Triển lãm “Thần Thái” của Lê Minh Đức

Triển lãm “Thần Thái” của Lê Minh Đức

Đăng vào
1

Triển lãm: 15/06 – 14/07/2018
VICAS ART STUDIO
32 Hào Nam, Hà Nội

Thông tin từ nhà tổ chức:

“Khi tôi vẽ,
tôi không thiên về chiều sâu của
không gian,

tôi thiên về chiều sâu
của tâm lý”

Lời tự bạch này chính là quan điểm nghệ thuật xuyên suốt trong toàn bộ 60 tác phẩm được trưng bày ở triển lãm cá nhân này của họa sỹ Lê Minh Đức.

30 bức chân dung trong triển lãm đã bộc lộ rõ ràng nhất quan điểm nghệ thuật này của anh. Với lối vẽ biểu hiện, anh không quan tâm nhiều đến những nguyên tắc hình họa hay anatomy (giải phẫu) mà chỉ tập trung biểu hiện cái “thần thái” mà nhân vật phát lộ. Mỗi một chân dung là một nhân vật độc đáo với một trạng thái tinh thần, một trạng thái tâm lý riêng biệt nhưng giữa chúng vẫn có một điểm chung: Đó là những gương mặt trong veo, thánh thiện.

Ngay từ khi còn là sinh viên trường Yết Kiêu, Lê Minh Đức đã là một tay vẽ phong cảnh cự phách, cho đến nay hàng ngàn bức tranh phong cảnh lãng mạn theo phong cách biểu hiện của anh đã đến tay người tiêu dùng trên thế giới.

Tuy nhiên, Lê Minh Đức không chịu dừng lại ở dòng tranh ấy (mà anh đã rất thành công ở các phòng tranh trong nước và quốc tế), anh nghe theo sự thôi thúc bên trong, tiếp tục khám phá những điều mới mẻ hơn để thỏa mãn chính mình.

Nay, anh vẫn thích vẽ phong cảnh nhưng đó không phải là những phong cảnh tráng lệ, lung linh mà người ta phải đi đâu đó hay đợi thời khắc để kiếm tìm, để phản ánh mà là những phong cảnh thiên nhiên bình dị và gần gũi với cuộc sống đời thường quanh anh (những quanh cảnh phố xá nhìn từ trên tòa nhà cao tầng, có khi là những căn nhà nơi ngõ hẹp…).

Về ngôn ngữ nghệ thuật anh đã có nhiều sáng tạo và đóng góp mới cho nền mỹ thuật nước nhà: hiện nay anh vẽ theo lối vẽ biểu hiện mới (neo-expresionism), với anh, hình chỉ là cái cớ để chơi màu để biểu hiện cảm xúc có tính trực giác của cá nhân anh trước một cảnh vật nào đó, dường như khi vẽ, anh ấy hút sự vật vào trong tâm trí, thẩm thấu nó và phóng chiếu nó ngay lập tức ra toan. Cách anh trát màu nhanh, mạnh, dày, quện vào với nhau, cuồn cuộn cảm hứng, hòa sắc rất trầm, thi thoảng điểm vài vệt màu đối lập như cách các họa sỹ xưa “điểm nhãn” đã tạo nên “thần thái” của bức tranh và đó cũng chính là cách của người họa sỹ biểu hiện cái trạng thái tinh thần của chính mình.

– TS. Bùi Quang Thắng
Giám đốc nghệ thuật, VICAS ART STUDIO

Vào cửa tự do

Giờ mở cửa: Thứ Ba – Chủ nhật, (Sáng: từ 9h00 – 12h00; Chiều: từ 13h30 – 17h00)

1 COMMENT

  1. Những nhận định vô trách nhiệm của đơn vị điều hành nghệ thuật.

    Tôi quả thật là rất giật mình khi đọc bài viết thiếu trách nhiệm và cảm tính của TS Bùi Quang Thắng Giám đốc nghệ thuật của Vicas Art Studio. Những tưởng trong bối cảnh thực sự thê lương của Nghệ thuật nước nhà những người điều hành những không gian nghệ thuật cần phải vô cùng cẩn trọng lời ăn tiếng nói để níu giữ những khán giả yêu nghệ thuật. Theo nhận định chủ quan của mình tôi nghĩ những khán giả đó còn ít lắm.

    Tiến Sỹ Thắng có viết:
    “Ngay từ khi còn là sinh viên trường Yết Kiêu, Lê Minh Đức đã là một tay vẽ phong cảnh cự phách, cho đến nay hàng ngàn bức tranh phong cảnh lãng mạn theo phong cách biểu hiện của anh đã đến tay người tiêu dùng trên thế giới.”

    Tôi cũng không hiểu ông là tiến sỹ của ngành nào mà lại có thể viết một bài giới thiệu về một hoạ sỹ và triển lãm như thế này. Tôi cũng là sinh viên của Trường Yết Kiêu tôi chưa được chứng kiến một hoạ sỹ vẽ phong cảnh nào cự phách như ông đã nói. Ông nói vậy chắc 99% rằng ông không phải là sinh viên Yết kiêu. Trường Yết Kiêu nơi bọn tôi học, không được đào tạo nhiều về lý thuyết và nếu nói cho sòng phẳng là không có lý thuyết, Chỉ có thực hành hội hoạ một cách tự phát và cảm tính thôi, không đủ điều kiện cho ra đời những nghệ sỹ cự phách như ông nói đâu.

    Nghệ thuật là một hành trình dài của những trải nghiệm và những trăn trở. Thôi thì đủ chuyện. Chuyện bếp núc của chất liệu làm nghệ thuật. Chuyện phải làm thế nào để trung thực được với chính nghề nghiệp mà mình lựa chọn, chuyện làm tác phẩn như một tiếng nói, một thái độ của nghệ sỹ với xã hội. Còn vô khối những thứ nữa mà chúng tôi những người thực hành nghệ thuật thực sự phải nghĩ tới. Rồi còn phải kiếm sống nữa chứ, kiếm mà nuôi con đường thể nghiệm của mình và kiếm tìm lý do cho sự tồn tại của nghệ thuật mà chúng tôi tạo ra. Khi đưa ra tới công chúng, còn băn khoăn đủ điều xem mình có tô vẽ cho công việc của mình hay không ?

    Người ta bỏ công ra để đi xem nghệ thuật. Nghệ sỹ phải có trách nhiệm chân thành tuyệt đối với họ để chia sẻ và xác định được giá trị sự tồn tại của thực thể nghệ thuật do nghệ sỹ tạo ra. Nghệ sỹ đối thoại bằng tác phẩm.

    Đọc phần viết của ông tôi thấy ông coi thường nghề nghiệp của bọn tôi quá. Ông nghĩ rằng ông là tiến sỹ lại điều hành một không gian nghệ thuật để rồi thích viết gì thì viết, tra cứu hình thức và nhận định một cách hoàn toàn chủ quan, vô trách nhiệm và cẩu thả.

    Nên nghệ thuật thị giác của đất nước này có thêm ông Nguy Rồi. Nguy Thật Rồi !!!!!!!!!!!!!

Leave a Reply