“ÂM + NHẠC = ?” – CHUỖI TRÌNH DIỄN ÂM NHẠC THỂ...

“ÂM + NHẠC = ?” – CHUỖI TRÌNH DIỄN ÂM NHẠC THỂ NGHIỆM ĐƯƠNG ĐẠI

19:00 – 20:00, Chủ nhật, ngày 19/01/2020
Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)
B1-R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Thông tin từ VCCAHanoi Grapevine

Sự hợp tác trong năm 2020 giữa Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) và Hanoi Grapevine – kênh truyền thông trọng yếu về văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ đem đến một series chương trình âm nhạc đương đại thể nghiệm thân thiện với khán giả có tên “Âm + Nhạc = ?”.

Cái tên nhằm gợi mở và dẫn dắt khán giả vào thế giới âm nhạc/âm thanh mà các nghệ sĩ tham gia chuỗi chương trình sẽ tạo ra. “Âm” là tiếng, thanh, được tạo ra từ nhạc cụ, đạo cụ, thiết bị điện tử hay đồ vật bất kỳ. “Nhạc” gợi ý về phương pháp, tư duy, thời gian và công sức tạo ra âm nhạc từ các chất liệu âm thanh khác nhau. Dấu “=” thể hiện kênh truyền tải – hình thức âm nhạc, cảm xúc và nhiệt huyết, sự đắm mình vào nghệ thuật và mong muốn chia sẻ, kể chuyện của người nghệ sĩ. Dấu “?” dành cho sự cảm nhận và ghi nhận của khán giả.

Biểu thức không tìm kiếm một giá trị đúng duy nhất, “Âm + Nhạc = ?” sẽ là nơi mỗi khán giả đón nhận âm nhạc theo cách của riêng mình, nghe và “thấy” những rung động từ tác phẩm đi qua đôi tai, vào trái tim, vào khối óc, trí tưởng tượng – một cách hết sức cá nhân, vì mỗi chúng ta là một phiên bản khác biệt và độc đáo.

Các nghệ sĩ tham gia “Âm + Nhạc = ?” đều là các gương mặt khá tiêu biểu đang theo đuổi việc khám phá và tạo ra các định nghĩa mới của riêng mình về thế nào là âm nhạc thú vị. Những gì họ làm mới mẻ, khác biệt và mang tính thử nghiệm, cởi mở hơn so với cách làm nhạc đại chúng, vì thế sẽ tạo điều kiện cho khán giả được khám phá và nới rộng các ranh giới âm nhạc.

Hướng đến việc kết nối cũng như gia tăng hiểu biết, sự đồng cảm giữa nghệ sĩ và khán giả, chuỗi chương trình “Âm + Nhạc = ?” sẽ kết hợp giữa biểu diễn và trò chuyện, chia sẻ, hỏi đáp về quá trình thực hành, chất liệu sáng tạo của nghệ sĩ, thậm chí tạo cơ hội cho khán giả trải nghiệm quá trình sáng tạo ngay trong khuôn khổ buổi trình diễn. Cách tổ chức gần gũi, cách trò chuyện chân phương và chân thành sẽ giúp hai bên “chạm” và cảm nhận nhau nhiều nhất có thể.

Giới thiệu chương trình buổi 1:
TOI ? ^ / \ . (Tôi, Tối, Tồi, Tội, Tỏi / hay Ga Cuối)

Buổi trình diễn mở đầu chuỗi chương trình “Âm + Nhạc = ?” sẽ có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ: Tuấn Nị, Hương DonNa, Hoài Anh và Bùi Vũ Thanh Trúc.

Trước thềm Tết âm lịch, buổi diễn mời khán giả cùng lên chuyến tàu chậm khám phá đường hầm “TÔI”, để lắng nghe những tự sự bằng âm nhạc của các nghệ sĩ mà ở đó, mỗi chặng, mỗi ga đi qua sẽ là một dấu mốc, một câu chuyện chất chứa suy tư, tự vấn về bản thân và những quyết định đúng/ sai trên hành trình cuộc đời. Các màn trình diễn solo, duo và trio của các nghệ sĩ có sử dụng đàn bầu, violon, sáo, thiết bị điện tử và vật dụng (object). Sau khi tàu về “ga cuối”, khán giả và nghệ sĩ sẽ cùng trò chuyện, chia sẻ cảm nhận về hành trình vừa qua cũng như việc làm thế nào mà các nghệ sĩ cùng tạo ra không gian âm nhạc.

Chương trình hoàn toàn miễn phí, người tham dự chỉ cần đến đúng giờ và đăng ký trước tại link này: https://tinyurl.com/u5zru6q

(*Lưu ý: Sự kiện không phù hợp cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi)

Hẹn gặp tất cả các bạn trong số đầu tiên của “Âm + Nhạc = ?”.

Thông tin nghệ sĩ

Hương DonNa tốt nghiệp ngành Sư phạm âm nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương năm 2013, tốt nghiệp ngành Keyboard Jazz tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2014, và tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản lý Văn hoá tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương năm 2016. Năm 2012, cô đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Bên cạnh đó, cô cũng tham gia các khoá học tại Trung tâm âm nhạc và Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm do chuyên gia Henrik Frisk, Stefan Ostersjo và nghệ sĩ Trần Kim Ngọc hướng dẫn. Hương DonNa tham gia rất nhiều các dự án và chương trình biểu diễn âm nhạc thể nghiệm từ năm 2013. Năm 2018, cô có 2 tác phẩm trình diễn cá nhân “Búp bê DonNa” và “Baloon”. Năm 2019, cô sáng chế 2 nhạc cụ “Zeng Zây Zung”, “Đàn Lon” và có 3 tác phẩm trình diễn “Tự do”, “Tìm”, “Life”. Cũng năm 2019, cô đã tham gia các dự án lưu trú “Tìm hiểu Nhã Nhạc Cung Đình” tại Huế, “Solo Marathon 2019” tại Á Space, dự án trao đổi “Blind Signal” tại Đức và Việt Nam. Hiện nay, cô là giảng viên khoa Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và là nghệ sĩ tích cực tham gia các chương trình nghệ thuật tại Hà Nội. Trong quá trình thực hành nghệ thuật, cô luôn thử nghiệm phối hợp các vật dụng đời thường (object) theo cách vô cùng chân thực, kết hợp với điện tử và nhạc cụ truyền thống để kể các câu chuyện của mình.

Hoài Anh đến với âm nhạc từ nhỏ trong một gia đình giàu truyền thống văn hoá nghệ thuật. Cô từng được đào tạo qua các trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước: nhạc dân tộc, với các nhạc cụ tranh, bầu, t’rưng tại Trường cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Hà Nội; nhạc cổ điển với piano, harp tại Học viện Âm nhạc quốc gia thành phố Bordeaux (Pháp), nhạc electroacoustic tại Nhạc viện George Bizet ở Paris (Pháp). Từng biểu diễn tại nhiều nước Châu Âu (Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ…), Hoài Anh luôn khao khát đem đến giới thiệu cho khán giả quốc tế những nét tinh tuý, độc đáo trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Dưới sự dìu dắt tận tình của nhà nghiên cứu văn hoá, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, GS-TS Trần Văn Khê, cô đã tốt nghiệp Thạc sĩ khoa nghiên cứu Dân tộc nhạc học trường Sorbonne, Paris, năm 2009, chuyên ngành Hát chèo; tiếp đó, về nước công tác tại Đài Tiếng Nói Việt Nam với vai trò phóng viên âm nhạc từ 10 năm nay. Với niềm đam mê âm nhạc, cô luôn tìm tòi, giao lưu và không ngừng học hỏi về nhiều dòng nhạc cũng như các nhạc cụ đa dạng trên thế giới. Đối với Hoài Anh, âm nhạc là sợi chỉ hồng kết nối mọi nguồn cảm hứng trong cuộc sống. Trở thành thành viên của Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm DomDom đã giúp cô tìm được cho mình một phương thức biểu đạt mới, tự do, phóng khoáng, thể hiện những suy tư, rung động của mình trước thiên nhiên, sự vật và con người, qua đó bộc lộ cá tính, và định hình một tiếng nói nghệ thuật có tính cá nhân mạnh mẽ.

Tuấn Nị bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 14 tuổi với dòng nhạc Funk và Hip hop. Anh còn được biết đến như một vũ công breakdance và hip hop. Anh bắt đầu theo học chuyên ngành Sáng tác tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam từ năm 2017. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia khóa học tại Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm do nghệ sĩ Trần Kim Ngọc hướng dẫn. Một số tác phẩm anh đã sáng tác và dàn dựng biểu diễn: “No hope” cho Violin, Piano; “Tụng kinh” cho Violin, Cello, Piano. Các chương trình Tuấn Nị từng tham gia: Hanoi New Music Festival 2018, Limitation – Improvisational performance, music and dance; Anewhaii session #02 Hanoi; Berlin – Hanoi Workshop.

Bùi Vũ Thanh Trúc hiện theo học chuyên ngành violin tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dù đang được đào tạo bài bản về nhạc cổ điển, Thanh Trúc cũng hứng thú, quan tâm đến thực hành âm nhạc thể nghiệm và đã bắt đầu cộng tác trong một số dự án, tác phẩm mang màu sắc đương đại. Cô từng tham gia biểu diễn ở một số chương trình nghệ thuật ở Việt Nam, trong đó có The EDM Orchestra…

NO COMMENTS

Leave a Reply