Triển lãm: Hình ảnh và Khoảng cách

Triển lãm: Hình ảnh và Khoảng cách

Đăng vào
0

09:30 – 22:00, 31/05 – 31/07/2020
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA)
B1-R3, Vincom Mega Mall Royal City
72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Thông tin từ VCCA:

Các tác phẩm của Gustav Klimt và Egon Schiele trong thời kỳ biến chuyển

Gustav Klimt và Egon Schiele sống cùng thời ở Vienna vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thành phố trong Thời kỳ hiện đại Vienna có thể nói đã trở thành một môi trường đặc biệt nơi chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt của châu Âu với bóng đen của Thế chiến I bao phủ. Môi trường này đã sản sinh ra không chỉ Klimt và Schiele mà cả những nhân vật lừng danh thế giới như kiến trúc sư Adolf Loos và Otto Wagner, các nhà soạn nhạc Arnold Schönberg, Alban Berg, các tác gia văn học như Karl Kraus, Robert Musil, nhà triết học Ludwig Wittgenstein và Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học.

Klimt phản đối nền giáo dục hàn lâm cũng như thái độ bảo thủ của thế giới nghệ thuật đương thời. Trong vai trò chủ lực của phong trào Ly khai Vienna – được xem như trào lưu tập hợp các nghệ sĩ thể nghiệm lúc bấy giờ, Klimt đã tiên phong kiến tạo một hình thức biểu hiện nghệ thuật độc đáo và mới mẻ. Nhiều tác phẩm của ông phản ánh một cảm thức mạnh mẽ về khao khát tình yêu, sự sống và cái chết. Klimt cũng đi đầu trong việc khai thác và phát triển yếu tố trang trí ở hội họa. Schiele ngưỡng mộ Klimt, người đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách của ông. Dù vậy, tài năng nghệ thuật của Schiele vô cùng khác biệt so với Klimt. Không đi theo lối tạo hình tỉ mỉ, tinh tế, những tác phẩm của Schiele biểu lộ xúc cảm mãnh liệt thông qua những đường nét tự do, phóng khoáng đầy nội lực.

Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà sự dịch chuyển qua lại trên phạm vi toàn cầu của con người và hàng hóa đã dẫn đến một đại dịch kinh hoàng mang tên “cúm Tây Ban Nha”. Dịch bệnh khởi phát ở Mỹ vào năm 1918 sau đó vượt Đại Tây Dương lan đến châu Âu khi binh lính Mỹ được điều động đến đây tham chiến, gây ra làn sóng đầu tiên. Sau làn sóng thứ hai, thứ ba và kết thúc vào năm 1920, đại dịch đã lây nhiễm cho khoảng 25-30% dân số thế giới, theo một số ước tính có 17 triệu người chết vì cúm Tây Ban Nha trong khi một số ước tính khác nói rằng con số này lên tới 100 triệu người. Năm 1918, cả Klimt và Schiele đều chết bởi dịch bệnh này.

Về triển lãm:

Triển lãm này giới thiệu các tác phẩm của hai nghệ sĩ thông qua các hình ảnh số có độ phân giải cao. Các hình ảnh có kích thước khác nhau và được trình chiếu trên nhiều thiết bị như máy chiếu, màn hình tivi, máy tính và điện thoại di động. Bởi vậy mà khoảng cách vật lý giữa bạn và các hình ảnh sẽ liên tục thay đổi. Bên cạnh đó, trên mặt sàn có những vạch kẻ bằng băng dính dạ quang tách nhau 2 mét, như một gợi ý về khoảng cách tạo ra bởi giãn cách xã hội – giúp đảm bảo an toàn cho bạn và những người khác.

Có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”. Đối với người nhìn, hình ảnh có khi để sở hữu, lấy dùng, cũng có khi nhìn chỉ để nhìn vậy. Trong thời đại của truyền thông xã hội và tiếp cận hình ảnh không giới hạn ngày nay, triển lãm hy vọng sẽ giúp chúng ta ý thức và suy ngẫm về sự thấy, về cách nhìn, xem cách thức chúng ta tiếp nhận hình ảnh có thể có tác động như thế nào trong thời đại này.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện

Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)
B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City
72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội

NO COMMENTS

Leave a Reply