghi lại nhận xét và đặt câu hỏi cho nghệ sỹ.

NO COMMENTS

Leave a Reply