Triển lãm “Rác xuân”

Triển lãm “Rác xuân”

Đăng vào
0

Triển lãm: 10/04 – 31/12/2018, thứ ba – chủ nhật, 09:00 – 12:00 và 13:30 – 17:00
VICAS ART STUDIO
32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Thông tin từ nhà tổ chức:

Mời các bạn đến với triển lãm “Rác Xuân 2018”.

Đây là một tổ hợp các tác phẩm của 4 nghệ sỹ gồm:
. Cá Voi – Phạm Thị Hồng Sâm
. Hạt và Mầm – Hà Huy Mười
. Nỗi nhớ rừng – Lê Đức Hùng
. Xã hội – Yến Năng

Mỗi người đã tạo ra một tác phẩm trong một ý tưởng chung: Rác thông qua nghệ thuật có thể trở thành cái thẩm mỹ, cái hữu ích!

Cành đào khi hết Tết trở thành rác thải. Các nghệ sỹ đã sử dụng thứ Rác này như là chất liệu chính để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa phê phán, nhắc nhở con người nên có thái độ tích cực hơn đối với môi trường sinh thái và xã hội.

“Cá Voi” – Phạm Thị Hồng Sâm

Cành đào bỏ đi là rác thải, nạn giết cá voi bừa bãi đang là một vấn đề sinh thái đang được nhân loại quan tâm, tranh cãi. Tác giả đã kết hơp hai ý này để tạo thành tác phẩm này.

Chú cá voi được tạo hình bởi những cành đào rác. Tạo hình này đã tận dụng bối cảnh để tạo ấn tượng thị giác và gây kích thích tương tác: Chú cá voi bơi xuyên qua cái cột và những ai đi vào cánh cửa này đều muốn dướn người lên, sờ tay lên xoa đầu chú cá voi đáng yêu kia.

“Hạt và Mầm” – Hà Huy Mười

Tác phẩm được tạo hình như một cái hạt khổng lồ đã nứt ra, ở giữa khoảng nứt ấy là sự nẩy mầm và tiếp theo là sự sống. Ở đây người xem sẽ thấy:

1. Thông qua sáng tạo nghệ thuật, RÁC trở thành hữu ích, thành cái thẩm mỹ, nói rộng hơn là thái độ và hành vi của con người đối với rác thế nào thì rác sẽ có ý nghĩa tương ứng như vậy
2. Nghệ thuật có thể thay đổi cảnh quan công cộng và tạo thêm nghĩa cho bối cảnh: ở đây, cái khuôn mẫu non bộ, cây cảnh của truyền thống nằm trong tương tác với hai phần bị vỡ ra của hạt có thêm ý nghĩa hoàn toàn mới: MẦM (tức là sự sống, sự vận động và phát triển).

“Nỗi nhớ rừng” – Lê Đức Hùng

Tác giả là một họa sỹ vẽ tranh châm biếm, anh chuyển thể một tác phẩm đã đăng và được giải trong “Tuổi trẻ cười” thành một tác phẩm điêu khắc bằng cành đào rác với cách tạo hình thông mình, ấn tượng mạnh.

Hai lưỡi cưa được tạo hình để hở những cành đào rối (tượng trưng cho cây chết, củi khô) và hiệu quả thị giác là hình cái cây. Tác giả muốn nói đến nạn phá rừng đang tàn phá môi trường sinh thái của chúng ta.

“Xã hội” – Yến Năng

Hai hình nhân được tạo hình bằng cành đào rác, phía trước được dán gương, giống như hai con người đang đối thoại với nhau, nhưng khi ít nhất có một người trong chúng ta bước đến, nó tạo thành 3 người (con số 3 là số nhiều, tượng trưng cho cái mà chúng ta vẫn thường gọi là XÃ HỘI).

Xã hội là những tương tác có ý nghĩa giữa những con người cụ thể, không có cái xã hội trừu tượng. Bạn cứ đứng trước hai người gương kia mà xem, nếu bạn cười, nói, vui vẻ thì bạn sẽ nhận lại nhưng đáp trả tương ứng, ngược lại, nếu bạn nhăn nhó, cáu bẩn hay sầu não bạn sẽ chỉ nhận được những phản ứng tương tự.

Ý nghĩa của tác phẩm là: hãy chọn cho mình cách sống có lợi cho mình và cũng là cho xã hội của chúng ta.

Theo dõi cập nhật tại trang sự kiện

NO COMMENTS

Leave a Reply