Mai Chi – Triển lãm “Từ nét vẽ đến đường thêu”

Mai Chi – Triển lãm “Từ nét vẽ đến đường thêu”

Đăng vào
2
Mai ChiLionel Descostes at L'Espace

Linh hồn của sự lặp lại: Nghệ thuật thêu của Lionel Descostes

Mai Chi viết về nghệ thuật. Anh đã cộng tác với một số báo và tạp chí online khác nhau. Hiện anh sống tại Hà Nội. Đây là đóng góp đầu tiên của anh cho Hanoi Grapevine.

Vũ Trâm chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh.

Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến nhiều nghệ sĩ đương đại quan tâm tới kỹ thuật sơn mài Việt Nam và sử dụng nó trong công việc sáng tạo của mình. Nghệ sĩ Pháp Lionel Descostes là người đầu tiên làm việc tương tự với kỹ thuật thêu Việt Nam. Anh kéo nó ra khỏi lĩnh vực thủ công truyền thống và loại nghệ thuật nửa mùa nhắm tới khách du lịch, và đưa nó vào lãnh địa của nghệ thuật đương đại. Triển lãm ‘Từ nét vẽ đến đường thêu’, khai mạc ngày 15 tháng 2 vừa qua tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, giới thiệu kết quả của quá trình quan tâm và ám ảnh của anh với hình thức nghệ thuật này.

Lionel Descostes
Lionel Descostes

Các tác phẩm trong triển lãm có thể được xếp thành hai nhóm. Một nhóm mang dáng vẻ khắc kỷ hơn và lấy hình vuông, một trong những hình dạng cơ bản nhất, làm điểm xuất phát. Trong tác phẩm ‘Hình vuông và họ hàng’ (2008), các hình vuông, với những biến dạng nhỏ và sự không hoàn hảo đặc trưng của thêu tay, được xếp thành hàng, phủ đầy mặt vải. Chúng ở trong trạng thái ẩn danh, từ chối sự nổi bật. Màu xanh và vàng trên nền đen tạo cảm giác dễ chịu và yên lành, gần giống như những hoa văn trang trí của một số dân tộc ít người miền núi. Lôi cuốn nhất là ‘Tâm trạng thứ 6’ (2006), một series gồm năm bức khổ lớn với những đường nét thẳng, được phối mầu pastel tinh tế, giao nhau tạo thành những mắt lưới dày như đang bay lơ lửng trên nền trắng. Nếu đứng gần và để mắt dõi theo những chuyển động dọc ngang của những đường kẻ, người xem sẽ bắt đầu cảm thấy một lực hút thôi miên toát ra bởi bức tranh.

Nhóm tác phẩm kia mang dáng vẻ vui tươi hơn, có kích thước nhỏ hơn và khác hẳn nhóm lấy cảm hứng từ motif hình vuông. Một số, như serie ‘Gia đình hạnh phúc’ (2008) (một lần nữa, lại chủ đề gia đình), trông như những bức vẽ tay thông thường và giản dị, nửa hoa văn, nửa biến thể của loài sứa. Những tác phẩm khác như ‘Đoàn tụ’ (2008) hay ‘Hướng dẫn sử dụng’ (2008), lại là một tập hợp của những nét lượn sóng, được sắp xếp cẩn thận thành một khối hỗn loạn và đặt ở trung tâm của tranh, bên trên những khối, mảng màu sáng. Cách mà những tác phẩm này sử dụng các diện tích được phủ kín mầu sắc rất khác với những hình vẽ phác họa mà ta thường thấy ở thêu truyền thống.

“Humeur du jour” (2006)
“Humeur du jour” (2006)

Mode d'emploi
Television
Ấn vào hình trên để xem hình ở định dạng lớn hơn

Triển lãm tại L’Espace lần này là triển lãm thứ hai của Descostes tại Hà Nội. So với lần triển lãm tại Bui Gallery vào tháng mười một vừa rồi, Descostes dường như đã có những quyết định khác về việc chọn các tác phẩm để trưng bày. Lần này không có các tác phẩm mang hơi hướng pop art của lần trước, nên triển lãm có vẻ chặt chẽ hơn. Vào tối khai mạc, Descostes xuất hiện trong sơ mi trắng và quần jean. Người đàn ông trung niên này có vẻ ngoài điềm đạm và trầm tư, trông anh giống hệt như một người sống hàng năm trời đơn độc trong studio và hiến dâng bản thân cho việc thêu tay, một công việc cô đơn, vất vả và nhàm chán. Với anh, quá trình làm việc quan trọng. Phần phát biểu của anh đầy những con số ngắn gọn, cung cấp tư liệu về quãng đời gần đây nhất của anh: 10 năm ở Hà Nội, 8 năm làm việc trong một studio khép kín, 9 trợ lý câm và khiếm thính. Thế nhưng Descostes không coi quá trình lao động lặp đi lặp lại này là một điều khổ cực mà anh phải cam chịu; với anh, sự lặp lại này có một ý nghĩa tình cảm riêng. Một nét vẽ đơn giản trên một bức tranh chỉ cần tới một cử chỉ khoác tay. Cũng nét vẽ ấy, nếu thêu trên vải, sẽ cần tới hàng ngàn mũi thêu. Một tác phẩm thêu được tạo nên bởi vô vàn những động tác đơn giản và không kịch tính, cũng giống hệt như cách chúng ta sống cuộc đời của mình vậy.

Trên thế giới kỹ thuật khâu, thêu đã có một vị trí khá vững chắc trong phương thức thể hiện của các nghệ sĩ đương đại. Theo David McFadden của Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế New York, thêu đã bắt đầu xuất hiện trong giới nghệ thuật đương đại từ những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Vào thời gian đầu, người sử dụng kỹ thuật này chủ yếu là các nữ nghệ sĩ, bởi sự liên tưởng tới tính nữ tính của nó. Sự phân biệt này đã biến mất và ngày nay các nghệ sĩ cả nam lẫn nữ khám phá kỹ thuật khâu thêu để thể hiện các ý tưởng nghệ thuật của mình. Vào năm 2007 bảo tàng này đã tổ chức một triển lãm quốc tế đặc sắc mang tên “Pricked: Extreme Embroidery” (tạm dịch: “Đâm chích: Thêu cực đoan”), giới thiệu sự phong phú đáng kinh ngạc trong sáng tác của 48 nghệ sĩ tới từ 17 quốc gia. Trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay, công việc của Descostes đem lại một sự mới mẻ: bạn không nhất thiết phải làm video hay trình diễn để được coi là đương đại; bạn có thể phá bỏ mọi ranh giới và tạo ra mang đến những cách nhìn mới bằng việc quay lại với vật liệu và kỹ thuật của thời xa xưa.

Triển lãm của Lionel Descostes“Du trait au fil” mở cửa từ 15 tháng 2 tới 4 tháng 3 năm 2011 tại L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Để đọc bài bình luận của KVT về các tác phẩm nghệ thuật đã trưng bày tại Bui Gallery của Lionel Descoste, truy cập bài viết trước trên Hanoigrapevine.

Ảnh chụp bởi Boris Zuliani (‘Television (detail)’ và chân dung Lionel), Larissa Gehrke (ảnh đầu bài viết) và Dominic Blewett (tất cả những ảnh còn lại).

Television (detail)
Television (detail)

Mai Chi viết về nghệ thuật. Anh đã cộng tác với một số báo và tạp chí online khác nhau. Hiện anh sống tại Hà Nội.

2 COMMENTS

  1. Excellent debut in the Grapevine……lots more opinion bits please….you’ve made me want to go to L’Espace and see it for the third time……KVT

  2. Excellent work and a very thoughtful and insightful review. Congratulations Lionel and Mai Chi!

Leave a Reply