Home Sự kiện Đây không phải một bài hát tình yêu

Đây không phải một bài hát tình yêu

17/03 – 03/04/2022
Trình chiếu online trên website Như Trăng Trong Đêm

Thông tin từ ban tổ chức:

Tiến, lùi. Ra ngoài, vào trong. Xẹp lại, nở ra. Nhảy qua, chui xuống. Va đập, vuốt ve. Một lũ và một kẻ. Bất động và đu đưa. Một giọng đọc, một đồng ca. Một chiều ngang trải dần dần, một độ cao lên từ từ. Vẫn cái phố ấy, cái nhà ấy, vẫn tầng ấy, góc ấy. Một cơ thể hình ảnh động không ngừng nảy nở, tìm nhịp thở một vũ đạo riêng.

Với các phim và tác phẩm hình ảnh động của Moi Tran, Đỗ Văn Hoàng, Eduardo Williams, Phạm Ngọc Lân, Nguyễn Ngọc Thảo Ly, Nguyễn Đức Huy.

Dự án được phát triển với sự tài trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam (thông qua chương trình Digital Arts Showcasing)

Lịch trình chiếu:

Từ 17/03: TÔI QUÊN RỒI! + FALSE BRILLANTE
Từ 20/03: ĐIỆU NHẢY TRÊN NÓC TI-VI + NGÕ NGHỆ SĨ
Từ 23/03: BÀI TẬP CARDIO
Từ 26/03: ĐÂY LÀ PHỐ SINH TỪ
Từ 29/03: HIỆU ỨNG BOLERO

Danh sách phim:

Nhịp 1

TÔI QUÊN RỒI!, Eduardo Williams, 2014, 28’59
Trèo lên, bật nhảy nào, những cánh đồng mướt mát, bốn bức tường ảm đạm. Chúng ta ai nấy đều nhỏ bé. Cảm giác như các lỗ chân lông tôi nở ra toang hoác.

FALSE BRILLANTE, Đỗ Văn Hoàng, 2016, 22’23
Chàng trai si tình muốn trở thành cây. Anh ta tìm nước. Anh ta tìm một chỗ đứng. Anh ta tìm thấy một bản dạng khác của mình.

Nhịp 2

ĐIỆU NHẢY TRÊN NÓC TI-VI, Phạm Ngọc Lân, 2012, 3’
Một chuyện kỳ lạ về chiếc màn hình vô tuyến cũ bị kéo lê xung quanh một căn nhà cổ kiểu Pháp, khi đang chiếu những cảnh ‘đập vỡ ti-vi’ trên Youtube.

NGÕ NGHỆ SĨ, Nguyễn Ngọc Thảo Ly, 2019, 22’59
Một cặp vợ chồng diễn viên tuồng lớn tuổi cùng nhau diễn lại những cảnh tích xưa. Nhưng vở diễn bị gián đoạn giữa chừng nhiều lần, vì nhớ nhớ quên quên.

Nhịp 3

BÀI TẬP CARDIO, Nguyễn Đức Huy, 2022, 4’07
Một người nhảy dây qua những khung cảnh khác nhau của căn nhà, dường như có sự tồn tại của những điều khác nữa.

Nhịp 4

ĐÂY LÀ PHỐ SINH TỪ, chùm phim của Đỗ Văn Hoàng, 2022
“Phố này là phố Sinh Từ, nghe gần giống với phố Sinh Tử…”. Trong hơn một năm thành phố dịch bệnh, nhà làm phim tự ghi hình, dựng và hoàn thiện các tác phẩm một mình tại ngôi nhà đang ở. Quay phim như là cách để sống.

Nhịp 5

HIỆU ỨNG BOLERO, Moi Tran, 2020
Tháng 11 năm 2019, Moi Tran dựng vở kịch tương tác hòa nhập Hiệu Ứng Bolero trong một căn nhà ở Hà Nội. Với chủ đề và giai điệu được gợi hứng từ di sản nhạc vàng, tác phẩm khám phá đề tài giao tiếp, hoà giải cũng như các suy tính cảm xúc. Bản phim mười hai hồi, ghi hình tại 12 không gian khác nhau trong cùng căn nhà, nắm trọn tinh thần vở diễn.

** Các phim chiếu kèm phụ đề tiếng Anh

Về các đạo diễn:

Moi Tran là một nghệ sĩ làm việc tại Anh, sinh ra ở Việt Nam, được đào tạo và có nền tảng về Nghệ thuật và Sân khấu. Những thực hành liên ngành của cô với tư cách là một nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, người trình diễn và nhà thiết kế, tập trung khai thác sự giao thoa giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật trình diễn. Xuất phát từ những thực hành nghiên cứu, cô sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn trực tiếp, đồ vật, âm nhạc, văn bản và nghệ thuật sắp đặt. Những tác phẩm của cô khảo sát khả năng định hình của xã hội, công nghệ sinh thái và chính trị đối với bản dạng cá nhân, xã hội và địa lý của con người. Yếu tố cộng tác và việc soi xét thứ ngữ vựng cảm xúc phổ thông đóng vai trò then chốt trong tác phẩm của cô. Năm 2019, Moi Tran khởi tạo dự án Hiệu ứng Bolero – một tác phẩm nghệ thuật trình diễn tại Hà Nội.

Đỗ Văn Hoàng sinh năm 1987 tại Hải Phòng. Anh theo học Biên kịch ở ĐH Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Trong hơn 10 năm qua, anh đã thực hiện các bộ phim ở nhiều thể loại khác nhau: Phía Dưới Móng Nhà (2010), Đảo Ngọc (2010), Một Bộ Phim Trên Ghế Sofa (2012), Tôi Muốn Rao Lên (2015), False Brillante (2015), Sương Lặn (hợp tác với Art Labor Collective, 2017), Ngủ Rồi Ngắm (2018), Đồng Phục Đàn Ông (2020), Thử Việc (2022). Các tác phẩm của Hoàng từng trình chiếu tại Hanoi Docfest, Yamagata Film Festival, Centre Pompidou, Times Museum.

Eduardo Williams sinh năm 1987 tại Argentina. Anh theo học trường Universdad del Cine tại Buenos Aires và Fresnoy, CH Pháp. Các phim ngắn đã thực hiện: Pude Ver Un Puma (20110, That I’m Falling? (2013), Tôi Quên Rồi! (2014), Parsi (2018), No Es (2019). Phim dài đầu tay The Human Surge của Eduardo đạt giải Golden Leopard – Filmmakers of the Present tại Liên hoan phim quốc tế Locarno 2016.

Phạm Ngọc Lân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Anh hiếm khi rời thành phố (cả trong thực tế lẫn trong suy nghĩ) cho đến đại học. Anh tốt nghiệp đại học ngành Quy hoạch đô thị và là một nhà làm phim tự học. Những tác phẩm của anh được trưng bày ở nhiều bảo tàng và trình chiếu ở nhiều liên hoan phim uy tín.

Nguyễn Ngọc Thảo Ly là một nhà làm phim trẻ tại Hà Nội. Cô từng theo học các chương trình đào tạo điện ảnh tại Trung tâm TPD, Hanoi Doclab và Varan Vietnam. Các tác phẩm thực hiện: Rito rito (2016), Nude (2019), Ngõ Nghệ Sĩ (2019), Sáng-Chiều-Cuối Tháng (2019), Giữa Dòng Phù Sa (2020). Ngõ Nghệ Sĩ đã nhận giải Búp sen vàng của trung tâm TPD cho phim tài liệu xuất sắc nhất năm 2019.

Nguyễn Đức Huy là một nghệ sĩ thị giác sinh năm 1995. Anh từng theo học trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Một vài triển lãm nhóm tại Hà Nội Huy từng tham gia gồm Bộ Hành Cà Nhắc & Emerging Artists 5 (Nhà Sàn Collective), Hội Chẩn & Cõi Riêng Ảo (Manzi Art Space). Các video của Đức Huy mang một phong cách hình họa riêng biệt, đậm màu sắc, hài hước nhưng ấn chứa bối rối và lạc lõng.

Buổi chiếu thuộc chương trình Như Trăng Trong Đêm, chuỗi sự kiện xung quanh điện ảnh Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai, tựa những ngõ đi vào di sản phim từ góc nhìn của hôm nay.

Như Trăng Trong Đêm 3 diễn ra từ 09/03 – 03/04 được Trung tâm hỗ trợ tài năng Điện ảnh TPD tổ chức, với sự đồng hành của Viện Pháp tại Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Purin Pictures, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam (thông qua dự án #hanoirethink), Viện Phim Việt Nam, Hội đồng Anh tại Việt Nam (thông qua dự án Digital Arts Showcasing), COMPLEX 01, Union Hub, Tách Spaces.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply