Home Vietnam Festival of Creativity & Design Stories Dự Án Tiếng Việt: Sự Chuyển Dịch Của Dòng Sông Tiếng Việt...

Dự Án Tiếng Việt: Sự Chuyển Dịch Của Dòng Sông Tiếng Việt Bên Trong Và Bên Ngoài Công Nghệ

Bài bởi Minh Hiếu cho VFCD
Ghi rõ nguồn VFCD khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Ngày 17/11 vừa qua, trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2024, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra buổi đối thoại “Dự Án Tiếng Việt – Điểm giao thoa giữa công nghệ và tiếng Việt” cùng đội ngũ Lướt Code.

Nhân, Dmarc Lê, Yui, Đông-Trúc, thou và Khôi – sáu thành viên đến từ sáu vùng khác nhau, nói sáu phương ngữ khác nhau, đã cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ về những câu chuyện ít ai biết đằng sau dự án thú vị này.

Đông-Trúc và “Bên kia của vần”: Có gì ở phía bên kia của ngôn từ?

Lớn lên giữa những phương ngữ đa dạng, Đông-Trúc được truyền cảm hứng để nhìn tiếng Việt dưới một góc độ khác. “Nếu tách nghĩa ra khỏi âm thanh, liệu một từ tiếng Việt còn mang lại cảm xúc gì không?” – đó là câu hỏi dẫn lối cho Đông-Trúc bắt đầu hành trình khám phá tính biểu cảm của thanh điệu tiếng Việt thông qua tác phẩm “Bên kia của vần”.

Khi được hỏi về cảm hứng thực hiện tác phẩm, Đông-Trúc kể lại, “đối với mình, khi một người tiếp xúc với một vần thì người ta sẽ tiếp xúc với hai phía của vần. Một phía là ngữ nghĩa – khi người ta nghe vần đó, người ta tiếp nhận thông tin, người ta biết nghĩa của nó là gì. Phía bên kia là âm thanh – nghĩa là khi người ta nghe cái âm đó, người ta chưa biết nghĩa của nó là gì thì liệu người ta có cảm giác gì không?”

Hiện diện trong hình hài một trò chơi Kahoot dựa trên tiếng Mường, “Bên kia của vần” dẫn dắt mọi người tìm đến cảm giác thuần túy về âm thanh của vần, cách ghép vần và vần điệu tiếng Việt. Sự gần gũi giữa hệ thống âm thanh tiếng Mường và tiếng Việt giúp người chơi có thể cảm nhận qua âm thanh mà không bị ảnh hưởng bởi ngữ nghĩa.

Ban đầu, trò chơi được lên ý tưởng dưới dạng một game online. Nhưng sau những lần thảo luận và thử nghiệm, Trúc nhận ra giá trị lớn nhất của trò chơi không nằm ở công nghệ mà ở sự kết nối giữa người với người. Khi chuyển trò chơi sang nền tảng Kahoot, người chơi không chỉ chơi mà còn cùng nhau trao đổi về cảm giác và suy nghĩ trước những âm tiết mà Trúc đưa ra. Chính điều đó đã đưa Trúc đến quyết định tạo ra một cuốn zine – tập hợp những quan sát, suy ngẫm và cảm xúc từ quá trình chơi cùng mọi người.

“Bên kia của vần” không chỉ dừng lại ở khuôn khổ một trò chơi trên Kahoot. “Bên kia của vần” là cách để mỗi người tự hỏi: Liệu âm thanh của ngôn ngữ có thể kể những câu chuyện gì? Với những người yêu tiếng Việt, đây là lời nhắc nhở rằng ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn mở ra những không gian chung, nơi mọi người cùng nhau lắng nghe, cảm nhận và chia sẻ cảm tình với tiếng mẹ đẻ.

“bắt nắng nhặt chữ” của thou và tiếng lòng của cây xanh trong đô thị

Nếu được nói, cây sẽ nói gì? “bắt nắng nhặt chữ” không chỉ là một tác phẩm xuất phát từ niềm yêu thích bóng nắng của thou, mà còn là trăn trở của đội ngũ làm dự án về sự tồn tại của thiên nhiên khi được tách ra khỏi những xôn xao và ô nhiễm của đô thị.

Tác phẩm được hình thành từ quá trình chồng lớp những quan sát và ý niệm của thou, kết hợp với cơ chế tạo thơ tự động từ bóng cây đổ nắng lên tường được dựng lên bởi công cụ lập trình p5.js. Từ hơn 50 bài báo về cây xanh tại TP HCM, thou, Khôi và đội ngũ Lướt Code đã lựa chọn 49 từ/cụm từ tiêu biểu, từ đó hình thành những câu thơ ngẫu nhiên được kết nối bởi những từ “để…sẽ” lặp đi lặp lại.

Những câu thơ được tạo ra từ p5.js thiếu chủ ngữ, thiếu sự liên kết, đôi khi ngẫu nhiên tới mức rỗng nghĩa. Ngay chính Yui, người phụ trách phần nghiên cứu của dự án, cũng từng hoài nghi về cú pháp thơ ấy. Giải thích cho câu thơ tưởng như phi lý này, Yui dẫn lời nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, “chủ ngữ và vị ngữ trong tiếng Việt không được thể hiện rõ ràng về chức năng. Nhiều câu tiếng Việt không có chủ ngữ, hoặc nó có tồn tại nhưng tính tự nhiên của chủ ngữ gần như bị mất đi.”

Yui và thou đều đồng tình rằng, “sức mạnh của câu thơ nằm ở chỗ, nó mở ra cho ta rất nhiều cách diễn giải về một thực tế mà trong đó ta có quyền làm chủ và liên kết tới câu chuyện cá nhân của riêng mình.” Sự lặp lại của cú pháp “để… sẽ” không chỉ vô tình gợi nhắc tới những lời hứa, những tuyên ngôn chưa trọn vẹn trong cuộc sống thường ngày, mà còn cả những cam kết với thiên nhiên mà con người đôi lúc lãng quên.

Đồng hành cùng thou từ những ngày đầu thực hiện tác phẩm, Khôi chính là người hỗ trợ thou rất nhiều về mặt hình ảnh và kỹ thuật. “Công của em là thủ công, nghệ của em là nghệ thuật. Thay vì cố trở thành người chuyên nghiệp về lập trình, em chọn cách mày mò để công nghệ hoạt động theo cách tự nhiên nhất, hòa hợp với ý tưởng của thou,” Khôi hài hước cho biết.

Tác phẩm là sự kết hợp giữa thơ và công nghệ, giữa từ ngữ ngẫu nhiên và một cấu trúc độc đoán “để….sẽ”, giữa bóng nắng đổ hồn nhiên và các bài báo viết về cây xanh đô thị. “Mình thích công nghệ ở khả năng mô phỏng lại những chuyển động ngẫu nhiên của thiên nhiên. Công nghệ không phải thứ gì đó quá khô cứng. Nhờ công nghệ, mình có thể tìm cách để kết nối ngôn ngữ mà mình nói với ngôn ngữ của thiên nhiên,” thou chia sẻ về vai trò của công nghệ trong tác phẩm của mình.

“Xác Âm” của Dmarc Lê: Một soi chiếu khác về tiếng Việt

Khác với Đông-Trúc và thou, Dmarc Lê tới với Lướt Code với một portfolio chủ yếu thiên về các thực hành trên môi trường số. Nhân, người phụ trách mảng kỹ thuật của dự án, đã đặt ra thử thách mới: “Hãy làm một cái gì đó ở bên ngoài (môi trường số) đi.” “Xác Âm” đã ra đời từ lời gợi mở ấy, một tác phẩm kết nối giữa những giá trị vô hình và hữu hình.

Dmarc Lê vốn là người yêu thích thể thơ tự do, nơi mọi ngắt nhịp đều do cảm xúc của tác giả quyết định. Nhưng khi tự mình thử ngắt nhịp theo cảm xúc, Dmarc nhận thấy mỗi sự ngắt đều mang một sức nặng khác nhau, không chỉ bởi ý niệm mà còn bởi chính âm tiết và cảm xúc trong từng từ. Vậy sức nặng của bài thơ đến từ đâu? Đó là cách mà “Xác Âm” thành hình.

Lựa chọn bài thơ Lạc của nhà thơ tự do Cẩm Tiên, Dmarc Lê bắt đầu định lượng từng âm tiết qua quan sát cá nhân cũng như các yếu tố vận động của răng, môi và thanh quản khi phát âm. Mỗi âm sẽ được đưa vào ma trận điểm nặng tương ứng, từ đó phóng chiếu lên một miếng nhôm dưới tác động nhiệt.

Miếng kim loại biến dạng theo thời gian chịu nhiệt – âm càng nặng, thời gian càng dài. Sau khi hoàn tất quá trình nung, tấm nhôm được phơi ngoài trời, để nắng mưa ăn mòn một cách tự nhiên. Dmarc gọi đó là cách bài thơ chấp nhận sự thay đổi – một phần tất yếu của cuộc sống và ngôn ngữ.

Điều đặc biệt của tác phẩm nằm ở sự can thiệp chủ quan của chính Dmarc – một người con xứ Huế. Dmarc cho biết, “dấu nặng là dấu nặng nhất trong bảng điểm của mình. Bảng điểm bị ảnh hưởng chủ quan bởi phương ngữ Huế và trải nghiệm cá nhân của mình, nên nếu bảng điểm được chấm bởi một người khác với trải nghiệm từ ngữ khác nhau thì “Xác Âm” sẽ có một hình dạng khác.”

Với “Xác Âm”, Dmarc đã giúp người xem cảm nhận tiếng mẹ đẻ theo cách riêng: qua hình dáng, qua hơi thở và qua chính sức nặng của từng âm.

Chặng đường sẽ còn tiếp tục

“Dự Án Tiếng Việt” được bắt đầu vào ngày cuối cùng của tháng 4 năm 2024. Từ một ý tưởng mơ hồ của sáu thành viên nhằm chứng minh sự giàu đẹp của tiếng Việt, dự án đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên với ba dự án nhỏ “Bên kia của vần”, “bắt nắng nhặt chữ” và “Xác Âm”.

Với dự án này, Lướt Code không có sự hỗ trợ từ sức mạnh của tiền bạc nhưng lại có sự hỗ trợ từ sức mạnh của tình bạn. “Một mình mình sẽ không thể làm được dự án này. Có những người không ở đây nhưng đều đã giúp đỡ tụi mình rất nhiều, cộng đồng nghệ sĩ ở TP HCM là một ví dụ,” Nhân cho biết.

Nhìn lại hành trình vừa qua, Yui kết luận, “cho tới khi ba tác phẩm hoàn thành, mình vẫn chưa biết sự giàu đẹp nằm ở đâu. Nhưng mình nghĩ rằng, đây không phải một định luật cần chứng minh nữa, đây là một nguồn sống sẽ còn tiếp diễn và bản thân mình chỉ là người quan sát thôi. Tiếng Việt đã thay đổi từ quá khứ tới hiện tại rồi, và trong tương lai sẽ còn thay đổi tiếp. Sẽ có những từ ngữ mất đi, có những âm được sinh ra, và tất cả đều nằm trong nội tại của ngôn ngữ.”

——–

Hỏi nhanh đáp gọn cùng Lướt Code: Hãy chia sẻ với VFCD 2024 một âm tiếng Việt mà bạn cảm thấy ngay bây giờ nhé!

Đông-Trúc: Âm “ư” của giọng Phan Rang, một âm mà khi phát âm “cười” thì sẽ thành “cừ”!

thou: Âm “ầm” trong “hmm”. Tụi mình mong sẽ có nhiều người đến xem tác phẩm và ”hmm” cùng tụi mình, vì quan trọng nhất là những đối thoại mà tụi mình có với nhau.

Khôi: Âm “ương”. Nghe hơi dở dở ương ương nhưng nó nằm ở trong từ “thương”. Lần đầu tiên đến Hà Nội nhưng mình đã bắt đầu thương Hà Nội, thương những tiếp xúc và kết nối mà mình có được khi nói chuyện với mọi người ở đây.

Dmarc Lê: Âm “mảnh”. Mình cảm thấy bản thân như một mảnh của một bức tranh lớn hơn trong kết nối giữa công nghệ và những giá trị hiện tại. Mình đã có cơ hội được xem qua các tác phẩm khác, và mình cảm thấy như là một phần của sự phát triển này.

Yui: Âm “chuyển”. “Dự Án Tiếng Việt” là một dự án cộng đồng, sinh ra cho cộng đồng. Mình mong muốn người trong cộng đồng tiếp tục cùng nhau chuyển hóa những dữ liệu, cảm tình theo cách cá nhân. “Chuyển” cũng là câu chuyện riêng của mình. Mình cảm giác đây là một bước ngoặt, và bản thân mình cũng rất tò mò không biết sau này mình sẽ chuyển mình như thế nào.

Nhân: Âm “mình”. Một từ thú vị, vừa chỉ bản thân mình, vừa chỉ chúng mình, những người đồng đội với nhau. Đây là dự án về tiếng Việt, và tụi mình mong muốn tiếng Việt là của chung, chúng ta cùng nhau đưa tiếng Việt phát triển. Mình cảm thấy đây là niềm vinh dự rất lớn khi ước mơ phần nào được hoàn thiện.

Một nghĩa khác của từ “mình” là “thân mình”, nguyên một cái “mình”. Dải lụa đỏ ở triển lãm chính là dòng sông. Tiếng Việt như một dòng sông, tiếng Việt như một thác nước, một sự chuyển mình, len lỏi qua các tác phẩm trên nhiều nền tảng và trong nhiều không gian khác nhau. Mình hy vọng tiếng Việt luôn mãi đẹp trong mọi không gian.

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam
Website
Facebook
Instagram
X
YouTube

NO COMMENTS

Leave a Reply