Một bộ phim ngắn của Việt Nam được trình chiếu tại Liên...

Một bộ phim ngắn của Việt Nam được trình chiếu tại Liên Hợp Quốc

Với mục đích vinh danh những hoạt động của tổ chức phi chính phủ SCDI trong nhiều năm nay nhằm giúp đỡ những người dân Việt Nam không có giấy tờ, họ đã giao phó cho Paul Zetter, một nhà làm phim tại Hà Nội, thực hiện một bộ phim ngắn. Với rất nhiều trường hợp để nghiên cứu lựa chọn, Zetter đã được truyền cảm hứng bởi câu chuyện của một người thanh niên tên Nam, sống chung với HIV/AIDS với khoảng cách tới cái chết chỉ vỏn vẹn một tờ giấy đăng kí căn cước công dân. Không thể hoàn thiện tờ đơn vì thiếu giấy tờ, với luật pháp hiện hành, anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận thuốc để đẩy lùi căn bệnh. Xuất phát từ việc mẹ anh quá xấu hổ vì không thể chi trả được phí đăng kí khai sinh tại bệnh viện, Nam (tên nhân vật đã được thay đổi), đã sống một cuộc sống bên rìa xã hội, hầu như không có giấy tờ và bị lãng quên.

May mắn thay, đã có một tia hy vọng cho những người như Nam – từ khi bộ phim được hoàn thành và sau nhiều năm nỗ lực của SCDI và các tổ chức khác, hiện giờ Chính phủ đã có nghị định cho phép cấp thẻ bảo hiểm y tế mà không cần căn cước công dân. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho tới khi điều này được viết thành luật.

Bộ phim được ra mắt bởi Giám đốc SCDI, Khuất Thị Hải Oanh, vào ngày 23/09 tại Cuộc họp về Chăm sóc sức khỏe toàn dân tại trụ sở LHQ tại New York.

Bộ phim bởi: Paul Zetter
Chỉ đạo sản xuất: Hoa Vũ
“The ink from my pen flows into a memory” (Dòng mực bút tan chảy vào ký ức) bởi Paul Zetter
Dịch bởi: Phạm Ngọc Đức & Đinh Thị An Hà

Dòng mực bút tan chảy vào ký ức

Dòng mực bút dệt nên ngôn từ, nhoè đi bởi luật định
Một sinh mệnh sống bên lề trang giấy không đánh số
Bị cô lập và thờ ơ.

Rõ ràng em đang sống đây
nhưng không có nổi số căn cước
bởi, để em bơ vơ, người quay bước
bỏ ngỏ sự tồn tại của em.

Mẹ lặng lẽ rời bệnh viện, ôm em
đỏ hỏn trong vòng tay
trốn chạy nỗi tủi nhục bần hàn,
em chưa bao giờ được khai sinh.

Em ngồi đây, chờ đợi được tái sinh
với một con số.

Em chỉ biết tên cha khi người đã quá cố
Song sắt nhà tù chia lìa mẫu tử
Từ vòng tay yêu thương của bà em lớn khôn

Dòng mực bút tan chảy vào ký ức giữa tầng không

Em nằm dưới mái vòm những vì sao
hay những xác thân kiếm tìm khoái lạc,
“căn bệnh thế kỷ” em lây nhiễm từ thuở nào

Lá đơn này sẽ chắp cánh em bay
nếu em có con số cho riêng mình.
Nhưng cánh cửa đang đóng kín, khóa chặt vì vô vàn luật định.

Hãy cho em danh tính
Hãy cho em con số của mình,
Cho em quyền được sống, quyền nói không với cái chết.
Đừng bỏ rơi em.

Lá đơn sẽ dẫn lối cho em
Tới một cuộc sống khoẻ mạnh,
Danh tính được công nhận,
để bà mỉm cười tự hào

Dòng mực bút tan chảy vào ký ức.

NO COMMENTS

Leave a Reply