Trong dòng chảy của Lụa

Trong dòng chảy của Lụa

Đăng vào
0

24/09 – 03/10/2022
The Muse Artspace
47 Tràng Tiền, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Cũng giống như nghệ thuật nói chung, dòng chảy của tranh lụa nằm trong dòng chảy của văn hóa Việt, mà mỗi sự khai phá của những thế hệ họa sĩ vẽ lụa là một điểm ghim chốt nối dài, định hình dòng chảy.

Lụa là một chất liệu đặc biệt trong hội họa phương Đông. Phần lớn ngày nay các họa sĩ được đào tạo theo kỹ thuật hội họa phương Tây nên việc thử nghiệm với lụa đòi hỏi người họa sĩ phải thay đổi cách nghĩ, cách sáng tạo để hiểu và có hiệu quả với lụa. Đơn cử như việc cùng thử nghiệm một phác thảo trên sơn dầu và lụa, sẽ ra hai bức tranh có ngôn ngữ biểu đạt hoàn toàn khác. Trong đó, phác thảo cho ra một bức tranh sơn dầu thành công thì chưa chắc đã hiệu quả với lụa. Với tranh lụa đương đại, người họa sĩ không còn bị bó hẹp theo một trường phái hay nguyên tắc nào mà có thể vận dụng đến kiến thức văn hóa, nghệ thuật của Đông Tây Kim Cổ kết hợp. Tuy nhiên, với tính chất đặc trưng của vật liệu đỡ và độ trong của chất màu, lụa không thể vẽ nhanh, vẽ vội mà vẫn cần một độ chín chắn nhất định cả về tư duy lẫn kỹ thuật. Bởi vậy, vẽ lụa không khác nào một sự rèn luyện thân, tâm cho họa sĩ.

Tranh lụa Việt Nam đã từng được biết đến với kỹ thuật nhuộm lụa của Nguyễn Phan Chánh cùng phong cách vẽ tượng trưng trong không gian ước lệ mà những họa sĩ thế hệ Đông Dương và sau đó đã thể hiện thành công tạo nên những điểm mốc quan trọng cho một phong cách tranh lụa Việt Nam mơ màng, nhuần nhị, sâu lắng.

Tranh lụa vắng bóng một thời gian dài trong dòng chảy của mỹ thuật hiện đại do sự phát triển mạnh mẽ của sơn dầu và những hạn chế trong sáng tác với chất liệu này chưa thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của văn hóa xã hội trong những thập niên chuyển giao sau Đổi Mới. Thay đổi hay là chết. Lụa cũng đứng trước câu hỏi sống còn. 20 năm trở lại đây, tranh lụa đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Nhiều họa sĩ đương đại đã thành công và vượt thoát khỏi những cái bóng của những điểm ghim chốt lớn để tiếp tục dòng chảy. Tranh lụa được mở rộng giá trị cho dù được nhuộm hay không nhuộm, bồi và không bồi, với đủ các sắc thái màu sắc, ước lệ hay cả tả thực, trong những chủ đề cả duy mỹ lẫn phản ánh xã hội/ tâm thế đương đại… Tuy vậy, đi đôi với sự mở rộng bao giờ cũng là thử nghiệm, thách thức đỏi hỏi cao hơn ở người họa sĩ để tạo ra những giá trị mới mà không đi khỏi bản chất của lụa.

Trong dòng chảy của lụa đương đại, triển lãm của chúng tôi xin giới thiệu thêm những tác giả đang nghiên cứu và thực hành trên chất liệu lụa. Bằng nhiều cảm hứng, lý do và cách thức thử nghiệm khác nhau, các họa sĩ vẫn đang tiếp tục hành trình khám phá lụa trong qua góc nhìn cá nhân.

Về các tác giả:

Phan Cẩm Thượng là nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa nghệ thuật có ảnh hưởng tại Việt Nam, nhà giáo dục, họa sĩ. Ông là tác giả của nhiều công trình đồ sộ từ nghiên cứu hàn lâm tới văn hóa dân gian. Thực hành hội họa của ông chủ yếu trên chất liệu giấy dó và lụa với việc sử dụng chất màu tự nhiên trong hội họa tạo nên sắc thái đặc trưng cho tác phẩm. Thực hành hội họa của họa sĩ Phan Cẩm Thượng không đơn thuần là tạo hình nghệ thuật mà luôn đi kèm với các yếu tố tư tưởng văn hóa, đặc biệt là văn hóa phương Đông. Ông hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Nguyễn Văn Trinh sinh năm 1991 tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Thông qua chất liệu lụa và giấy Giang, Trinh nghiên cứu, thử nghiệm các chất bột màu, màu nước trong biểu hình hiện thực, ấn tượng, siêu thực để khai phá tính bất quy tắc của nghệ thuật đi cùng từng trường đoạn cảm xúc của anh trong cuộc sống đương đại. Gần đây, Trinh thử nghiệm vẽ lụa trong nước.

Lê Phương Dung sinh năm 1971, tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Phương Dung mang đến trưng bày này 2 bức tranh chị đã vẽ từ rất lâu nhưng chưa từng có mặt trong bất cứ cuộc trưng bày nào. Chị vẽ những đồ vật phương Đông trong quá khứ ở chính căn nhà nơi chị sinh sống. Sáng tác trên lụa của chị nổi bật với những tone màu neon trên nền tối trong không gian hoài cổ, tạo nên hiệu ứng âm bản của những thước phim hoài niệm. Họa sĩ Lê Phương Dung sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Dương Văn Chung là họa sĩ dân tộc Nùng, nhà giáo dục, tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2002. Tác phẩm của Chung phản ánh đời sống con người vùng Tây bắc trong phông nền thiên nhiên. Anh sử dụng mực nho trên lụa và khai thác những lát cắt của đời sống tạo nên những tiểu cảnh trong không gian đồng hiện. Tranh lụa của Chung mang sắc thái tương phản mạnh mẽ, với những màu đen đậm, gần với tranh khắc gỗ. Chung hiện sống và làm việc tại Thái Nguyên.

Nguyễn Hà Phương sáng tác những bức tranh tố nữ trên lụa như một sự hồi đáp cảm giác xưa cũ Á Đông. Hà Phương vẽ nhiều về những cô gái trong các hoạt cảnh như tết hoa, đan áo, chơi đùa ở trong vườn… Tranh lụa của Phương trong trẻo, rành mạch nhưng tình cảm. Thực hành nghệ thuật của Phương như một cách tái nhận thức thực tại bằng cách đặt mình trong hồi tưởng về những chặng đường đã đi qua.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply