Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân : Chúng tôi đã...

Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân : Chúng tôi đã làm nó như thế nào (phần 2)

Thông tin tổng hợp và biên tập bởi Chii Nguyen
Phỏng vấn bởi Uyên Ly
Hình ảnh cung cấp bởi các nghệ sĩ dự án Phúc Tân
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Giới thiệu về Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân

Mười sáu tác phẩm thuộc dự án (P1)

Tác phẩm “Phản chiếu song hành”

Tác giả: Cấn Văn Ân
Kích thước: 7m (dài) x 1,5m (cao)
Chất liệu: Sắt thép và gương
Cấn Văn Ân là một nghệ sĩ trẻ yêu thích việc thử nghiệm các chất liệu mới và cách tiếp cận mới trong nghệ thuật. Đã từng tham gia 02 Dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng và Dự án nghệ thuật đương đại trong hầm nhà Quốc hội. Với dự án lần này, Ân tạo ra 1 con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng, trên đó gắn 5000 mảnh gương để phản chiếu hình ảnh chính cây cầu Long Biên. Ánh sáng lấp lánh phản chiếu trên những tấm gương tạo thành những những lớp sóng của dòng sông, một hình ảnh phân mảnh trừu tượng tương tác với người xem.

Tác phẩm “Xẩm tàu điện”

Tác giả: Phạm Khắc Quang
Kích thước: 7m (dài) x 2m (cao)
Chất liệu: Thép vụn và thép tấm cắt CNC, đèn led, túi ni lông ép kính.
Phạm Khắc Quang là một hoạ sĩ tranh đồ hoạ nổi tiếng. Anh đã tham gia dự án nghệ thuật phố Phùng Hưng và dự án nghệ thuật đương đại trong hầm nhà Quốc Hội. Với dự án lần này, anh muốn tương tác với lịch sử Hà nội xưa bằng nghệ thuật hát Xẩm tàu điện, giờ đã trở thành một di sản văn hoá phi vật thể đã bị đánh mất của Hà nội. Với tác phẩm này, Phạm Khắc Quang sử dụng các mẩu thép vụn và thép tấm được cắt CNC sau đó xếp lại thành những điểm ảnh tạo nên hình ảnh hai toa tàu điện- một hình ảnh quen thuộc trong ký ức của Hà nội xưa, trên đó xen lẫn phảng phất hình bóng của những nghệ nhân hát xẩm cùng với hình bóng của phố phường Hà nội xưa. Phía sau những tấm thép được trổ thưa thành điểm ảnh sẽ có những tấm kính màu được tạo ra từ túi ni lông bỏ đi. Một vấn đề đưa rác tái chế vào kết hợp với ánh sáng để đối thoại với những di sản văn hoá đã bị đánh mất của cộng đồng, nhằm đưa ra những thông điệp và những suy tư thẩm mỹ cho khán giả.

Tác phẩm “Voi”, “Sống xanh”

Tác giả: George Burchett
Kích thước: 7m (dài) x 1.7m (cao)
Chất liệu: Thép không gỉ phun sơn
George Burchett là hoạ sĩ người Úc sinh ra tại Hà nội, đã từng sống và làm việc tại Việt nam nhiều năm. Ông là một nghệ sĩ quốc tế có nhiều tác phẩm đã được triển lãm ở các nước. Với dự án lần này, George Burchett sử dụng hình ảnh con voi trong lịch sử văn hoá Việt nam, con voi của bà Trưng bà Triệu đã từng tham gia đánh giặc, con voi cũng là biểu tượng gắn liền với thiên nhiên. Ông làm thành mô hình con voi giống như cách gập giấy thủ công của trẻ con. Tác phẩm sẽ được tương tác đặc biệt với các em nhỏ.

Tác phẩm “Lịch sử vỡ”

Tác giả: Vương Văn Thạo
Kích thước: 5m (dài) x 1.8m (cao)
Chất liệu: Đĩa gốm và vàng
Vương Văn Thạo là hoạ sĩ nổi tiếng với thực hành đa dạng các chất liệu từ tranh vẽ đến điêu khắc. Đề tài của anh thường là các hóa thạch di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được đóng băng trong những khối hổ phách. Với dự án lần này, anh tham gia một sắp đặt 36 đĩa gốm đường kính 30cm, tương tác với câu chuyện về ngôi làng cổ làm gốm ven sông- làng Bát Tràng. Tác phẩm vẽ những hình bóng những ngôi đình làng trong phố cổ Hà nội bị phân thành các mảnh vỡ sau đó được ghép lại bằng vàng giống như một sự suy tư về những giá trị văn hoá bị mất mát trong lịch sử và gợi lên những câu hỏi về ứng xử của thời đại này với những giá trị di sản đó.

Tác phẩm “Vòng quay”

Tác giả: Trịnh Minh Tiến
Kích thước: 4m (dài) x 3m (cao)
Chất liệu: Vành bánh xe kết hợp với nhựa in ảnh UV
Trịnh Minh Tiến là hoạ sĩ trẻ có tay nghề cao trong việc sử dụng súng phun sơn tạo nên những tác phẩm vô cùng độc đáo. Với dự án lần này Tiến sử dụng các vành bánh xe máy ô tô cũ kết hợp với những hình ảnh về ký ức cây cầu Long Biên lịch sử được in UV lên những tấm nhựa tạo nên 1 tác phẩm sắp đặt tương tác với người xem. Tác phẩm giúp tác giả kết nối với người xem, cùng chia sẻ những ký ức, kỷ niệm và tình yêu đối với cây cầu. Những hình ảnh được sử dụng như những mảnh ghép cuộc sống, của lịch sử đổi thay không ngừng. Những bánh xe giống như vòng quay của lịch sử, cho sự kết nối không gian và thời gian. Việc liên kết các mảnh ghép kí ức của cây cầu như một sự kết nối với quá khứ hiện tại và tương lai.

Tác phẩm “Nhà nổi”

Tác giả: Lê Đăng Ninh
Kích thước: 5m (dài) x 2.5m (cao)
Chất liệu: Thùng phi sắt, alu gương và đèn led
Lê Đăng Ninh là hoạ sĩ trẻ đã từng tham gia dự án nghệ thuật phố Phùng Hưng và dự án nghệ thuật trong hầm nhà Quốc hội. Ninh chuyên khắc trên các chất liệu như mika, sắt. Với dự án lần này, Ninh sử dụng các thùng phi bỏ đi là những vật liệu không thể thiếu của những ngôi nhà nổi trên Sông Hồng, Ninh muốn khắc họa những hình ảnh những ngôi nhà đó lên trên chính những chiếc thùng phi bằng kỹ thuật cắt laze xuyên thủng kết hợp với hiệu ứng đèn led ánh sáng từ bên trong. Tác phẩm sắp đặt này sẽ là một đối thoại thú vị với những người nhập cư sống lênh đênh trên những “du thuyền”- hình ảnh gần gũi với sông Hồng từ xưa đến nay. Tác phẩm trở nên rất lung linh vào ban đêm, khi ánh sáng tỏa ra từ bên trong chiếc thùng phi.

Tác phẩm “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương”

Tác giả: Nguyễn Thế Sơn
Kích thước: 10m (dài) x 1.8m (cao)
Chất liệu: sắt cắt CNC, alu gương và phù điêu bằng xi măng
Nguyễn Thế Sơn là giám tuyển các dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng và dự án nghệ thuật trong hầm nhà Quốc Hội. Với dự án lần này, tác phẩm của anh sẽ là câu chuyện về những người gánh rong, những người bán hàng, những người lao động đã từng tụ tập ngay chính tại bến sông này. Tác phẩm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền của đất Kẻ chợ xa xưa. Bên cạnh đó là hai bức phù điêu với tổng chiều dài là 6m bằng xi măng trộn với composite, đây là phiên bản thu nhỏ phục dựng lại của bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp hiện đang nằm trên đoạn tường bị che khuất của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm sắp đặt này giống như một đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống cũng như những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.

Tác phẩm “Emoji City”

Tác giả: Nguyễn Hoài Giang
Kích thước: 3.5m (dài) x 1.5m (cao)
Chất liệu: Nhựa tái chế
Nguyễn Hoài Giang là hoạ sĩ trẻ có nhiều nỗ lực trong việc thực hành nghệ thuật kết nối với cảnh quan.
Bằng việc thu thập, phân loại và tái chế lại các nắp chai nhựa cùng với người dân sống gần đó, Giang tạo ra các viên gạch nhựa màu hình vuông, sau đó tạo hình thành tác phẩm. Loại nhựa dùng cho nắp chai là loại HDPE, dễ nung chảy, bền màu và để được ngoài trời phù hợp cho một tác phẩm công cộng, có tính tương tác cao, dễ sửa chữa và có thông điệp về bảo vệ môi trường.

Mời bạn đón đọc tiếp Phần 3: Các tác phẩm của Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân

NO COMMENTS

Leave a Reply