Hanoi Dance Fest 2019 – đêm thứ nhất: những sắc thái của...

Hanoi Dance Fest 2019 – đêm thứ nhất: những sắc thái của sự triệt để

Đăng vào
0

Út Quyên viết cho Hanoi Grapevine, ảnh và clip: Nguyễn Đức Tùng
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Hanoi Dance Fest 2019 do Viện Goethe Hà Nội kết hợp với Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace tổ chức trong hai đêm 28 và 30.6.2019 với sáu tác phẩm của các biên đạo múa Việt Nam, Pháp và Đức đã thực sự đem đến một bữa tiệc múa đa sắc màu làm mãn nhãn những khán giả khó tính nhất của bộ môn nghệ thuật này.

Đêm diễn đầu tiên giới thiệu ba vở múa Khối bất kỳ, Thán, và Đáy Giếng đã đem lại nhiều cung bậc cảm xúc và gây bất ngờ cho khán giả trước sắc thái rất khác nhau của sự triệt để được khai thác bởi các biên đạo: Baydanc (nhóm), Nguyễn Duy Thành và Vũ Ngọc Khải.

Khối bất kỳ – Baydanc: triệt để ngẫu hứng

“Khối bất kỳ” là một vở múa khá mạo hiểm và dũng cảm của nhóm múa Baydanc. Sự dũng cảm thể hiện ngay từ một ý tưởng lạ, việc khai thác triệt để tính ngẫu hứng của múa đương đại và việc bỏ qua tất cả những chuẩn mực thông thường của một vở múa truyền thống: không sử dụng vũ điệu đẹp mắt hay điêu luyện, phần nhạc không cần những giai điệu hay âm thanh đẹp, không cần một câu chuyện rõ ràng mà vẫn tạo ra được một thẩm mỹ riêng, và đặc biệt đặt ra nhiều liên tưởng thú vị cho khán giả.

Lấy cảm hứng từ chất liệu vô tri quen thuộc trong đời sống thường ngày như thùng cát-tông, các chất kết dính (băng keo, cơm…) thông qua sự kết hợp giữa hình ảnh, vũ điệu, âm thanh và ánh sáng hoàn toàn ngẫu hứng các nghệ sĩ đã thành công trong việc biến chúng thành những ‘nhân vật’ có sinh mệnh, có tính cách riêng. Những va đập của vũ điệu vào chất liệu và âm thanh, sự kết hợp giữa tiếng đàn của nhạc sĩ và tiếng va chạm của các vật thể trên sân khấu tạo thành một bản hòa tấu kỳ dị, kích thích và hấp dẫn. Chuyển động phong phú, tràn đầy năng lượng của Lê Trần Thảo Nhi là điểm sáng cho toàn bộ vở diễn; âm thanh dồi dào, đầy bất ngờ được tạo ra chỉ từ một chiếc đàn bầu của Nguyễn Thùy Linh giúp dẫn dắt tâm trạng và cảm xúc cho tác phẩm.

Lê Trần Thảo Nhi với những chuyển động phong phú đầy nội lực trong Khối bất kỳ

Tính ngẫu hứng triệt để của vở diễn đem đến những phút giây thăng hoa bất ngờ cho cả nghệ sĩ và khán giả, đặc biệt ở phân đoạn giữa bắt đầu bởi khoảnh khắc ngẫu hứng của Lan Phương khi khai thác hai chuyển động đối lập mềm mại, bất định và thẳng băng, cứng cáp của dây băng dính dẫn dắt cho các thành tố khác từ ánh sáng, âm nhạc, vũ điệu cho đến các vật liệu bìa và băng dính kết hợp nhuần nhuyễn với nhau tạo nên cao trào thú vị.

Ngẫu hứng của Lan Phương với dây băng dính

Tuy nhiên, ngẫu hứng sẽ là con dao hai lưỡi đối với một tác phẩm múa nếu các nghệ sĩ chưa thực sự có kinh nghiệm chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về bản thân và khả năng, tính cách của bạn diễn, để biết lắng nghe, quan sát kết hợp ăn ý với nhau, cũng như hiểu biết sâu sắc về đặc tính của chất liệu và các thành tố khác trên sân khấu để làm chủ mọi tình huống có thể xảy ra và đưa ra quyết định đúng đắn: nên trình diễn gì, vào lúc nào và trong bao lâu. Phần âm nhạc của Thùy Linh tuy phong phú nhưng đôi lúc quá lấn lướt các nhân tố khác, yếu tố ánh sáng đóng vai trò khá mờ nhạt, chỉ được sử dụng tốt nhất ở phân đoạn giữa của vở diễn, diễn biến của tác phẩm đôi chỗ còn lan man, lặp lại và có lúc thiếu logic. Ở đoạn cuối, sự xuất hiện của chất liệu sơn màu, chổi vẽ và màn diễn vẽ ngẫu hứng trên bức tường bằng bìa cát-tông phía cuối sân khấu tuy có ý đồ về ẩn dụ, và được đẩy cao về năng lượng, nhưng không ăn nhập gì với ý tưởng khối bất kỳ tạo bởi chất liệu cát-tông và các chất kết dính, điều này khiến cho kết thúc của vở múa có phần khiên cưỡng và thiếu thuyết phục.

Bất chấp những khuyết điểm trên, Khối bất kỳ vẫn là một tác phẩm thú vị khi không chỉ thách thức sự hiểu và cảm nhận của khán giả, mà còn là một thử nghiệm vượt qua khuôn khổ và vượt qua chính mình của tất cả các thành viên trong một nhóm múa chỉ vừa mới thành lập bởi các biên đạo, diễn viên, nhạc sĩ còn rất trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề.

Thán – Nguyễn Duy Thành: triệt để đối thoại

Với những khán giả mới biết đến Nguyễn Duy Thành, ‘Thán’ là tác phẩm sẽ khiến họ phải thán phục tài năng của anh. Còn với những ai đã biết đến Thành kể từ khi anh còn là một nghệ sĩ hip-hop gặt hái được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho đến khi quyết định dấn thân sang múa đương đại, khả năng biên đạo trong tác phẩm solo đầu tay của anh chắc chắn sẽ không làm họ thất vọng. Với vai trò là một biên đạo, Nguyễn Duy Thành đã tạo cho Thán một kết cấu chặt chẽ, thông minh và đầy bất ngờ trong đó tất cả các yếu tố: vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng, không gian đều được khai thác một cách bình đẳng và triệt để – tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ cao. Nói triệt để không phải là tất cả các yếu tố phải được tận dụng tối đa mà chúng phải kết hợp theo cách chúng đối thoại và tương hỗ lẫn nhau ở mức cao nhất.

Xuất thân là một vũ công hip hop có kỹ thuật điêu luyện, nhưng Duy Thành không hề lạm dụng yếu tố múa. Anh chỉ múa khi cần thiết. Các chuyển động của anh lúc thì mạnh mẽ, quyết liệt, lúc lại chậm rãi tinh tế, khi thì hoàn toàn bất động, thậm chí có lúc còn biến mất trên sân khấu để nhường chỗ cho âm nhạc, bố cục sân khấu và ánh sáng lên tiếng. Thật ra Duy Thành không cần phải múa nhiều, có lúc anh chỉ cần giơ một cánh tay lên cũng đủ để khán giả cảm nhận được từng milimet trên cơ thể anh đều ‘biết múa’.

Mặc dù tác phẩm được cho biết lấy cảm hứng từ “Tuồng” các yếu tố của loại hình nghệ thuật cổ điển này đã được cách tân tới mức nếu không có đôi tai và con mắt điêu luyện của người trong nghề khán giả sẽ khó có thể nhận ra âm nhạc sống động, phong phú của Phú Phạm và thiết kế sân khấu cùng ánh sáng tinh tế của Đặng Xuân Trường đã thực sự đưa khán giả chìm đắm vào không gian tối giản có phần siêu thực của vở múa.

Đáy Giếng – Vũ Ngọc Khải: biểu tượng hóa triệt để

Ngay từ cái tên Đáy giếng và sự xuất hiện đầu tiên trên sân khấu, vở múa của Vũ Ngọc Khải đã đã gợi về không khí đẹp nên thơ của các show diễn ăn khách của Lune Production như Làng tôi, À Ố.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình khá truyền thống, Ngọc Khải mang trong mình nỗi lòng day dứt về các giá trị của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ đang ngày càng mai một trong một xã hội hiện đại. Tác phẩm của anh tận dụng triệt để những biểu tượng và tạo hình vốn quen thuộc trong văn hóa Bắc Bộ từ mành tre, họa tiết trên chiếu cói, âm nhạc cổ truyền đến trang phục lấy cảm hứng từ bức tượng Ngọc Nữ ở chùa Dâu, vũ điệu từ múa truyền thống, các chuyển động của các con vật trong tứ linh, những sinh hoạt văn hóa cộng đồng nơi sân đình, các trò chơi dân gian như chọi gà, chọi trâu… để tạo ra cho tác phẩm của mình một vẻ đẹp hoài cổ đối lập hoàn toàn với cách khai thác cách tân và hiện đại hóa các yếu tố truyền thống trong tác phẩm Thán của Nguyễn Duy Thành. Và cũng khác Duy Thành, triệt để đối với Ngọc Khải là sự tận dụng hết mức có thể các chi tiết có tính biểu tượng cao khiến cho những trầm tích văn hóa mấy ngàn năm của vùng Châu thổ sông Hồng được anh khai quật tầng tầng lớp lớp.

Mỗi một yếu tố xuất hiện trên sân khấu đều được biên đạo tính toán tỉ mỉ để hàm chứa trong nó một thông điệp văn hóa nhất định. Nhờ có sự tính toán này mà vẻ đẹp của âm nhạc, vũ điệu cũng như tài năng của vũ công và nhạc công đều được phô bày đến choáng ngợp. Tuy nhiên, kết cấu quá chặt chẽ, trọn vẹn và diễn biến hơi đều đặn của vở múa khiến cho ngay cả những khoảnh khắc ngẫu hứng cũng không mang lại cảm giác ‘phiêu.’ Có lẽ cần thêm những khoảng lặng, và thêm những biểu hiện phong phú đến từ cá tính và trải nghiệm của người biểu diễn.

Đáy giếng của Ngọc Khải có thể dễ dàng chinh phục những khán giả yêu truyền thống, thích sự tròn trịa toàn bích, nhưng có lẽ sẽ gây mệt mỏi cho những ai dễ sa đà vào việc cố gắng giải mã những tín hiệu biểu tượng dày đặc trong tác phẩm của anh hoặc thèm khát những khoảnh khắc phiêu lãng, tự do, bất ngờ.

Hanoi Dance Fest 2019 được cho là sự kiện nhằm tiếp nối thành công của Trại Hè Múa và Âm nhạc 2018. Bốn trong sáu vở múa trình diễn trong liên hoan này được biên đạo và tham dự bởi các biên đạo, diễn viên múa và nhạc sĩ đã từng tham dự Trại Hè Múa và Âm nhạc 2018 dưới sự hướng dẫn của giáo sư Heiner Goebbels (Đức) và giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – NSƯT Trần Ly Ly.

Đêm thứ hai của Hanoi Dance Fest 2019 diễn ra ngày 30/6 giới thiệu ba vở múa FeMale – James Sutherland, Vòng lặp – Xuân Lê và Đa chiều – Huy Trần. Theo dõi Hanoi Grapevine để cập nhật những bình luận, hình ảnh và video về chương trình tiếp theo.

NO COMMENTS

Leave a Reply