Triển lãm: Đối Cảnh
10:00 – 19:00, 14/12/2021 – 08/01/2022, Thứ ba – Thứ bảy, hoặc qua lịch hẹn
Galerie Quynh
118 Nguyễn Văn Thủ, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM
[email protected] / +84 28 3822 7218
Thông tin từ ban tổ chức:
“Đối Cảnh”, buổi triển lãm những tác phẩm mới của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng đến từ Hà Nội. Ở lần thứ tư anh quay lại phòng tranh, chúng ta được dịp thưởng lãm những tác phẩm vừa thể nghiệm vừa giàu chiêm nghiệm nhất của nghệ sĩ.
Chứng kiến hao mòn, phôi pha của thời gian diễn ra ngay trên các bề mặt, họa tiết và cổ vật, Hà Mạnh Thắng thừa nhận sau chính các tìm tòi, khám phá về hình ảnh, màu sắc và đa tầng ý nghĩa của từng tác phẩm đã đưa anh một cách tự nhiên tới phong cách trừu tượng. Khám phá không ngừng nghỉ anh dành cho di sản và văn hóa dân tộc Việt Nam cùng đam mê dành cho cổ vật, từ câu đối, trướng ngăn tới các bức chạm khắc, phù điêu dường như diễn ra song song với những suy nghiệm của người nghệ sĩ về phong cảnh nằm ngay tại các cổ vật này lẫn giữa thiên nhiên xung quanh.
Triết lý âm và dương đóng vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam ngày nay, khi ở đó thế giới tâm linh, siêu nhiên vẫn gắn chặt đời sống hàng ngày của mỗi người. Trong tranh Hà Mạnh Thắng, xung đột hiện diện trong thế lưỡng phân – giữa hai thế giới tâm linh và đời thật – là thiết yếu để từ đó thiết lập nên một trạng thái cân bằng hài hòa. Thực tế này thể hiện đậm nét trong chuỗi tác phẩm mới của nghệ sĩ, nay có sự hiện diện của những mảng đồng bị phó mặc “trơ gan tuế nguyệt” một thời gian dài. Ngoài ra, thời gian là một chủ đề thực hành nghệ thuật quan trọng của Hà Mạnh Thắng, thậm chí còn giống như một phương tiện sáng tác của anh. Toan tranh của Thắng được anh xử lý như một thực thể còn sống, đang hít thở: chúng sẽ chuyển hóa tiếp tục theo thời gian, khi chất đồng bị oxy hóa. Liên hệ của tác phẩm trở lại cuộc sống của chúng ta ấy vậy mà chẳng hề bị bỏ quên – đồng là một vi khoáng thiết yếu của con người.
Trong một hiện thực xuyên suốt, liền mạch có được bởi dòng thời gian toàn hiện, bất kỳ sự ngắt gãy (hay can thiệp) nào hoàn toàn có thể trở thành một phương tiện để phản ánh mang tính không-thời gian, và cả miền tâm thức. Với Hà Mạnh Thắng, khung cảnh chính là diễn tả – do đó cũng là mặt phản chiếu – một phong cảnh, hoặc cụ thể hay lấy từ những hình ảnh cụ thể từ trong cuộc sống, hoặc thuộc về trí tưởng tượng nảy ra từ chốn tâm tưởng bên trong. Trong một cùng một lớp không gian hay ngữ cảnh, các khắc họa – phản ảnh ấy kỳ thực tạo nên những cặp song trùng bổ tương, ướm nhuận vào nhau, tầng tầng lớp lớp của hình ảnh, ý nghĩa, các mô-típ ngôn ảnh. Khi thời gian mãi mãi thấu xuyên qua từng lớp hình ảnh, các không gian mới không ngừng được hình thành.
Tên triển lãm là “Đối Cảnh”, nghe chừng giản đơn, lại rất đa tầng đa nghĩa. Ta ngắm hình hay ngắm bóng? Đâu mới là trước, đâu mới là sau? Đâu là hiện tại, còn đâu mới là quá khứ? Trong một phỏng vấn tiến hành mới đây với Hà Mạnh Thắng, nghệ sĩ kiêm giám tuyển Brian Doan, sống tại Los Angeles, còn cảm thấy một vẻ hay một sự khuyết vắng trong các tác phẩm kia, ở đó những đặc hữu của thời gian và không gian bị xóa tan, thậm chí hòa lẫn lấy nhau. Với Hà Mạnh Thắng, có hai cách để chúng ta thưởng thức “Đối Cảnh” – trước tiên, là nỗi lòng, tâm trạng hay tâm thế của người xem; và sau, khi cảnh cũng quan sát và đối thoại trở lại với người đang thưởng thức chúng ta. Mỗi bức tranh ở đây bao gồm hai phần ghép với nhau: nửa trên là lụa và nửa dưới là toan, do đó đem lại hai hiệu ứng trên nền vật liệu khác nhau – vừa vững chãi vừa bay bổng, vừa mạnh mẽ vừa thơ mộng, vừa trường tồn cũng vừa phai lãng. Tuyên ngôn nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng như nói lên tất cả, “Hành trình sáng tạo cũng chính là cách để tôi hiểu ra, trân quý và nắm bắt lấy cuộc sống. Một cuộc đời không chỉ để ta sống cho xong và nâng niu ôm ủ, mà còn để dứt bỏ phía sau để chìm vào quên lãng; cuộc sống cũng đối ảnh trở lại chính chúng ta.”
Về Hà Mạnh Thắng
Tác phẩm của Hà Mạnh Thắng là một tập thơ thiền về thời gian, ký ức và không gian. Những bức tranh của anh kể với người xem về chánh niệm và những thăng trầm trong cuộc sống. Nhìn qua với một lời trữ tình thầm lặng được ảnh hưởng bởi những sở thích của Mạnh Thắng về nhạc Jazz cổ điển và thi ca Á Đông, và được truyền cảm hứng nhiều như tình cờ gặp phải những điểm khởi đầu của một khái niệm phức tạp, những bức tranh của anh, theo ngôn ngữ của họa sĩ, cố gắng hiểu rõ hơn về mối quan hệ với thiên nhiên, và để thể hiện những gì người ta không thể nắm bắt. Sinh năm 1980 tại tỉnh Thái Nguyên, Hà Mạnh Thắng là một trong những họa sĩ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Mạnh Thắng đã từng được giới thiệu bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng như Gerhard Richter, Marlene Dumas và Peter Doig trong một vài ấn phẩm quốc tế bao gồm ‘Painting Now’ (Thames and Hudson, 2015) và ‘Painting Today’ (Phaidon, 2009). Anh cũng đã tổ chức một số triển lãm đang chú ý trong khu vực và quốc tế, bao gồm Shared Inspiration, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc; Pueblos en Resistencia, 1 Bienal del Sur, Caracas, Venezuela; Instruments of Meditation: Works of Art thuộc BST Zoltán Bodnár, Cung Điện Reök, Budapest, Hungary; Connect: Kunstzene Vietnam, ifa Galleries, Berlin và Stuttgart, Đức; The rain and the small stream do chương trình Ernst & Young’s Asean Art Outreach tổ chức tại Singapore; và Post-Doi Moi: Nghệ thuật Việt Nam sau 1990, Singapore Art Museum. Những tác phẩm của Hà Mạnh Thắng được sưu tầm bởi các bộ sưu tập công cộng và tư nhân khắp thế giới bao gồm National Art Museum tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Singapore Art Museum tại Singapore; bộ sưu tập Post-Vi Dai, Geneva, Thụy Sĩ và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam; và ĐH Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT), Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Việt Nam. Hà Mạnh Thắng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.