Điêu khắc Việt Nam tại Đài Loan

Điêu khắc Việt Nam tại Đài Loan

Đăng vào
0

Vietnamese Sculpture in Taiwan

Triển lãm: 28/06 – 09/07/2014
Historical Japanese House
Số 9, đường Nanlong, Longtan, Taoyuan, Đài Loan

Thông tin từ nhà tổ chức:

Nhóm nghệ sỹ Việt Nam gồm nhà điêu khắc Phạm Thái Bình, Khổng Đỗ Tuyền cùng curator Nguyễn Anh Tuấn đang có triển lãm điêu khắc tại Đài Loan.

Là một nhóm nghệ sỹ thực hành theo khái niệm đưa điêu khắc vào không gian sống đương thời, nhóm New Form bao gồm những nhà điêu khắc sinh sống và làm việc tại Hà Nội, và một Curator. Thành lập từ năm 2012, nhóm New Form thực hành nghệ thuật dựa trên sự tìm kiếm mối liên hệ giữa kiến trúc và điêu khắc, đặt hình thể điêu khắc trong tư duy tổ chức không gian, thể nghiệm điêu khắc vào các khung cảnh khác biệt, tìm kiếm những khả năng thể hiện và vật liệu mới.

Trong dự án Kotham (Kotham project) do nhóm nghệ sỹ Outsiders Factory tổ chức tại Longtan, Taiwan, nhóm New Form vẫn tiếp tục thực hiện concept sáng tác như vậy, bằng công việc của hai thành viên Phạm Thái Bình và Khổng Đỗ Tuyền. Công việc của nhóm thể hiện trong các điểm như sau:

– Làm 1 loạt sáng tác ứng tác với vật liệu sẵn có, tái chế, giá rẻ tại địa phương (Đài Loan) theo tiêu chí và tinh thần của dự án điêu khắc New Form, đó là thể nghiệm điêu khắc trong không gian sống, bằng các vật liệu mới và trưng bày mới. Các tác phẩm này có thể được trưng bày trong một không gian bất kỳ, có tính ứng tác với tất cả các nhân tố ngoại cảnh (cả không gian bày đặt, môi trường). Qua đó trình bày với khán giả về điêu khắc đương đại Việt Nam qua tư duy sáng tạo và tác phẩm, đồng thời tương tác với môi trường-không gian-con người Đài Loan.

– Trong công việc của Phạm Thái Bình, anh sưu tầm những bức thư cũ, được thu nhặt từ những người lớn tuổi, lưu giữ cẩn thận như một phần ký ức-kỷ niệm trong cuộc đời của họ. Đó chính là một phần cuộc đời của con người, mã hóa bằng các ký tự chữ viết trên giấy. Khi chuyển qua thư điện tử, phần ký ức đó được mã hóa bằng các thuật toán và truyền đi bằng giao thức mạng, ký ức và tâm sự trở nên nhanh chóng, thuận tiện, nhưng cũng dễ lãng quên và nhàm chán. Nghệ sỹ chuyển những lá thư cũ thành hình tượng điêu khắc cỡ nhỏ. Anh cũng chụp lại, và diễn giải nội dung của lá thư trước đó thành văn bản, và khi đặt chúng cạnh nhau, tự hỏi, cảm xúc và ký ức của con người tồn tại ở các dạng vật chất khác nhau sẽ truyền đạt thông điệp như thế nào. Khi sang Taiwan, anh thu nhặt những tờ báo, có cả cũ và mới, ngẫu nhiên trong đó có một vài thông tin về người Việt Nam sinh sống và lao động tại đây. Câu chuyện ngõ hầu trở nên mở rộng hơn, khi từ những cá nhân đơn lẻ xuất hiện điểm chung của cộng đồng nhỏ nằm trong một không gian khác, bên cạnh một cộng đồng khác. Những vật liệu thu nhặt tại chỗ, một khung cảnh xa lạ, với các điêu khắc chia sẻ cùng một ý tưởng xuyên suốt từ Việt Nam sang Đài Loan, có thể tạo nên tính đối thoại không chỉ với khung cảnh trưng bày ,mà còn ngay trong nội hàm tác phẩm.

– Khổng Đỗ Tuyền phát triển điêu khắc như một thành phần của kiến trúc có sẵn. Những hốc, khoảng trống là nơi để phát triển cấu trúc dây, sợi như một tổ hợp thị giác không gian. Một điêu khắc, xuất phát từ mạch ý tưởng trói buộc trong những sáng tác theo đuổi trước đây, nhưng lại tương tác với không gian ở dạng cấu trúc và vật liệu. Nghệ sỹ sử dụng những vật chất gần gũi với không gian bày đặt như giấy, dây thừng, gỗ… , và sắp đặt những cấu trúc thị giác đi theo nội thất của căn nhà như một cách đối thoại và hòa trộn giữa ý tưởng nghệ thuật của cá nhân với khung cảnh và câu chuyện của không gian trưng bày.

Những tác phẩm được chế tác tại Đài Loan, cùng trưng bày với những sáng tác đem sang từ Việt Nam trình bày một quá trình diễn dịch về mặt khái niệm tới hình thái nghệ thuật. Sự thay đổi bởi dịch chuyển từ khung cảnh sống quen thuộc sang một khung cảnh xa lạ về địa lý và văn hóa, thao tác và làm việc với các vật liệu ngẫu nhiên trong một không gian lạ lẫm… Bản thân tiến trình này, cũng là một concept của dự án, bởi nó là một quy trình tự thích nghi của nghệ sỹ và thay đổi tập tính, thói quen tư duy khi ở trong khung cảnh xa lạ. Tính dịch chuyển, tính thích nghi để tìm cách đối chọi-thỏa hiệp với căn tính-cá tính của người nghệ sỹ là nhân tố chủ đạo để hình thành nên không gian nghệ thuật này.

Curator Nguyễn Anh Tuấn

NO COMMENTS

Leave a Reply