Triển lãm “Ươm”: Khi các nghệ sĩ lớn lên từ “đất mẹ”

Triển lãm “Ươm”: Khi các nghệ sĩ lớn lên từ “đất mẹ”

Đăng vào
0

Viết và hình ảnh bởi Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine và VCCA
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Đầy tế nhị mà vẫn cuồn cuộn nội lực, mỗi tác phẩm như một lời mời gọi khe khẽ khán giả tới một miền xúc cảm riêng. Ba nghệ sĩ trẻ tìm tòi các chất liệu giản đơn thường nhật và đều gửi gắm những tâm tư  cá nhân về quá khứ trong bối cảnh hiện tại. Đây là triển lãm nằm trong Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019, diễn ra tới hết ngày 25/11/2019.

Bức tranh khổ lớn “Cánh đồng” (3mx12m) bởi nghệ sĩ Đoàn Văn Tới

Ngay tại cửa vào khu vực trưng bày triển lãm “Ươm” khán giả sẽ bắt gặp một khung cảnh mênh mông của một cánh đồng trơ trọi và các luống đất đều đưa hướng nhìn về phía nền trời xám ngoét. Khung cảnh có phần bi thương ấy càng khiến ta sầu não hơn khi tiến lại gần và nhìn vào sự gồ ghề, trúc trắc trải khắp bề mặt bức tranh.

Tầng tầng lớp lớp sơn kết hợp cùng đất, đá, cát, mùn cưa, thủy tinh và tro

Nghệ sĩ Đoàn Văn Tới chia sẻ cảm hứng để anh thực hiện tác phẩm đến từ hình ảnh những cánh đồng sau thu hoạch trong ký ức tuổi thơ. Đối với những đứa trẻ bấy giờ, cánh đồng như những công viên để tự do nô đùa. Thế nhưng trước bối cảnh phát triển và tác động của quá trình đô thị hóa, những “mảnh” ký ức ấy đã dần mất đi, thay vào đó là những nhà máy, khu công nghiệp,… Đoàn Văn Tới đã tối giản hóa những yếu tố kỹ thuật, tập trung khắc họa cảm giác chông chênh, lơ lửng khi đứng trước vẻ đẹp xưa cũ đã bị “xâm lấn” bởi những giá trị đương thời. Việc anh lựa chọn chất liệu thu thập từ những khu công trình xây dựng hay xưởng cưa để thực hiện tác phẩm “Cánh đồng” cũng đem lại ý nghĩa đáng kể cho quá trình thực hiện tác phẩm, đồng thời làm rõ thêm thông điệp mà nghệ sĩ muốn truyền tải.

Tạm rời không gian mênh mang của Đoàn Văn Tới, hãy cùng thu mình nhỏ lại để bước vào thế giới của Châu Lê Hoàng Gia.

Tác phẩm “Ô cửa” (trái) và “Hành lang” (phải)

Tác phẩm “Trên khe cửa” (trái) và “Căn phòng” (phải)

Tác phẩm sắp đặt “Chông chênh” 

Cá nhân người viết rất thích cách sắp đặt bên trong căn phòng trưng bày của Gia – người nhỏ tuổi nhất trong số ba nghệ sĩ. Căn phòng khá tối, ánh sáng tập trung vào các tác phẩm vừa làm nổi bật chúng lên mà vẫn cho người xem cảm giác về sự tinh tế – không hoa mỹ nhưng đầy sức gợi. Gia đã sống và làm việc ở nhiều tỉnh thành khác nhau, và tại mỗi nơi cậu lại có những băn khoăn về vị trí thực sự của bản thân giữa môi trường xung quanh. Trong hành trình “đi tìm” bản thân, Gia tìm về những chất liệu gần gũi và có liên hệ mật thiết với đời sống, trong đó có cây bồ ngót và cây bời lời – một loại cây gắn liền với sinh kế của gia đình cậu tại quê nhà Gia Lai. 

Trong bộ tác phẩm tranh, Châu Lê Hoàng Gia đã nghiền lá của hai loại cây nêu trên để làm màu vẽ. “Lá cây bời lời tiết ra chất nhớt, mình đã sử dụng như một loại dung môi kết dính các ‘hạt màu’ để vẽ thành tranh. Màu xanh nhạt là của lá cây bời lời, xanh đậm là màu lá bồ ngót.”

Sự tỉ mỉ, tinh tế và khẽ khàng của Châu Lê Hoàng Gia qua những nét chạm khắc trên thân cây bời lời

Là nghệ sĩ đa phương tiện khởi đầu từ ngành âm nhạc, Hà Thúy Hằng được truyền cảm hứng từ nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam. Chị muốn nhấn mạnh giá trị của việc cảm nhận cuộc sống một cách chậm rãi ngược hẳn với tốc độ phát triển nhanh chóng của cuộc sống ngày nay. 

“Những rung động chậm” là tác phẩm trình diễn vào hôm mở cửa triển lãm là sự kết hợp giữa âm thanh điện tử (kết hợp từ âm thanh nhạc cụ được thu lại do các nghệ nhân thể hiện và các âm thanh do Hà Thúy Hằng tạo ra) với phần chuyển động cơ thể của NSND Mẫn Thu trong vai nữ tướng Đào Tam Xuân. Trong môi trường âm nhạc của Hà Thúy Hằng, các động tác của NSND Mẫn Thu dường như đạt hiệu ứng “quay chậm”, trở nên ngưng đọng, súc tích và đầy sức gợi, thoát khỏi bối cảnh câu chuyện của nhân vật nữ tướng.

Hà Thúy Hằng còn tạo điều kiện cho khán giả ứng tác với các chất liệu truyền thống theo cách của riêng mình. Khán giả được mời tạo ra âm nhạc từ chiếc hộp nhạc đặt sẵn trong phòng triển lãm, kết hợp với cảm nhận trực tiếp từ màn hình video ghi lại các động tác biểu diễn truyền thống của nhân vật Đào Tam Xuân. Qua đó khán giả vừa là người sáng tạo, vừa có thể  tự mình cảm nhận những rung động chậm rãi của âm thanh và hình ảnh trong tâm hồn mình.

Khán giả chỉ cần bấm những nút được lập trình với một đoạn hiệu ứng âm thanh cho trước sẽ có thể tự tạo ra bản nhạc cho riêng mình

—————————

Thân mời độc giả xem đoạn clip phần trình diễn của NSND Mẫn Thu cùng tác phẩm “Những rung động chậm” tại đây.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NO COMMENTS

Leave a Reply