Lớp học hành lang: Quốc-ngữ bình minh Hồn Việt

Lớp học hành lang: Quốc-ngữ bình minh Hồn Việt

Đăng vào
0

Hạn đăng ký: 23:59, thứ Sáu 15/03/2024
Link đăng ký

Thông tin từ ban tổ chức:

“Là gì vậy, cái ngôn ngữ chúng ta nói, chúng ta nhờ nó mà tư duy, cái nơi chúng ta sống cuộc đời đẹp nhất của mình là cuộc đời trí tuệ và đạo đức, cái ngôn ngữ chúng ta yêu, vậy mà sao nó xa lạ với ta đến thế? Mỗi thế hệ, tới lượt mình, khi bước vào cuộc sinh tồn, lại nắm lấy nó, có thể nói là bám vào nó, rồi truyền lại cho thế hệ kế tiếp với ít nhiều sửa sang thay đổi. Vô tư lự, dửng dưng trước mọi điều huyền bí đang vây quanh ta, chúng ta lấy lại những ngôn từ cũ nơi miệng mẹ ta, hòa trộn chúng và không ngừng khua chúng lên trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, cho tới khi chúng tới ghi lại trên nấm mồ chúng ta những gì chúng ta ngỡ mình là, và hầu như chẳng khi nào chúng ta hỏi xem do đâu mà chúng có cái sức mạnh bí ẩn làm sống dậy được tư tưởng của chúng ta!”

Những dòng này, của sử gia Pháp Gaston Paris (1839-1903), đã được học giả Nguyễn Văn Tố trích đưa vào điếu văn Nguyễn Văn Vĩnh, dịch giả có công gây dựng số phận vẻ vang cho quốc-ngữ, cũng là người tạo dựng nền móng cho báo chí Việt Nam. Thời điểm ấy cách chúng ta một trăm năm. Hiện giờ, chính ở thời điểm hoàng hôn của báo, rất nên quay lại, nhìn vào bình minh của nó ở Việt Nam, cũng chính là thời điểm quốc-ngữ bắt đầu thực sự trở thành đại chúng.

Quá trình ấy diễn ra như thế nào? Ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta thường coi là đương nhiên đã phải trải qua bao nhiêu kỳ tiến hóa, dưới những áp lực nào, mang những dục vọng nào? Làm cách nào thứ ngôn ngữ ban đầu được định hình là công cụ của nhà nước thực dân cuối cùng trở thành địa điểm cho sự củng cố căn tính quốc gia và hình thành reading public đầu tiên ở Việt Nam?

Để lần dò những câu hỏi ấy, không có con đường nào hơn tiếp xúc trực tiếp với chính quốc-ngữ, ở buổi khuôn hình của nó. Lớp học “Quốc-ngữ: bình minh hồn Việt” sẽ đưa chúng ta quay ngược một thế kỷ, đọc những bản dịch Moliere, Fenelon và Balzac mà Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện. Đó sẽ là một thứ tiếng Việt ít nhiều lạ lẫm với mắt và nhất là tai của độc giả ngày nay, nhưng chính nó sẽ hé lộ manh mối về một lịch sử bởi quá đương nhiên nên hầu như thường bị bỏ qua: lịch sử phát triển của quốc-ngữ và báo chí đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Chúng ta sẽ đọc lịch sử này trong đối sánh với lịch sử hình thành reading public ở Châu Âu từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, thử tìm ra những tương đồng và khác biệt và tìm xem vì sao lại thế. Từ cái nhìn dài và rộng ấy, chúng ta quay về với thời mình, với những biến đổi chóng mặt trong reading public (và public sphere nói chung) của thế hệ mình.

Về dự án Lớp học hành lang 2024:

Lớp học Hành lang (LHHL) là mô hình giáo dục bắt nguồn từ dự án Pencil Philosophy, nhưng được phát triển như một hoạt động giáo dục độc lập. Mỗi LHHL sẽ là một lần các bạn trẻ thử sức với việc tự mình tạo ra một khoá học ngắn hạn, nhằm tự giải quyết nhu cầu về tri thức hoặc kỹ năng của chính các bạn, đồng thời cũng chia sẻ những giá trị đó cho cộng đồng.

– Thời gian: 6:00 – 8:00 PM, Chủ nhật các tuần từ 17/03/2024 – 07/04/2024, gồm 4 buổi học trong vòng 4 tuần (1 buổi/tuần).
– Ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp (optional).
– Đối tượng: Các bạn trẻ trong độ tuổi 16-25 tại Việt Nam.
– Học phí: Lớp học hoàn toàn miễn phí nhưng sẽ cần các bạn đặt cọc trước 100k/người ở buổi đầu để mượn 2 cuốn sách “Bệnh tưởng” và “Người biển-lận” của Molière, sau khi hoàn thành khóa học ban tổ chức sẽ cam kết hoàn lại số tiền trên.
– Hình thức: Hybrid kết hợp offline tại 2 địa điểm:
+ Hà Nội: Tổ Chim Xanh – 13 ngõ 27 Đặng Dung.
+ TP.HCM: Reading Cabin – hẻm 18A/33, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, Quận 1.

NO COMMENTS

Leave a Reply