Các tác phẩm Việt Nam tại dự án Dubai Expo 2021

Các tác phẩm Việt Nam tại dự án Dubai Expo 2021

Trong vòng hơn 3 tháng từ khi bắt tay vào thực hiện, 15 nghệ sĩ với hơn 100 trợ lý kỹ thuật và những người thợ lành nghề ở hơn 10 xưởng rải rác trong khắp Hà nội Thái Bình và cả từ Huế đã nỗ lực làm việc không kể ngày đêm để thực hiện và hoàn thành những tác phẩm hoàn toàn mới, được thiết kế theo địa hình ở khu vực đường hầm nhà Quốc Hội. Với những cụm tác phẩm sắp đặt không gian kích thước lớn, các tác giả đã phủ kín hơn 500 mét dài trong không gian trong 3 khu vực đường hầm nhà Quốc Hội, từ khu vực đường hầm nhỏ, đường hầm lớn và lối hầm nhà để xe. Những tác phẩm với đa dạng các chất liệu. từ sơn mài truyền thống, đồ hoạ mở đến các chất liệu sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động… đã làm biến đổi hoàn toàn không gian lối đi hầm có sẵn của nhà Quốc Hội trở thành một không gian nghệ thuật mang đậm tính ứng tác với ngữ cảnh của các thực hành hành nghệ thuật đương đại. Lấy ý tưởng sử dụng cách tiếp cận đa dạng của các hình thức nghệ thuật đương đại, 15 nghệ sĩ của dự án đã dùng các tác phẩm của mình như một nỗ lực đối thoại và phản ánh những cách nhìn sáng tạo của mình với những giá trị di sản văn hoá nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày của lịch sử dân tộc. Một không gian thể hiện các cách nhìn về Di sản qua các thực hành của nghệ thuật đương đại sẽ là một kết nối lý tưởng với hai không gian Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới chân toà Nhà Quốc Hội. Sự tương tác kết nối từ không gian cổ đại đến đương đại này, chắc chắn sẽ mang lại cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, giống như một chuyến du hành kết nối mạch nguồn cảm hứng từ những địa tầng lịch sử huy hoàng trong quá khứ tới những cách nhìn đầy sáng tạo của những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại ngày hôm nay.

Giám tuyển
Nguyễn Thế Sơn

Tên tác phẩm: 1901 – 1911
Tác giả: Nguyễn Thế Sơn
Chất liệu: Nhiếp ảnh phù điêu

1901 – 1911 là quãng thời gian 10 năm Nhà hát lớn được xây dựng tại Hà nội. Cũng giống như hàng loạt các công trình kiến trúc khác được xây dựng vào thời kỳ đó, Nhà hát lớn đã đóng góp một mảnh ghép quan trọng vào ký ức về đô thị của Hà nội. Vượt qua thời gian hơn một thế kỷ, Nhà hát lớn đã trở thành một biểu tượng về văn hoá nghệ thuật của Hà nội ngày hôm nay. Dù pha trộn nhiều phong cách kiến trúc khi lấy hình mẫu từ Nhà hát lớn Garnier ở Paris, Nhà hát lớn Hà nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp hết sức đặc trưng. Không những chỉ đóng vai trò như một trong những trung tâm văn hoá quan trọng, Nhà hát lớn còn là nơi mang đậm những dấu ấn lịch sử, là nơi đã chứng kiến biết bao lần trong thế kỷ qua, lịch sử của dân tộc lật sang những trang mới. Trong suốt quãng thời gian từ khi hoàn thành xây dựng cho đến nay trải qua hơn một thế kỷ, nhà hát đã đón nhận không biết bao nhiêu lượt người ra vào cũng như dừng chân hay lướt qua.

Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu thực hiện trong suốt nhiều năm nay về chủ đề ký ức đô thị, tôi đã cố gắng dựng lên một tác phẩm, một sân khấu lớn của cuộc đời, của những con người có thể từng đi ngang qua hay dừng lại trước cánh cửa nhà hát suốt hơn 100 năm qua.

Tên tác phẩm: 1805 – 1832
Tác giả: Nguyễn Thế Sơn
Chất liệu: Nhiếp ảnh phù điêu

Ngọ Môn – một biểu tượng của Kinh thành Huế, một triều đại phong kiến cuối cùng đã tồn tại trong suốt 143 năm. 1805 – 1832 là quãng thời gian gần 30 năm Kinh thành Huế được khởi công xây dựng dưới thời vua Gia Long và hoàn chỉnh vào năm 1933 dưới thời vua Minh Mạng. Nằm ở một vị trí đắc địa bên bờ bắc sông Hương , lại được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vauban nổi tiếng ở Pháp và châu Âu, kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất trong lịch sử Việt nam thời cận đại với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với khối lượng công việc khổng lồ, đào hào, lấp sông, dời mộ, đắp thành … kéo dài suốt gần 30 năm dưới hai triều vua.

Ngọ Môn (cổng Tí Ngọ) là cổng lớn nhất trong bốn cổng chính của Hoàng thành Huế. Hướng của Ngọ Môn quay về phía nam, hướng dành cho các bậc vua Chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (hướng về ánh sáng để nghe thiên hạ và cai trị thiên hạ một cách sáng sủa). Ngọ Môn cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử. Xưa kia Ngọ môn chỉ dành riêng cho vua đi lại hoặc dùng khi tiếp đón các sứ thần. Đây cũng là nơi thường diễn ra các buổi lễ quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền Lô (đọc tên tiến sĩ tân khoa). Đây cũng là nơi chứng kiến tuyên ngôn thoái vị của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt nam

Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu tôi cố gắng dựng lại hình ảnh Ngọ Môn kinh thành Huế như một chứng nhân lịch sử viết tiếp câu chuyện của những con người từ khắp muôn nơi tìm đến cố đô Huế để trải nghiệm nét đẹp của một di sản văn hoá thế giới vẫn còn sừng sững với thời gian.

Tên tác phẩm: 1886 – 1891
Tác giả: Nguyễn Thế Sơn
Chất liệu: Nhiếp ảnh phù điêu

Bưu điện trung tâm thành phố – một “chứng nhân lịch sử” đi cùng năm tháng, cùng sự hình thành và phát triển của Sài Gòn, đồng thời là một công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Từ năm 1886 đến năm 1891 là khoảng thời gian công trình được thiết kế và xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel. Đây quả thật là một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất của Sài Gòn, một công trình vắt qua ba thế kỷ nổi bật với vẻ đẹp lãng mạn, hài hoà giữa phong cách hiện đại của phương Tây kết hợp với cách bài trí của người phương Đông. Ngoài những hoa văn phù điêu đắp nổi tinh tế và hết sức công phu, mặt tiền của bưu điện cũng rất độc đáo khi khắc ghi tên những nhà khoa học đã đóng góp cho nền văn minh nhân loại trong lĩnh vực điện và điện tín. Không thể tính hết nổi bao nhiêu lượt người đã ra vào để gửi những lá thư hay gọi một cuộc điện thoại từ đây. Bưu điện giống như một biểu tượng của sự kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa những con người.

Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu tôi đã cố gắng lột tả vẻ đẹp kiến trúc của toà nhà lịch sử này cũng như diễn tả những lớp người xuyên thời gian cùng xuất hiện, khắc hoạ nên những biến động của thành phố của con người trong suốt dòng chảy của lịch sử.

Tên tác phẩm: Huyền tích
Tác giả: Trịnh Minh Tiến
Chất liệu : sơn phun trên vải toan

Ngồi trên ô tô ngắm nhìn thành phố, lòng tự hỏi bao thành quách, lâu đài tráng lệ nhà Lý, nhà Trần một thời huy hoàng sao không còn? Chỉ còn những di ảnh, những vết tích chôn vùi trong lòng đất. Ước gì được quay ngược thời gian, ngồi trên những chiếc ô tô hiện đại để ngắm nhìn hoàng thành xưa. Hình ảnh của rồng, mây, hoa sen, lá đề, cũng như những họa tiết trang trí cổ xưa sẽ in hình lên chiếc xe ô tô hiện đại hôm nay. Việc kết hợp giữa ô tô với những họa tiết đặc biệt biểu tượng của sự phồn thịnh thời Lý, Trần nhằm làm nổi bật tạo nét tương phản với tinh thần xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Bởi đó là tinh hoa của dân tộc gắn liền với biểu tượng thịnh vượng và trí tuệ của con người hiện đại. Với mong muốn làm nổi bật và hài hòa hai giá trị cũ và mới, kết nối tinh hoa xưa và giá trị nay của dân tộc Việt.

Tác phẩm in hình và lắng đọng được thể hiện dưới hình thức sắp đặt vỏ của chiếc ô tô được trang trí các hoa văn cổ truyền tiêu biểu của dân tộc.

Tác phẩm: Ngẫu Liên – Tĩnh Lặng
Tác giả: Phan Hải Bằng
Chất liệu: Trúc chỉ (Trucchigraphy)

Theo dòng lịch sử văn hoá, Mỹ thuật Việt đã theo chân các chúa Nguyễn dịch chuyển về phía Nam dần định hình và phản hồi lại bằng các dấu ấn văn hoá mang tính tiếp biến, phát triển riêng của mỹ thuật Nguyễn. Sau đó tiếp tục giao thoa với các vùng miền khác và làm giàu có phong phú thêm ho nghệ thuật Việt ở mức độ rộng lớn hơn.

Với hình thức bộ tác phẩm được thể hiện bằng loại hình nghệ thuật Trúc Chỉ (nghệ thuật giấy và xơ sợi) của Việt Nam kết hợp với các các kỹ thuật của các loại hình nghệ thuật khác như khắc gỗ, sơn mài, nghệ thuật ánh sáng…các bức tranh đã tái hiện các hệ thống hoạ tiết hoa văn của mỹ thuật thời Nguyễn và chúa Nguyễn cùng với các hình thức cách điệu từ những hình ảnh quen thuộc như hoa lá, mây, nước… đặc trưng của Việt nam.

Cùng với chất liệu chính là Trúc Chỉ, tác phẩm còn được kết hợp thêm với các mảnh gỗ từ cấu trúc các căn nhà có kiến trúc cổ ở Huế. Các mảnh gỗ sau khi được sưu tập về , được xử lý và áp dụng các nguyên lý của nghệ thuật khắc gỗ (Đồ hoạ), phủ sơn và mài xả ( Sơn mài) để thể hiện các hình ảnh hoa văn lấy cảm hứng từ Mỹ thuật Nguyễn.

Với sự kết hợp linh hoạt của chất liệu Trúc Chỉ, gỗ sơn mài và ánh sáng xuyên thấu đã đưa khía niệm “giấy” thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành chất liệu độc lập. Qua đó tận dụng được hầu hết các nguyên liệu có sẵn của địa phương như rơm, tre, mía, chuối, bèo, lá, cỏ… với quy trình làm giấy thủ công truyền thống kết hợp cùng các kỹ thuật đồ hoạ truyền thống như: in kẽm, in lưới… để tạo nên thuật ngữ mới – Đồ hoạ Trúc Chỉ ( Trucchigraphy)

Tác phẩm: Con Nghê, sư tử thiêng của người Việt
Tác giả: Trần Hậu Yên Thế
Chất liệu: composite, sợi gai
Kích thước: 75cm X 110cm X 25cm

Con nghê là con vật linh thiêng, có nguồn gốc khá phức tạp. Theo một số ghi chép lịch sử, nghê là một sinh vật thần thoại, loài sư tử thiêng, có nguồn gốc từ Phật giáo.

Nghê được các doanh nhân và nhà sư Phật giáo từ Ấn Độ và Trung Á mang đến Việt Nam vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Nghê phổ biến vào thời Lý (1009-1225). Theo thời gian, nghê đã được chạm khắc dưới nhiều hình thức và chất liệu khác nhau, thể hiện nhiều gương mặt và đặc điểm khác nhau. Nó đã xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau tại các địa điểm tâm linh của người Việt.

Với sự tự do tuyệt đối về kích thước và sự sáng tạo, các nhà điêu khắc đã tạo ra Nghê với nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau theo ý tưởng riêng của họ. Kết quả là Nghê đã đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo trong nghệ thuật dân gian Việt Nam. Là một con vật linh thiêng được hư cấu, Nghê là sự kết hợp giữa yếu tố dân gian và yếu tố cung đình, của nghệ thuật bản địa và nghệ thuật du nhập.

Nghê là một linh vật sống động trong đời sống tinh thần của người Việt đã góp phần tạo nên hồn Việt trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Tác phẩm: Mảnh ghép thời gian
Tác giả: Nguyễn Xuân Lam
Chất liệu: Sơn mài

“Mảnh ghép thời gian” là tác phẩm sơn mài – sắp đặt được lấy cảm hứng từ chính những di vật của kinh thành thời Lý – Trần được trưng bày trong Bảo tàng Khảo cổ dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Đúng như tên gọi của nó, tác phẩm được tạo thành từ 240 “mảnh ghép”, tương ứng với 240 bức tranh sơn mài. Đặt tại chính hành lang dẫn vào bảo tàng, tác phẩm như những chương mở đầu cho câu chuyện văn hoá, lịch sử của dân tộc ta. Câu chuyện ấy bắt đầu cùng với lịch sử của mảnh đất địa linh nhân kiệt Thăng Long – nơi được Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập nhà Lý, lựa chọn làm kinh đô vào năm 1010, mở ra một giai đoạn lịch sử mới có ý nghĩa quyết định với vận mệnh dân tộc.

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử Việt Nam, nhà Lý và nhà Trần được coi là hai trong số những triều đại thịnh vượng nhất. Ở đó, các phường nghề, công thương nghiệp, nghệ thuật, đời sống triết học, tâm linh đều đạt với trình độ và sự phát triển cao. Vì vậy, chọn các cổ vật của 2 triều đại này để đưa vào tác phẩm cũng nhằm thể hiện khát vọng về sự lớn mạnh không ngừng, phát triển trường tồn của quốc gia, nối tiếp những di sản văn hóa từ thời cha ông ta để lại.

Dựa trên họa tiết từ những cổ vật thời Lý – Trần, các bức sơn mài đan cài vào nhau thể hiện sự trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, tác phẩm còn được thể hiện với các hoạ tiết cách điệu mang hơi thở hiện đại. Nó không những thể hiện sự hòa quyện của thời gian, không gian, sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại mà còn khẳng định tính kế thừa của lịch sử, văn hóa dân tộc.

Sử dụng kỹ thuật sơn màI, một chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam để khắc họa những họa tiết, tác phẩm thể hiện một niềm tự hào dân tộc, tự hào với những di sản của nghệ thuật sơn ta truyền thống được viết tiếp nên bởi hội hoạ hiện đại.

Tên Tác phẩm: Sông Tô
Tác giả: Vũ Xuân Đông
Chất liệu: chạm khắc đồng

Cùng với sông Hồng, con sông Tô là một phần của lịch sử văn hiến của Thăng Long -Hà Nội. Từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng , sông Tô Lịch chảy quanh qua phố phường Thăng Long nhộn nhịp , rồi ra phía ngoại thành uốn lượn và bao bọc lấy kinh đô nước Việt. Dòng sông là tuyến giao thông quan trọng vận chuyển hàng hóa giao thương đi các nơi, là nơi giao hòa rất nhiều các giá trị văn hóa ,lịch sử như kiến trúc , lễ hội, làng nghề truyền thống , di tích ….của những vùng đất ven đô.

Nay dòng sông đã hẹp lại và không còn trong ngần, thơ mộng như xưa. Tác phẩm được hình thành dựa trên hình thái uốn lượn của một con sông , hợp thành bởi những module bằng đồng, bằng sơn mài, bề mặt cong tạo thành như sóng nước.

Người xem có thể chạm vào và xoay những module , giống như bạn đang chạm vào dòng sông với những vẻ đẹp nên thơ, huy hoàng trong quá khứ nơi có những xóm làng trù phú, lễ hội tấp nập, thuyền bè ngược xuôi. Biết đâu phép màu của những nguyện ước khi ta chạm vào những mảng sóng sẽ góp phần hồi sinh lại một dòng sông ? Để như nghe thấy đâu đây lời ca:

Sông Tô nước chảy trong ngần
Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa
Thon thon hai mũi chèo hoa
Lướt đi lướt lại như là bướm gieo

Tên tác phẩm: Những không gian nhỏ
Tác giả: Vũ Kim Thư
Chất liệu: Sắp đặt với hộp đèn gỗ, giấy Dó, giấy Washi Nhật bản và mực nho

Những không gian nhỏ là một một câu chuyện về Hà nội được lắp ghép bởi nhiều hình ảnh từ quá khứ đến hiện tại. Trong những hình ảnh này, người ta nhìn thấy phố cổ năm xưa trộn lẫn với hình ảnh phố mới, như nhà tập thể, nhà mặt phố ngày nay cùng tồn tại, lẩn khuất trong đó là cả những hoài niệm mơ màng về những ký ức của Hà nội thâm trầm thuở trước. Hy vọng trong sự hỗn độn của Hà nội trong mơ không theo thứ tự thời gian ấy, người xem có thể thấy một điều gì đó thân quen, như thấy mình trong đó. Thân quen từ cái ban công nhà ở, chậu cây, dây phơi quần áo hay một quán cóc vỉa hè hoặc có thể có cảm giác giống như nhìn một bản đồ Phố cổ Hà nội nhằng nhịt từ trên cao.

Tác phẩm này được trưng bày dưới hình thức hộp đèn gỗ sử dụng chất liệu giấy Dó của Việt Nam và giấy Washi Nhật bản kết hợp với nét vẽ mực nho trên giấy tạo thành nhiều lớp hình ảnh nhằm dựng nên một không gian 3 chiều, khiến người xem có cảm giác thực hiện một chuyến chu du đi sâu vào bên trong mỗi tác phẩm .

Tên tác phẩm: Món quà
Tác giả: Cấn Văn Ân
Chất liệu: Sơn dầu trên toan

Với tác phẩm này tôi muốn thể hiện món quà di sản của tiền nhân dành cho thế hệ tương lai, thế hệ các em nhỏ hay các em học sinh. Nhắc đến di sản văn hoá không thể không nhắc đến những di sản cổ vật lịch sử đang được trưng bày ở các bảo tàng như những món quà vô giá của tiền nhân. Tác phẩm của tôi gồm bộ 3 tác phẩm hội họa sơn dầu, trong tranh tôi sử dụng hình ảnh những cổ vật thời nhà Lý kết hợp với tranh dân gian Đông Hồ. Tôi vẽ lại hình ảnh những em bé ôm gà ôm vịt trong tranh Đông Hồ đang ôm những cổ vật có gắn những chiếc nơ xinh xắn tượng trưng cho những món quà các em bé được đón nhận.

Tên tác phẩm: Thềm bậc Điện Kính Thiên
Tác giả: Lê Đăng Ninh
Chất liệu: Khắc vẽ Mica kết hợp nhiếp ảnh

“Điện kính thiên” là tòa điện quan trọng bậc nhất của quần thể hoàng thành Thăng Long xưa. Đây là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng của đất nước, nơi thiết triều bàn quốc gia đại sự… Trải qua bao can qua dâu bể, lâu đài cung điện đã thành sương khói, di tích này chỉ còn sót lại bậc thềm được xây dựng vào thời Lê Sơ. Lan can thành bậc bằng đá được tạo tác tinh mỹ, hùng tráng. Ở giữa là đôi rồng uy nghi hai bên là lan can trang trí bảo tướng liên hoa (dạng hoa sen cách điệu), sóng nước, vân mây… là tinh hoa trời đất hội tụ trên thành bậc này. Những thăng trầm của thời gian và thế sự cho chúng ta niềm xúc động vô bờ trước sức mạnh văn hóa bền bỉ của dân tộc Việt. Dùng thủ pháp đồ họa chạm khắc lên vật liêu dẫn sáng, dưới dạng âm bản, tác phẩm vừa giống như hiệu quả như bản dập vừa tựa như tấm phim chụp X-quang và cũng tựa như những ảo ảnh trong chiêm bao. Xin hãy nhìn ngắm để đắm chìm vào màn đêm hoàng cung, để cảm nhận sự kỳ vĩ của những triều đại thịnh trị xa xưa.

Tên tác phẩm: Cội nguồn dân tộc Việt
Tác giả: Triệu Khắc Tiến
Chất liệu: sơn mài

Huyền thoại Âu Cơ – Lạc Long Quân đẻ ra trăm trứng là nguồn cảm hứng cho tôi thể hiện tác phẩm về đề tài truyền thống – cội nguồn đất nước. Hình tượng quả trứng được dát vàng trên đầu chóp mô phỏng cấu trúc vảy cá, tựa nhưa những vân sóng lấp lánh ánh trăng trên mặt biển, hàm chứa sự khởi nguyên của nền văn minh lúa nước; kết hợp với hệ thống mô típ họa tiết, hoa văn trang trí qua các thời đại gửi gắm những tinh hoa của khối trầm tích văn hóa Việt, vang vọng một quá khứ vàng son của cha ông.

Thành quả của sự cộng tác giữa nghệ sĩ với các nghệ nhân trong quá trình thực hiện tác phẩm này, từ khâu tiện mộc làm cốt gỗ, đánh vải, làm vóc đến cẩn vỏ trai, vỏ trứng, tô son, dát vàng thiếp bạc… là một minh chứng sinh động giúp tìm kiếm những hướng đi khả quan cho các làng nghề thủ công truyền thống trong nhịp sống hiện đại, cũng như đóng góp những hình thức biểu đạt mới, sáng tạo, làm phong phú thêm ngôn ngữ tạo hình độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc của chất liệu sơn mài Việt Nam.

Tác phẩm: Những cánh Cổng làng dần tan
Tác giả: Phạm Khắc Quang
Chất liệu: Đồ hoạ in trên kính nung

‘In Vitra +’ là một sự hoàn tất dở dang, một điểm tạm dừng để suy ngẫm về kỹ thuật mới đạt được – một phương thức biểu đạt không chỉ định hình các dự án trong tương lai mà còn là kết quả của một hành trình phát kiến không đơn giản. Các tác phẩm này là một chuỗi các phác thảo hoàn hảo, một lưu trữ đầy đủ về một kỹ thuật đã được hoàn thiện, hơn là một giải pháp nghệ thuật cuối cùng. Sau hơn 1500 giờ thử nghiệm, Phạm Khắc Quang mới đạt được điểm mốc này, đó là những ngày dài miệt mài tìm tòi và góp nhặt từng khám phá, vận dụng từng chút một hiểu biết khi thực hành sáng tạo với một vật liệu hoàn toàn xa lạ – kính hay innox.

Và trong quá trình này, Quang lại tự bó buộc mình với những hạn chế mới – một khái niệm quá quen thuộc đối với nghệ sĩ đồ họa in: kích thước lò nung, độ sệt của màu in, nhiệt độ nung và độ dễ vỡ của thủy tinh, phản ứng của kính khi in màu lên trên, và bề mặt khó thay đổi của kim loại…

Tên tác phẩm: Những cánh cửa xưa cũ
Tác giả: Trần Công Dũng
Chất liệu: Sơn mài

Những cánh cửa gây nhiều ấn tượng chúng từng xuất hiện trên các phố phường ngóc ngách Hà nội như những biểu tượng của đô thị 1 thời vàng son. Nhưng những cánh cửa xưa với đầy ký ức cứ dần biến mất thay thế bằng những cách cửa nhôm kính đời mới. Tôi muốn lưu giữ chúng bằng chất liệu sơn mài mộc mạc không cầu kì bóng bẩy. Liệu đến một lúc nào đó có lẽ chúng ta chỉ có thể ngắm những cánh cửa cũ qua những bức tranh?

Tên tác phẩm: Lãng Đãng – Chuyển Vùng
Tác giả: Triệu Minh Hải
Chất liệu: video art

Quá khứ – Thực Tại – Tương Lai quyện chặt chuyển biến trở thành một thực tại có khuôn dạng nhưng thật khó nắm bắt. Thực tại như đang tan gãy hay đang liền mạnh để ta có thể lần tìm như những đám mây lãng đãng – chuyển vùng.

Tác phẩm: Hành trình lịch sử
Tác giả: Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông, Phạm Khắc Quang
Chất liệu: Sắp đặt hàn sắt

Lấy ý tưởng một chuyến hành trình ngược dòng lịch sử tương tác với lối đi dẫn vào hầm để xe, tác phẩm sử dụng chất liệu thép tấm để tạo hình những hoạ tiết về chủ đề những phương tiện và phương thức di chuyển cổ xưa trong đời sống vật chất và cả trong đời sống tâm linh của người Việt.

Sử dụng công nghệ cắt CNC hiện đại của ngày hôm nay, các tấm thép đã được thổi hồn trở thành những chiếc xe ngựa, voi, cả hình ảnh rồng phượng cùng thuyền bè như bước ra từ những bản khắc kinh Phật hay những hình ảnh trạm khắc dân gian trên đình chùa từ thời Lê, Mạc…Những chiếc bánh xe được thiết kế chuyển động kết hợp đan xen với các hoạ tiết hình tượng xe ngựa, thuyền rồng hoà quyện cùng hệ thống vân mây cổ sẽ dẫn người xem vào một không gian tương tác ngược dòng lịch sử của các phương tiện di chuyển.

NO COMMENTS

Leave a Reply