Home Ý Kiến Theo đuổi sự bất toàn

Theo đuổi sự bất toàn

Đăng vào
0

Viết bởi Paul Zetter cho Hanoi Grapevine
Dịch bởi Nguyễn Quí Đức
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Khi mà chương trình lưu trú của nhóm Jump for Jazz của nhạc sỹ saxophone Bảo Long tại quán Tadioto của Nguyễn Quí Đức kết thúc vào tháng 8 năm nay, giới thưởng thức sẽ nhận biết một sự kiện đặc biệt vừa diễn ra trên con phố Tông Đản. Hà nội.

Từ lâu Long đã là một trong những tay kèn saxophone hàng đầu của Việt Nam, ôm ấp tinh thần thực thụ của âm nhạc Jazz – một tinh thần xuất phát và được nuôi dưỡng sau hàng ngàn giờ tập luyện, luôn tai lắng nghe những bậc anh tài của mình (tôi nghĩ Long nắm biết tường tận toàn bộ các bài nhạc của John Coltrane), và sau khi tu luyện như thế, có một niềm ước vọng vươn trải những bí mật thầm kín nhất và những điểm bất toàn từ trong tâm hồn của mình đến với những thính giả đủ sự nhạy cảm để cùng đồng hành với mình. Đây là bối cảnh mà Đức và Long đã tạo dựng mùa hè này tại Tadioto – một thứ nước uống giúp ta đối phó với thời cảnh đen tối hiện nay. Một chương trình kéo dài cả tháng để khắc họa chân dung một nghệ sỹ Việt Nam quan trọng, phải kể đến sự chú tâm đến từng chi tiết của Tadioto, từ những tờ chương trình đi kèm mỗi buổi diễn, thư mời trên các trang mạng, khách mời đặc biệt, đến dàn âm thanh tuyệt hảo, và cơ hội đặt chỗ, đặt bàn (à, và cả thêm các món sushi mời khách!)

Long giới thiệu Jump for Jazz đến với chúng ta vài năm trước, một ý tưởng truyền bá nhạc jazz đến cho những người thưởng thức mới mà không liên quan đến một địa điểm cụ thể. Đây chính là một ý tưởng đáng giá để phát triển giới thưởng ngoạn nhạc jazz tại Việt Nam. Ban nhạc Jump for Jazz đồng hành cùng anh gồm các thành viên Thế Anh, pi-ano, Toàn Thắng, contre-bass, và Hoàng Hà, trống. Thắng và Hà làm đúng chức năng để luôn luôn chuyển đẩy nhịp điệu, với sự tập trung sâu đậm. Đặc biệt là Thế Anh, đã tỏ ra có tài năng sáng chói với bàn tay phải, đưa ra những giai điệu ngẫu hứng nhịp nhàng với những ngón đệm tay trái giữ đúng nhịp và hợp âm. Cậu từng là học trò của nhạc sỹ piano mà tôi mến mộ nhất, ông Nguyễn Mạnh, Giáo sư chủ nhiệm phân khoa nhạc Jazz tại Nhạc Viện Quốc Gia, tôi không hề ngạc nhiên mà lại càng có niềm tin tích cực là Thế Anh sẽ trở thành một tay piano nổi trội trong làng nhạc Jazz của Việt Nam.

Chúng ta cũng đừng quên là Long đã biểu diễn sáu tấu khúc Cello trong chương trình lưu trú của anh tại Tadioto – nhắc nhở chúng ta không chỉ về tầm nhìn âm nhạc của anh, mà còn về tầm quan trọng của việc giới thiệu những nghệ sỹ qua một sê-ri những chương trình biểu diễn, điều này giúp cho khán giả có thời gian và sự hiểu biết để khám phá một nghệ sỹ có tầm quan trọng như báu vật quốc gia – Nguyễn Bảo Long.

Tôi may mắn đủ tuổi để được tận mắt xem những bậc anh tài nhạc Jazz biểu diễn tại Ronnie Scott’s Jazz Club ở Luân Đôn từ lúc còn chưa đến hai mươi tuổi. Khi
Dexter Gordon, Dizzy Gillespie, Horace Silver, Art Blakey chơi nhạc tại nơi này, điều tạo dấu ấn với tôi không chỉ là tài năng âm nhạc của họ (mà thật ra là tài năng vượt trội không thể chối cãi) mà chính là nhu cầu đạt đến độ sâu và chiều cao của sự biểu cảm với tất cả mọi thứ trong con người của họ. Điều này gần đạt đến ý nghĩa thật thụ nhất của chữ “Jazz”, một trải nghiệm bao gồm hết cả bản thân, khi mà sự tuyệt hảo là sự bất toàn, cái xấu là cái đẹp, cái mới là cái cũ, sự hỗn loạn đã được đưa vào tiềm thức, khi ngõ cụt lại mở ra một lối đi mới, và khi không với được đến nốt cao, khi đã có ước vọng đạt đến đấy, cũng là một sự thành công, hay còn là đỉnh cao của một buổi diễn. Chính những nghịch lý này, phơi bày trần trụi trên sân khấu, là yếu tố gây làm cho nhạc Jazz thật thú vị, làm cho ta thấy cuộc sống rất đáng sống và hết thảy những điều này đã diễn ra tại Ta-dioto tháng vừa qua.

Trong hành trình âm nhạc của mình, và tôi nghi rằng đây không phải là một hành trình dễ dãi – không bao giờ dễ nếu đã chọn theo Jazz – Long đã không quản ngại mọi nhọc nhằn để tìm được tiếng nói của riêng mình và vẻ đẹp nội tâm, và nay thì anh đã gặt hái được những kết quả của hành trình ấy. Khi nghe những đoạn độc tấu của anh trong những bản nhạc như Naima của Coltrane, hoặc chính những sáng tác của anh như Heartbeat, bạn biết ngay anh ấy đang chồng chất những nốt nhạc tựa hồ đang thanh lọc những nốt hay nhất để còn tìm đến những khám phá sâu xa hơn. Những phần hợp âm rời rạc trở thành ý tưởng, ý tưởng trở thành bản vẽ phối hợp, rồi những bản vẽ này được tô phết màu sắc. Rồi đột nhiên, tựa như bị búc xúc với những sự cân đối mình tự áp đặt, anh vẽ lên trang giấy một loạt giai điệu dồn dập được cởi trói. Đến khi những nốt nhạc cao trào cuối cùng vang lên từ trong họng kèn, lúc mà ta nghe được sức ép nghẹn trên các lưỡi kèn, ta biết những nốt này xuất phát từ một điểm thâm sâu hơn cả tài năng âm nhạc. Đây là một cái gì đó từ căn cốt bên trong, một vẻ đẹp không hoàn hảo chứng tỏ cái sự tường tận căn bản nhất về câu nói quá quen tai – “hãy luôn kết thúc bằng một nốt trên cao.” Tương tự như một nghệ nhân Kintsugi, Long không dấu diếm những sự bất toàn mà ngược lại còn nâng niu và ôm ấp những vết nứt, mảnh vỡ và những hố sâu ngăn cách vào trong cuộc tìm kiếm đến sự thật phổ quát nào đấy.

Từ nhiều năm, tôi đã chứng kiến giọng kèn điêu luyện của Long chuyển từ sự lịch duyệt, trau chuốt, sang những gì gai góc, dễ tổn thương hơn. Cũng như một nhạc sỹ saxophone đương đại khác của Việt Nam, Quyền Thiện Đắc, anh đang rời bỏ những dấu vết cuối cùng của John Coltrane và tìm đường đi trên con đường của riêng mình. Tôi hy vọng rằng nghe như thế không có ý trịch thượng – với tất cả chúng ta, trong bất kỳ lĩnh vực nào, việc tìm kiếm này là một hành trình suốt đời – trong nhạc Jazz, khi mà giọng điệu cá biệt của những anh tài (như là Parker, Coltrane, Coleman, Evans, v.v.) đã lan truyền quá rộng rãi, điều này quả là rất khó.

Khi mà tôi đến câu lạc bộ nhạc Jazz nơi bố tôi sinh sống, quán Watermill danh tiếng trong vùng thôn quê Surrey, Anh Quốc, tôi thường là người trẻ nhất trong lớp khán giả. Nhưng tại Viêt Nam, tại Câu Lạc bộ Jazz Bình Minh hay tại Tadioto, tôi lại thuộc vào nhóm lớn tuổi nhất. Điều này làm tôi thấy lạc quan về tương lai của nhạc Jazz tại Việt Nam. Là một loại nhạc luôn luôn cần được nuôi dưỡng để sống còn, những nhạc sỹ hay, những lớp khán giả trẻ, và những địa điểm có những chủ quán hiểu biết, những người có kiến thức sâu rộng về nhạc Jazz, sẽ chính là dưỡng khí cần thiết để giữ cho nhạc jazz sống vững. Trong hành trình này tại Việt Nam, tôi xin cảm ơn Nguyễn Bảo Long và ban nhạc Jump for Jazz, Nguyễn Quí Đức và các nhân viên tận tụy, chuyên gia âm thanh, tất cả các giáo viên nhạc Jazz và khán thính giả đã đến tham gia sự kiện, tất cả đã dàn trải ra một lộ trình rất có ý nghĩa.

Và trở lại với thanh niên mới lớn ngồi hàng đầu tại Ronnie Scott’s, tôi đã học được bài học mà tôi cho là quan trọng nhất về nhạc Jazz. Đấy là quan niệm rằng đã là nhạc sỹ chơi jazz, để tôn vinh truyền thống nhạc Jazz và chính đam mê của mình, bạn phải mang tất cả những gì mình có lên sân khấu và để chúng lại trên sân khấu ấy, với mọi sự trần trụi yếu đuối. Mọi nốt nhạc trong thâm tâm trong giây phút ấy phải được trỗi lên, không cất giữ dành dụm. Nhìn thấy Long diễn nhạc ở Tadioto, tôi đã có cảm giác mình đã trở lại với tuổi 17.

NO COMMENTS

Leave a Reply