”Biết thì Nói, Không thì Bói” – phiên bản Sài Thành

”Biết thì Nói, Không thì Bói” – phiên bản Sài Thành

19:30, 02 – 04/03/2023
Vườn Thảo Điền
34 đường 11, Thảo Điền, Thủ Đức, TP HCM
Link đăng ký

Thông tin từ ban tổ chức:

Này tấm màn nhung, dải lụa son
Này phách, song lang, cái trống con
Gánh diễn nhà em vừa về chợ
Lách cách mở mâm mấy véo von

Trường Kịch Ta trân trọng giới thiệu “Biết Thì Nói, Không Thì Bói”, tác phẩm sân khấu mở đầu năm Quý Mão của Trà Nguyễn. Tiêu biểu cho phong cách của cô, vở kịch là một trải nghiệm lặng yên và rất, rất chậm.

Hành động chậm vốn không xa lạ với người thưởng thức sân khấu trên thế giới, có thể kể đến các vở kịch Noh truyền thống của Nhật hoặc các vở opera của Robert Wilson. Trong những vở này, người diễn gần như không được phép đi chệch khỏi hình ảnh quy ước của vai diễn. Họ không được để lộ bản thân qua việc “đóng” vai, ngược lại phải tìm cách mở nó ra bằng cơ thể của mình thông qua những cử chỉ vi tế, cực chậm trên sân khấu mà khán giả có rất nhiều thời gian để soi ngắm. Tốc độ chậm đã được nhà nghiên cứu Han-Thies Lehman coi như một trong các tính chất tiêu biểu của trường phái hậu-kịch nghệ (postdramatic) (*).

Tham gia vào trường phái hậu-kịch nghệ, “Biết Thì Nói, Không Thì Bói” dò tìm khả năng tạo ra câu chuyện của nhân vật: ba người diễn với phục sức tương đồng di chuyển rất chậm trong không gian. Không có câu chuyện nào được kể thành lời, không có tình huống hay xung đột nào hiện ra qua lời thoại. Khán giả có thể đến và đi bất cứ lúc nào trong thời gian của vở diễn và như vậy, có thể mang về phiên bản vở kịch của riêng mình. Lấy cảm hứng từ không gian làng xã và những mong ước, kinh nghiệm sống đúc kết trong thành ngữ, tục ngữ, vở kịch mở ra một trải nghiệm sân khấu khác lạ: tương tác của khán giả là một phần tất yếu của màn diễn.

Vở kịch hầu như không sử dụng thoại, và sau tối diễn 3/3 đoàn sẽ có một cuộc giao lưu nho nhỏ với khán giả, cùng trò chuyện thêm về quá trình thể-nghiệm cho tác phẩm.

(*) hậu kịch-nghệ (post dramatic) có thể hiểu là phong cách kịch nghệ chất vấn sự tái hiện/tính đại diện (representation) và đề nghị phương thức nhìn-xem mới cho khán giả

Về nhà tổ chức:

Trà Nguyễn thử nghiệm với sân khấu và xây dựng các bộ khung để truyền tải các khả năng làm-sân khấu. Cô từng là Quyền Giám đốc Sàn Art, không gian độc lập lâu đời nhất dành cho nghệ thuật đương đại tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi cô góp phần xây dựng nhiều chương trình trong nghệ thuật thị giác. Các tác phẩm sân khấu và workshop của Trà vận dụng nhiều thành tố của trình diễn, nghệ thuật thị giác và kịch nghệ để khám phá những khả năng tiềm ẩn của biểu diễn. Cô đã dựng nhiều tác phẩm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tokyo. Nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật ngành Biên kịch từ ĐH Carnegie Mellon với hỗ trợ của học bổng Fulbright, cô đang phát triển The Run – A Theater Project – nền tảng đầu tiên đặt trọng tâm vào sân khấu thể nghiệm, đề xuất và bàn luận các hướng thực hành sân khấu mới ở Việt Nam.

Trường Kịch Ta là pháp nhân của dự án The Run – A Theater Project. Đặt trụ sở tại Sài Gòn, Trường Kịch Ta phát triển các chương trình đào tạo và sản xuất sân khấu thể nghiệm, góp phần xây dựng nền tảng thực hành cho người học và làm nghề nội địa. Tất cả chương trình của Trường Kịch Ta đều không vì lợi nhuận.

Thông tin Diễn viên – Người thể nghiệm

Lê Mai Anh là nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa đương đại. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại Trường múa TP. Hồ Chí Minh, cô theo học tại Đoàn múa Hellet Eghayan (Lyon, Pháp) và RICD (Rencontres Internationales de Danse Contemporaine – Paris, Pháp), từ đó biểu diễn và cộng tác với nhiều đoàn múa tại châu Âu trong nhiều tác phẩm như “Mua”, “behind the skins, the spirit lay and wait for their hour”, “Nhà/La Maison”. Ở Việt Nam, cô đã tham gia nhiều dự án liên ngành, có thể kể đến “Wintercearig” dành cho người trầm cảm và rối loạn tâm lý, hay vở kịch thể nghiệm “Cú Chót” tại sân khấu 5B. Hiện cô là Trưởng khoa Múa tại Erato School of Music & Performing Arts, TP.HCM.

Hồng Ánh là diễn viên, đạo diễn, và nhà sản xuất có vị trí vững chãi trong làng nghệ thuật và thương mại tại Việt Nam. Thuở nhỏ học múa, cô bén duyên với màn ảnh ngay từ các vai diễn điện ảnh đầu tiên, toả sáng từ “Người đẹp Tây Đô”, “Đời Cát”, đến “Em Là Bà Nội Của Anh”, “Tiệc Trăng Máu”. Cô cũng bền bỉ trụ với sân khấu qua các vai diễn từ “12 Bà Mụ”, “Nửa Đời Hương Phấn”, và gần đây nhất là vở ca nhạc kịch “Chị Chị Em Em”. Một người nhiệt thành với những nhà sáng tạo trẻ, cô tham gia diễn trong dự án thể nghiệm như “Sơn Ca”, đồng thời, thông qua công ty Blue Productions của mình, chắp cánh cho nhiều dự án độc lập như phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Đạt Nguyễn là một nghệ sĩ chuyển động và thị giác. Tốt nghiệp Cử Nhân Mỹ Thuật tại trường Đại Học Sam Houston State, anh đã từng làm việc và hợp tác với nhiều biên đạo múa nổi tiếng, là một trong những thành viên chủ chốt đầu tiên của Nicolay Dance Works – một đoàn múa đương đại được sáng lập bởi biên đạo Dana Nicolay ở Texas. Các tác phẩm mang tính sân khấu của anh đã được trình diễn tại nhiều rạp hát và viện bảo tàng khắp nơi ở Hoa Kỳ. Đạt đồng sáng lập Lễ Hội Nghệ Thuật Queer Spectra tại thành phố Salt Lake, thu hút sự tham dự của nhiều nghệ sĩ LGBTQIA+ đến từ địa phương và quốc tế. Hiện tại, Đạt đang hoàn thành bằng Thạc Sĩ Mỹ Thuật với trường Đại Học Utah, nghiên cứu của mình vào mối quan hệ giữa sự trình diễn và “diễn cảnh” (spectacle).

Ngô Trà My là nghệ sĩ biểu diễn, một trong những nghệ sĩ độc tấu đàn bầu có tiếng nhất tại Việt Nam. Tốt nghiệp Cao học Sư phạm Âm nhạc từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô đã giảng dạy, thu âm, biểu diễn, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trong và ngoài nước tại nhiều chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa quan trọng, gần đây nhất có thể kể đến như: Taipei Arts Festival: Noise Assembly, Hanoi New Music Festival, Asian Meeting Festival Tokyo, EXPO Dubai và ASEAN– India Music Festival 2022. Cô là thành viên của The Six Tones – nhóm nhạc thể nghiệm với các thành viên là nhạc sĩ, nghệ sĩ Thụy Điển và Việt Nam và là cố vấn âm nhạc cho C-ASEAN Consonant Ensemble.

Trần Thiên Tú là một diễn viên được biết tới như cô gái “tuổi phụ huynh mặt học sinh” do vóc dáng bé nhỏ và luôn tràn đầy năng lượng. Bén duyên với diễn xuất từ nhỏ, Tú đã gây ấn tượng với khán giả màn ảnh rộng bằng nhiều vai diễn trong các phim như “Áo Lụa Hà Đông”, “Huyền Thoại Bất Tử”, “Dành Cho Tháng Sáu”, và từ đó tiếp tục theo đuổi diễn xuất chuyên nghiệp. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh (Trung Quốc), cô hiện đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành đạo diễn sân khấu với Học viện Hý Kịch Trung Ương, nơi cô tìm cách phát triển những hướng thực hành mới kết hợp diễn xuất, đạo diễn và nghiên cứu.

Nhà tài trợ
Bảo trợ chiến lược: Hum Vietnam
Tài trợ địa điểm: Vườn Thảo Điền
Hỗ trợ tổ chức: Quỹ Nhà Đậu, Sàn Art

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply