Jam – Vietnam Urban Arts 2021 và giấc mơ đem street art trở lại đường phố
Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý
Không gian trống trên những bức tường đối với người bình thường có thể chỉ để cho biết khu vực này là công cộng hay thuộc tư nhân. Nhưng với những con mắt khát khao của nghệ sĩ, ranh giới khô khan và cứng nhắc ấy hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm độc đáo, truyền cảm hứng. Đó có lẽ cũng là mong muốn của Viện Pháp tại Việt Nam khi tổ chức sự kiện Jam – Vietnam Urban Arts 2021.
Công bằng với Graffiti
Nghệ thuật đường phố là loại hình sáng tạo, thực hành nghệ thuật lấy đường phố làm không gian sáng tác. Vì có đường biên rộng lớn nên nghệ thuật đường phố có thể là một tác phẩm sắp đặt, biểu diễn hip hop, ca hát hay áp phích, tranh tường khổ lớn… Người nghệ sĩ có thể kết hợp nhiều loại hình hoặc lôi kéo người đi đường cùng trở thành tác giả ngẫu hứng.
Ở Việt Nam, nghệ thuật đường phố phổ biến hơn trong khoảng 15 năm gần đây, khi du lịch cần thêm chất liệu để phát triển. Điển hình là các phố đi bộ ở Hà Nội, Sài Gòn… cuối tuần thường có các nhóm du ca; hay sự xuất hiện của những con đường gốm sứ, làng bích họa… với hình ảnh bắt mắt.
Trong dòng chảy đó, graffiti có vẻ chưa phải là loại hình có điều kiện tiếp cận đông đảo khán giả một cách đúng đắn. “Vẽ tranh tường” có thể là một khái niệm được chấp nhận đấy, nhưng graffiti thì không ít người đánh đồng với… vẽ bậy!
Trong sự kiện Jam – Saigon Urban Arts 2021 tổ chức ngày 24-25/04 vừa qua ở Viện Pháp tại Việt Nam, rất đông khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau tới tham dự. Nhận xét về các tác phẩm sau hai ngày thực hiện, cô Trần Phương (Q.6, TP.HCM) nói: “Ở đây các bạn vẽ đẹp lắm. Nhưng khu tôi ở, họ sơn xịt loằng ngoằng, xấu cả bức tường”.

Chuyện đi trên phố bắt gặp một mảng tường bị sơn đen đỏ những kí tự không mấy đẹp mắt khá là phổ biến. Nó đem lại một cái nhìn không chính xác về graffiti, đôi khi kéo theo cả sự kì thị. Ngay cả những tác giả có tên tuổi như Daos501 – một trong hai nghệ sĩ khách mời tham gia trình diễn Jam – cũng thú thực đã bắt đầu đam mê của mình từ những bức tường vẽ trộm, 2 giờ sáng còn phải gọi mẹ lên đồn công an trình báo. Các quy định bảo vệ, hỗ trợ nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đường phố, đặc biệt là graffiti, tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều. Chính vì vậy, một sự kiện tôn vinh và đem graffiti lại gần đại chúng có thể là khởi đầu cho việc sẽ xuất hiện hệ thống quy định, công cụ đủ mạnh mẽ, đủ rạch ròi phân biệt đâu là nghệ thuật thực sự, đâu là “bôi sĩ”, đem lại “công bằng” cho một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời như graffiti.
Thông điệp bền vững từ nghệ thuật đường phố
Vietnam Urban Arts là một dự án lớn với tham vọng mang nghệ thuật tới đại chúng, trong đó Saigon Urban Arts là sự kiện tiên phong, quy mô lớn, lần đầu được tổ chức tại TP. HCM. Sẽ có một chuỗi các hoạt động xoay quanh văn hóa đô thị diễn ra trong năm 2021 như chiếu phim, biểu diễn hip-hop, nhảy breakdance, hội thảo quốc tế, biểu diễn nhóm graffiti trực tiếp… hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam và châu Âu, nhằm mang nghệ thuật đường phố ra không gian công cộng, tiếp cận lượng lớn khán giả, thay đổi cái nhìn về đô thị cũng như khái niệm street art theo hướng tích cực, cởi mở.
Là hoạt động nhỏ nằm trong chuỗi này, Jam – một sự kiện đã nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng châu Âu, nhưng chưa từng được biết đến tại Việt Nam – sẽ là hoạt động mở màn cho năm 2021. Sáu nghệ sĩ trẻ xuất sắc nhất của nghệ thuật đường phố Việt Nam được chọn trở thành người sáng tạo các bức graffiti theo chủ đề có sẵn. Ngoài ra, sự kiện cũng có sự tham gia của hai nghệ sĩ khách mời nổi tiếng là Suby One và Daos501.
Sáng 24/04, các nghệ sĩ có mặt tại Dinh thự Pháp (6 Lê Duẩn, Q.1) cùng rất đông khán giả. Các tấm pano nhôm cỡ lớn được sắp đặt sẵn ở các góc vườn cùng sơn xịt, thang chữ A, đồ nghề vẽ… Mỗi người sẽ vẽ về một chủ đề nằm trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc như hòa bình, công lý và tổ chức hiệu quả; giảm thiểu đói nghèo; bình đẳng giới; biện pháp chống biến đổi khí hậu…












Hành trình của graffiti ở Việt Nam có lẽ sẽ còn rất dài để thay đổi định kiến và nhận thức của người dân. Nhưng sự bắt đầu này là cần thiết để nghệ thuật đường phố phát triển và chạm tới từng ngõ ngách đời sống.