Triển lãm ‘Dưới gốc, mờ ảo hiện’ – Phỏng vấn giám tuyển...

Triển lãm ‘Dưới gốc, mờ ảo hiện’ – Phỏng vấn giám tuyển Nguyễn Hải Nam

Nội dung do Hải Ly cung cấp
Hình ảnh được cung cấp bởi Gate Gate Gallery

Một trong những giá trị vô hình khi làm nghệ thuật là âm vang vọng lại sau khi hoàn tất một chu trình, ở đây là khi nghệ sĩ hoàn thiện tác phẩm hay khi giám tuyển nhìn lại triển lãm do chính mình thực hiện. Nó là ‘sự mở rộng, sự rơi xuống’ hay ‘sự hoàn tất của mọi thứ’? Bài phỏng vấn được thực hiện sau gần một tháng kể từ khi giám tuyển Nguyễn Hải Nam quay trở lại Đức, cũng là quãng thời gian ‘đủ chín’ để Nam nhìn lại triển lãm vừa qua thực hiện tại Gate Gate Gallery.

Trở về Việt Nam sau quãng thời gian học tập ở Đức, anh thấy quang cảnh nghệ thuật ở nước mình thay đổi như thế nào, có gì giống và khác biệt với quang cảnh nghệ thuật ở Đức?

Thực ra trong thời gian làm việc ở Đức, mình vẫn luôn giữ những mối quan hệ với các nghệ sĩ và các anh chị làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam và cũng làm những dự án khác từ xa nên mình vẫn được cập nhật các tin tức ‘ở nhà’. Để so sánh quang cảnh nghệ thuật giữa hai nước thì chắc cũng khó vì cách thức hoạt động cũng như quy mô, nội dung đều rất khác nhau. Điều mình có thể rút ra được là môi trường nghệ thuật ở Việt Nam năng động hơn ở Đức rất nhiều. Mọi thứ đang phát triển nhanh và theo hướng tích cực. Mọi người cũng đều làm việc rất nhiệt huyết. Cũng có thể là bộ máy văn hoá nghệ thuật ở Đức có quy mô lớn hơn và nó cũng lâu đời hơn, nên cũng sẽ tốn thời gian hơn để vận hành và ít khoảng trống ngẫu nhiên để những điều mới phát triển.

Lý do anh chọn kết hợp thực hành của hai nghệ sĩ Trà Mi và Vũ Trung trong triển lãm ‘Dưới gốc, mờ ảo hiện’?

Việc lựa chọn, phát triển triển lãm này có phần tự nhiên và ngẫu nhiên trong quá trình cân đối giữa mục tiêu của mình và Gate Gate. Gate Gate muốn mời các nghệ sĩ trẻ sống và làm việc ở nước ngoài về để tạo nên sự phong phú cho nghệ thuật ở Hà Nội, còn mình thì cũng muốn làm việc nhiều hơn với các nghệ sĩ ở Việt Nam. Từ đó mà mình chọn kết hợp anh Vũ Trung và Trà Mi.

Quá trình này diễn ra trong bao lâu? Có điều gì thú vị/ đáng nhớ trong quá trình làm việc với 2 nghệ sĩ mà anh muốn chia sẻ?

Việc nhận được sự tin tưởng của cả hai nghệ sĩ khi làm triển lãm có lẽ là điều ý nghĩa nhất đối với mình. Nó trao cho mình sự tự do nhưng cũng đồng thời tạo cho mình thử thách lớn khi phải thực sự hiểu để tạo nên giao diện mới cho tác phẩm bên cạnh dấu ấn riêng của nghệ sĩ. Ý tưởng của triển lãm được mình phát triển và hoàn thiện dần trong khoảng một tháng, từ ngày đầu tiên nhận dự án cho đến ngày set-up cuối cùng để nó trở thành triển lãm như mọi người đang xem. Bên cạnh đó, ở triển lãm ‘Dưới gốc, mờ ảo hiện’, mình tìm cách phối hợp giữa yếu tố của phòng tranh thương mại và những vấn đề mang tính kinh viện để đưa vào triển lãm, tìm cách diễn đạt sao cho người xem cũng như người sưu tầm đều có cách tiếp cận đến nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật, và từ những yếu tố của tác phẩm để đi ra những câu hỏi mang tính vĩ mô hơn về xã hội hiện tại. Tác phẩm của anh Vũ Trung có đem ý niệm truyền thống, về chất liệu cũng như về tạo hình, còn của Trà Mi thì mang tính đương đại hơn. Tuy nhiên điểm chung là cả hai đều thực hành nghệ thuật từ những câu hỏi hay cảm xúc rất cá nhân của họ.

Cái tên ,gốc’ đến trước hay sau khi anh nhìn thấy điểm chung giữa thực hành của hai người ? Anh đã bình luận về ,gốc’ trong tranh sơn mài của Vũ Trung hay về thực hành gốm của Mi, vậy còn ,gốc’ đối với anh thì sao?

Cái tên ,gốc’ đến với mình ở những ngày cuối cùng, sau khi đã có nhiều cuộc nói chuyện với cả hai nghệ sĩ về tác phẩm, cách thực hành, chất liệu cũng như những câu chuyện rất cá nhân trong cuộc đời của cả hai. Từ đó mình cũng ngẫm nhiều về quá trình làm triển lãm này, cũng như nhìn xem mình có tìm thấy bản thân ở đâu đó trong quá trình này không. Và nhờ cái sự tìm đó, mình đã đến với tên của triển lãm.

Anh có thể chia sẻ thêm với khán giả về trải nghiệm của anh khi thực hiện triển lãm ở không gian của Gate Gate Gallery?

Mình thấy không gian ở Gate Gate khá là thú vị, vì nó nhỏ, nhưng lại có thiết kế mở và hài hoà, dễ để thay đổi hay tích hợp hơn theo ý mình. Mình rất quan tâm về mảng thiết kế triển lãm và art mediation nên không gian cũng là một yếu tố mình để ý đến đầu tiên khi làm triển lãm. dù một không gian white cube thì sẽ dễ thay đổi hơn với những nơi có kiến trúc cá nhân, nhưng nó cũng đòi hỏi mình phải chú ý đến thiết kế đã có sẵn của không gian để cân đối sao cho hài hoà. Không gian của Gate Gate đều có sự mở, kết nối với các yếu tố bên ngoài ở đầu và cuối phòng, nên tạo cho người ở trong cảm giác rất thoáng. Lối ngoặt chia không gian thành hai phần riêng biệt nhưng vẫn ở cùng một phòng tạo nên sự chuyển động trong không gian. Những yếu tố nhỏ như vậy cho đưa cho mình khác nhiều ý tưởng khi làm triển lãm này.


Chất liệu truyền thống hay chủ đề căn tính có phải là một trong những chủ đề mà anh quan tâm? Những chủ đề này có liên đới gì đến thực hành giám tuyển của anh?

Mình luôn thấy những chất liệu truyền thống của nghệ việt cũng như văn hoá Việt Nam rất cuốn hút. Vì nó khó, vì nó có bề dày lịch sử, và hơn nữa, nó lấy sự nhẹ nhàng của cái đẹp làm trọng tâm. Khi nghĩ rằng sự phức tạp của sơn mài nó rất đồ sộ, trải qua nhiều quá trình xử lý nhưng kết quả cuối lại là sự lắng đọng, đó là cái bất ngờ rất lớn. Tranh của anh Vũ Trung đều trải qua những quá trình đó, và đến cuối cùng anh Trung cho người xem „những điều vặt vãnh“ (tên tác phẩm) hay đưa người xem vào cái trầm lắng của thiên nhiên. Còn các tác phẩm gốm của Trà Mi, sau nhiều câu chuyện với nhau về cả hai đều nhớ tết ở Việt Nam như thế nào thì cả hai đã đều lên ý tưởng là đưa mâm cỗ Tết vào với triển lãm. Đó cũng là những cái tìm đến ,gốc’ nhỉ?

Và điều mình muốn làm khác đi, đó là tìm đến một góc nhìn khác vào chất liệu truyền thống, vì có vẻ như cách chúng ta nhìn vào sơn mài bây giờ đã quá lâu và làm cho chúng ta quên mất sự tinh tế của nó.

Anh có dự định gì sau khi quay trở lại Đức?

Hiện mình đang hoàn thiện nốt nghiên cứu cho triển lãm „ Echos der Bruderländer“ ở Haus der Kulturen der Welt, Berlin – triển lãm về chủ đề trao đổi văn hoá, chính trị giữa Đông Đức cũ và các nước khối Xã hội Chủ nghĩa và những hệ quả ở hiện tại, đọc thêm các nghiên cứu về digital art và chuẩn bị cho một số dự án sắp tới ở nhà.

Rất cảm ơn những chia sẻ của anh!

Về Giám tuyển Nguyễn Hải Nam

Nguyễn Hải Nam tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử nghệ thuật và khoa học truyền thông tại trường đại học Martin Luther Halle Wittenberg ( Martin Luther University Halle-Wittenberg). Năm 2019 , Hải Nam được học bổng cho Giám tuyển trẻ và trở thành trợ lý giám tuyển cho Bảo tàng nghệ thuật đương đại Leipzig (GfZK). Thực hành của Hải Nam dựa trên nhiều mối quan tâm như văn hoá di cư, bảo tồn văn hoá, và các chủ đề liên quan đến công nghệ như nghệ thuật số (digital art) hay trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại anh đang làm giám tuyển và nhà nghiên cứu độc lập với Haus der Kulturen der Welt, đồng thời quản lý dự án đào tạo nhóm những người di dân làm công tác cộng đồng về chủ đề chống kì thị chủng tộc ở Halle (Saale).

Tìm hiểu thêm thông tin về Triển lãm “Dưới gốc, mờ ảo hiện” tại đây

NO COMMENTS

Leave a Reply