Our light: Cuộc du hành cùng âm thanh và ánh sáng

Our light: Cuộc du hành cùng âm thanh và ánh sáng

Đăng vào
0

Nguyễn Đức Tùng viết và ghi hình cho Hanoi Grapevine
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Sự kết hợp giữa nhóm nhạc ANNAM duo và nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long (ảnh do VCCA cung cấp)

Đến với “Our Light” tôi hiểu hơn về sức mạnh của tính bản địa trong môi trường âm nhạc đương đại. Sự kiện do Hanoi Grapevine và Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) đồng tổ chức cuối tuần qua, ngày 26/10.

“Chuyến hành trình” bắt đầu với những tiếng kèn môi của dân tộc H’mông, kết hợp cùng tiếng sáo Mèo và những sắp đặt âm thanh điện tử. Lúc này trên màn hình là sự chuyển biến liên tục của những khoảng màu đơn sắc. Những ánh sáng ấy như cuộn vào nhau, rồi đổ tràn ra khỏi biên giới của mặt phẳng màn hình, len lỏi vào những khoảng trống của căn phòng tối đen. Nhóm nghệ sĩ dần dẫn dắt khán giả vào một thế giới giả tưởng. 

Dustin NGO (Nguyễn Phan Huy) từ ANNAM duo chơi chiếc kèn môi

THDC (Vũ Phương Thảo) từ ANNAM duo với cây sáo Mèo

Càng đi sâu vào thế giới ấy, âm thanh và ánh sáng dần trở nên phức tạp và đa chiều. Khán giả bắt gặp một luồng âm thanh khỏe khoắn và đầy hào khí từ chiếc kèn Suona (hay còn gọi là kèn bát). Đây là loại nhạc cụ có xuất xứ từ Ba Tư, theo con đường tơ lụa tới một số quốc gia châu Âu và châu Á. Loại kèn này cũng đã du nhập vào Việt Nam và trở thành nhạc khí của một số dân tộc như Tày, Chăm,…Ánh sáng cũng không còn đơn sắc mà càng lúc càng bất định, đan xen cùng những họa tiết vừa có vẻ quen thuộc song cũng rất “nghịch” mắt.

Đài sen, Khuê Văn Các, con nghê, rồng thời Lý,…và những họa tiết mang đậm văn hóa Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong câu chuyện hình ảnh của Cao Hoàng Long (hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Tới đây, tôi tạm coi mình đang ở bến “Truyền thống” trong chuyến hành trình cùng các nghệ sĩ. Đưa mắt nhìn quanh, toàn những hình ảnh quen thuộc đang dần trở nên kỹ thuật số hóa. Những vết glitch “lở loét” giữa Khuê Văn Các và các đài sen làm lộ ra những vệt màu xanh đỏ. Cùng với tiếng nhạc mỗi lúc một dồn dập, những hình ảnh cũng không ngừng chồng chéo lên nhau. Ánh sáng trên màn vụt tắt, không gian chỉ còn nghe rõ những âm thanh tựa như kinh Phật.

Ánh sáng trở lại mang theo những hình ảnh có phần mới lạ và ẩn dụ hơn. Khác với điểm dừng chân “Truyền thống”, phần “Hiện đại” này đầy những hình người ở dạng không gian ba chiều, trước mỗi đôi mắt là một “màn hình” nhỏ không có tín hiệu.

Tiếng kèn Suona lúc này không còn vẻ hào khí như trước, thay vào đó là cảm giác tiếc thương. Niềm tiếc thương ấy cứ dai dẳng, cho tới khi beat điện tử lại đập dồn, hình ảnh không chỉ còn là những người “vô tri”, tiếng Souna lại oai hùng như trước. Nếu có khán giả lỡ ngủ quên trên nỗi tiếc thương dai dẳng, đoạn nhạc này chính là hồi thức tỉnh. Ở những phần hình ảnh sau, ý niệm của nhóm nghệ sĩ được truyền tải theo cách gợi mở và rõ ràng hơn. Theo Dustin chia sẻ, hình ảnh chùa Một Cột, những màn hình radar, những con người xếp thành hàng với những dải màu sắc khác nhau thể hiện cho mong muốn các bạn trẻ cần xác định được tính bản địa trong mỗi cá nhân nói riêng và trong thế giới chung. Mỗi nền văn hóa đều có một màu sắc khác nhau, và mỗi con người sẽ lại mang màu sắc của mình kết hợp với những màu sắc khác để tạo ra một môi trường toàn cảnh hài hòa. 

Nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long chia sẻ về hình ảnh màn kết: “Trong thế giới tưởng tượng của mình, con người được làm bằng sứ và bên trong mỗi con người đều có một nguồn sáng. Nếu không biết tận dụng nguồn sáng ấy thì lúc nào trước mắt chúng ta cũng chỉ là một màn hình vô tín hiệu” (hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Phần trình diễn kết thúc trong sự tán dương nhiệt thành từ khán giả. Mọi người đều mang một tâm thế rất cởi mở để tiếp cận với một dòng nhạc mới và tích cực đặt câu hỏi cũng như phản hồi những cảm xúc sau “chuyến hành trình” siêu thực vừa rồi. Một tín hiệu đáng mừng từ phía khán giả cho các nghệ sĩ độc lập nói riêng và môi trường âm nhạc tại Việt Nam nói chung.

Một trích đoạn từ buổi diễn./

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NO COMMENTS

Leave a Reply