Xanh/Xanh: Chùm phim đêm Hà Nội
21:00, Thứ bảy 19/03/2022
Trình chiếu online trên kênh YouTube của TPD
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Xanh/Xanh: Chùm Phim Đêm Hà Nội là chiếc kính vạn hoa mở ra những vĩ thanh bất ngờ của điện ảnh Việt Nam đến từ nhiều dòng chảy rộn ràng. Ở đây, đêm là miền khơi gợi vô vàn cảm hứng và liên tưởng cho con người.
Chùm phim mở đầu bằng cuộc du hành từ trạng thái nội tại chất chứa ký ức riêng tư đến thế giới bên ngoài trong phim ngắn thể nghiệm Blue/Green của tác giả Vũ Thị Lan Hương. Đây là chuyến đi xuyên qua những tác phẩm với các nhân vật, câu chuyện, và cách kể riêng biệt. Người máy vô danh. Đoàn làm phim quảng cáo. Chuyến tàu về quê. Chú Tễu nhảy múa. Chàng sinh viên chới với giữa những nỗi buồn. Công viên Lênin đêm trăng rằm. Chú chó lang thang. Câu chuyện của cô gái quán bar. Một vở kịch cải lương. Hà Nội lúc lờ mờ sáng. Những ấn tượng không dễ dàng lý giải của chuỗi ký ức ngân vang mang siêu tần số.
Trong chiếc kính vạn hoa này, thời gian di chuyển linh động. Mỗi lần vặn xoay, một phim kết thúc để những thế giới hình ảnh mới hiện lên cho người xem ngắm nhìn.
Nhóm giám tuyển: Đặng Thị Hồng Anh, Nguyễn Thị Lan Hương
* Sự kiện phù hợp với khán giả trên 15 tuổi
Nội dung chương trình:
21:00 – Chương trình bắt đầu
21:15 – Phần 1 của chùm phim
22:10 – Giao lưu với các đạo diễn Vũ Thị Lan Hương, Trần Thanh Hiên, Nguyễn Duy Anh; người điều phối: Đỗ Hà Lan
23:00 – Phần 2 của chùm phim
Danh sách phim:
(thông tin sắp xếp không theo thứ tự trình chiếu)
Blue/Green, Vũ Thị Lan Hương, phim thể nghiệm, 2012, 10’
Chuyến du hành theo trường phái ấn tượng, bắt đầu từ một trạng thái trong tâm trí và ám ảnh cá nhân đi ra thế giới bên ngoài. Một cuộc khám phá những đồ vật và môi trường thân thuộc.
Cái chết xinh đẹp, Stéphanie Lansaque & François Leroy, 2018, 12’50
Chú chó một mắt lang thang, rong ruổi trong một hành trình ngập tràn hình ảnh, âm thanh và mùi vị. Đời sống đô thị thường nhật và truyền thuyết của phố cổ Hà Nội hòa trộn vào nhau trên nền nhạc xẩm, giai điệu blue của Việt Nam.
Cỗ máy bên đường, Nguyễn Hữu Hồng, phim hoạt hình, 1980, 8’53
Anh chàng lái xe mô tô phát hiện ra một cỗ máy kì lạ trong chiếc hộp bị bỏ rơi bên đường. Sau đó, anh đã có một đêm nhớ đời.
Girls in bar, Nguyễn Diệu Linh, phim tài liệu, 2019, 11’56
Chân dung của một bạn gái làm việc ở quán bar.
Kết nối, EMIYA, phim tài liệu thể nghiệm, 2017, 12’27
Giữa những nỗi buồn không dễ dàng lý giải, cậu sinh viên chỉ muốn chơi game, bất chấp sự khuyên can của bố mẹ và bạn bè.
Mặt nạ, Bùi Nga, phim hoạt hình, 1987, 8’22
Mặt nạ ông Địa cùng múa với chú Tễu và các chị Tố Nữ. Vì không biết múa, lại còn phá rối, nên mọi người không thích Mặt nạ.
Ơ bố kìa, Tạ Minh Đức, video ca nhạc, 2018, 4’46 (âm nhạc: Lý Trang)
Chuyến chơi trăng đêm của bạn nhỏ ở vườn hoa Lê Nin.
Sau đêm biểu diễn, Vũ Trụ, phim tài liệu, 1982, 9’59
Đội văn nghệ nghiệp dư thuộc Công ty vệ sinh Hà Nội đã giành Huy chương Vàng với vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”. Sau đêm biểu diễn, những diễn viên không chuyên đó lại tiếp tục với công việc làm sạch đẹp thành phố.
Tráo hình, Nguyễn Duy Anh, phim ngắn, 2019, 12’09
Trong khi đi quay quảng cáo ở một công viên, đoàn làm phim gặp phải những sự việc bí ẩn và phức tạp.
Trên những chuyến tàu, Trần Thanh Hiên, phim tài liệu, 2009, 7’20
Những đoạn phim ghi lại trên một chuyến tàu, theo một cách quay và quan sát riêng. Đối với đạo diễn, chuyến tàu mang những ý nghĩa riêng tư rất đặc biệt.
* Bản phim Cỗ Máy Bên Đường và Mặt Nạ của Xí nghiệp phim hoạt hình Việt Nam và Sau Đêm Biểu Diễn của Xưởng phim thời sự tài liệu Trung Ương do Viện Phim Việt Nam số hóa và cung cấp
* Phim chiếu kèm phụ đề tiếng Anh
Về các đạo diễn:
Nguyễn Duy Anh (1997) là một nhà làm phim tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp khóa học đạo diễn trao đổi giữa trường Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội và trường nghệ thuật INSAS (Bỉ). Năm 2017, Duy Anh tham gia chương trình Gặp Gỡ Mùa Thu – khóa học điện ảnh thường niên dẫn dắt bởi đạo diễn Trần Anh Hùng. Năm 2020, bộ phim tài liệu ngắn Vườn Hoa Nhà Anh Bính của anh công chiếu tại liên hoan phim Quốc tế Singapore. Từ cuối 2019 đến đầu 2020, Duy Anh ra mắt một số video ca nhạc hợp tác với các nghệ sĩ trẻ địa phương dưới tên “vudieunongsay”.
Tạ Minh Đức (1991), tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Các tác phẩm do anh biên kịch và đạo diễn chất vấn sự tồn tại và các mối quan hệ trong cuộc sống, sự cô lập của con người, bạo lực và sự kiểm soát tiềm ẩn. Một số tác phẩm và dự án tiêu biểu anh đã tham gia: Chọn Chuyển (Sàn Art, TP. HCM, 2015), Mini DocFest (Hà Nội DocLab, Hà Nội, 2014), Autopsy Of The Day (Goethe-Institut Hà Nội, 2013). Ngoài ra, anh tham gia Những Chân Trời Có Người Bay 2 & 3 năm 2012 và 2016.
Trần Thanh Hiên từng theo học tại đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và làm việc trong ngành thiết kế đồ hoạ. Anh bắt đầu học làm phim trong khoá đầu tiên tại Hanoi DocLab. Anh thực hiện và tham gia một số dự án phim như Trên Những Chuyến Tàu, Hai Ly 2011, Đồng Trung, Hard Rail Across A Gentle River. Anh học Thạc sỹ Lãnh đạo Biến đổi – chuyên ngành liên văn hoá tại trường International Graduate School of Leadership, Philippines. Hiện anh đang sống tại Hưng Yên và làm việc trong các dự án phát triển giáo dục.
Nguyễn Hữu Hồng (1931-2020) là một đạo diễn quê hương ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông là anh cả của hai nghệ sĩ nổi tiếng: đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện và nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn. Theo học ngành quay phim, ông từng quay phim Thời sự tại Xưởng Phim truyện và quay phim, đạo diễn phim hoạt hình tại Xưởng Phim Hoạt hình Việt Nam và Xí nghiệp phim Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Ông thực hành hội hoạ dù không học qua trường lớp. Người bạn đồng hành của đạo diễn là vợ ông, bà Ngọc Ngà, đóng vai trò người tạo hình búp bê trong các tác phẩm phim hoạt hình mà ông thực hiện. Một số tác phẩm tiêu biểu: Chuyện Ông Giáo (1971), Mầm Lá Xanh (1974) đoạt bằng khen tại LHP Việt Nam lần thứ III (1975), Trước Cửa Nhà Thỏ (1979) đoạt bằng khen LHP Việt Nam lần thứ V (1980), Cỗ Máy Bên Đường (1980), Kiến Đỏ (1983) đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ VII (1985), Chú Voi Con (1985).
Vũ Thị Lan Hương sinh năm 1988, là một dịch giả, nhà thơ. Là một người bạn của động vật, bạn của các diễn đạt cảm xúc và là một người tử tế.
Nguyễn Diệu Linh là nhà làm phim tài liệu độc lập từ năm 2017, tham gia các dự án phim tài liệu và phim điện ảnh ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đến năm 2021. Hiện tại, cô chủ yếu tham gia xây dựng nội dung hình ảnh cho các dự án nhiều hơn là làm phim. Cô có rung cảm với các nhân vật nữ, thích quan sát và tìm tòi những câu chuyện thiếu nữ của họ.
Bùi Nga sinh năm 1942, tốt nghiệp Khoa Đồ Họa trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ông công tác tại Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu: Cái Cân Thủy Ngân (1991) và Chiếc Vòng Cổ (1992) cùng giành Giải đặc biệt LHP Việt Nam (1993); Ở Lại Cùng Sếu Con (1997) giành Giải khuyến khích của Hội Điện Ảnh Việt Nam (1998); Con Gà Cánh Tiên (2001) vào chung kết LHP Châu Á – Thái Bình Dương 2001, giành Giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP Việt Nam 2001 và Giải khuyến khích của Hội điện ảnh Việt Nam (2001).
EMIYA tốt nghiệp Khóa 35 Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình Chất lượng cao trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, có đam mê mãnh liệt với thể loại phim người máy. Một số bộ phim anh đã thực hiện bao gồm: Kết Nối (phim tài liệu, 2017), Kiệu Điện Quang (phim tài liệu, 2018), Đục Đụ C (2018), Không Có Kiên (phim truyện, 2019). EMIYA hiện đang làm biên kịch và thiết kế trò chơi điện tử.
Stéphanie Lansaque & Francois Leroy là hai nghệ sĩ người Pháp, cùng tốt nghiệp ngành Thiết kế Công nghiệp và May mặc trường Olivier de Serres. Sau đó, một người chuyển qua học ngành hoạt họa trường Gobelins, trong khi người kia chọn thiết kế đồ họa và chỉ đạo nghệ thuật trong truyền thông in ấn và xuất bản. Họ yêu thích bầu không khí ở Việt Nam và đã thực hiện nhiều bộ phim về đất nước này như: Xin Chào Ông Chủ (2002), Red River, Sông Hồng (2012), Cà Phê Nguội (2015) và Cái Chết Xinh Đẹp (2018).
Vũ Trụ sinh năm 1947 tại Hà Nội nhưng lớn lên ở quê nội Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi còn ở Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, ông được cử đi học lớp quay phim khóa IV của trường Điện ảnh Việt Nam. Sau đó ông công tác tại Xí nghiệp phim Thời sự Tài liệu Trung ương. Ông đã xông pha thực hiện các bộ phim tài liệu chính trị và phóng sự điều tra gan góc. Ông cũng được mệnh danh là người chuyên làm phim đêm với những bộ phim tài liệu: Sau Đêm Biểu Diễn(1982) đạt giải thưởng Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI (1983), và Khâm Thiên Sau Đêm Ấy (1983), được tham dự liên hoan phim quốc tế. Ngoài ra, ông còn có các tác phẩm như: Hòa Bình Không Chỉ Một Ngày (1985), từng tham gia liên hoan phim nước ngoài; Nhà Trẻ Diễn Châu (1978); và Vành Nón Trao Duyên (1982).
Người điều phối:
Đỗ Hà Lan là sinh viên năm cuối của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, mong muốn trở thành một nhà làm phim trong tương lai. Hà Lan phụ trách một trang Facebook viết về phim và các chương trình điện ảnh tại một số địa điểm tại Hà Nội như Vui Studio.
Buổi chiếu thuộc chương trình Như Trăng Trong Đêm, chuỗi sự kiện xung quanh điện ảnh Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai, tựa những ngõ đi vào di sản phim từ góc nhìn của hôm nay.
Như Trăng Trong Đêm 3 diễn ra từ 09/03 – 03/04 được Trung tâm hỗ trợ tài năng Điện ảnh TPD tổ chức, với sự đồng hành của Viện Pháp tại Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Purin Pictures, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam (thông qua dự án #hanoirethink), Viện Phim Việt Nam, Hội đồng Anh tại Việt Nam (thông qua dự án Digital Arts Showcasing), BHD, Tách Spaces.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.