”Căn Phòng”

”Căn Phòng”

Đăng vào
0

20:00, Thứ bảy 13/08/2022
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA)
B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City
72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Thông tin từ VCCA:

‘Căn Phòng’ là một dự án đa ngành, là sự kết hợp của Nguyễn Linh Chi (Chi L. Nguyễn) và biên đạo Nguyễn Duy Thành. Dự án bao gồm chuỗi vở diễn ‘Căn Phòng’ mà ở đó, mỗi ‘Căn Phòng’ lấy cảm hứng và khai thác tính biểu tượng từ các yếu tố trong quá trình làm gốm và tạo tác từ tự nhiên với liên hệ tới cuộc sống, nhân sinh quan và vũ trụ. ‘Căn Phòng’ phiên bản 01 lấy chiếc khuôn đổ rót làm trung tâm của vòng lặp hiện sinh và ‘Căn Phòng’ phiên bản 02 đi sâu vào biểu tượng chiếc bàn xoay cùng những cảm xúc dồn nén, được nhào nặn, uốn nắn khi tương tác với những khuôn khổ, quỹ đạo của lý trí, xã hội và cuộc sống. Được khởi xướng vào năm 2021, vở diễn ‘Căn Phòng’ phiên bản 01 đã được trình diễn tại Viện Goethe Hà Nội vào tháng 3 năm 2022, với hỗ trợ từ quỹ Ignite Creativity Grant của Viện Goethe.

Ý tưởng của ‘Căn Phòng’ bắt nguồn từ việc sinh trưởng trong môi trường tiếp xúc với nghề làm gốm từ thuở nhỏ của Chi, được nuôi sống và lớn lên từ chính quá trình lao động, sáng tác điêu khắc gốm của cha mình. Qua những thử nghiệm, được tiếp xúc và cảm nhận sự nặng nhọc của nghề gốm và tìm hiểu tại quê nội Bát Tràng, những liên hệ về cuộc sống qua việc đổ khuôn rót, về chiếc bàn xoay và sự tôi luyện, chuyển hoá đã góp phần thôi thúc Chi phát triển dự án ‘Căn Phòng’. Và để thổi lửa cho ý tưởng này, biên đạo Nguyễn Duy Thành đã tạo nên những không gian với ngôn ngữ của cơ thể, cùng những chuyển động mang tính ước lệ và khúc chiết. Không chỉ dừng lại từ câu chuyện cá nhân với những liên hệ giữa con người và tự nhiên (đất, nước, lửa, thời gian và nhân duyên), ‘Căn Phòng’ phiên bản 02 mang tới diễn giải về những giao tiếp giữa người với người bằng cảm xúc được hình tượng hoá và sự nhào nặn có ý thức cũng như vô thức của cảm xúc và lý trí.

‘Căn Phòng’ phiên bản 02 được trình diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) với sự tài trợ sản xuất từ VCCA, Studio Hà Mạnh Thắng, Viet Art Station và chị Nguyễn Thu Hà từ Rubyk Agency; bảo trợ truyền thông của VCCA cùng Nghệ thuật & Đời sống và hỗ trợ sản xuất hình ảnh bởi Grey Picture.

Ý tưởng & Sản xuất – Nguyễn Duy Thành, Chi L. Nguyễn
Biên đạo – Nguyễn Duy Thành
Sắp đặt – Chi L. Nguyễn
Trình diễn – Vũ Ngọc Bảo, Chu Nhật Vy
Phục trang – Phạm Đăng Khánh
Visual – Việt Jack
Tài trợ sản xuất – VCCA, Ha Manh Thang’s Studio, Viet Art Station
Bảo trợ truyền thông – VCCA, Nghệ thuật & Đời sống
Hỗ trợ sản xuất hình ảnh – Grey Picture

Nguyễn Linh Chi (Chi L. Nguyễn) thực hành nghệ thuật và thiết kế tại Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình với nhiều thế hệ làm điêu khắc và được tiếp xúc với quá trình sáng tác điêu khắc gốm của cha mình từ khi còn nhỏ, ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc và sắp đặt có ảnh hưởng rất lớn tới thực hành của Chi. Cũng chính vì thế, dù được đào tạo về Visual Communication – chuyên ngành Minh hoạ từ trường Camberwell College of Arts cùng những trải nghiệm với nghề thiết kế đồ hoạ và nghệ thuật ứng dụng, Chi đã kết hợp những lợi thế cùng sự đa dạng đó để thử nghiệm, tìm kiếm phương thức biểu đạt phù hợp với mình. Và trong đó, gần đây nhất, với dự án ‘Căn Phòng’, ngôn ngữ và sự tổng hoà của nghệ thuật trình diễn – sân khấu đã thực sự đem tới những điều mà Chi tìm kiếm.

‘Căn Phòng’ là một dự án đa ngành do Chi khởi xướng năm 2021, kết hợp cùng biên đạo và nghệ sĩ trình diễn Nguyễn Duy Thành. Dự án bao gồm các vở diễn Căn Phòng phiên bản 01, Căn Phòng phiên bản 02, Căn Phòng phiên bản 03. Mỗi ‘Căn Phòng’ khai thác tính biểu tượng và lấy cảm hứng từ các yếu tố trong không gian xưởng gốm với liên hệ tới cuộc sống, nhân sinh quan và vũ trụ. ‘Căn Phòng’ phiên bản 01 với không-thời gian lấy chiếc khuôn đổ rót làm trung tâm; ‘Căn Phòng’ phiên bản 02 đi sâu vào biểu tượng chiếc bàn xoay,… Vở diễn ‘Căn Phòng’ phiên bản 01 đã được trình diễn tại Viện Goethe Hà Nội vào tháng 3, 2022, với sự tài trợ từ quỹ Ignite Creativity Grant của Viện Goethe.

Ngoài ra, năm 2020, Chi tham gia triển lãm nhóm Công dân Trái đất tại Bảo tàng Sinh học Hà Nội với sắp đặt đa phương tiện với gương và phần âm thanh thiết kế bởi Nhung Nguyễn – Sound Awakener. Đồng thời, Chi đồng sáng lập nhóm Collective Sonson cùng Trần Thảo Miên & Linh Trịnh và giành giải nhất cuộc thi Designed by Vietnam 2020. Năm 2022, Chi lưu trú tại Sàn Art và tiếp tục phát triển dự án ‘Căn Phòng’ cùng biên đạo Nguyễn Duy Thành. Ngoài vai trò thực hiện sắp đặt sân khấu, Chi được học hỏi về ngôn ngữ biểu đạt của múa và trình diễn, không gian, âm thanh, ánh sáng từ biên đạo Duy Thành và những cộng sự của anh.

Nguyễn Duy Thành là nghệ sĩ trình diễn và biên đạo, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực trình diễn và tham gia nhiều dự án đa văn hoá, đa ngành, anh đã xây dựng và phát triển được ngôn ngữ chuyển động riêng biệt, vượt ra ngoài vũ điệu thuần tuý. Trong những sáng tạo của mình, Thành quan tâm đến việc kết nối với không gian biểu diễn cũng như truyền tải những chuyển giao chênh vênh giữa các trạng thái qua sự làm chủ tốc độ chuyển động.

Anh đặc biệt hứng thú với những thử nghiệm và những tác phẩm mang sự tự do nhằm đem đến nhận thức mới về những thực tại có sẵn.

Năm 2019, anh sử dụng tinh thần truyền thống của Tuồng trong biên đạo và trình diễn tác phẩm “Thán” với sự tham gia của nhạc sĩ Phú Phạm, nghệ sĩ ánh sáng – sân khấu Đặng Xuân Trường. Anh cũng kết hợp với hai nghệ sĩ này trong tác phẩm “Hoa Giấy” năm 2020.

Duy Thành từng là biên đạo chính của nhóm Hip Hop S.I.N.E đến năm 2013 và sau đó, anh hoạt động động lập. Anh đã từng biểu diễn trong các tác phẩm múa đương đại của biên đạo Sebatien Ramizer (Pháp) và biên đạo Trần Ly Ly cũng như hợp tác với các tên tuổi trong nước và quốc tế như Arco Renz, Heiner Goebbels, Trí Minh và Jamie Maxtone- Graham.

Năm 2020, Nguyễn Duy Thành cùng với các nghệ sĩ khác đã thành lập nhóm nghệ thuật Scarab. Năm 2021, anh thành lập nhóm trình diễn Without A Hitch và cùng phát triển dự án ‘Căn Phòng’ với vở diễn ‘Căn Phòng’ phiên bản 01 tại cùng Chi L. Nguyễn và những cộng sự của anh.

Đào Nhật Vy tốt nghiệp Trung cấp Diễn viên múa tại trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân Đội, hiện là thành viên của nhóm trình diễn Without A Hitch, đồng thời làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và tham gia nhóm múa Ta Dance. Năm 2021-2022, Vy tham gia vở diễn ‘Căn Phòng’ phiên bản 01 tại Viện Goethe Hà Nội.

Phạm Đăng Khánh, founder của Bigent, là một người hoạt động độc lập trong lĩnh vực thời trang. Trang phục của Khánh luôn là sự lưỡng tính, tự do và thách thức những tiêu chuẩn cái đẹp đương thời. Thông qua quần áo, tất cả những thứ Khánh muốn truyền tải không chỉ là thẩm mỹ của sự che thân mà đâu đó còn là sự đồng cảm hay tinh thần tích cực trong những hoàn cảnh của cuộc sống với hy vọng có thể giúp được ai đó.

Vũ Ngọc Bảo tốt nghiệp chuyên ngành múa cổ điển châu Âu tại trường cao đẳng múa Việt Nam (nay là học viện múa Việt Nam) từ 2003 đến 2010. Anh từng công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam từ 2010 đến 2015 và Nhà hát Ca múa Nhạc Thăng Long từ 2016 đến 2020. Từ năm 2018, anh bắt đầu làm quen và luyện tập múa đương đại với tác phẩm đầu tiên ‘O show’ cùng nhóm Baydance. Năm 2020, anh tham gia nhóm Scarab và năm 2021, anh cùng nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành thành lập nhóm trình diễn Without A Hitch. Ngoài ra năm 2022, anh tham gia nhóm Ta Dance và hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Bên cạnh đó, năm 2021 anh làm trợ lý biên đạo cho vở diễn ‘Căn Phòng’ phiên bản 01 và năm 2022, anh tham gia trình diễn trong vở ‘Căn Phòng’ phiên bản 02.

Vào năm 2018, Vũ Ngọc Bảo tham gia liveshow “Bộ tứ Sông Hồng” của ca sĩ Tùng Dương và làm việc với nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành. Anh bị cuốn hút bởi sự tự do trong chuyển động cùng phong cách và tư duy của Nguyễn Duy Thành nên từ đó, anh bắt đầu đi theo và học hỏi nghệ sĩ Duy Thành.

Với xuất phát điểm là một diễn viên múa, sau khi khám phá, thử nghiệm và thực hành nghệ thuật trình diễn, Vũ Ngọc Bảo quan niệm chuyển động là sự kết hợp và tổng hoà của nhiều yếu tố như cảm nhận cơ thể, trí tưởng tượng, cảm xúc và đồng thời, những yếu tố như không gian, khán giả, không khí, ánh sáng, v.v… đều góp phần tạo nên một tác phẩm. Anh hướng tới sự tự do cũng như sự gợi mở trong tác phẩm, sự chân thực – được là chính mình, vượt qua những khuôn khổ định sẵn.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện

Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)
B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City
72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội

NO COMMENTS

Leave a Reply