Home Sự kiện Mĩ thuật Đồng Chìm Đáy Nước

Đồng Chìm Đáy Nước

Đăng vào
0

Khai mạc: 18:00 – 21:00, thứ Sáu 13/12/2024
Triển lãm: 09:00 – 18:00, 14/12/2024 – 19/01/2025
Wiking Salon
72 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

Wiking Salon hân hạnh được giới thiệu với công chúng triển lãm cá nhân của Ca Lê Thắng: Đồng Chìm Đáy Nước, do Lê Thiên Bảo giám tuyển.

Ở tuổi 75, nghệ sĩ Ca Lê Thắng dường như đang ở giai đoạn sung sức nhất của trong sự nghiệp. Liên tiếp từ năm 2021-2023, ông đã có hai triển lãm cá nhân ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với loạt tranh Mùa nước nổi. Cả hai sự kiện đều được giới chuyên môn đón nhận nồng nhiệt và được đánh giá cao. Không chỉ tiếp diễn mạch sáng tác gần đây, triển lãm Đồng Chìm Đáy Nước mang đến cho người xem một dẫn nhập súc tích về tiến trình phát triển trong ngôn ngữ nghệ thuật của Ca Lê Thắng, qua hơn 20 tác phẩm thuộc nhiều giai đoạn, trải dài từ 1991 đến nay.

Theo gia đình tập kết ra Bắc lúc 6 tuổi, vậy mà Ca Lê Thắng vẫn nhớ như in cảm giác khi tay buông thõng dưới mé giường, chạm vào nước sông đã dâng lên mênh mông chỉ sau một đêm trong mùa nước nổi. Mùa này, phong cảnh miền Tây phẳng lì như một cái sa bàn, như nhà văn Sơn Nam mô tả trong truyện ngắn Mùa Len Trâu “Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Ðất bên kia bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước.”

Cần hiểu mùa nước nổi là một đại diện của ký ức, không phải đối tượng được đặc tả. Ca Lê Thắng nương theo dòng nước để thả nhịp tâm thức, hòa giải với những ám ảnh chiến tranh, nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, đứng dậy sau những mất mát cá nhân. Nếu trước kia, ta nhìn thấy ông len lỏi trong hỗn mang tâm thức, thì giờ đây trong loạt tranh mới nhất được sáng tác từ 2023-2024, khung cảnh không chỉ biến đổi kỳ ảo trên bề mặt, mà còn hiển lộ ra bút pháp mãnh liệt của Ca Lê Thắng, kết quả của hơn ba thập kỷ chắt, bóp, đập, phủ, lắp. Hình nay đã hòa tan thành thân phận của ông.

Không còn bóng dáng của Joan Miro, Picasso hay Mark Rothko, Ca Lê Thắng đã tìm ra được ngôn ngữ riêng của mình.

“Mùa Nước Nổi – dần dần đã rơi rụng những chi tiết vô bổ để rồi ngày càng, ngày càng tỏ lộ những hình dáng cốt lõi của một cánh đồng phì nhiêu đầy sức sống… So với triển lãm tháng 10/2022 ở Hà Nội, giờ đây trước mắt chúng ta không còn là sự mô tả vụn vặt mà là những nhát bút mạnh mẽ, là sức mạnh của bản thân người họa sỹ, trọn vẹn tâm thế của anh, của niềm u ẩn đã đeo đẳng, theo anh để chực chờ một ngày được hiện diện trên khung bố.”

Nguyễn Trung, 2023

Cùng với các tư liệu về giai đoạn hoạt động năng nổ của ông cùng Nhóm 10 Người (Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình) từ 1989-1996, triển lãm mong muốn mở ra một góc nhìn khác về vai trò của Ca Lê Thắng trong lịch sử nghệ thuật, đặc biệt là trong công cuộc vực dậy thực hành Trừu Tượng tại Việt Nam sau Đổi Mới.

(trích đoạn từ bài viết giám tuyển của Lê Thiên Bảo, tháng 12, 2024)

Về nghệ sỹ

Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre. Sau khi hiệp định Genève được ký vào năm 1954, ông theo gia đình ra Hà Nội tập kết năm 1955.

Ở Hà Nội, ông bắt đầu học vẽ từ năm 13 tuổi, với người thầy đầu tiên là họa sĩ Diệp Minh Châu. Từ 1963 đến 1970, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm là giảng viên Hệ Trung cấp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1971 đến 1972. Sau đó, cũng tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ông theo học hệ Đại học từ 1972 đến 1976. Trong suốt quá trình học tập, Ca Lê Thắng được sự hướng dẫn của các họa sĩ Trần Huy Oánh, Trần Lưu Hậu và Giáng Hương, v.v.

Cha của Ca Lê Thắng là Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội), nhờ vậy là từ đầu những năm 70, ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều sách vở, tư liệu và thông tin từ nước ngoài cũng như từ miền Nam đưa ra. Nhờ vậy, dù học nghệ thuật dưới nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa, ông đã sớm tò mò và thử nghiệm với Lập Thể từ năm 1975, dần dần chuyển sang Trừu Tượng vào cuối thập niên 80.

Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng trở lại miền Nam vào năm 1976 với vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, đến năm 1988. Giai đoạn 1988 đến 2000 ông là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Kể từ khi tốt nghiệp, ông liên tục tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong nước. Giai đoạn năng động nhất từ cuối những năm 80 đến 2000, ông tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài, trong đó có Fujita Venté Museum (Tokyo, Japan) và Metropolitan Museum of Manila (Manila, Philippines) và các triển lãm khác ở Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore, v.v.

Cùng với Nhóm 10 Người (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình), từ 1989-1995, ông đều đặn trưng bày tại chuỗi triển lãm nhóm “Recent Works”, góp phần khởi động lại phong trào vẽ trừu tượng trên cả nước. Bên cạnh đó, cùng với Nguyễn Trung, ông đồng sáng lập và vận hành Tạp Chí Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh, một ấn bản quan trọng được phát hành từ năm 1991-1996.

Với những cống hiến quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam, ông từng nhận nhiều tặng thưởng của Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm của ông sớm được lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.

Về giám tuyển

Lê Thiên Bảo sống và làm việc giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Paris. Từ năm 2010, thực hành giám tuyển của cô tập trung vào việc khám phá những phương thức hiệu quả nhất để công chúng dễ dàng tiếp cận nghệ thuật đương đại ở Đông Nam Á, đồng thời xây dựng kết nối giữa các cộng đồng nghệ thuật. Lê Thiên Bảo thành lập Galerie BAO tại Paris vào năm 2023. Không chỉ là một gallery thương mại, BAO còn là cầu nối giữa các bộ sưu tập, quỹ sản xuất và sát cánh cùng nghệ sĩ để thực hiện các dự án quan trọng. Trong thời gian ngắn, BAO đã kết nối thành công với Han Nefkens Foundation, SAM Fund for Art and Ecology, MUSEION, Nguyen Art Foundation, The Outpost, và nhiều bộ sưu tập tư nhân khác.

Về ban tổ chức

Wiking Salon là một không gian trải nghiệm nghệ thuật, nơi kết nối những người bạn, đối tác có cùng sứ mạng và đam mê phát triển hệ sinh thái nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply