Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân : Chúng tôi đã...

Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân : Chúng tôi đã làm nó như thế nào (phần 3)

Thông tin tổng hợp và biên tập bởi Chii Nguyen
Phỏng vấn bởi Uyên Ly
Hình ảnh cung cấp bởi các nghệ sĩ dự án Phúc Tân
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Giới thiệu về Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân

Mười sáu tác phẩm thuộc dự án (P2)

Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại”

Tác giả: Nguyễn Trần Ưu Đàm
Kích thước: 6m (dài) x 3m (cao)
Chất liệu: các bộ phận xe máy cũ như ống bô, khung, động cơ… và sắt tấm tái chế cắt CNC sơn màu
Ưu Đàm là nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt, nổi tiếng với những tác phẩm đa phương tiện được triển lãm và sưu tập ở nhiều nơi trên thế giới. Tác phẩm của anh thường đề cập tới đời sống đô thị và đường phố ở Việt nam. Tác phẩm lần này là một sắp đặt nói đến trận chiến cho một cuộc sống xanh. Mỗi người lái xe máy như là một Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đang chiến đấu với kẻ thù là ống đựng chất thải như một con mãng xà. Tác phẩm sử dụng nhiều vật liệu tái chế và kết hợp hợp sắt tấm tái chế cắt CNC sơn màu.

“Gallery nhỏ nhất thế giới” – một phần trong tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm – mời gọi cộng đồng và người yêu thích trưng bày tác phẩm của mình vào đó và chụp ảnh lại. Bạn hãy email bức hình, thông tin về tác phẩm, tác giả, ý đồ trưng bày cho [email protected]. Hanoi Grapevine sẽ chuyển tới cho các nghệ sĩ Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Tác phẩm “PhucTanGang”

Tác giả: Nguyễn Xuân Lam
Kích thước: 4m (dài) x 3m (cao)
Chất liệu: composite
Nguyễn Xuân Lam là hoạ sĩ trẻ hứng thú với những di sản văn hoá truyền thống của dân tộc, Lam đã có rất nhiều dự án vẽ lại tranh Đông Hồ và tranh hàng Trống, mục tiêu của Lam là muốn giới trẻ ngày nay có hứng thú với những di sản của cha ông thông qua những hình thức biểu hiện mới. Lam đã từng tham gia dự án nghệ thuật phố Phùng Hưng và dự án hầm nhà Quốc hội. Với dự án lần này, Lam tiếp tục đưa di sản tranh hàng Trống vào tác phẩm của mình, kết hợp cùng tạo hình của những thanh tò he- trò chơi dân gian truyền thống của trẻ con Việt nam, dùng composite tạo thành những sắp đặt 3D gần gũi với đời sống.

Tác phẩm “Thành phố ven sông”

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm
Kích thước: 3m (dài) x 2.5m (cao)
Chất liệu: thùng phi sắt cũ và đèn led
Nguyễn Ngọc Lâm là nhà điêu khắc thực hành nghệ thuật nhiều năm nay xuyên suốt với hình tượng cây. Lâm đã có nhiều tác phẩm và triển lãm trong nhà cũng như ngoài trời với kích thước lớn. Tác phẩm lần này anh sử dụng thùng phi cũ tạo nên một thành phố ven sông bằng nghệ thuật, tạo ra một viễn cảnh về sự phát triển của đô thị cùng với những vấn đề đi kèm. Tác phẩm của Lâm đặc biệt nổi bật vào buổi tối khi các ô cửa biến đổi màu sắc liên tục tạo nên một ảo ảnh về đời sống hiện đại.

Tác phẩm “The Red River’s Dragon”

Tác giả: Diego Cortiza
Kích thước: 15m (dài) x 2m (cao)
Chất liệu: ghế sắt tái chế, gương vỡ, bu gà, kết hợp vẽ trên tường
Diego là kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia và hơn hết anh được biết đến là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của thương hiệu Chula. Diego đã gắn bó với Hà nội gần 25 năm, có thể nói những nét văn hoá của Hà nội từ truyền thống tới đương đại luôn là chất liệu thường trực trong các sáng tác của anh. Với tác phẩm sắp đặt lần này, Diego thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên để tạo nên những lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên. Ngoài ra, Diego còn thiết kế 1 dãy ghế sắt tái chế từ những khung cửa sổ sắt cũ để thành nơi nghỉ chân ngắm tác phẩm cho du khách và người dân.

Tác phẩm “Bức tường danh vọng”

Tác giả: Trần Hậu Yên Thế
Kích thước: 10m (dài) x 2m (cao)
Chất liệu: cổng sắt cắt CNC, xi măng, vẽ tranh tường, gạch hoa cũ, cây leo.
Trần Hậu Yên Thế là hoạ sĩ và nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng, anh đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng như sách khảo cứu chuyên sâu về những biểu tượng từ mỹ thuật truyền thống đến mỹ thuật hiện đại, tiêu biểu là cuốn “Song xưa phố cũ”. Hoạ sỹ Yên Thế cũng là người tham gia dự án nghệ thuật phố Phùng Hưng và dự án hầm nhà Quốc hội. Với tác phẩm lần này, anh sử dụng 05 cánh cửa bằng sắt cắt CNC giống như những ký ức về những cánh cửa của những căn “nhà Tây” bị biến mất đi trong quá trình phát triển của đô thị, kết hợp với bích hoạ vẽ hoa giấy lên tường gợi nhớ về một Hà nội yêu kiều và lãng mạn thuở xa xưa.

Tác phẩm “Thuyền”

Tác giả: Vũ Xuân Đông
Kích thước: 10m (dài) x 3.5m (cao)
Chất liệu: các vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt đã qua sử dụng, khung sắt, gốm vụn.
Vũ Xuân Đông là hoạ sĩ thực hành với chất liệu sơn mài và sắp đặt, anh đã có nhiều năm sáng tác với chủ đề Sông Tô Lịch. Anh đã từng có tác phẩm sắp đặt trong dự án nghệ thuật hầm nhà Quốc Hội. Lần này anh sử dụng hình ảnh những chiếc thuyền buồm gợi nhớ về 1 nơi bến sông tấp nập buôn bán xưa kia, anh tái chế những vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt kết hợp với khung sắt tạo hình những cánh buồm và những con sóng lô nhô. Vũ Xuân Đông đã kêu gọi các trường học khác nhau trong thành phố cùng đóng góp cho anh số lượng chai nhựa cần thiết đủ để làm tác phẩm.

Tác phẩm “Phù sa”

Tác giả: Nguyễn Đức Phương
Kích thước: 4m (dài) x 2m (cao)
Chất liệu: mảnh sành và màu tự nhiên từ đất phù sa sông Hồng
Đức Phương là một hoạ sĩ trẻ sáng tác chủ yếu dựa trên chất liệu truyền thống và khai thác các ký ức của văn hoá lịch sử bị mất mát qua quá trình đô thị hoá. Tác giả sử dụng gốm, sành, đất nung trong rất nhiều tác phẩm của mình. Với tác phẩm lần này, Phương lấy bụi của đô thị kết hợp với phù sa của sông Hồng và các mảnh sảnh được thu lượm từ dưới đáy sông để tái hiện lại nền móng của ngôi chùa thế kỷ 16 đã bị biến mất.

Tác phẩm “Kẹp tóc”

Tác giả: Trần Tuấn
Kích thước: 3m (dài) x 1.8m (cao)
Chất liệu: xi măng, sắt, tường gạch.
Trần Tuấn là nghệ sĩ người Huế thực hành nghệ thuật với rất nhiều chất liệu, đặc biệt Tuấn thích sử dụng vật liệu tái chế từ vỏ lon bia Huda. Với dự án lần này, Tuấn muốn tương tác với chính bức tường lịch sử ở bãi Phúc Tân, anh điêu khắc ngay trên một đoạn tường gạch và sử dụng kết hợp thêm với xi măng để biến đoạn tường đó trở thành bức rèm được vén lên mềm mại như một mái tóc.

NO COMMENTS

Leave a Reply