KVT – Hòa nhạc mùa xuân 2011 tại L’Espace

KVT – Hòa nhạc mùa xuân 2011 tại L’Espace

Đăng vào
0

Hòa mình cùng nhịp điệu Sông Hồng

Thật là một ý tưởng hay…bạn chọn ra một vài nhạc công bộ dây xuất sắc nhất của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội và lập ra một nhóm nhạc thính phòng (và như một số người bạn người Nhật trong giới âm nhạc đã nói, thì những nhạc cụ dây này thực sự rất có chiều sâu). Ý tưởng ấy được đặt tên là “Sông Hồng” và tôi hi vọng rằng nó cũng sẽ tuôn chảy mãnh liệt như dòng sông cùng tên trong nhiều năm tới.

Bất kỳ ai sành nhạc cổ điển sẽ không sai lầm khi tham dự những đêm diễn của Sông Hồng. Và khi những buổi diễn ấy được tổ chức ở một khán phòng tuyệt vời như ở L’Espace thì bạn có thể chắc rằng mình sắp được thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc thực sự… và vì giá vé chỉ có 150.000 đồng nên sẽ thật ngu ngốc nếu không nhanh chân đặt mua trước ngay khi người ta vừa quảng cáo. Tôi nghĩ là buổi diễn tới ở Hà Nội sẽ là vào tháng 4. Dù gì đi nữa, tôi đã thấy rất ấn tượng và tôi sẽ cố gắng tìm cơ hội phỏng vấn với người trưởng nhóm để lấy thêm thông tin về họ.

Hôm chủ nhật chúng ta được nghe hai tác phẩm….và cuối buổi các nghệ sỹ đã được tặng không biết bao nhiêu là hoa, mặc dù ngài đại sứ Áo và phu nhân có thể đã tạo ra một trào lưu tặng quà mới…đó là một bông hồng gắn với một chai rượu Áo hảo hạng.

Mở đầu đêm diễn là hai chương đầu của bản tam tấu cho piano số 1, Op 8 của Brahms với phần biểu diễn của piano, violin và cello. Nhóm tam tấu đã không tốn nhiều thời gian để hoà nhập vào chương dài này với đoạn cello chủ đề tuyệt diệu được tiếp nối bằng các nhạc cụ khác. Chương thứ hai thực sự vui tươi và được nhóm tam tấu – lúc này không còn có những rung động hồi hộp hay lo lắng bồn chồn nữa – trình diễn đầy cảm xúc và họ đã đem đến một phần kết rất thú vị.

Thật ngạc nhiên là Clara Schumann, nghệ sỹ dương cầm vĩ đại của thời đó, lại phê bình tác phẩm này và thật may là Brahms đã không quá bận tâm đến điều đó và không ném bản nhạc này vào thùng rác.

Tác phẩm tiếp theo trong chương trình đã được chính Clara biểu diễn lần đầu tiên. Chồng bà, Robert Schumann đã rất thành công với bản ngũ tấu cho piano hết sức ấn tượng này (bản ngũ tấu giọng My giáng trưởng op. 44 cho piano, violin, viola, và cello) nên cuối cùng nó cũng giúp ông trở thành người nổi tiếng, chứ không còn được biết đến đơn thuần là chồng của một nghệ sỹ piano nổi tiếng. Và các bạn cũng nên biết rằng, Felix Mendelssohn là người bạn tốt đã giúp ông hoàn chỉnh chương hai huy hoàng nhưng buồn thảm đó – chính chương này đã đem lại cho tác phẩm những giây phút đáng nhớ nhất.

Bản ngũ tấu, được cho là làm nên tên tuổi Schumann, là một tác phẩm mang tính hướng ngoại và năm nghệ sỹ đã đưa nó đến một cái kết rất ấn tượng. Phạm Quỳnh Trang (piano), Phạm Trường Sơn (violin), Phan Thị Tố Trinh (violin), Hồ Việt Khoa (viola), và Đào Tuyết Trinh (cello) đã tạo nên một chuẩn mực cao cho nhóm Sông Hồng. Thật sung sướng khi được xem và nghe họ biểu diễn và tôi sắp trở thành một trong những fan cuồng nhiệt nhất của họ.

Hãy xem một nhóm ngũ tấu tuyệt vời khác chơi chương cuối của bản ngũ tấu…nhanh vừa.

Ở phần encore họ trình diễn bản “Mùa xuân” của Astor Piazzolla dường như không chỉ để dành tặng cho ngày ấm áp đầu tiên của năm 2011, và để tưởng nhớ đến Piazzolla cùng thứ âm nhạc mang chất tango tuyệt vời của ông mà còn để thể hiện rõ tài năng của nhóm nhạc thính phòng này.

Tôi đạp xe về nhà dọc con đường đê và đi qua một nhóm người bán hàng rong với những chiếc xe chất đầy sầu riêng, và mùi thơm hăng hắc tuyệt vời của chúng khiến cho buổi tối vui vẻ của tôi càng thêm thơ mộng và đáng nhớ.

Tái bút: Với những ai yêu thích Piazzolla, hãy tham dự “Đêm nhạc Piazzolla”. Đó sẽ là một sự kiện âm nhạc tuyệt vời về tất cả các mùa ở Buenos Aires …diễn ra vào 19 tháng 3 ở Nhà hát lớn.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply