Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt...

Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Đăng vào
0

logo-BC-90

Thông tin từ Hội đồng Anh tại Việt Nam:

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Hội đồng Anh trân trọng thông báo ra mắt dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Dự án sẽ được chính thức triển khai từ tháng Mười năm 2020 đến hết tháng Chín năm 2021 với sự kết nối chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như với các nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo trong cả nước. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa (viết tắt là IFCD), nằm trong khuôn khổ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO.

Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam dự định sẽ triển khai một loạt các hoạt động nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2020, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Dự án có ba mục tiêu cụ thể:

– Đánh giá được tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo.

– Nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan.

– Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Nền kinh tế sáng tạo là một xu hướng mới đang nổi lên tại Việt Nam, đã và đang đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 (Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, 2016-2019). Những tiến bộ kinh tế vượt bậc trong thời gian cùng với thành phần dân số trẻ năng động của Việt Nam có tiềm năng đem đến những cơ hội tuyệt vời để phát triển một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa. Tuy nhiên, các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã đang gặp phải rất nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sỹ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khỏe mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Dự án này sẽ được thực hiện nhằm đóng góp cho việc thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết và hỗ trợ hoạt động thực hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình sản xuất, phân phối và hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo với mục đích đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và sự tôn trọng dành cho nghệ sĩ và những người sáng tạo.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Văn bản chính sách quan trọng này đã thúc đẩy những mục tiêu đầy tham vọng về sư tăng trưởng cần đạt của các ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó đã được giao trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược, cùng với vai trò chính là đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Dự án mong muốn phối hợp chặt chẽ với Cục trong việc nghiên cứu đánh giá khuôn khổ pháp lý và thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; trên cơ sở đó xây dựng những bộ công cụ hướng dẫn căn bản về bảo vệ sở hữu trí tuệ cho những người làm công tác quản lý nhà nước các cấp trong các ngành văn hóa – sáng tạo.

VICAS và Hội đồng Anh, với kinh nghiệm là đối tác chiến lược trong nhiều dự án hỗ trợ cho sự phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam, đặt ra những cam kết cao trong việc phối hợp làm việc với mạng lưới nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo trong dự án này. Những nghiên cứu của VICAS và Hội đồng Anh cho thấy một số lượng lớn các nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo bày tỏ quan điểm về sự yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, cũng như nỗi bức xúc khi sự xâm phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan. Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực mà việc sao chép và vi phạm bản quyền có thể gây ra cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tuy vẫn có một số lượng người nhận thức được về những hành vi vi phạm đó, họ cho rằng sự ràng buộc pháp luật về vấn đề này còn mong manh và chưa dễ gì để có đủ minh chứng truy tố những hành vi sai phạm này. Dự án mong muốn sẽ đem đến những hiểu biết có ích và kỹ năng thực tiễn cho nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo để nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi và những sản phẩm mình tạo ra trước những xâm phậm về quyền sở hữu trí tuệ qua một loạt các hoạt động như workshop, xây dựng công cụ hướng dẫn căn bản về sở hữu trí tuệ, đối thoại và tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đặt mục tiêu lâu dài là hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều và bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và là Trưởng ban quản lý dự án cho biết: “Qua việc hỗ trợ tăng cường hiệu quả thực thi và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, Dự án sẽ giúp tạo ra các cơ hội để các ngành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo có thể phát triển hơn nữa, và đem lại lợi ích thiết thực về cả kinh tế, văn hóa và xã hội cho nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, cộng đồng khán giả và những người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo ở Việt Nam”.

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 80 triệu người, đồng thời tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với 791 triệu người. Chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin. Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Tài trợ đến từ chính phủ Anh chiếm 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi.

Thông tin về VICAS

Thành lập vào ngày 01 tháng 04 năm 1971 với tên gọi Viện Nghệ thuật. Sau một số lần thay đổi tên gọi, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) chính thức trở thành tên gọi theo Quyết định số 2997/QD-BVHTTDL ngày 03 tháng 09 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị sự nghiệp khoa học, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược, triển khai hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa, văn hóa trong gia đình, văn hóa trong du lịch, đào tạo sau đại học về các ngành văn hóa và nghệ thuật.

Thông tin về Quỹ Đa dạng Văn hóa Quốc tế của UNESCO

Quỹ quốc tế về đa dạng văn hóa (IFCD) là một trong những công cụ cơ bản để thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ quốc tế của Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Được thành lập theo Điều 18 của Công ước 2005, Quỹ là tập hợp đóng góp của nhiều bên tài trợ, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển bền vững và giảm nghèo ở các nước đang phát triển là các Bên tham gia Công ước 2005.

Quỹ thực hiện điều này thông qua việc hỗ trợ cho các dự án nhằm thúc đẩy sự xuất hiện của ngành văn hóa năng động, chủ yếu thông qua các hoạt động tạo điều kiện cho việc giới thiệu và / hoặc xây dựng các chính sách và chiến lược bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa cũng như củng cố nền tảng thể chế hỗ trợ tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa. Đáng chú ý, IFCD được vận hành để thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và Bắc-Nam-Nam, đồng thời góp phần đạt được kết quả cụ thể và bền vững cũng như các tác động về mặt cấu trúc, khi thích hợp, trong lĩnh vực văn hóa.

Từ năm 2010, Quỹ Quốc tế về Đa dạng Văn hóa đã đầu tư hơn 8 triệu đô Mỹ để tài trợ cho 114 dự án ở 58 quốc gia đang phát triển, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ phát triển và thực thi chính sách văn hóa, đến xây dựng năng lực cho các doanh nhân văn hóa, lập bản đồ các ngành công nghiệp văn hóa và tạo ra các mô hình kinh doanh mới trong ngành công nghiệp văn hóa.

logo-BC-90
Hội đồng Anh
20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Tel: 84 (0)4 8436780
Fax: 84 (0)4 8434962
Website: http://www.britishcouncil.vn/

NO COMMENTS

Leave a Reply